Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử Cambridge: Tự do nghiên cứu và phi hành chính

Hai năm 2017 và 2018, giải Nobel Hóa học đều thuộc về hai thành viên của Phòng thí nghiệm sinh học phân tử Cambridge (MRC-LMB): Richard Henderson và Sir Greg Winter, nhà sinh hóa người Anh (cùng chia giải với hai nhà khoa học khác người Mỹ) - cựu phó giám đốc. Việc một phòng thí nghiệm hai năm liên tục được nhận giải Nobel (trước đó đã có tới 11 giải Nobel được trao cho các nghiên cứu từ đơn vị này) là thành tích xuất sắc mà hiếm trung tâm nghiên cứu nào trên thế giới có thể đạt được. Những thành tựu của MRC-LMB là một minh chứng cho thành công trong nghiên cứu khoa học đến từ tự do nghiên cứu và đơn giản hóa các cấu trúc quản lý hành chính, có thể là một bài học hữu ích cho nhiều quốc gia muốn đầu tư trọng điểm cho khoa học.


Nhà nghiên cứu John Kendrew giới thiệu cho nữ hoàng Anh các mô hình khoa học trong đợt bà tới khai trương LMB vào năm 1962. Nguồn: insight.mrc.ac.uk

Lịch sử phát triển và những thành công vang dội

Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge (MRC Laboratory of Molecular Biology) là một trung tâm nghiên cứu đặt tại phía nam thành phố Cambridge (Vương quốc Anh), nơi có Viện Đại học Cambridge. Trung tâm nghiên cứu này nhận tài trợ trực tiếp từ Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (Medical Research Council) của Chính phủ Anh, và vì thế trong tên gọi có thêm chữ viết tắt MRC của Hội đồng này.

Chính thức thành lập năm 1962, nhưng LBM bắt đầu được manh nha xây dựng từ năm 1947 với nỗ lực của các nhà vật lý ở Phòng Thí nghiệm Cavendish của Viện Đại học Cambridge. Vào năm 1947, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh quốc (MRC) quyết định tài trợ cho hai nhà khoa học Max Perutz và John Kendrew ở Cavendish để thành lập một đơn vị nghiên cứu cấu trúc protein dựa trên tinh thể học tia X. Đơn vị này được đặt tại PTN Cavendish mang tên “Unit for Research on the Molecular Structure of Biological Systems” và nó nhanh chóng phát triển và trở thành nơi khai sinh cho ngành sinh học phân tử với các nghiên cứu về sinh học phân tử, bao gồm cấu trúc DNA, cấu trúc virus,.. Năm 1953 tại chính phòng thí nghiệm này, cấu trúc xoắn kép của DNA được xây dựng, và đơn vị được đổi tên là “MRC Unit for Molecular Biology”.

Frederick Sanger là nhà khoa học đầu tiên của nhóm nghiên cứu này được trao giải Nobel Hóa học năm 1958 về cấu trúc protein và insulin 1. Giải Nobel của Sanger là một cú hích lớn cho giới nghiên cứu sinh hóa ở Anh và MRC nhanh chóng nhận thấy tiềm năng ứng dụng to lớn trong y học của các nghiên cứu tại đơn vị này và quyết định đầu tư và phát triển đơn vị này thành một phòng thí nghiệm trọng điểm. Tháng 5/1962, MRC-LMB được thành lập thành một phòng thí nghiệm độc lập dựa trên đơn vị trước đó. Max Perutz là chủ tịch đầu tiên của phòng thí nghiệm, bao gồm ba bộ môn chính: nghiên cứu cấu trúc đứng đầu là John Kendrew, di truyền phân tử đứng đầu là Francis Crick và hóa học protein đứng đầu là Frederick Sanger. Và ngay trong năm đó, các nghiên cứu của LMB lại được vinh danh bằng giải Nobel Y học dành cho Francis Crick và Jim Watson (cho các nghiên cứu về cấu trúc DNA) và giải Nobel Hóa học cho John Kendrew và Max Perutz (cho các nghiên cứu về cấu trúc haemoglobin & myoglobin) – một sự ra mắt thành công chưa từng có trong lịch sử và danh tiếng của MRC-LMB được xác lập.

Có thể nói, nhiều thành tựu khoa học được tạo ra từ LMB được coi là thay đổi thế giới, như cấu trúc DNA của Crick, xác định trình tự DNA của Sanger, tế bào gốc vạn năng của John Gurdon2, giải mã bộ gene người của John Sulston,.. Và gần đây nhất, các nghiên cứu tại LMB đã hai lần liên tục được trao giải Nobel Hóa học (2017, 2018). Không chỉ thành công rực rỡ trong các nghiên cứu cơ bản, MRC LMB cũng là một trung tâm chuyển giao công nghệ y sinh thành công, tạo ra thu nhập hơn 700 triệu bảng từ các hợp đồng chuyển giao công nghệ và các công ty spin-off (ví dụ như Domantis, Cambridge Antibody Technology, Ribotargets, Protein Design Labs, Celltech, Biogen) 3.

