Phòng chống lao thời Pháp thuộc: Một lát cắt lịch sử

Lao, với hàng nghìn năm tồn tại, có một lịch sử xã hội dài rộng hơn lịch sử bệnh tật. Những trang đã qua về lao tiết lộ cho chúng ta cuộc chiến song song chống lại căn bệnh chết chóc này ở Việt Nam thời thuộc địa, nơi y học hiện đại mới bắt đầu xuất hiện, và ở Pháp, nơi nền y tế công cộng đã hình thành.

Viện Pasteur TPHCM.

Ngày nay, lao không còn là căn bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, trong một quá khứ chưa xa, “đến năm 2018, khoảng một phần ba dân số thế giới bị nhiễm lao, hơn 10 triệu người phát bệnh lao, 6,4 triệu người mắc lao mới, 1,3 triệu người tử vong do lao”, theo ThS. Nguyễn Thành Tín, người phụ trách phát triển và sản xuất vaccine BCG phòng lao ở Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC). 

Người ta đã dò được bệnh lao từng xuất hiện vào 9.000 năm trước ở Atlit Yam, một thành phố giờ nằm dưới đáy biển Địa Trung Hải, phía ngoài bờ biển Israel. Những trang viết đầu tiên ghi lại sự hiện diện của lao được tìm thấy ở Ấn Độ, khoảng 3.300 năm trước và ở Trung Quốc 2.300 năm trước. Trong suốt những năm 1600-1800 ở châu Âu, số người chết vì lao chiếm 25% trong tổng số người chết. Lao còn được gọi là “dịch hạch trắng”, từ vẻ ngoài xanh xao, tái nhợt của người mắc bệnh, thậm chí có biệt danh “thuyền trưởng thần chết”. Nhưng dù tên gọi là gì, “phthisis” theo cách gọi của người Hy Lạp cổ đại, “tabes” theo cách gọi của người La Mã cổ đại, “schachepheth” hay theo cách gọi của người Hebrew cổ đại, lao khởi phát là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vào năm 1834, giáo sư y khoa Johann Schönlein đặt cho lao cái tên chính thức “tuberculosis” (TB), ông ước tính Mycobacterium tuberculosis có thể đã tồn tại trên Trái đất tới ba triệu năm. 

Lao đã trở thành một phần trong những trải nghiệm của con người qua thời gian, chứng kiến nhiều quá trình đổi thay xã hội ở những vùng đất khác nhau trên thế giới. Vào những năm đầu thế kỷ 20, cuộc chiến chống lại bệnh lao, do đó, cũng tiết lộ thông tin về bối cảnh xã hội và tham vọng trong chính sách y tế của người Pháp tại Việt Nam, nơi vẫn đang ở giao điểm của phương thức thực hành y học cũ – mới. 

Một sáng kiến được đặt ra như cách kiểm chứng đầy đủ hiệu quả chính sách của người Pháp ở đây: cuộc chiến chống lại bệnh lao và giới thiệu vaccine BCG, loại sinh phẩm quan trọng mới gia nhập thế giới miễn dịch học vào những năm 1920, từ phòng thí nghiệm Viện Pasteur. Ở đây, quyết định sử dụng vaccine BCG cả ở chính quốc và thuộc địa đã rọi thêm ánh sáng vào chức năng của y tế công cộng trong tiến trình thực dân hóa và mối quan hệ giữa chính quốc – thuộc địa, đồng thời việc triển khai thực nghiệm khoa học ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ.

Albert Calmette, người tạo ra vaccine BCG phòng lao, trong phòng thí nghiệm ở Paris, Pháp năm 1920.

Chiến lược phát triển vaccine BCG ở chính quốc

Vào năm 1893, Albert Calmette quyết định về Pháp và chuyển giao vị trí Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn cho Yersin. Ở đây, chúng ta có nên cảm ơn sự sắp xếp của số phận không? Có thể lắm, bởi việc trở về Pháp để gây dựng chi nhánh Viện Pasteur ở Lille và ở đó trong vòng 25 năm khiến Calmette có thêm điều kiện để tập trung vào bệnh lao. Ông đã mở phòng thí nghiệm Vi sinh thú y ở Lille và cùng bác sĩ thú y Camille Guérin sát cánh 13 năm để tạo ra Mycobacterium bovis, một loại chủng con biến dị của Mycobacterium tuberculosis, sau 230 lần cấy truyền trên môi trường khoai tây – mật bò có glycerin nên độc lực đã được làm yếu đi, sau được đặt là Bacillus Calmette –Guérin (BCG). Đây là chủng gốc để Calmette và Guérin phát triển vaccine phòng lao BCG, ThS. Nguyễn Thành Tín nói. 

