RẠNG ĐÔNG – Địa chỉ tin cậy của nhà khoa học

Đối với Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, các nhà khoa học là những “người thầy”, còn đối với họ, doanh nghiệp của ông là cơ hội để ứng dụng và đúc kết các kết quả nghiên cứu.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, đồng thời bức tranh chung của nền công nghiệp chế tạo nội địa còn nhiều ảm đạm do sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu – đặc biệt là từ Trung Quốc – và sự lấn lướt của các công ty đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vẫn liên tục đạt được những thành công đáng tự hào, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012, doanh thu công ty đạt 2208 tỷ, tăng 16,2% so với 2011; lợi nhuận đạt 96 tỷ đồng, tăng 20% so với 2011. Với số lượng nhân viên công ty khoảng 3000 người, mức thu nhập bình quân trên đầu người cũng rất ấn tượng, đạt gần 8,5 triệu đồng/tháng.  Mặc dù vốn điều lệ công ty chỉ 115 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chưa tới 500 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn được xếp vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2012.

Từ 2010 tới 2012, Rạng Đông đã cung cấp cho thị trường nội địa Việt Nam 80,3 triệu đèn CFL, 18,55 triệu bộ đèn T8 và ballast điện tử. Theo tính toán của công ty, với số đèn CFL 15w thay thế đèn IL 75w, và những bộ đèn T8 (tiêu tốn 39,5watt) thay thế đèn T10 (51watt), tính hệ số sử dụng đồng thời 0,5, thời gian sử dụng 6 giờ ngày, thì Rạng Đông đã góp phần giảm điện năng sử dụng là 5,51 tỷ KWh, tương đương gần 2% tổng điện thương phẩm quốc gia mỗi năm.

Nguyên nhân quan trọng đầu tiên của những thành công trên là do Rạng Đông đã mạnh dạn ‘tăng cường sử dụng vốn vay để đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất và tăng quy mô vốn lưu động dẫn đến hệ số nợ tăng mạnh từ mức 53% cuối năm 2008 lên mức 68% cuối quý 3/2012’.
Tuy nhiên, trong xu hướng nền kinh tế tài chính toàn cầu suy thoái, kinh tế trong nước bất ổn với lãi suất cao, việc một doanh nghiệp liên tục vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ và đạt thành công trong sản xuất kinh doanh không chỉ đòi hỏi sự mạnh dạn mà cả tầm nhìn sáng suốt trong quyết định đầu tư, đặc biệt là trong quyết định lựa chọn dây chuyền công nghệ.

Hợp tác đầu tư nghiên cứu cải tiến công nghệ    

Ý thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu cải tiến công nghệ, từ nhiều năm qua Rạng Đông đã thường xuyên dành 2% doanh thu để đầu tư phát triển năng lực công nghệ, kỹ thuật và các dây chuyền sản xuất hiện đại. Mức đầu tư này tương đương khoảng 20% lợi nhuận trước thuế, một con số rất cao nếu so với thực trạng đa số các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không đạt được mức trích 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho khoa học và công nghệ để hưởng chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước, như Bộ KH&CN phản ánh lâu nay.
Một mặt đầu tư nhập một phần công nghệ từ nước ngoài, mặt khác Rạng Đông tích cực hợp tác với các trường, viện trong nước như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), các viện nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội (tháng 4/2010)…

