Phương pháp mới tạo tinh trùng trong phòng thí nghiệm

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và trường Đại học Y Nam Kinh vừa công bố trên tạp chí Cell Stem Cell rằng họ đã đưa được tế bào gốc của một loài chuột thành tế bào giống như tế bào tinh trùng, và các tế bào này có thể được đem đi thụ tinh với trứng để tạo ra những con chuột con khỏe mạnh.


Qua phương pháp này, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có được cái nhìn đầy đủ về quá trình phân bào giảm nhiễm ở động vật có vú – tức quá trình trong đó các tế bào trong tinh hoàn và buồng trứng phát triển thành tinh trùng và trứng. Nếu có thể dùng phương pháp này để tạo ra tế bào tinh trùng người thì nó sẽ mang đến những tác động rất lớn, đặc biệt là đối với những nam giới mắc một số chứng vô sinh nhất định, chẳng hạn như những người không còn khả năng tạo tinh trùng sống sau quá trình hóa học trị liệu. Khi đó, những người này vẫn có thể sinh con nếu lấy các tế bào khác trên cơ thể họ rồi chuyển thành tế bào tinh trùng rồi sau đó kích thích để chúng phát triển thành tinh trùng.


Năm 2011, một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Kyoto, Nhật Bản, đã tìm cách đưa tế bào gốc phôi (ES) ở chuột thành các tế bào giống với các tế bào tinh trùng nguyên thủy (PGC). Nhưng trong quá trình phát triển thành tinh trùng, tức phải có một nửa số nhiễm sắc thể của các tế bào không phải tế bào tinh trùng, những tế bào PGC này đã được cấy trở lại tinh hoàn chuột. Như vậy, các nhà nghiên cứu không thể quan sát được toàn bộ quá trình phân bào giảm nhiễm, đồng thời nếu áp dụng phương pháp này trên người, quá trình này vẫn đòi hỏi một bước đưa tế bào quay trở lại cơ thể người, và điều này có thể tạo thêm các loại u bướu cho người được cấy.


Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vẫn áp dụng phương pháp trên của nhóm nghiên cứu Nhật Bản để tạo ra các tế bào PGC từ tế bào gốc phôi. Sau đó, họ kết hợp các tế bào này với các tế bào tinh hoàn lấy từ chuột mới sinh. Cuối cùng, họ đưa chúng vào một dung dịch gồm các hormone giới tính và các chất tạo sự phát triển, trong đó có cả một chiết xuất giàu hormone lấy từ tuyến yên của bò. Dưới những điều kiện này, các tế bào trải qua một quá trình phân chia, thể hiện tất cả những mốc quan trọng trong quá trình phân bào giảm nhiễm. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiêm các tế bào giống như tế bào tinh trùng thu được – nhưng chúng không bơi được – trực tiếp vào trứng rồi cấy chúng trong một con chuột cái. Kết quả là những con chuột con ra đời.


Tuy vẫn còn xa mới có thể nghĩ đến chuyện đưa phương pháp này vào ứng dụng thực tế, bởi tế bào tinh trùng chuột và người có hình thái phát triển khác nhau nên có thể đòi hỏi những điều kiện khác nhau. Tuy vậy, kết quả này vẫn rất đáng khích lệ, bởi nhiều nhà khoa học tin rằng nếu phương pháp này có hiệu quả trên chuột thì không có lý do gì để không áp dụng nó trên người cả.

Trang Bùi dịch theo Science
http://www.sciencemag.org/news/2016/02/new-method-grows-sperm-dish

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)