Quả lựu có thể hỗ trợ điều trị ung thư máu?

Từ lâu lựu đã được coi là một loại dược liệu. Gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của lựu đối với con người, trong đó có bệnh ung thư máu.

Bệnh ung thư máu có nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên chúng có một điểm chung là bạch cầu thay đổi và bùng phát trong tủy. Do đó những thành phần khác của máu như hồng cầu và bạch cầu khỏe – một thành phần của hệ miễn dịch – bị thiếu hụt. Từ tủy, tế bào bạch cầu bệnh có thể tấn công sang các tổ chức khác của cơ thể hay vào các hạch bạch huyết.

Đã có dấu hiệu đầu tiên về tác động của quả lựu đến việc điều trị ung thư. Ông Satoru Kawaii thuộc ĐH Tokyo Denki và một đồng nghiệp đã làm thí nghiệm với tế bào máu trắng trong ống nghiệm. Họ nhận thấy nước lựu lên men có khả năng kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư máu. Thí nghiệm của nhà khoa học này cho thấy, tế bào ung thư máu có thể phục hồi và khỏe trở lại hoặc sẽ diễn ra quá trình tế bào ung thư máu tự tử hàng loạt. Tuy nhiên giới nghiên cứu về ung thư không vì thế mà lạc quan thái quá.

Không thể lấy kết quả trong ống nghiệm áp dụng đơn giản đối với con người. Nhà khoa học M. Rostock thuộc Đại học Y Hamburg-Eppendorf (UKE) nói “thí nghiệm tế bào cho thấy nước quả lựu tác động vào tế bào ung thư máu, tuy nhiên người ta không thể lấy đó làm bằng chứng về tác động của nó với con người”.

Hy vọng với chè xanh

Quả lựu chứa hợp chất Polyphenole và hợp chất này đã chứng minh tác dụng đối với thí nghiệm trên tế bào – cây cối dùng chất này để tự bảo vệ trước côn trùng gây hại. Hợp chất này cũng thấy có trong chè xanh. Các nhà khoa học đã có một bước tiến xa hơn trong việc nghiên cứu tác dụng của chè xanh đối với bệnh ung thư máu: Cũng như ở quả lựu, trong nước chè cũng chứa các Polyphenol Epigallocatechingallat (EGCG). Đã có những nghiên cứu về tác dụng của EGCG ở người.

Trong một nghiên cứu tiến hành hồi tháng Giêng 2013, Neil Kay và các đồng nghiệp thuộc bệnh viện Mayo ở TP Rochester, Mỹ, đã điều trị 42 bệnh nhân bị bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL), mỗi ngày bệnh nhân điều trị hai lần bằng chất chiết xuất từ chè xanh. Ngoài ra người bệnh không có điều trị gì khác. Các nhà nghiên cứu đã trình bầy kết quả trên tạp chí chuyên đề “Cancer” như sau: “Ở 29 bệnh nhân (69%) thấy có sự giảm sút liên tục tế bào ung thư máu hoặc / và có sự giảm tế bào ở hạch lympho tại một điểm trong sáu tháng điều trị.”

Ông Rostock cho rằng, “Người ta có thể coi những nghiên cứu này là dấu hiệu cho thấy chè xanh có thể tác động tích cực đến diễn biến điều trị bệnh CLL, một dạng ung thư máu phát triển tương đối chậm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên điều này chưa đủ để có thể coi là một bằng chứng về hiệu quả lâm sàng. “Còn thiếu những nghiên cứu lớn với sự tham gia của nhiều người hơn, về cơ chế tác động của Polyphenole cũng chưa được biết nhiều. Có lẽ ở đây có sự tương tác của nhiều chất khác nhau dẫn đến hiệu ứng này.

Thức ăn có thể hỗ trợ quá trình điều trị

Vì vậy những nghiên cứu nêu trên hầu như chưa có ý nghĩa trong thực tiễn. Thay vào đó, các chuyên gia đề cập những rủi ro về việc điều trị không bình thường: “Tôi can không nên dùng đại nước quả lựu để thử nghiệm, vì điều này có thể ảnh hưởng đến tác động của các loại thuốc được dùng trong điều trị”, ý kiến của Clarissa Gerhäuser thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư của Đức (DKFZ) khi trả lời SPIEGEL ONLINE.

Tuy vậy, người bệnh vẫn có thể thông qua ăn uống lành mạnh để tác động tích cực đến bộ phận cơ thể bị ung thư: “Thông qua vận động và chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ cho bộ phận cơ thể bị ung thư chống chọi với căn bệnh tai ác này”, theo ông Rostock. “Trong đó những loại thức ăn có chứa nhiều chất polyphenol như ở quả lựu và nó có vai trò nhất định. Tốt nhất nên trao đổi với thầy thuốc về chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là chế độ ăn trong quá trình điều trị ung thư,” ông nói

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)