Những quan hệ hợp tác này đã giúp Rạng Đông thực hiện được 22 đề tài đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về các nguồn sáng hiệu suất cao thay thế các thiết bị hiệu suất thấp, nâng cao chất lượng, giảm chi phí. Cụ thể như các nghiên cứu thiết kế và công nghệ chế tạo Catốt Oxýt; nghiên cứu chế tạo chất phát quang hiệu suất cao, chất phát quang có phổ phát xạ cho mục đích chuyên dụng, thu hồi và tái chế chất phát quang sử dụng đất hiếm; nghiên cứu cải tiến công nghệ tráng phủ lớp bột huỳnh quang không sử dụng dung môi, nghiên cứu tráng lớp phủ bảo vệ – Al2O3, sử dụng loại thủy tinh không có chì, loại thủy tinh hàm lượng kiềm (Na+) thấp tránh đen ống và kéo dài tuổi thọ; cải tiến công nghệ tráng lớp bảo vệ và bột huỳnh quang trên ống đèn CFL xoắn; nghiên cứu chế tạo các loại đèn phóng điện đường kính nhỏ, hiệu suất cao, giảm vật tư và hóa chất độc hại, giảm chất thải sau sử dụng FL (T10, T8), CFL (T5,T4,T3,T2); nghiên cứu phủ lớp vật liệu nano, giảm chiều dày ống thủy tinh, giảm lượng thủy tinh sử dụng, giảm khí thải; nghiên cứu lớp phủ khắc phục hiện tượng khó sáng đèn tuýp gầy T8; nghiên cứu cải tiến tối ưu hóa ballast điện tử cho đèn FL, CFL, bổ sung các tính năng, giải quyết tương thích giữa ballast và ống phóng điện; nghiên cứu cơ chế giảm tiêu hao thủy ngân trong quá trình tuổi thọ ống phóng điện, nghiên cứu sử dụng Amalgam thay thế thủy ngân lỏng; tiếp nhận kết quả nghiên cứu thiết bị đo phân bố quang hiện đại của Viện Vật lý Kỹ thuật và Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, v.v.

Cũng qua hợp tác với các Viện, trường, Rạng Đông đã tận dụng được thiết bị tại các cơ sở này và các phòng thí nghiệm quốc gia để xây dựng tiêu chuẩn một số vật tư nhạy cảm đầu vào thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ theo mô hình châu Âu, theo phương pháp XRF, EDX, XR; phương pháp tán xạ Laze, SEM.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư nghiên cứu phương pháp, tự chế tạo các thiết bị chuyên dụng kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất (PQC) như: Thiết bị kiểm tra điện trở tiếp xúc và Rh/Rc, thiết bị đo tích số khởi động tức thời đèn phóng điện áp suất thấp, thiết bị đo áp lực khí nạp không phá hủy, thiết bị đo điện áp xuyên kích, thiết bị gia tốc đánh giá nhanh tuổi thọ… thực hiện hệ thống EFQM trong toàn công ty.


Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang 3 phổ tại phòng thí nghiệm chung HUST – RALACO

Đối với người tiêu dùng và xã hội, những cải tiến công nghệ của Rạng Đông đã giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng sản phẩm cao hơn, tiết kiệm đáng kể về tiền bạc và nhu cầu năng lượng. Các sản phẩm đèn huỳnh quang T8, ballast sắt từ, ballast điện tử của Rạng Đông là sản phẩm được dán tem Ngôi sao năng lượng đầu tiên ở Việt Nam.

Đồng thời, cải tiến công nghệ còn giúp công ty thay thế nhiều vật tư nhập khẩu như keo gắn đèn IL, FL, CFL, keo chịu ẩm đèn CFL sử dụng ngoài trời, dung dịch Silicon dạng nhũ tương cho đèn huỳnh quang khởi động nhanh xuất khẩu, v.v.

Tự thành lập Trung tâm R&D để chủ động trong nghiên cứu liên ngành

Tháng 3/2011, Trung tâm R&D Rạng Đông và Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được thành lập dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Đỗ Xuân Thành.

Trung tâm R&D có nhiệm vụ tập hợp và khai thác hiệu quả các nguồn tri thức tiên tiến trong và ngoài công ty, trong và ngoài nước để nghiên cứu, thiết kế và tiếp nhận chuyển giao khoa học –  công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất và hướng dẫn đào tạo cho các đơn vị trong Công ty tiến hành sản xuất hàng loạt, và đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao trong Công ty. Trung tâm chủ trì thực hiện phát triển các công nghệ quan trọng như nguồn sáng LED, cao áp (HID) thế hệ mới…, các bộ sản phẩm chuyên dụng phục vụ nhu cầu thị trường, cải tiến nâng cao chất lượng dàn sản phẩm chiến lược mũi nhọn compact, huỳnh quang của Công ty, là đầu mối hợp tác, ứng dụng, triển khai các kỹ thuật chiếu sáng trong các lĩnh vực đời sống.