Bài học từ thành công của MRC LMB

Vậy điều gì làm nên thành công của LMB và vì sao họ có thể thu hút được nhân tài? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhìn vào cách thức tổ chức, điều hành và sử dụng kinh phí tài trợ của họ. LMB nhận tài trợ trực tiếp từ hội đồng MRC theo ngân sách cho từng 5 năm (con số tài trợ cho 2012-2017 là 170 triệu bảng Anh) và xây dựng cấu trúc theo từng nhóm nghiên cứu (hiện tại LMB có hơn 50 nhóm nghiên cứu). LMB thu hút các nhà nghiên cứu trẻ bằng chương trình MRC’s Programme Leader-Track (PLT) scheme 4. Chương trình này trả lương cho nhà nghiên cứu LMB (lương khởi điểm hiện tại là 51.608 đến 61.942 bảng) theo một thời hạn ban đầu (tenure-track) là 6 năm, và bất kỳ thời điểm nào trong thời gian tenure-track này, nhà nghiên cứu đều có thể được chuyển sang dạng biên chế vĩnh viễn khi được đánh giá đủ năng lực. Đã có không ít các nhà nghiên cứu trẻ không thể có được biên chế tại LMB sau tenure track nhưng phần lớn đều thành công và tiếp tục các nghiên cứu của họ.

Việc tuyển dụng nhanh chóng và tài chính hiệu quả cho phép LMB thu hút các nhà khoa học trẻ tiềm năng với những ý tưởng nghiên cứu mới, thậm chí ngay cả các nhà khoa học chỉ mới tốt nghiệp nghiên cứu sinh chưa lâu. Một trường hợp được giám đốc Hugh Pelham ca ngợi như một minh chứng của việc thu hút giới trẻ là tiến sĩ Jason Chin, gia nhập LMB năm 2003 chỉ sau khi làm postdoc tại Mỹ vài tháng, và hoàn toàn thuyết phục được các nhà tuyển dụng của LMB sau bài thuyết trình. Jason Chin nhanh chóng trở thành một nhà khoa học xuất sắc của LMB và nhận giải thưởng của châu Âu cho nghiên cứu xuất sắc. Venki Ramakrishnan, nhà khoa học của LMB giành giải Nobel Hóa học năm 2009 thuật lại kinh nghiệm tuyển dụng tại LMB rằng “Chúng tôi không quá quan tâm đến việc ứng viên có các bài báo impact-factor cao hay không, mà chúng tôi có các tiêu chuẩn riêng ít đánh giá hơn về công bố khoa học, mà một trong những yếu tố quan trọng là ứng viên có dám theo đuổi các mục tiêu dài hạn, các thử thách khoa học mới”. Ramakrishnan chia sẻ rằng “chúng tôi lắng nghe thuyết trình của họ, mang họ tới thăm cơ quan của chúng tôi để thảo luận về ý tưởng, mục tiêu nghiên cứu để cảm nhận đó có phải là ứng viên tốt hay không” 5.

Là một phòng thí nghiệm của Anh, nhưng LMB là một môi trường quốc tế hóa cao độ với nhiều quốc gia khác nhau ở tất cả các châu lục, và số lượng nhà khoa học “quốc nội” chỉ chiếm chưa tới 1/3. Tổng số cán bộ hiện tại của LMB là 650 người trong đó bao gồm hơn 400 nhà nghiên cứu và hơn 180 nhân viên hỗ trợ nghiên cứu (kỹ thuật viên, nhân viên hành chính).

Bộ máy của LMB nổi tiếng trên thế giới là có truyền thống cực kỳ tinh gọn với mức cơ cấu hành chính tối giản. Cấu trúc quản lý hiện tại chỉ có Ban giám đốc, xuống tới các trưởng nhóm. Trong gần 20 năm đầu mới thành lập, LMB thậm chí không hề có giám đốc chính thức và chỉ có một nhân viên hành chính duy nhất Audrey Martin (kèm với một chú chó hàng ngày) 6. Max Perutz, giữ chức vụ chủ tịch LMB từ 1962-1979 (không phải giám đốc) khi tổng kết những kinh nghiệm ở LMB có một câu rất vắt tắt “Không có chính trị, không hội đồng, không phản biện, chỉ có những con người cực kỳ tài năng mà thôi” (No politics, no committees, no referees, just talented highly motivated people). Khi nghiên cứu kinh nghiệm thành công của LMB, nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Chung-Hsing (Đài Loan) đã kết luận rằng “Họ đã gạt quan liêu sang một bên để nghiên cứu tiến bước” 7.