Sau bài báo xuất bản lần đầu tiên về công trình này vào năm 1913–1914 trên tạp chí Annales de l’Institut Pasteur, các nhà khoa học nhanh chóng tìm cách thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người, phần nào giống cách các nhà sản xuất vaccine quốc tế và Việt Nam vẫn áp dụng ngày nay. Tuy nhiên phải đến mãi tháng 7/1921 thì vaccine BCG mới được thực nghiệm lần đầu tại Hôpital de la Charité ở Paris, trên một trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm lao mới qua đời khi sinh. Thử nghiệm này cho phép các pha thử nghiệm lâm sàng tiếp theo: 120 trẻ dưới bảy tuổi đã được tiêm vào tháng 7/1921 và tháng 6/1922, sau đó 317 trẻ từ tháng 7/1922 và kết thúc thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm 1925. Kết quả là chỉ có 77 em bị nhiễm lao và một chết vì lao.

Calmette tổ chức buổi công bố, giới thiệu vaccine BCG trước Viện Hàn lâm Y học vào ngày 25/6/1924: việc tiêm chủng “đã vượt qua mọi nghi ngờ với kết quả thu được là vaccine hiệu quả và không độc hại”. Được thuyết phục, chính quyền Pháp đã cho phép Viện Pasteur nâng quy mô nghiên cứu và sản xuất để sẵn sàng cung cấp vaccine cho các bệnh viện, trạm y tế chống lao và các bác sĩ, bắt đầu từ tháng bảy. Tất cả được đặt dưới sự điều phối và phân bổ của Ủy ban Chống lao Quốc gia (Comité National de Défense contre la Tuberculose), được thành lập sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Rockefeller.

Bối cảnh kinh tế xã hội ở Đông Dương lúc bấy giờ khiến chính quyền thuộc địa bắt đầu cảm thấy sợ hãi tình trạng dịch bệnh hoành hành có thể kích hoạt các cuộc nổi dậy ở các đồng bằng châu thổ An Nam, nơi có dân số không ngừng gia tăng, tạo sức ép về đất đai, lương thực… Đây là lý do giải thích vì sao lao lại được đưa lên vị trí ưu tiên trong chính sách y tế thuộc địa những năm 1920 và 1930.

Vào cuối mùa hè năm đó, Édouard Daladier, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, đã đề nghị gửi vaccine BCG tới các nước thuộc địa. Lúc đó, các chủng gốc BCG đã được phân bổ tới nhiều phòng thí nghiệm nước ngoài thân thiết với Viện Pasteur hoặc trong mạng lưới thuộc địa.

Những kết quả tích cực đầu tiên về chủng ngừa ở các trạm y tế vùng đô thị Pháp có vào năm 1925, dẫn đến việc mở rộng thực nghiệm lâm sàng ở tất cả các nhóm tuổi. Trong vòng bảy năm kể từ mốc 1921, có 100.000 trẻ được chủng ngừa, trong đó có cả con của Calmette. Tuy nhiên người ta vẫn chưa thật sự tin tưởng vào vaccine, mặt khác, ở một số quốc gia khác, ví dụ như Hungary thì dấy lên nghi ngờ về an toàn của vaccine và cảnh báo rủi ro ở việc sản xuất ở ngoài mạng lưới phòng thí nghiệm Pasteur. Thậm chí giai đoạn 1927–1929, nhiều nhà khoa học, bác sĩ ở Pháp, Thụy Điển, Anh đã chỉ trích thực nghiệm lâm sàng của Calmette và thống kê y tế. Một sự kiện buồn sau đó đã xảy ra: thảm họa Lübeck vào những năm 1930 với 77 trong số 256 người được chủng ngừa bị chết. Bất chấp kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân là ô nhiễm phòng thí nghiệm chứ không phải do vaccine, và Viện Hàn lâm Y khoa Pháp tái xác nhận tính an toàn của vaccine BCG vào năm 1931, sự kiện Lübeck đã làm giảm đi niềm tin vào vaccine, thậm chí ngưng dùng một thời gian.

