Phát thanh-truyền hình bằng tiếng dân tộc: Ngôn ngữ, phương ngữ nào cần được phát sóng?
Những năm gần đây, các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc liên tục được mở rộng cả về số lượng (ngôn ngữ) lẫn thời lượng và nội dung. Tuy nhiên, do cơ hội được lựa chọn để phát sóng không thể đến được với tất cả các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nên xuất hiện một câu hỏi lớn: Sử dụng ngôn ngữ, phương ngữ dân tộc thiểu số nào để phát sóng?
Có số dân đông trên 1 triệu, nhưng cả tiếng Mường, tiếng Tày – Nùng chưa được lên sóng trên Hệ Phát thanh Dân tộc VOV4. Ảnh: Một phụ nữ Tày ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, bên khung cửi. Nguồn: caobang.gov.vn.
Ngôn ngữ, phương ngữ dân tộc thiểu số nào đang được phát sóng?
Theo số liệu thống kê chính thức của cuộc Tổng điều tra dân số (2009), dân số Việt Nam là gần 86 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85%, còn lại là các dân tộc thiểu số. Tuy về mặt dân tộc, chúng ta có 53 dân tộc thiểu số, nhưng thực tế có bao nhiêu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, và trong ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số có bao nhiêu phương ngữ, vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng, chính xác và chưa đạt được sự thống nhất trong giới nghiên cứu. Có tài liệu còn đề cập đến một danh sách gồm 90 ngôn ngữ với một rào đón thận trọng rằng danh sách các ngôn ngữ, phương ngữ này vẫn cần phải được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh.
Tạm thời không xét đến những ngôn ngữ có số lượng người sử dụng ít, trên đại thể, chúng ta có thể nói rằng ngôn ngữ nào cũng có các phương ngữ (tiếng địa phương); phương ngữ nào cũng lại có nhiều thổ ngữ, thổ âm khác nhau. Chẳng hạn, tiếng Hmông có các phương ngữ Hmông (Hmông Hoa), Hmông Đơ (Hmông Trắng), Hmông Đu (Hmông Đen), Hmông Sua (Hmông Hán), Hmông Si (Hmông Đỏ); Chăm thì có Chăm Đông (Ninh Thuận, Bình Thuận), Chăm Tây (An Giang, Tây Ninh), Chăm Hroi (Bình Định), Nùng thì có Nùng Dín, Nùng Lòi, Nùng Phàn Slình,…
Hiện nay đã có gần 30 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát sóng trên Hệ Phát thanh Dân tộc VOV4 và trên Ban Truyền hình Dân tộc VTV5. Nhìn chung, các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú đều đã có các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc; các huyện, xã ở các vùng dân tộc cũng đã có chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc.
Xét trên phương diện lí thuyết, pháp lí cũng như mục đích thực tế thì tất cả các ngôn ngữ dân tộc thiểu số đều có thể và cần được phát sóng trên phát thanh truyền hình, vì (1) tất cả các dân tộc, các ngôn ngữ đều bình đẳng, (2) phát thanh truyền hình bằng ngôn ngữ là một trong hai cách làm (cùng với giáo dục ngôn ngữ) hiệu quả nhất để bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Thậm chí, xét ở một góc độ nào đó (về tính nhân văn, về nhu cầu bảo tồn sự đa dạng sinh thái về ngôn ngữ, văn hóa, tri thức bản địa,…), chúng ta thấy rằng chính những ngôn ngữ yếu, có số lượng người nói ít, dễ bị mai một, tiêu vong (ví dụ như tiếng Si La, Pu Péo, Ơ Đu) lại là những ngôn ngữ cần được hỗ trợ phát triển qua con đường truyền thông và giáo dục nhất. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau, cơ hội được lựa chọn để phát sóng không thể đến được với những ngôn ngữ này nói riêng và đến được với tất cả các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, chúng ta buộc phải lựa chọn một số ngôn ngữ nhất định để phát sóng.
Những ngôn ngữ được lựa chọn để phát sóng hiện nay trên VOV4 và VTV5 đều là những ngôn ngữ có dân số đông, có số lượng người nói lớn, có nhiều dân tộc cùng sử dụng (thường được xem là những ngôn ngữ vùng), có địa vị và uy tín về văn hoá xã hội, đã có chữ viết chính thức,… Những căn cứ để lựa chọn một ngôn ngữ nào đó để phát sóng như vậy nhìn chung là hợp lí. Tuy nhiên, nếu chiếu những tiêu chí đó vào tình hình thực tế thì có lẽ danh sách các ngôn ngữ được lựa chọn phát sóng nên được điều chỉnh. Chẳng hạn, hiện nay tất cả những ngôn ngữ được lựa chọn để phát sóng trên VOV4 đều có số dân đông trên 10 vạn, nhưng cả tiếng Mường và tiếng Tày – Nùng đều có dân số trên 1 triệu (đều đã có chữ viết, có vị thế và văn hóa xã hội,…) lại không được phát sóng.
