Rào cản nhà khoa học tiếp cận doanh nghiệp
Nhiều nhà khoa học không tìm được nhà đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng của mình; nhiều chủ doanh nghiệp có định kiến với giới nghiên cứu trong nước... Làm gì để nhà khoa học với nhà kinh doanh "bắt tay" nhau?
Là nhà địa chất hàng đầu và hiện đang điều hành một viện nghiên cứu và giám định đá quý uy tín, GS Phan Trường Thị vẫn còn nhớ một thời gian khổ tìm “địa chỉ” để ứng dụng những nghiên cứu của mình.
Hơn 10 năm trước, ông cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu chuyển giao công nghệ tuyển đất sét cao lanh cho công nghiệp giấy. Ban đầu quan hệ giữa nhà máy sản xuất giấy và các nhà khoa học rất tốt. Đến khi gần thành công, người quản lý đột ngột chấm dứt hợp đồng để tìm nguồn hàng trực tiếp có chất lượng… kém hơn. Vấn đề là nghiên cứu trên thuộc đề tài cấp nhà nước, nhóm nghiên cứu đã phải vay trước 100 triệu để nghiên cứu, song công nghệ hoàn thành mà không được chuyển giao. “Vỡ nợ”, GS Thị phải bỏ tiền túi để bù, và phải mất một thời gian dài mới bù hết. “Các doanh nghiệp chỉ thích mua công nghệ của nước ngoài. Nước ngoài họ trả được “phần trăm”, còn nhà khoa học lấy đâu ra?”
Đã có lần GS Thị phải đáp ứng yêu cầu rất gắt gao từ phía doanh nghiệp. Đó là khi ông phải đáp ứng 200 tấn thuỷ tinh flourine vào đúng ngày 30/4. Thời gian gấp gáp, ông phải thuê chuyên chở bằng… máy bay. “May mà hồi đó cước vận chuyển bằng máy bay rẻ!”.
Cũng có lần ông cùng một người bạn ở TP Hồ Chí Minh làm thiếc xuất khẩu. Ở Tây Nguyên, hai người mua lại quặng của dân, xây lò luyện. Tuy nhiên, khi bắt đầu mua quặng, xây lò thì giá thiếc xuất khẩu cao, đến khi luyện được thiếc thì giá lại “rớt” xuống vài lần.
Một lần khác, ông đưa công nghệ sản xuất gốm về làng nghèo của ông ở Phù Cát, Bình Định. Về cơ bản, các công đoạn làm gốm là của nghệ nhân Bát Tràng, song công đoạn làm men lại được “gia tăng giá trị” nhờ cố vấn của các nhà khoa học. Lò gốm sản xuất rất tốt, nhưng đùng một cái hợp tác xã tan, lò gốm cũng tan theo.
Với doanh nghiệp nước ngoài cũng không dễ dàng hơn. Từng có một doanh nhân Italy đặt hàng ông cung cấp một khối lượng nguyên liệu làm men sứ rất lớn: mỗi tháng cần 200 nghìn tấn của 6 loại vật liệu khác nhau. Công việc tưởng chừng rất triển vọng thì khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Doanh nhân kia lập tức rời Việt Nam, không quay lại.
Câu chuyện của GS Phan Trường Thị cũng là câu chuyện của hàng nghìn các nhà khoa học trong nước quyết ứng dụng tri thức và nghiên cứu của mình. Tuy nhiên từ thành công trong phòng thí nghiệm đến thành công trong thương trường cũng lại là một con đường đầy đèo dốc. “Thị trường đầy bất trắc, nhà khoa học ngoài tri thức chỉ có bàn tay trắng. Không có doanh nghiệp thì không thể có ứng dụng được” – GS Thị nói.