Cuộc chiến chống lao ở Đông dương

Đông Dương vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã thực thi nhiều biện pháp về y tế công cộng ở đô thị, trong đó có cải thiện điều kiện vệ sinh, lập các ban vệ sinh đô thị cũng như việc kiểm soát các nhóm dân số có nguy cơ rủi ro về dịch bệnh như gái mại dâm, học sinh… Đã có nhiều cuộc vận động chống lại các căn bệnh mà người Pháp cho là liên quan đến môi trường xã hội như thói quen xấu về vệ sinh, sự đói nghèo, tình trạng thiếu dinh dưỡng, thói quen quần tụ nơi công cộng: các bệnh liên quan đến phổi (lao, phổi, phế quản), bệnh về thị giác (đau mắt hột), bệnh hoa liễu (giang mai, lậu), và ung thư. Dù bằng con mắt ngày nay nhiều điều trong số này đã trở nên lạc hậu nhưng không thể bỏ qua một điều, chương trình này không chỉ chạm đến trẻ em mà còn cả những nhóm người xung quanh chúng. Sự hợp tác giữa các tổ chức tôn giáo, tư nhân và công ngày một mở rộng và được tổ chức Dịch vụ hỗ trợ xã hội giám sát và điều phối, kể từ năm 1929. 

Bệnh viện Chợ Lớn Sài Gòn thời Pháp thuộc.

Tuy vậy mãi đến những năm 1920, cộng đồng y học mới bắt đầu thu thập số liệu thống kê về sự hoành hành của lao và số lượng người tử vong vì lao ở các quốc gia phương Tây và thuộc địa. Ở xứ Đông dương, do lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân ở các bệnh viện nên chính quyền thuộc địa nhận ra, cần phải có chính sách tập trung vào nhu cầu khám chữa bệnh của người bản xứ, các vấn đề xã hội và những điều kiện vệ sinh hằng ngày. Nhận thức mới trong bối cảnh kinh tế xã hội ở Đông Dương lúc bấy giờ cho thấy chính quyền thuộc địa bắt đầu cảm thấy sợ hãi tình trạng dịch bệnh hoành hành có thể kích hoạt các cuộc nổi dậy ở các đồng bằng châu thổ An Nam, nơi có dân số không ngừng gia tăng, tạo sức ép về đất đai, lương thực… 

Đây là lý do giải thích vì sao lao lại được đưa lên vị trí ưu tiên trong chính sách y tế thuộc địa những năm 1920 và 1930. Năm 1922 đã xuất hiện những nghiên cứu dịch tễ đầu tiên về bệnh lao và báo cáo về tình trạng điều trị bệnh lao ở Việt Nam do các nhà nghiên cứu ở Sài Gòn và Nha Trang thực hiện theo đề xuất của Calmette vào năm 1912. Đây là một dự án đầy tham vọng của Pháp đề ra trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng chỉ được trở lại vào năm 1922. Đó cũng là năm Viện Pasteur Sài Gòn lập một phòng khám về vệ sinh xã hội và phòng chống lao. 

Kết quả là vào năm 1923, báo cáo của Guérin và đồng nghiệp đã được trình bày tại Hội nghị Hội Y học nhiệt đới Viễn đông lần thứ 5 (FEATM) “Nghiên cứu về lao phổi ở Nam Kỳ”, trong đó nêu những kết quả nghiên cứu đầu tiên ở Đông Dương. Có thể thấy, kết luận họ đưa ra về tác nhân lan truyền bệnh lao cũng có vài nét tương đồng COVID hay một số bệnh truyền nhiễm khác: nguồn chính gây lan truyền bệnh lao trong xã hội An Nam là “giao tiếp cá nhân với cá nhân”: sự truyền nhiễm từ người nay sang người khác thông qua nước bọt, giọt bắn chứa vi khuẩn, sự lan truyền được kích hoạt bởi những điều kiện sống bất lợi và thiếu dinh dưỡng. Những nơi lan truyền nhiều ca bệnh lao nhất là ở các thành phố, thường tấn công trẻ em và người nghèo. Báo cáo của Guérin đề xuất, chính quyền các thuộc địa phải hành động theo mục tiêu của Đại hội Y tế công cộng và phòng ngừa bệnh dịch Marseilles (1922): tạo ra các tổ chức y tế và cải thiện điều kiện vệ sinh để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của con người và nguồn lực của họ. 