Nghiên cứu tại LMB là các nghiên cứu cơ bản và rất sâu. Logic thông thường mà nhiều người thường cho rằng các nghiên cứu cơ bản có thể tiềm năng cho các giải Nobel nhưng không đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho ứng dụng thì LMB lại chứng minh điều này không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh tiền đầu tư trực tiếp của MRC, LMB còn tạo ra hàng trăm triệu bảng lợi nhuận từ các công nghệ mình tạo ra từ các nghiên cứu thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ và các công ty spin-out. Một điểm khiến lãnh đạo LMB luôn tự hào là LMB là mảnh đất của các ý tưởng nghiên cứu tiên phong, hoàn toàn mới chưa từng được làm ở nơi nào khác trên thế giới, và điều này đạt được nhờ cả văn hóa làm việc tại LMB là duy trì “những giờ giải lao vui vẻ” (tea-break triumphs). Những giờ uống trà, cà phê giải lao của LMB là những thời gian thư giãn vui vẻ tạo ra sự kết nối giữa các thành viên của LMB, và nó cũng là thời điểm mà mọi ý tưởng có thể đem thảo luận và mổ xẻ. Không khí ngang bằng được tạo ra giữa các thành viên LMB và không hề có sự khác biệt nào giữa lãnh đạo với nhân viên, hay sinh viên với giáo viên hướng dẫn trong các tranh luận tại LMB. LMB khuyến khích thảo luận và kết nối trong các thành viên, một sinh viên được khuyến khích thảo luận vấn đề của mình không chỉ với giáo viên hướng dẫn của mình, mà cả với bất kỳ một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm khác để tìm lời tư vấn, tìm các cách giải quyết vấn đề.

Các nhà nghiên cứu tại LMB được khuyến khích theo đuổi các vấn đề nghiên cứu lớn, các ý tưởng hoàn toàn mới thay vì bó hẹp trong việc tạo ra các bài báo khoa học theo chỉ tiêu. Và LMB là một trong số ít phòng thí nghiệm ở Anh nơi mà áp lực công bố khoa học được xem là không cao. “LMB có một truyền thống là cố gắng tuyển dụng những người tài giỏi và để mặc họ tự do làm việc” – Leo James, trưởng nhóm nghiên cứu trong bộ môn Hóa học Protein và Acid Nucleic cho biết. Tất nhiên để có được điều này thì phải kể đến một phần không nhỏ đến từ ngân quỹ dồi dào mà MRC cấp cho LMB theo chu kỳ 5 năm một lần (ví dụ con số 2012-2017 là 170 triệu bảng Anh), và ngân quỹ này sẽ được cấp cho các nhóm (bên cạnh các đề tài bên ngoài mà các nhóm có được) thông qua các dự án và việc cấp kinh phí này được tiến hành nhanh hơn rất nhiều so với thời gian xin các dự án bên ngoài. Tất nhiên mô hình có tính chất bao cấp này cũng được cảnh báo rủi ro một khi các nhà khoa học mất đi động lực phải có khám phá mới.
***
Sự thành công của Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge trong hơn 50 phát triển trong cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng là một ví dụ tốt để nhiều nước học tập (mô hình LMB đã được áp dụng cả ở Mỹ). Sự thành công này không chỉ là trong một vài thời điểm mà nó được tạo ra liên tục trong suốt quá trình phát triển của đơn vị. Sự thành công đó được đánh giá là đến từ môi trường làm việc phi hành chính, phi chính trị, tự do nghiên cứu và cởi mở. Bỏ qua các cơ cấu quan liêu để giúp nghiên cứu cất cánh – đó là bí quyết đơn giản mà nhiều người đã tổng kết từ sự thành công của LMB, và có thể là một bài học quý giá cho Việt Nam khi mà nước ta đang có tham vọng tạo những đầu tư nghiên cứu trọng điểm.

 

Cho đến nay, đã có 12 công trình khoa học của LMB được trao giải Nobel khoa học, với 15 nhà nghiên cứu của LMB được nhận giải Nobel, cùng với 11 nhà khoa học khác là các cựu sinh viên và nhà khoa học từng làm việc hoặc bắt đầu nghiên cứu tại LMB được nhận giải Nobel. Điều đó có nghĩa là một phòng thí nghiệm với 400 nhà khoa học (trong đó có 130 postdoc và 90 nghiên cứu sinh) đã đóng góp cho thế giới tới 16 nhà khoa học đoạt giải Nobel, chủ yếu trong lĩnh vực y sinh và hóa học, do đó LMB còn được mệnh danh “Nhà máy sản xuất giải Nobel”.


Tài liệu tham khảo và chú thích:
1 Frederick Sanger lần thứ 2 được trao giải Nobel Hóa học là năm 1980 cho các thành tựu về giải trình tự DNA
2 John Gurdon được trao giải Nobel Y học năm 2012 cho các thành tựu nghiên cứu về tế bào gốc vạn năng chủ yếu từ hơn 10 năm ông làm việc tại MRC LMB (1971-1983).
3 https://www2.mrc-lmb.cam.ac.uk/about-lmb/
4 Tham khảo: https://mrc.ukri.org/about/mrc-jobs/
5 Vivienne Raper (2011): “A Nobel Prize–Winning Culture”, Science http://dx.doi.org/10.1126/science.caredit.a1100063
6 W. Bynum, “What makes a great lab?”, Nature 490, 31–32 (2012).
7 M-L. Wong, “Bureaucracy bypass let research flourish”, Nature 490, 487 (2012).

 

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)