Phát minh túi đỡ đẻ của ông thợ sửa xe

Sau khi xem video clip trên YouTube, một ông thợ sửa chữa ô tô người Argentina chợt nảy ra ý tưởng tuyệt vời về một cái túi có thể dùng để giúp cho các ca đẻ khó. Không chỉ có vậy, ông còn thuyết phục được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ sáng chế của mình.

Trong video, một người đàn ông dùng sức mạnh nhấn cái nút bấc vào một vỏ chai rồi quả quyết, có thể lấy cái nút ra khỏi cổ chai mà không đập vỡ cái chai. Sau đó ông ta lấy một túi ni lông, xếp nhỏ phần đáy túi rồi tuồn vào trong cái chai và thổi mạnh vào miệng túi, túi trong chai phồng lên và ôm trọn cái nút. Sau đó người đàn ông từ từ rút cái túi ra và cái nút cũng bị lôi bật ra ngoài.

Đã có trên 600.000 người xem clip này, phần lớn chỉ xem để biết và coi đây là chuyện tầm phào, vô bổ vì mấy khi cần phảỉ lấy một cái nút chai ra khỏi một cái vỏ chai rỗng không? Chỉ có ông thợ chữa xe ô tô Jorge Odón bỗng thấy có cảm hứng.

Ý tưởng tuyệt vời nảy sinh lúc 4 giờ sáng

Bốn giờ sáng ngày hôm sau, ông đánh thức bà vợ nằm bên. “Một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu tôi,” Odón kể với tờ “New York Times”. Ông liên tưởng cái nút bấc trong vỏ chai với đứa trẻ sơ sinh trong bụng mẹ và bị kẹt cứng trong đó. Vậy liệu người ta có thể lôi đứa bé ra khỏi bụng người mẹ đơn giản như lôi cái nút chai ra khỏi miệng chai hay không? Lúc đầu, vợ ông càu nhàu bảo ông điên, nhưng sau đó bà cũng giúp ông một tay trong việc thực hiện ý tưởng này.

Bà giúp ông khâu một cái túi tương tự như cái túi ni lông, một con búp bê của con gái được dùng làm cái thai thí nghiệm, lấy một cái bình thủy tinh giả làm dạ con. Nguyên mẫu thí nghiệm thành công. Không chỉ có vậy, ông thợ sửa chữa ô tô đã thuyết phục được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ sáng chế của mình.

Một trong 20 ca sinh nở phải dùng đến giác hút

Quá trình sinh nở nhiều khi bị khựng lại, thí dụ do người mẹ mệt lả, bị mất sức, cơn đau đẻ giảm hoặc cái thai quá to bị kẹt cứng trong bụng mẹ không chui ra được. Trong trường hợp này, bác sỹ ở Đức thường dùng forceps, hoặc, phổ biến hơn, dùng một giác hút để lôi đứa trẻ sơ sinh ra ngoài. Năm 2012, trung bình cứ 20 ca thì có một ca đẻ phải hỗ trợ bằng forceps hoặc giác hút (5,7% bằng giác hút và 0,5% bằng forceps). Nếu ca đẻ quá phức tạp và nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn con thì phải chuyển vào phòng mổ.

Tại các nước đang phát triển, các ca đẻ khó thường thiếu phương tiện và nhân lực để hỗ trợ, nhất là ở vùng nông thôn hẻo lánh, xa xôi.

Đầu đứa trẻ được ôm gọn trong túi khí

Với những trường hợp như vậy, WHO hy vọng trong tương lai có thể áp dụng phát minh của ông Odón vì phương pháp này vừa đơn giản, vừa dễ sử dụng và ít tốn kém. Điều này đã được chứng minh qua các thử nghiệm. Ở đây Odón đã áp dụng đúng nguyên tắc lấy nút chai ra khỏi vỏ chai trong video clip.

Thao tác thực hiện: bà đỡ trùm lên đầu trẻ sơ sinh một cái túi ni lông hai lớp khi đứa trẻ vẫn chưa chui ra khỏi bụng mẹ. Sau đó, người ta bơm không khí và giữa hai lớp túi, đầu đứa trẻ nằm gọn trong một cái bọc không khí.

Lúc này bà đỡ từ từ rút cái túi ra đồng thời lôi luôn cả đứa trẻ sơ sinh ra ngoài. Để ca đẻ dễ dàng hơn, có thể bôi trơn thành túi bằng một loại chất nhờn. Thí nghiệm cho thấy, phương án hỗ trợ đẻ khó này thành công. Tuy nhiên, cần có loại túi chuyên dụng đồng thời còn một số vấn đề phải được nghiên cứu thêm trước khi đưa ra ứng dụng rộng rãi.

Giá một cái túi chưa đến 50 USD

Phát minh của ông Odón đã được thử nghiệm ở 30 phụ nữ Argentina, đây là trường hợp các bà mẹ đẻ bình thường tại bệnh viện. Một bà mẹ sinh đứa con nặng 4,5 kg sau khi đẻ đã nói với báo “New York Times” rằng, phương pháp này “đã giúp bà thực sự”.

WHO dự kiến sẽ tiếp tục thử nghiệm đối với 100 phụ nữ khác ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi – cũng chỉ áp dụng với những ca đẻ thường. Sau loạt thí nghiệm này, sẽ dùng túi đẻ cho 170 trường hợp đẻ khó. Nếu qua thử nghiệm, túi đẻ tỏ ra có hiệu quả thì sẽ tiến hành sản xuất công nghiệp loại. Hãng Becton, Dickinson and Company của Mỹ, nổi tiếng khắp thế giới về sản xuất ống tiêm đã nạp đơn xin cấp giấy phép sản xuất loại túi này, giá mỗi túi dưới 50 USD. Các nước đang phát triển sẽ được ưu tiên về giá cả.

WHO tỏ ra lạc quan, trên trang web của mình, tổ chức này đã nói về một loại dụng cụ có thể “cứu tính mạng con người”. Bất luận thế nào, phát minh của ông thợ sửa chữa ô tô 59 tuổi đã tiến xa hơn những nỗ lực khác trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy: để tạo nên một sự biến đổi mạnh mẽ trong y tế không nhất thiết phải có những đổi mới phức tạp về kỹ thuật – đôi khi những ý tưởng tuyệt vời cũng tạo nên những thay đổi hết sức to lớn.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)