Bộ máy của Trung tâm R&D được tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, chú trọng vào hiệu quả sản phẩm đầu ra. Đến nay, biên chế Trung tâm R&D có 40 nhà khoa học và kỹ sư, trong đó có 1 NGND-GS-TS, 6 PGS-TS và nhiều Tiến sỹ, Thạc sỹ, kỹ sư chủ trì các bộ môn, tư vấn các lĩnh vực chuyên ngành về nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng của Việt Nam. Với nguồn nhân lực chuyên gia trình độ cao trên các lĩnh vực khác nhau đã đưa Trung tâm R&D của Rạng Đông thành một tổ chức nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành đầu tiên ở Việt Nam về thiết bị chiếu sáng.


Phương pháp EDX- xác định thành phần hoá học của khuyết tật thủy tinh

Năng lực hợp tác liên ngành là một lợi thế rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất này, nơi mà một sản phẩm dù đơn giản nhất cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên ngành kỹ thuật. Đơn cử như đề tài chiếu sáng nhân tạo trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất phát từ đòi hỏi của các nhà sinh học cần những nguồn bức xạ thích hợp cho cây trồng, đã được các đơn vị trong Trung tâm R&D phối hợp triển khai, trong đó Bộ môn Nghiên cứu Nguồn sáng phụ trách giải mã công nghệ Bộ môn Hóa -Vật liệu nghiên cứu chế tạo vật liệu phát quang tạo phổ bức xạ phù hợp, và Bộ môn Kỹ thuật Điện tử nghiên cứu điều khiển nguồn. Sản phẩm từ đề tài liên ngành này đã được đưa thử nghiệm trên đồng ruộng, trong các phòng nuôi cấy mô và được phản hồi nhanh chóng về sự trưởng thành cây giống, kết quả điều khiển chu kỳ ra hoa về nhóm các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, thách thức cho một Trung tâm Nghiên cứu R&D, trước khi có thể nghĩ tới mục tiêu trở thành viện nghiên cứu trong tương lai, đó là làm sao trang trải kinh phí để triển khai được những đề tài có tiềm năng lớn về giá trị gia tăng, không chỉ đối với bản thân doanh nghiệp mà cả với cộng đồng, nhưng lại đòi hỏi sự đầu tư tốn kém kèm theo không ít rủi ro. Ví dụ như công nghệ thiết bị chiếu sáng nhân tạo trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đề cập trên đây có thể giúp tạo được những hoa, quả chất lượng cao theo mùa vụ linh hoạt như mong muốn của người trồng, đem lại giá trị tiềm năng to lớn trong sản xuất kinh doanh trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, nghiên cứu này đòi hỏi phải được thử nghiệm trên quy mô vài hecta, kéo dài trong 2-3 năm, với chi phí dự kiến lên tới hàng chục tỷ đồng cùng những rủi ro tất yếu kèm theo. Thật mạo hiểm nếu công ty nghiên cứu bằng nguồn vốn tự huy động và rất khó để tìm kiếm nguồn tài trợ từ Nhà nước khi các quy định và cơ chế hiện hành vẫn chưa cho phép việc cấp ngân sách tài trợ cho doanh nghiệp thực hiện một dự án liên ngành với kinh phí lớn như vậy. Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, Rạng Đông sẵn sàng bỏ ra 9 tỷ vốn đối ứng, nhưng vẫn cần Nhà nước tài trợ 14 tỷ, nhưng vướng mắc ở chỗ Nhà nước chưa có cơ chế tài trợ nghiên cứu liên ngành, và chỉ dám cấp kinh phí từ 5 tỷ trở xuống, trong đó không cho phép dùng tiền mua thiết bị. Vì vậy, dù lâu nay được sự quan tâm và ủng hộ từ các hộ nông dân và các nhà quản lý, như lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, nhưng Rạng Đông vẫn chưa tìm được cách tháo gỡ thỏa đáng.

Mối gắn kết bền chặt hai chiều

Mặc dù vẫn còn đó hạn chế về nguồn lực, nhưng đối với các nhà khoa học, Rạng Đông là một địa chỉ đáng mơ ước để cộng tác thực hiện các đề tài nghiên cứu. Theo TS. Trịnh Xuân Anh, Trưởng môn Hóa Vật liệu Đại học Bách khoa, làm việc với Rạng Đông là “cơ hội để nhà khoa học ứng dụng và đúc kết các kết quả nghiên cứu”. Với năng lực triển khai trên quy mô công nghiệp tại các cơ sở sản xuất ở Rạng Đông, các ý tưởng đổi mới và cải tiến công nghệ được nhanh chóng ứng dụng, thử nghiệm, và khi thành sản phẩm có thể đưa ra thị trường, qua mạng lưới 7000 cửa hàng rộng khắp trên cả nước. Đồng thời cũng qua mạng lưới này, các nhà khoa học sẽ nhận được sớm nhất những phản hồi từ người tiêu dùng, biết được những điểm hay dở trong sản phẩm và những vấn đề mới mà thực tiễn đang đặt ra để tiếp tục tìm tòi nghiên cứu cải tiến.

