Phụ nữ có nguy cơ mắc kẹt trong ô tô khi gặp tai nạn gấp hai lần nam giới
Không chỉ vậy, phụ nữ còn gặp chấn thương ở các vị trí khác với nam giới. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí BMJ đã kêu gọi cần phải cải thiện thiết kế và mức độ an toàn của xe hơi đối với phụ nữ.
Dự án này là nghiên cứu lớn đầu tiên của Anh nhắm đến mục tiêu so sánh sự khác biệt giới đối với các kiểu thương tích và khả năng bị mắc kẹt trong xe hơi sau khi va chạm.
Ý tưởng nghiên cứu đến với giáo sư Tim Nutbeam (chuyên gia tư vấn cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Plymouth) và đồng nghiệp sau khi đọc cuốn sách “Những người phụ nữ vô hình” của Caroline Criado Perez. Trong cuốn sách, tác giả đã nhấn mạnh việc phụ nữ dễ bị chấn thương nghiêm trọng trong các vụ tai nạn xe hơi hơn, do các hình nộm thử nghiệm va chạm ô tô chỉ được mô phỏng dựa trên hình dạng của “những người đàn ông bình thường”.
Để thực hiện nghiên cứu, các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 70,027 bệnh nhân tại các trung tâm và khoa chấn thương nghiêm trọng ở Anh trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 – 12/2019.
Kết quả cho thấy, mặc dù đàn ông dễ vướng vào các vụ tai nạn nghiêm trọng và phải nhập viện hơn, nhưng chỉ 9% trong số đó bị mắc kẹt trong của ô tô, trong khi con số đó ở phụ nữ là 16%. Phụ nữ cũng bị chấn thương ở hông và cột sống nhiều hơn, trong khi đó nam giới hay bị thương ở đầu, mặt, ngực và tay chân.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là nghiên cứu cho thấy nam và nữ sẽ gặp phải các ‘kiểu mắc kẹt’ khác nhau”, tiến sỹ Lauren Weekes – bác sỹ gây mê tại Bệnh viện Đại học Plymouth, người cũng tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
“Việc hiểu được rằng có sự khác biệt giới tính trong các dạng chấn thương sẽ giúp nhân viên y tế dự đoán ai hay gặp thương tích ở vị trí nào, từ đó có thể hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả hơn. Các nhà sản xuất xe cũng sẽ có định hướng để điều chỉnh hệ thống an toàn và bảo vệ cả nam và nữ một các bình đẳng”.
Có một khả năng là bản chất các vị trí thương tích của phụ nữ khiến cho họ khó thoát ra khỏi đống đổ nát. “Chẳng hạn, phụ nữ có tỉ lệ bị thương ở vùng chậu cao hơn, và khi đã bị gẫy xương chậu thì sẽ khó mà có thể tự thoát ra khỏi xe”, Weekes nói.
Sự khác biệt trong cách lái xe của nam và nữ cũng có thể là một yếu tố, bởi nam thường hay ngồi ở vị trí lái xe hơn so với nữ, do đó sẽ có nhiều khả năng bị chấn thương khi va vào bánh lái hoặc túi khí hơn. Bên cạnh đó, nếu phụ nữ là người lái xe, họ thường có xu hướng điều chỉnh ghế lái gần vô lăng hơn – yếu tố góp phần khiến phụ nữ dễ bị mắc kẹt hơn khi gặp nạn.
Tuy nhiên, sự khác biệt về hình dáng cơ thế cũng rất có thể là một nguyên nhân, và sự khác biệt ấy đã không được mô phỏng chính xác trong các thử nghiệm va chạm ô tô. Theo Weekes, “vùng xương chậu của phụ nữ, ngay cả khi đã điều chỉnh theo tỉ lệ chiều cao và cân nặng, vẫn rộng hơn nhiều so với vùng chậu của nam giới, trong khi đó các hình nộm được dùng để mô phỏng tai nạn lại giống như một bé gái 12 tuổi chưa dậy thì hơn là một phụ nữ trưởng thành, dẫn đến thiếu sự tương quan chính xác giữa vùng chậu của phụ nữ với cánh cửa của xe hơi”.
“Các thử nghiệm va chạm sẽ được tiêu chuẩn hóa, do đó dữ liệu từ các thử nghiệm này cần phải có khả năng bảo vệ được cả nam và nữ một cách công bằng. Nếu các nhà sản xuất không sử dụng các hình nộm chính xác về mặt sinh học, làm sao họ có thể đảm bảo được điều đó?”.
Criado Perez hy vọng rằng kết quả nghiên cứu này sẽ tạo áp lực khiến các cơ quan quản lý phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc: “EU đang trong quá trình ban hành luật mới, trong đó lần đầu tiên đề cập đến việc phụ nữ ngồi trên ô tô cũng phải được bảo đảm an toàn như đàn ông”□
Mỹ Hạnh lược dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/may/17/women-almost-twice-likely-trapped-crashed-vehicle-study