Hai năm sau, Guérin và cộng sự có thêm báo cáo thứ hai tại FEATM, lưu ý kết quả tốt trong các nhóm mục tiêu, đặc biệt là học sinh. Nghiên cứu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Lao tại Viện Pasteur Sài Gòn với thống kê về tình trạng lao chiếm 67% dân số bản xứ, một tỉ lệ rất gần với tỉ lệ mắc ở đô thị châu Âu thời điểm đó. Vì vậy, họ đề xuất cần đáp ứng một số thực hành vệ sinh ở đô thị của Pháp ở Nam Kỳ. Lao đã trở thành vấn đề số một trong chính sách xã hội của chính quyền thuộc địa và trong sự hợp tác với hệ thống Viện Pasteur như một lẽ tự nhiên.

Phòng thí nghiệm Lao đã thực hiện một nghiên cứu có hệ thống về tình trạng lao ở trẻ em – khởi điểm cho nghiên cứu về sức khỏe các gia đình ở An Nam, với trường tiểu học nam TP Chợ Lớn (École municipale des garçons) 900 học sinh, do 8 bác sĩ (2 bản xứ) kiểm tra bằng X quang, lâm sàng, kiểm tra tai mũi họng. Nghiên cứu này đã làm tăng sự quan tâm của chính quyền và xã hội với bệnh lao, dẫn đến việc đóng góp tiền bạc xây dựng bệnh viện. Nhiều người giàu ở Nam Kỳ đã tự thành lập các “ban hỗ trợ” để quyên tiền hỗ trợ việc chữa lao ở bệnh nhi. Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Chợ Lớn với sự tham gia của nhiều bên như công, tư, người bản xứ (người Hoa và người Việt) hơn bất cứ nơi nào khác. Những chương trình hỗ trợ xã hội ở đây đã lan rộng ra nhiều nơi, ví dụ như Bắc Kỳ thành lập Liên minh chống lao vào những năm 1930 do bác sĩ Le Roy des Barres (Trường Y Đông Dương) phụ trách, mở ra một bệnh viện cho bệnh nhân lao ở Hà Nội; năm 1928, ý tưởng lập phòng khám lao đã được bác sĩ Normet, người phụ trách y tế ở Huế, thúc đẩy nên thu hút được nguồn tài chính từ chính phủ bảo hộ lẫn Liên minh Những người bạn Huế. Phòng khám Pierre Pasquier được mở trong những năm 1930 dành cho khám và chữa bệnh. Các sự kiện quyên góp và từ thiện về lao ở cả ba miền đã tạo được một dấu ấn đáng kể cho các hoạt động xã hội – y tế những năm 1934–1939. 

Trong thời kỳ trứng nước của y học hiện đại, Việt Nam cũng đã tham gia thực hiện những nghiên cứu về lao chứ không thụ động chờ đợi phương thức điều trị từ mẫu quốc. Những nghiên cứu đầu tiên này không chỉ cho phép hiểu rõ hơn về những đặc thù vùng của bệnh lao, cách bảo vệ trẻ hiệu quả khỏi lao, mà còn giúp tập trung tốt hơn, thông qua giáo dục, cách kiểm soát hiệu quả các vấn đề sức khỏe công cộng và xã hội.

Đó là những cơ sở quan trọng cho chiến lược chủng ngừa vaccine BCG tại Đông Dương, đặc biệt tại Nam Kỳ, nơi đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị về lao. Quan trọng hơn, nó cũng cho thấy một điều: trong thời kỳ trứng nước của y học hiện đại, Việt Nam cũng đã tham gia thực hiện những nghiên cứu về lao chứ không thụ động chờ đợi phương thức điều trị từ mẫu quốc. Những nghiên cứu đầu tiên về sự lưu hành của lao ở trường học Nam Kỳ đã không chỉ cho phép hiểu rõ hơn về những đặc thù vùng của bệnh lao, cách bảo vệ trẻ hiệu quả khỏi lao, mà còn giúp tập trung tốt hơn, thông qua giáo dục, cách kiểm soát hiệu quả các vấn đề sức khỏe công cộng và xã hội.