Hiện nay chúng tôi đang cùng Rạng Đông triển khai những nghiên cứu rất có ý nghĩa, tìm những nguồn sáng, những thiết bị chiếu sáng để sử dụng trong việc chiếu sáng điều khiển cho phòng nuôi cấy mô, và đang nghiên cứu những hệ thống nguồn sáng thích hợp để điều khiển sự ra hoa của cây hoa cúc, điều khiển sự ra hoa của cây thanh long và còn nhiều cây tương tự khác.”

NGND.GS.TS. Nguyễn Quang Thạch,
Nguyên Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp- Đại học Nông nghiệp Hà Nội

Quá trình cọ xát với thực tế một cách hiệu quả như vậy khiến các chuyên gia cộng tác với Rạng Đông thực sự tâm huyết và đam mê. Họ thường xuyên ở lại các xưởng tới 7, 8 giờ tối. PGS. TS Đỗ Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm R&D và Hội đồng Khoa học của Rạng Đông hằng ngày nhiều khi tới 11 giờ đêm vẫn có mặt trên mạng internet để chỉ đạo và hướng dẫn trực tuyến cho các kỹ sư của công ty. PGS. TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, thậm chí không nề hà vất vả, tới 1 giờ đêm ngày 28 Tết Quý Tỵ vừa rồi vẫn ở lại để tính toán kiểm tra đảm bảo cho công ty kịp thời hoàn thiện công nghệ để sản xuất giao hàng ngay sau Tết.

Ngược lại, những nghiên cứu đem lại kết quả cụ thể rõ ràng khiến các nhà khoa học nhận được từ những người kỹ sư, công nhân Rạng Đông sự nể trọng và nhiệt tình phối hợp trong công việc. “Bản thân tôi cũng phải gọi họ là thày”, Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng nói. Đối với ông, các nhà khoa học đầu ngành là nguồn tri thức quý giá giúp đội ngũ kỹ sư của ông rút ngắn được nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, và qua đó gắn liền với công ăn việc làm của những người công nhân. Nếu không công nghệ đèn Led mà các nhà khoa học đã sát cánh cùng công ty nghiên cứu từ năm 2008, “400 công nhân Rạng Đông” sẽ mất việc do từ ngày 1/1/2013 quy định của Nhà nước không cho phép tiếp tục sản xuất lưu thông đèn dây tóc công suất trên 60W, ông Thăng cho biết. Hay nếu như không có nghiên cứu tách đất hiếm khỏi thủy tinh để tái chế từ bóng đèn phế phẩm của TS. Trịnh Xuân Anh, doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí hàng chục tỷ đồng do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm từ năm 2010 khiến giá cả tăng vọt.


Đèn Led Panel của Rạng Đông đạt hiệu suất rất cao, tới 80 – 92 lm/W, tương đương chất lượng sản phẩm khu vực (Hàn Quốc, Đài Loan), trong khi các sản phẩm tương đương trên thị trường trong nước chỉ đạt 30– 40 lm/W. Nguyên lý phản xạ toàn phần và phương pháp ELLG đã biến nguồn sáng điểm với độ chói cao thành nguồn sáng diện với các bí quyết về thiết kế, lựa chọn vật liệu và kiểm soát quá trình nghiêm ngặt đã tạo ra sản phẩm LED Panel có chất lượng cao nhất so với các sản phẩm tương tự đang có trên thị trường Việt Nam.

Động lực mạnh mẽ từ cả hai phía, doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học, đã khiến mối quan hệ hợp tác giữa họ, cụ thể là qua mô hình Trung tâm R&D Rạng Đông, phát triển liên tục và bền vững, thường xuyên đem lại những sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ đời sống. Đây là điều không dễ có ở các doanh nghiệp cũng như tổ chức nghiên cứu hoạt động riêng rẽ độc lập.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)