Procademic: Sự giao hòa giữa học thuật và ứng dụng
Ngay sau khi đăng bài viết "Nghiên cứu và phát triển ở đại học: Một vài đề xuất" của GS. Ngô Quang Hưng, Tia Sáng đã nhận được bài viết "Procademic: Sự giao hòa giữa học thuật và ứng dụng" của TS. Võ Đình Trí (ĐH Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris) cùng chia sẻ quan điểm này.
GS. TS Phan Thanh Sơn Nam hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm ĐH Bách khoa TPHCM
Có một thực tế không thể phủ nhận là giữa nghiên cứu và thực tiễn luôn tồn tại khoảng cách. Ngay cả nhiều kết quả trong nghiên cứu ứng dụng cũng không thể hoặc chưa thể đưa vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa học thuật và ứng dụng (procademic 1) cho thấy nhiều lợi ích và ngày càng được áp dụng trong nhiều ngành khác nhau.
Lợi ích của “procademic”
Từ góc nhìn của của người làm thực tế, việc phối hợp với giới nghiên cứu trong cùng lĩnh vực hoặc lĩnh vực có liên đới mang lại một số lợi ích. Thứ nhất, người làm thực tế gắn liền với nghiên cứu giữ được và phát triển các mối quan hệ (network) trong lĩnh vực của mình. Việc duy trì và phát triển các mối quan hệ nghề nghiệp là quan trọng ở bất kỳ ngành nghề nào, nhất là trong việc mở rộng các cơ hội hợp tác hay việc làm. Thứ hai, thông qua các hợp tác trao đổi về học thuật như cùng thực hiện đề tài nghiên cứu, tham gia hội thảo chuyên ngành, giúp những người làm thực tế luôn cập nhật được những xu hướng nghiên cứu mới hoặc những giải pháp mới. Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế tài chính, nhiều hội thảo lớn 2 có sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ các ngân hàng trung ương, các cơ quan kinh tế của chính phủ, các định chế tài chính tư nhân lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Còn các hội nghị trong nhóm IEEE, luôn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu của giới công nghiệp. Thứ ba, việc hợp tác với các trường đại học nghiên cứu thông qua các dự án giúp cho người làm thực tế có một kênh để phát triển nguồn nhân lực. Các dự án đều có sự tham gia của các sinh viên hoặc các nhà nghiên cứu trẻ, đây là nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho doanh nghiệp hay tổ chức khi họ có nhu cầu.
Từ góc nhìn của người nghiên cứu, việc hợp tác với những người làm thực tế (industry), cũng là cơ chế win-win. Trước hết, bản thân người làm nghiên cứu thuần túy ở đại học khi hợp tác nghiên cứu với bên ngoài, không chỉ phát triển mạng lưới quan hệ cho bản thân mà còn cho cả nơi mình đang công tác. Người làm nghiên cứu có quan hệ tốt và nhiều với giới công nghiệp sẽ là cầu nối giúp sinh viên trong việc tìm nơi thực tập hoặc việc làm. Lý do tiếp theo, những dự án hợp tác với bên ngoài giúp cho người làm nghiên cứu thuần túy tiếp cận với thực tế nhiều hơn, điều này không chỉ có ích trong việc nâng giá trị hồ sơ cá nhân, mà còn giúp cho các bài giảng sinh động và thực tế hơn. Ngay như cựu Bộ trưởng Đại học Anh Quốc David Willets cũng thừa nhận nhiều sinh viên của Anh thiếu thực tế và không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.3 Ông còn đưa ra một ví dụ là một công ty năng lượng có thể giao việc ngay lập tức cho một sinh viên Đức mới tốt nghiệp, trong khi với sinh viên Anh thì không. Lý do thứ ba, cũng không kém phần quan trọng của việc hợp tác nghiên cứu với bên ngoài, là giúp người làm nghiên cứu thuần túy có thêm thu nhập cũng như hoàn thiện các kỹ năng mềm. Việc hợp tác với giới công nghiệp qua dự án giúp phát triển các kỹ năng như quản lý dự án, quản lý thời gian, làm việc nhóm, marketing, đàm phán v.v… cho người làm nghiên cứu.
Để thúc đẩy “procademic”
Sự giao hòa giữa giới hàn lâm và công nghiệp4 trước hết xuất phát từ sự nỗ lực liên tục của từng cá nhân. Động lực phát triển của chính bản thân người làm nghiên cứu trong trường đại học và người làm nghiên cứu trong công nghiệp là nền tảng cho sự phát triển “procademic”. Tuy vậy, sự giao hòa này cần nhiều hỗ trợ và xúc tác từ các tổ chức có liên quan: giới công nghiệp, trường đại học, và chính phủ.
Theo GS Ngô Quang Hưng 5, giữa giới công nghiệp và hàn lâm thiếu một sự giao lưu ý tưởng và niềm tin. Không phải tất cả các doanh nghiệp, tổ chức có điều kiện triển khai R&D đều chủ động tìm đến các trường đại học hay các hội nghị, hội thảo khoa học. Thậm chí, nhiều nơi còn e dè trước những lời ngỏ hợp tác từ phía trường đại học. Trong xu hướng phát triển nhanh của nền kinh tế tri thức, thiếu đầu tư vào R&D khi có điều kiện sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp hay tổ chức. Những doanh nghiêp hay tổ chức lớn cần có những người làm cầu nối với những kết quả mới trong nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kỹ thuật, quản lý, tài chính, marketing v.v…
Về phía trường đại học, cần tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các giảng viên hợp tác với các dự án nghiên cứu bên ngoài, nhất là các việc liên quan đến thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích động viên với những giảng viên tìm được nguồn tài trợ nghiên cứu từ giới công nghiệp thông qua những ghi nhận thiết thực cụ thể như trong xem xét đãi ngộ, thăng tiến trong nghề nghiệp.
Một nhân tố cuối nhưng rất quan trọng là vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy “procademic” phát triển. Những chính sách của chính phủ liên quan về thuế, tài chính có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển hoạt động R&D và từ đó là “procademic”. Chẳng hạn những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tài trợ tín dụng cho hoạt động R&D sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực hơn. Ví dụ như ở Pháp, hoạt động R&D được hỗ trợ qua tín dụng thuế cho nghiên cứu (crédit impôt recherche), khi một phần thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn trả qua hoạt động R&D. Khoản tài trợ này là khá lớn với các doanh nghiệp lớn, lên đến hàng triệu euros, từ đó hình thành các dự án phối hợp nghiên cứu giữa doanh nghiệp và trường đại học.
Như vậy, sự giao hòa giữa học thuật và ứng dụng trong điều kiện thuận lợi đem lại lợi ích cho nhiều bên, từ giới hàn lâm, giới công nghiệp, doanh nghiệp, trường đại học, và xa hơn là cộng đồng khi những thành tựu mới sớm đưa vào ứng dụng. Muốn như vậy, mỗi bên đều cần liên tục cố gắng, vì nói cho ngay, quyết định cuối cùng vẫn là củamột người hay vài người. Nhiều khi vì không vượt qua được “cái tôi” mà sự phát triển chung bị gián đoạn hay bị vụt mất cơ hội.
——————————————————–
1. Procademic = Professional + Academic. Procademic còn có nghĩa là giảng viên là người có kinh nghiệm thực tế, theo tiêu chuẩn giảng viên của AACSB.
2. http://risk2016.institutlouisbachelier.org/?lng=EN
4. Hiểu theo nghĩa là ngành nghề
5. http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Nghien-cuu-va-phat-trien-o-dai-hoc-Mot-vai-de-xuat-10092