Những ống vaccine BCG đầu tiên 

Trong thế giới vaccine thì vaccine BCG là một trường hợp đặc biệt. Cả trăm năm như ngưng đọng ở đây, trong những cái ống thủy tinh màu nâu nhỏ bé này, bởi “vaccine BCG là vaccine sống, rất sợ ánh sáng tự nhiên. Ngày nay, cách chúng tôi nuôi cấy vi khuẩn cũng giống như Calmette đã làm trước đây”, ThS. Nguyễn Thành Tín giải thích. Giống như những vân gỗ hình tròn hay hình ô van đồng tâm trong thân gỗ ẩn chứa những thông tin về quá trình sinh trưởng của cây và cả điều kiện ngoại cảnh tác động lên nó, thứ bột mịn chứa vi khuẩn BCG sống và tá dược glutamate natri trong các ống thủy tinh nâu có thể nói biết bao điều về những gì Calmette và Guérin đã làm. “Vào thời của Calmette và Guérin, chưa có công nghệ đông khô để tách nước ra khỏi tế bào vi sinh nên vaccine BCG tồn tại ở dạng nước. Do đó, BCG thiếu ổn định, dễ bị chết và dễ bị ảnh hưởng đến công hiệu của vaccine. Đáng chú ý là khi ở dạng nước, hạn dùng của nó rất ngắn, chỉ khoảng 8 – 9 tháng”, anh cho biết thêm.

Nếu trở lại thời điểm những năm 1920, khi chủng BCG được Viện Pasteur Paris cung cấp cho Đông Dương, chúng ta hình dung là rất có thể nó được chuyển từ Pháp sang theo đường biển mất hàng tháng trời, hoặc nhanh hơn thì theo đường hàng không, và có lẽ phương án thứ nhất dễ xảy ra hơn. Quá trình vận chuyển, lưu trữ một chủng vaccine sống không đơn giản, đặc biệt là các điều kiện thực hành vận chuyển còn nhiều giới hạn vào thời kỳ đó. Như vậy chắc hẳn kế hoạch tiếp nhận, sản xuất, phân phối vaccine cũng phải tiến hành nhanh gọn như chiến lược tiêm vaccine COVID bởi nếu không, vaccine BCG sẽ rơi vào trạng thái quá hạn sử dụng và phải tiêu hủy. Do đó, việc chủng ngừa vaccine BCG cũng sẽ bị khu trú ở những khu vực thành thị nhất định. 

Vậy ai sẽ đảm trách vai trò lưu trữ và phân phối vaccine BCG ở Việt Nam thời kỳ đó? Không phải ngẫu nhiên trong thời kỳ COVID, tất cả các loại vaccine dù là Pfizer, Astra Zeneca hay Sinovac mà Việt Nam nhận được theo dạng mua hay được tài trợ, cũng đều được lưu trữ và kiểm định ở một nơi như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trước khi phân phối đi các điểm tiêm. Vào năm 1924, khi đón nhận những lô chủng BCG đầu tiên từ Viện Pasteur Paris, ắt hẳn không có nơi nào hội tụ đủ điều kiện như Viện Pasteur Sài Gòn (một năm sau Viện Pasteur Hà Nội, tiền thân của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, mới được thành lập). Điều này cũng vừa khớp với thỏa thuận giữa Toàn quyền Đông Dương và Viện Pasteur Paris: hệ thống Viện Pasteur Đông Dương sẽ đảm trách tất cả các công đoạn tiếp nhận, phân phối vaccine. 

Tài liệu lưu trữ ở Viện mẹ Pasteur cho thấy sự chủ động của Viện Pasteur Sài Gòn: Viện sẽ nuôi cấy vi khuẩn từ chủng gốc được gửi từ Paris, có lẽ giống cách làm hiện nay ở IVAC. Mycobacterium bovis sống sẽ được nhũ hóa trong dung dịch glucose, rồi được chia thành các liều, mỗi liều là một centigram. Chúng sẽ được phân bổ cho các viện thành viên để từ đó đưa vào các cơ sở y tế hoặc gửi tới các thành phố. Đây sẽ là những liều vaccine BCG đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. 