Bên cạnh đó, nhìn chung, ngôn ngữ nào cũng có các phương ngữ khác nhau, nên khi đã lựa chọn một ngôn ngữ để phát sóng thì người ta buộc phải lựa chọn một hay một vài phương ngữ nào đó để phát sóng, có nghĩa là người ta tiếp tục thực hiện sự lựa chọn của sự lựa chọn. Trên thực tế, do cả ở trung ương lẫn địa phương đều thiếu đội ngũ làm công tác phát thanh truyền hình được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp,…, việc chọn phương ngữ chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ có sẵn, có phát thanh viên của vùng nào thì sử dụng tiếng của vùng đó để lên sóng.
Niềm tự hào ngôn ngữ – một yếu tố cần được xét đến
Tuy rằng xét trên phương diện quyền/ quyền lợi, các dân tộc và các ngôn ngữ, phương ngữ là bình đẳng với nhau, nhưng các ngôn ngữ, phương ngữ lớn nhỏ khác nhau có thể có được vị trí và do đó là vai trò khác nhau về mặt chức năng giao tiếp.
Lấy một ví dụ. Tiếng Mường hiện nay được sử dụng chủ yếu ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ. Riêng ở Hòa Bình thì có thể kể đến tiếng của bốn vùng mường tiêu biểu là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Do yếu tố lịch sử, văn hóa và địa lí, cộng với nhịp độ phát triển và giao lưu kinh tế hiện đại, Mường Bi, theo đó là tiếng Mường Bi, thường được xem là vùng và tiếng quan trọng nhất ở Hoà Bình. Cách nói Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động là một minh chứng hùng hồn cho điều này. Và do đó, đội ngũ phát thanh viên tiếng Mường của Đài Phát thanh – Truyền hình Hòa Bình thường là người Mường Bi, nói giọng Mường Bi. Theo khảo sát của Đài Phát thanh – Truyền hình Hòa Bình (2009), người dân bốn vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động có thái độ ngôn ngữ đối với việc sử dụng tiếng địa phương trên sóng phát thanh truyền hình như sau:
– Với câu hỏi về giọng đọc tiếng Mường trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hòa Bình, gần 60% người Tân Lạc ở Mường Bi yêu thích giọng đọc của phát thanh viên (giọng Mường Bi), trong khi tỉ lệ này ở các vùng Mường Động (Kim Bôi) là 44%; Mường Thàng (Cao Phong) – 29%, Mường Vang (Lạc Sơn) – 26 %. Cần lưu ý rằng, tiếng Mường Bi và tiếng Mường Động gần giống nhau, và đây có thể là lý do tại sao tỉ lệ người ở Mường Bi và Mường Động thích giọng đọc của phát thanh viên Mường Bi cao; trong khi giọng Mường Vang, Mường Thàng khá khác giọng Mường Bi và Mường Động, dẫn đến tỉ lệ người hai vùng này thích giọng đọc của phát thanh viên Mường Bi thấp.
– Khi được hỏi tiếng vùng Mường nào thì thích hợp để sử dụng phát thanh truyền hình, người dân của từng vùng mường đều có xu hướng chọn tiếng nói của vùng mường mình. 74% người Mường ở Tân Lạc ủng hộ sử dụng tiếng Mường Bi; 60% người Mường ở Lạc Sơn ủng hộ sử dụng tiếng Mường Vang; 46% người Mường ở Cao Phong ủng hộ sử dụng tiếng Mường Thàng; 59% người Kim Bôi ủng hộ sử dụng tiếng Mường Động.
Làm sao để hiểu nhau hay câu chuyện về thái độ ngôn ngữ
Có một thực tế là nhiều người cho rằng họ không hiểu hoặc hiểu không hết khi nghe hoặc xem chương trình phát bằng tiếng dân tộc mình, như trường hợp của tiếng Chăm, Hmông, Thái, Khmer,…
Vấn đề được đặt ra là sự không thông hiểu đó xuất phát từ đâu? Khảo sát điều tra điền dã ở nhiều địa phương cho chúng tôi một gợi ý là: Sự không thông hiểu đó thường gắn với thái độ ngôn ngữ.
