“Phù thủy” của nguồn nước
Tết đã cận kề, cứ ngỡ các cán bộ của Viện Công nghệ môi trường (Viện KH&CN Việt Nam) đều có mặt ở “nhà”. Không dè, vòng đi vòng lại từ nhà A21, A9 rồi sang nhà A18B mới tìm được mấy cán bộ của Viện vừa đi công tác về, số còn lại vẫn đang ở tít tắp nơi rừng sâu núi xa cặm cụi với phần việc của mình. Các anh bảo, hôm nay tôi đã may mắn bởi nếu sang ngày mai thì các anh cũng đã lại khăn gói lên đường. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ khiến các anh luôn phải đi lại như con thoi giữa Hà Nội và địa phương có công trình. Dường như, không lúc nào ở đây ngơi việc...
Cù Thi Nê là người Thái. Anh sống ở xã Hát Lót huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Thi Nê nói tiếng Kinh lơ lớ. Không chỉ với anh mà với tất cả đồng bào người Thái ở Mai Sơn này thì xử lý nước thải và các lò đốt rác bệnh viện là một khái niệm quá xa lạ, chẳng thể nào hiểu nổi. Nhưng, kể từ khi cán bộ Kiên ở Viện Công nghệ Môi trường lên đây rồi lắp đặt mấy cái bể nước phía sau Trung tâm Y tế Mai Sơn, con suối nhỏ chảy qua chân đồi nhà anh nước lại trong văn vắt, con tôm con cá lại nhiều như cách đây chừng mươi năm trước thì anh tự nhiên thấy cái “công nghệ lạ lùng” ấy như có phép nhiệm màu. Và, mến yêu dòng suối mát bao nhiêu anh lại thấy quý cán bộ Kiên bấy nhiêu. Cũng từ đó, những buổi đi lấy mẫu nước, kiểm tra mẫu nước của cán bộ Kiên, Thi Nê săng sái đi cùng. Mang vác nặng anh đều sắn tay lăn vào giúp. Mỗi khi bẫy được con nai, săn được con hoẵng, anh đều sai con mang sang biếu người cán bộ có phép… thần thông đó.
Nhớ lại chuyến đi đầu tiên, anh Kiên kể: “Lần đó tôi được cử đi Sơn La theo dõi khởi động và đào tạo cho trạm xử lý nước thải bằng vi sinh vật của Nhà máy sữa Mộc Châu. Chuyến đi kéo dài gần hai tháng. Với một sinh viên mới ra trường như tôi thì chuyến đi đó quả là có nhiều ấn tượng”. Từ Hà Nội lên Sơn La hơn 300 cây số mà chiếc xe khách chạy mất… 13 tiếng chỉ vì đường khó đi, lại đang thi công, có lúc phải dừng xe chờ dọn dẹp đất đá mới đi tiếp được. Rồi qua Mai Sơn, xe vừa qua thì chợt uỳnh uỳnh, tất cả hành khách trong xe đều ngoái đầu lại và kinh hoàng nhìn tảng đá to bằng nửa chiếc xe đang ầm ầm lăn xuống đường, rơi bộp xuống nơi chiếc xe vừa đi qua rồi lăn xuống vực. Hai tháng trên núi, không điện thoại, không tivi, không điện, nơi ở là nhà kho của người dân tộc, muỗi to như con ruồi, thức ăn cho các bữa cơm là món… mối rang. Nhìn thấy đã sợ rồi những vẫn phải cố ăn bởi có quý lắm bà chủ nhà mới đem ra mời.
Theo lời anh Kiên thì ở Viện Công nghệ môi trường, các cán bộ thường xuyên phải đi công tác. Không ít lần ở giữa rừng, giữa núi, nhà dân thì xa, các anh đành dựng lều ở cạnh công trường. Năm vừa qua, Viện nhận chuyển giao một lò đốt rác cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Vậy là anh Nguyễn Quang Huy lên đường. Hai tháng sau, vừa từ Ninh Thuận trở ra, chưa kịp lấy đồ ra khỏi va ly anh lại trở vào Thanh Hóa. Còn anh Phan Thế Dương vì công việc đành “mặc kệ” người vợ mới cưới, nằm vùng ở Sơn La hơn một tháng nay. Anh chị em trong Viện bảo anh Dương chẳng mấy khi thấy ở nhà và là người giữ kỷ lục đi nhiều nhất Viện. Năm nhiều thì cả 10 tháng anh đi tỉnh, năm ít cũng 7-8 tháng.