Công đoạn nhân giống trong quá trình sản xuất vaccine BCG phòng lao ở IVAC.

Đó là lý do vì sao, vào những tháng cuối năm 1924, Nam Kỳ là điểm được hưởng những ống vaccine BCG đầu tiên ở Việt Nam, trên những bé sơ sinh tại các nhà hộ sinh của Cơ quan Hỗ trợ Y tế bản địa (Assistance Médicale Indigène, AMI), một tổ chức do Toàn quyền Đông dương Paul Beau lập năm 1905. Đợt chủng ngừa này chỉ diễn ra vài tháng sau khi Calmette trình bày về vaccine BCG tại Viện Y học Pháp, và cùng thời điểm với việc đưa loại vaccine này vào hai thành phố thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi là Dakar và Algiers. Vào tháng 12/1924, vaccine BCG đã được cung cấp cho Phnom Penh. Bên ngoài những quốc gia thuộc Pháp, nhìn chung lao vẫn chưa được giới y học thực dân quan tâm, ít nhất cho đến những năm 1940. 

Cùng thời điểm của đợt chủng ngừa đầu tiên, chính quyền thuộc địa cũng triển khai một cuộc vận động để thuyết phục dân chúng về lợi ích của tiêm chủng – người bản xứ do dự do lo ngại về các biện pháp phòng ngừa và kháng cự lại sự bắt buộc tiêm phòng, đặc biệt với vaccine đậu mùa. Thuận lợi lớn nhất của vaccine BCG là ở chỗ với người bản xứ, dường như nó ít “nguy hiểm” hơn vaccine đậu mùa vì được đưa vào cơ thể qua đường uống mà không phải tiêm còn với ngành y, việc quản lý và chủng ngừa vaccine dạng uống thuận lợi, quy tắc thực hành đơn giản hơn và chỉ cần đến y tá. Chúng ta nên nhớ là vaccine uống phổ biến ở Pháp và cả thuộc địa cho đến những năm 1950. “Về mặt khoa học, việc sử dụng vaccine BCG uống vào thời điểm đó hoàn toàn hợp lý, vì khi dùng đường uống, vaccine còn kích thích tiết kháng thể dịch thế theo đường niêm mạc (IgA), trong khi đường tiêm chỉ là tạo kháng thể trong huyết thanh người (IgG). Ngoài ra BCG còn có thể tạo cơ chế kích thích miễn dịch qua trung gian tế bào”, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, nhận xét. “Hiện nay trên thế giới có nhiều vaccine theo đường uống như vaccine tả, rota, bại liệt…, một số vaccine có cả dạng uống và tiêm”. 

Cho đến năm 1927, Bắc Kỳ đã nhận được đợt phân bổ vaccine BCG đầu tiên qua Viện Pasteur Hà Nội, và một năm sau là Huế, qua phòng thí nghiệm thuộc hệ thống Viện Pasteur Đông dương ở thành phố này, thậm chí còn sẵn sàng cung cấp cho vùng ven thành nội trước khi được dân chúng nhiệt tình ủng hộ. Theo thống kê của Viện Pasteur Đông dương, có tổng số 1.354 trẻ sơ sinh nhận được ba liều BCG trong các cơ sở y tế ở Chợ Lớn giữa ngày 13/12/1924 và 1/10/1925; 484 trẻ ở viện tư ở Chợ Lớn; 271 ở bệnh viện Roume Phnom-Penh; 1.210 trẻ ở các vùng khác ở Nam Kỳ – tổng số là 3.352 trẻ được chủng ngừa. Giữa năm 1926 và 1931, khoảng 300.000 trẻ sơ sinh được chủng ngừa trên toàn bộ Đông dương, trong đó có 48.000 ở Sài Gòn – Chợ Lớn từ năm 1925 đến 1928. Các hồ sơ của Viện Pasteur cho thấy các đợt tiêm chủng vẫn tiếp tục vào những năm 1930, ngay cả sau tai nạn Lübeck. 