Không dễ gì để giải thích một cách thuyết phục rằng các cộng đồng nói tiếng địa phương khác nhau lại không hiểu được nhau do sự khác biệt quá lớn về từ vựng, ngữ âm và ngữ pháp. Tình trạng cư trú đan xen vừa là một yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các tiếng địa phương, giữa các ngôn ngữ xét về mặt cấu trúc, song cũng lại vừa là một yếu tố tạo nên sự liên kết, gắn bó và thông hiểu lẫn nhau giữa các tiếng địa phương, giữa các ngôn ngữ, bởi lẽ ngôn ngữ sinh ra là để giao tiếp, tạo sự thông hiểu, và bản thân các chủ thể ngôn ngữ không đứng im một chỗ, mà họ luôn dịch chuyển, giao lưu qua lại với nhau. Bằng chứng là khi điều tra khảo sát thực tế trực tiếp và chính thức, người dân có thể trả lời là không hiểu hoặc hiểu rất ít người vùng khác nói gì, nhưng khi ngồi bên bếp lửa cùng chung vui với một vò rượu cần, cùng chia sẻ một câu chuyện riêng tư, chẳng mấy người lại nói rằng mình không hiểu tiếng của vùng khác. Như thế, có thể thấy rằng khi người dân nói họ hiểu hay không hiểu tiếng địa phương của nhau thì đó là câu chuyện thái độ ngôn ngữ của chính họ với các ngôn ngữ, phương ngữ.
Gợi ý về giải pháp dung hòa
Việc người dân bày tỏ thái độ của mình với tiếng địa phương khác không có nghĩa là người địa phương này kì thị hay muốn loại bỏ tiếng địa phương kia. Bởi ngôn ngữ không thuần túy là công cụ giao tiếp và tư duy trong nội bộ một dân tộc, mà đó còn là niềm tự hào, dấu hiện nhận diện, thậm chí ở một chừng mực nào đó nó không khác gì tô tem của chính dân tộc. Vì thế, đứng từ góc nhìn của truyền thông, chúng ta cần phải có một cách ứng xử và hành động phù hợp. Theo chúng tôi, giải pháp tối ưu trong việc lựa chọn, sử dụng phương ngữ để phát thanh truyền hình nên là giải pháp dung hòa. Sự dung hòa nên được thể hiện ở hai cấp độ.
– Ở cấp độ thứ nhất, không nên sử dụng duy nhất một thứ tiếng địa phương nào đó để truyền thông, dù thứ tiếng đó là thứ tiếng quyền uy của vùng có lịch sử văn hóa lâu đời, có kinh tế phát triển. Ví dụ như trong trường hợp của tiếng Mường đối với Đài Phát thanh – Truyền hình Hòa Bình nên có đủ cả giọng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Rộng hơn, đối với các đài Trung ương, nên có cả giọng tiếng Mường ở Hòa Bình lẫn Thanh Hóa và Phú Thọ.
– Ở cấp độ thứ hai, phát thanh viên của một vùng, một tiếng nào đó cũng nên dung hòa cách nói của các vùng, các tiếng địa phương khác nhau thông qua việc lược bỏ bớt những đặc trưng tiếng địa phương của mình, sử dụng thêm một số đặc trưng tiếng địa phương của vùng khác, cố gắng sao cho có thể tạo nên một cách nói có tính “siêu phương ngữ” cho một ngôn ngữ hay “siêu thổ ngữ” cho một phương ngữ. Quá trình “địa phương hóa” thành công các giọng đọc của các phát thanh viên nói giọng miền Nam và miền Trung ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây là một ví dụ minh chứng tốt cho việc này. Các phát thanh viên dù vẫn giữ giọng đọc, cách phát âm đặc trưng thuộc vùng phương ngữ của mình song cũng đã “hội nhập”, chỉnh sửa giọng đọc, cách phát âm sao cho dễ nghe nhất, tròn vành rõ chữ nhất, gần với chuẩn của chữ Quốc ngữ nhất.
Cần nhớ rằng tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ hành chính, lại có truyền thống văn tự tương đối thống nhất từ lâu, thậm chí đã có sự thống nhất toàn quốc ở nhiều khía cạnh như chữ viết trong giáo dục, ngữ âm trong thanh nhạc,… song chỉ rất gần đây trên cả đài phát phát thanh và truyền hình trung ương mới có thể dần dần thử nghiệm và rồi đưa chính thức một số phát thanh viên nói giọng địa phương miền Trung và miền Nam vào. Hiện giờ dù chúng ta đã cảm thấy tương đối quen thuộc với một số phát thanh viên giọng địa phương, nhưng câu chuyện đưa một số phát thanh viên nói giọng ngoài giọng Hà Nội lên sóng ở giai đoạn đầu không hề dễ dàng, thuận lợi.