Phê duyệt vaccine Ebola đầu tiên trên thế giới
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê duyệt một loại vaccine giúp kiểm soát sự bùng phát của Ebola, qua đó cho phép các nhà sản xuất phân phối vaccine này rộng rãi. Hiện nó đã được tiêm cho hàng trăm ngàn người ở Congo.
Quyết định của EMA giúp vaccine Ebola có thể được dự trữ và phân phối rộng rãi hơn, đặc biệt là ở châu Phi, tâm điểm của bệnh dịch. Vào năm 2015, Gavi, Vaccine Alliance – một đối tác y tế toàn cầu tài trợ cho việc cung cấp vaccine ở các nước thu nhập thấp – đã cam kết với các nhà sản xuất vaccine Ebola sẽ mua vaccine sau khi nó được các tổ chức y tế nghiêm ngặt – trong đó có EMA chấp thuận.
Vaccine này được cấp bằng sáng chế đầu tiên vào năm 2003, được sử dụng khẩn cấp trong cuộc bùng phát dịch tại Congo. Nó cũng được sử dụng thử nghiệm tại Guinea năm 2015. Trong đợt bùng phát năm 2018 tại Congo, hàng trăm ngàn người đã được tiêm vacxin, trong đó hơn 60.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe tại quốc gia này và cả các quốc gia lân cận.
“Đây là một loại vaccine có tiềm năng rất lớn”, Seth Berkley, giám đốc điều hành của Gavi tại Geneva, Thụy Sĩ, cho biết trong một cuộc họp báo sau quyết định của EMA. “Nó đã giúp bảo vệ hơn 250.000 người tại Congo và cũng có thể chặn đứng dịch Ebola”. Gavi đã hỗ trợ dự trữ và cung cấp vaccine Ebola. Họ hy vọng xây dựng một dây chuyền cung ứng toàn cầu để có thể chủng ngừa nhanh chóng khi có sự bùng phát của virus nói chung và Ebola nói riêng trong tương lai.
Mặc dù đánh giá “sự chấp thuận của EMA đã tạo ra một sự khác biệt lớn” nhưng David Heymann, một nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh dịch tễ và y học nhiệt đới London, vẫn lưu ý “nghiên cứu vẫn chưa xong, nó phải được tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin thế hệ thứ hai và thứ ba. Các loại này có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn, nhắm mục tiêu đến nhiều loài Ebola hơn và dễ dàng lưu trữ hơn”.
Bảo vệ tương lai
Vaccine của Merck lưu hành trong thị trường dưới tên Ervebo – được các nhà nghiên cứu gọi là rVSV-ZEBOV-GP, đã được kiểm chứng trong một thử nghiệm lâm sàng ở Guinea cho đến khi kết thúc đợt bùng phát Ebola năm 2014 ở Tây Phi. Ở đó, vaccine được tiêm cho những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm Ebola hoặc với những người tiếp xúc với họ sau đó. Kết quả đã chỉ ra vaccine cung cấp một mức độ bảo vệ cao chống lại virut này.
Các nhân viên y tế đã áp dụng chiến lược tiêm khoanh vùng trong hai đợt bùng phát khác nhưng Heymann cho rằng điều quan trọng là xác định liệu vaccine Merck có thể được sử dụng theo những cách khác hay không, qua đó xác định thời gian bảo vệ của vaccine kéo dài bao lâu và liệu một liều bổ sung có thể kéo dài khả năng miễn dịch hay không.
Sản phẩm của Merck chống lại loài Zaire của virus Ebola, đứng sau vụ dịch DRC hiện tại và vụ dịch 2014-16 ở Tây Phi. “Sẽ còn nhiều nghiên cứu phát triển các vaccine cạnh tranh với rVSV-ZEBOV-GP”, theo nhận định của Hill, một nhà nghiên cứu vaccine ở đại học Oxford, Anh đóng vai trò quan trọng trong phát triển vaccine chống lại các chủng virus Ebola khác. Ông là người thúc đẩy thử nghiệm vaccine Ebola khi nó bị xếp xó và bị các công ty lờ đi.
Có bảy loại vaccine Ebola khác nhau trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva. Vào tháng 9/2019, WHO đã thông báo một loại vaccine do Johnson & Johnson sản xuất sẽ được sử dụng trong đợt bùng phát tại Congo. Tuần trước, công ty đã đệ trình vaccine đó lên EMA.
Không giống như vaccine Merck tiêm trong một liều, vaccine của Johnson & Johnson yêu cầu tiêm nhắc lại sau 56 ngày kể từ lần tiêm đầu tiên. Tại Congo, nó sẽ được tiêm cho những người có nguy cơ mắc bệnh Ebola, chẳng hạn như nhân viên chăm sóc sức khỏe, ở những khu vực mà virus chưa xuất hiện.
Đức Phát dịch