Nhiều nỗi trăn trở với nghề
Thực ra, công nghệ xử lý nước thải bằng vi sinh không phải là kết quả nghiên cứu mới mẻ trên thế giới. Song tại Việt Nam, công nghệ này mới xâm nhập được một vài năm nay và được ưa chuộng vì rẻ, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Để thiết kế một hệ thống như thế, cán bộ của Viện phải xuống tận nơi lấy mẫu về phân tích hiện trạng của địa phương, xem xét chủng loại và số lượng vi sinh vật trong hệ thống cống rãnh và lượng chất thải trong nước. Sau đó sẽ thiết kế hệ thống đảm bảo cho các vi sinh vật này tồn tại với một số lượng phù hợp. Những vi sinh vật này sẽ ăn hết các hợp chất hữu cơ trong nước thải. Nếu vi sinh vật phát triển quá nhiều, nước sẽ bị đặc, thiếu hữu cơ cung cấp thì rồi sinh vật cũng chết. Nếu vi sinh vật quá ít thì sẽ không xử lý kịp lượng nước thải. Cuối cùng, nước thải sẽ được chuyển sang một bể lắng và thải ra ngoài môi trường. Đối với các cán bộ của Viện nói riêng và nhiều cán bộ môi trường khác thì khó khăn lớn nhất không nằm ở công tác nghiên cứu mà ở thái độ thờ ơ của nhiều cơ quan cũng như người dân mới là rào cản lớn nhất khi đưa công nghệ đó vào cuộc sống ngay cả khi nó đã được chứng minh trên thực tế là hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy, các bệnh viện ở nước ta không được trang bị hệ thống xử lý chất thải bao gồm cả nước, rác, khí… Nếu có thì cũng được xây dựng cách đây 30 – 40 năm, đã hỏng hoặc không có kinh phí hoạt động nên các đơn vị đều bỏ qua. Bây giờ khi dư luận chú trọng hơn đến việc bảo vệ môi trường thì các cơ quan này mới chịu nghĩ đến một hệ thống xử lý các chất thải. Trong suốt quãng thời gian hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ xử lý ô nhiễm, anh Trịnh Văn Tuyên đã không ít lần gặp những trung tâm xử lý chất thải “dỏm”. Những trung tâm này đều đồ sộ, đắt tiền và không thể… vận hành được do chỉ xây để làm cảnh qua mắt dư luận và cơ quan kiểm tra. Anh Tuyên dẫn chứng, gần đây Nhà máy dệt Minh Khai làm việc nhiều buổi với Viện xem xét khả năng xây dựng hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Nước thải của các nhà máy dệt thường rất khó xử lý do có các thành phần màu và hồ bột vậy nên giá thành của hệ thống này lên tới hàng chục tỷ đồng. Mức đầu tư này khiến Nhà máy… chùn tay và toàn bộ nước thải ấy vẫn tiếp tục được đưa xuống sông Tô Lịch -dòng sông này là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy
Thế nhưng, ở vùng cao, đời sống còn thấp nên chuyện chi một số tiền lớn để làm sạch nước thải là chuyện… hoang đường. Ngay cả thứ rác thải bệnh viện vốn được coi là độc hại vào bậc nhất cũng chẳng thế làm gì ngoài việc vứt thẳng ra quả đồi lân cận nơi bệnh viên tọa lạc. Ở nhiều bệnh viện tuyến huyện thậm chí cả tuyến tỉnh mà cụ thể như Trung tâm Y tế Mai Sơn, đống rác thải này qua nhiều năm nay vun đầy như một quả đồi nho nhỏ. Nước thải bệnh viện thì vô tư chảy, tìm khe tìm suối mà chảy và người dân tộc thì cứ vô tư dùng ống tre mà dẫn nước suối về dùng. Nhưng không dùng nước suối đó thì lấy nước ở đâu? “Viện tôi cũng tham gia nhiều dự án cung cấp nước sạch cho đồng bào miền núi. Tuy nhiên, những dự án này còn ít ỏi lắm và cũng mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của người dân” – anh Tuyên bảo thế.
Mới thành lập được 3 năm, nhưng năm nào Viện Công nghệ môi trường cũng có hàng chục hợp đồng chuyển giao theo nhiều hướng nghiên cứu với tổng trị giá ngót nghét chục tỷ đồng. Vậy mà TS Nguyễn Thế Đồng, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường vẫn phàn nàn rằng chưa làm được gì nhiều. So với nhiều đơn vị nghiên cứu triển khai khác thì số lượng hợp đồng và đề tài của Viện là một con số đáng mơ ước. Nhưng “thành tựu của một đơn vị nghiên cứu triển khai, dù ít dù nhiều vẫn chỉ là hạt muối bỏ bể. Nói ngay như Quyết định 64/QĐ-TTg yêu cầu xử lý gần 350 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian từ nay đến 2007. Nay đã bước sang năm 2006, tiến độ chậm chạp thế này làm sao mà xong nổi. Các cơ quan Nhà nước cần phải nhập cuộc sát sao hơn nữa thì tình trạng ô nhiễm môi trường mới có thể chuyển biến thực sự” – TS Đồng tâm sự.
Tết đã gần kề nhưng các “phù thủy” của Viện vẫn còn miệt mài với công việc của mình ở nhiều địa phương để người dân bớt đi nỗi lo về những “hung thần” ấn nấp trong nguồn nước…