Phát thải oxit nitơ tăng do nhu cầu về thịt và phân bón
Gần đây, sau khi theo dõi sát sao các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, các nhà khoa học về Trái đất gồm GS. Hanqin Tian (Đại học Boston), GS. Eric Davidson (Đại học Maryland) và các đồng nghiệp đã công bố một bản báo cáo đánh giá toàn diện về khí N2O (Nitơ Oxit) - một loại khí thải nhà kính sinh ra chủ yếu từ sản xuất thực phẩm.
Cùng với khí CO2 (Carbon dioxit) và CH4 (Metan), N2O là một trong những khí nhà kính có tác động lớn nhất mà con người đang thải vào khí quyển. Mặc dù tỉ lệ khí N2O ít hơn CO2 trong khí quyển, nhưng với cùng thể tích nó có khả năng làm ấm Trái đất gấp 300 lần so với CO2, ngoài ra N2O còn tồn tại trong khí quyển và giữ nhiệt trong hơn một thế kỷ. Hiện nay, mức độ khí N2O trong khí quyển cao hơn khoảng 25% so với thời điểm trước Cách mạng Công nghiệp, và chúng vẫn đang tăng với tốc độ đáng lo ngại.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của sự gia tăng khí N2O và tích lũy khí này trong khí quyển là do khối lượng phân bón cây trồng được sử dụng tăng lên và việc xử lý không hợp lý phân chăn nuôi.
Vào thời điểm trước Cách mạng Công nghiệp, các nguồn phát thải N2O từ vi sinh vật trong đất rừng và đại dương tương đương với các nguồn tiêu thụ khí này trong không khí, do đó nồng độ N2O trong khí quyển tương đối ổn định.
Tuy nhiên, bùng nổ dân số với nhu cầu thực phẩm tăng nhanh chóng đã làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên đó.
Hoạt động của con người đã tăng phát thải N2O đến 40% trong bốn thập kỷ gần đây, với nông nghiệp đóng góp khoảng 74% vào tổng phát thải N2O của nhân loại.
Phân đạm (phân bón từ Nitơ) được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp là một trong những tác nhân lớn nhất. Phân bón chiếm đến 70% tổng phát thải khí N2O từ nông nghiệp trên toàn cầu. Phân động vật từ chăn nuôi chiếm gần 30%. Một nguồn phát thải N2O nhỏ hơn nhưng đang tăng nhanh là nuôi trồng thủy sản, như nuôi cá, đặc biệt là ở Trung Quốc, với lượng phát thải tăng đến 25 lần trong 40 năm qua.
Ngoài canh tác nông nghiệp, các quy trình công nghiệp như sản xuất nylon, thuốc nổ, phân bón, và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch cũng đóng góp vào phát thải khí N2O, nhưng ở mức độ thấp hơn so với nông nghiệp.
Các nền kinh tế lớn mới nổi, như Trung Quốc và Ấn Độ, đã phát thải N2O rất nhiều trong bốn thập kỷ qua khi những quốc gia này tăng năng suất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của dân số ngày càng tăng.
Theo GS. Eric Davidson và GS. Hanqin Tian, nỗ lực giảm phát thải N2O đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ từ chính sách, đổi mới công nghệ, đến hành động của mỗi cá nhân.
Các chính sách có thể khuyến khích nông dân sử dụng hiệu quả sản phẩm Nitơ, tối ưu hóa sử dụng phân bón, giảm phát thải N2O và các hình thức ô nhiễm Nitơ khác thông qua những chương trình đa dạng.
Bên cạnh đó, người nông dân có thể áp dụng những kỹ thuật nông nghiệp chính xác, bao gồm sử dụng cảm biến từ xa và thiết bị GPS định vị vệ tinh, có thể giúp thay đổi tỷ lệ phân bón áp dụng để tối ưu hóa quản lý dinh dưỡng giảm thiểu mất Nitơ, từ đó giảm phát thải N2O .
Tương tự như vậy, những đổi mới trong quản lý chăn nuôi, chẳng hạn việc bổ sung thức ăn và cải thiện xử lý chất thải, có thể giảm lượng N2O từ gia súc.
Các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất nylon và phân bón, có thể ứng dụng các công nghệ hiện có giá cả phải chăng để giảm gần như toàn bộ việc phát thải N2O. Trung Quốc và Hoa Kỳ cần đặc biệt chú ý đến giải pháp này, bởi họ chịu trách nhiệm cho phần lớn phát thải N2O công nghiệp.
Người tiêu dùng có thể tăng lượng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật trên bàn ăn của mình. “Bạn không cần trở thành một người ăn chay, nhưng giảm khẩu phần thịt và sữa có thể tốt cho cả bạn và môi trường”, các nhà khoa học cho biết. Cuối cùng, việc áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường như ủ phân thực phẩm và giảm sử dụng phân bón trên bãi cỏ cũng giúp ích cho việc giảm phát thải N2O. □
Anh Lưu lược dịch
Bài đăng Tia Sáng số 12/2024