***

Chuyện chủng ngừa vaccine BCG trong những năm đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam đã phản chiếu một bức tranh xã hội rộng lớn hơn, nơi những vận động y tế – xã hội theo cách thức mới mẻ đang lan tỏa ở ba miền, và những gốc rễ của y tế hiện đại đang manh nha hình thành. Tuy nhiên, nó cũng khơi dậy một số câu hỏi là điều gì đằng sau chính sách đó? liệu có phải Calmette muốn đánh giá thêm hiệu lực của vaccine? Liệu vaccine có phải là “quyền lực mềm” của Viện Pasteur Paris và đến lượt mình, Chính phủ Pháp lại sử dụng Viện như một thứ công cụ đặc biệt cho công cuộc “khai hóa” thuộc địa? 

Không dễ đưa ra câu trả lời “đúng”, “sai” trong vấn đề phức tạp như vậy. Sự dấy lên của nghi ngờ về việc thử nghiệm vaccine mới trên người bản xứ không phải không có lý, khi những chiến dịch tiêm chủng vaccine đậu mùa bắt buộc thời kỳ đầu ở Việt Nam được thực hiện rất sớm trước khi nó trở thành tiêm chủng bắt buộc ở Pháp. Thuộc địa, nơi vẫn còn sơ khai về các quy tắc y tế hiện đại và riêng với một sản phẩm tiên tiến như vaccine, chắc hẳn sẽ dễ dàng trở thành nơi thực nghiệm tốt hơn mẫu quốc? Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ với vaccine BCG, Viện Pasteur Paris đã tiến hành thực nghiệm lâm sàng theo đúng quy định thời đó và việc chủng ngừa tiến hành song song ở Pháp và thuộc địa. Đối với hàng nghìn liều vaccine được chủng ngừa trong hai năm 1924–1925, Jean Bablet của Viện Pasteur lưu ý “Phần lớn trẻ em được chủng ngừa sẽ được theo dõi thông qua hồ sơ; trẻ em sẽ được khám và kiểm tra ở các độ tuổi 12 tháng, 18 tháng, hai tuổi và ba tuổi; chúng tôi sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của bất cứ trường hợp không may nào trong thời kỳ này; tỷ lệ những trẻ em bị mắc lao sẽ được ghi lại ở mỗi độ tuổi và sẽ được so sánh với tỉ lệ trẻ em mắc bệnh lao cùng tuổi và cùng điều kiện sống nhưng không được chủng vaccine BCG”.

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận việc một sản phẩm nghiên cứu được sử dụng trên diện rộng cũng đem lại nhiều cơ hội cho Viện Pasteur Paris hơn, nhất là khi họ cần chứng tỏ chính mình trong cộng đồng y học, trong con mắt của nhà cầm quyền cũng như trong góp phần tăng cạnh tranh trong lĩnh vực vi sinh vật, miễn dịch học ở cấp độ châu Âu với người Đức. Việc họ có thân cận với chính quyền và trở thành công cụ cho chính quyền trong cuộc khai thác thuộc địa hay không sẽ là chủ đề trong một bài báo khác.

Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, vượt ra ngoài vấn đề chủng ngừa vaccine BCG ở một quốc gia có lưu hành bệnh lao, quá trình tạo dựng hệ thống cơ sở y tế và đặt nền móng cho y học hiện đại ở Việt Nam thuộc địa, dù là nước cờ tính toán của người Pháp và Viện Pasteur, cũng góp phần đem lại những dịch chuyển xã hội ở vùng đất này. Những hiểu biết mới, những hoạt động độc lập đã giúp hình thành những công dân thuộc địa trẻ trung và sẵn sàng đón nhận những tín hiệu văn minh từ nền văn hóa khác. Theo thời gian, họ sẽ trở thành những người góp phần xây dựng nền y tế hiện đại, tham gia vào các cuộc kháng chiến, như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trương Công Quyền…   

———————————–

Tài liệu tham khảo 

History of World TB Day. CDC Mỹ. 

“Preventive Medicine and ‘Mission Civilisatrice’: Uses of the BCG Vaccine in French Colonial Vietnam between the Two World Wars”. Laurence Monnais. The International Journal of Asia-Pacific Studies(IJAPS). 2012

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)