Trường hợp chiết xuất dầu diesel sinh học của TS Thái Xuân Du ở TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. TS Du phải tự bỏ tiền túi, thử đi thử lại hàng trăm loại cây có dầu mới chọn ra được loại cây dầu mè mà dân gian vẫn gọi là “cây cọc rào”. Trong phòng thử nghiệm, diesel sinh học từ cây dầu mè đạt đủ mọi tiêu chuẩn về hóa, lý, giá thành lại rẻ chỉ bằng một nửa dầu diesel thông thường. Song tìm nhà đầu tư để sản xuất lại là một chuyện hoàn toàn khác. “Sản xuất khối lượng lớn diesel sinh học cần vùng nguyên liệu lớn, cần quảng cáo sản phẩm mới, cần tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng, cần chính sách giá của nhà nước (phòng khi giá dầu thế giới hạ)…doanh nghiệp nào dám mạo hiểm?” Câu hỏi của TS Du trong một cuộc trò chuyện cách đây đã gần một năm, giờ vẫn chưa có doanh nghiệp nào trả lời.
L.V.P (đề nghị không nêu tên), chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ điện gia dụng nhận xét: Nếu không tìm được nơi ứng dụng thì phần lớn các nhà khoa học phải huy động vốn gia đình hay họ hàng để tự triển khai công nghệ của mình. Từng là nhà khoa học, giờ là doanh nhân, chính V.P cũng không lý giải được vì sao nhiều doanh nghiệp không muốn thay đổi công nghệ: Vì không muốn thay đổi, hay vì không tin tưởng nhà khoa học “nội” (nói cách khác là nghiên cứu ứng dụng của ta chưa đủ độ tin cậy)?
Know how hay know who?
Với câu hỏi trên, chúng tôi thử một cuộc “điều tra bỏ túi” với gần 10 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội. Kết quả, hầu hết đều ý thức cần đổi mới công nghệ, song “đổi mới công nghệ” ở đây chỉ có nghĩa là mua máy móc, dây chuyền sản xuất mới, không phải là tìm mua công nghệ trong nước. Ngay L.V.P cũng công nhận, mỗi khi muốn tìm hiểu máy móc mới là anh lại “sang Tàu xem”.
Nguyễn Hoàng Anh, giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng & Môi trường, từng là nhà khoa học trẻ có thành tích, hiện đang kinh doanh trên lĩnh vực nghiên cứu của mình cũng cho biết: Vấn đề của một doanh nghiệp nhỏ như của anh hiện nay là vốn, thị trường. Đổi mới công nghệ thì chỉ… kính nhi viễn chi. Giống với ý kiến trên, một doanh nhân khác cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, vấn đề của nhiều doanh nghiệp vẫn là know who (quen ai), chưa phải know how (bí quyết công nghệ).
Chương trình khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ (theo Nghị định 119/1999/NĐ-CP) đã thực hiện được 5 năm, song hầu hết các chủ doanh nghiệp được phỏng vấn trong bài đều không biết gì về chương trình này. Khi được hỏi: “có bao giờ cần đến các nhà nghiên cứu trong nước”, câu trả lời đáng tiếc thường là “không” và kèm theo dẫn chứng “để đến cả nông dân phải chế tạo máy bay”. (Một nhà khoa học bình luận: cả Nhật Bản cũng không chế tạo máy bay!).
Những điều trên khá giống với đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam. Năm 2004, chỉ số này của Việt Nam là 81/104, còn chỉ số của những trước nữa là 68/80; 64/74 và 49/59. Quá thấp!
Doanh nghiệp nhỏ không đủ tiềm lực, doanh nghiệp lớn (phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, một số bắt đầu cổ phần hoá) lại không “thích” dùng công nghệ trong nước.
Phải làm gì để các doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng đầu tư cho khoa học của nhà nước? “Những công ty lớn như Vina Milk có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, thử hỏi một năm họ bỏ ra mấy tỷ cho nghiên cứu?” – Tiến sĩ L.M.Q (đề nghị không nêu tên) ở ĐH Bách Khoa đặt câu hỏi. Theo anh, muốn khuyến khích công nghệ trong nước thì nhà nước phải đánh thuế thật nặng những công nghệ nhập khẩu tương tự, đây là điều Hàn Quốc đã làm và thành công.
GS Phan Trường Thị thì cho rằng nhà khoa học phải chủ động tìm ra tiếng nói chung với doanh nghiệp: “Doanh nghiệp cần lợi nhuận, cần uy tín, cần nhà khoa học”. Nhiều bạn bè, học trò của ông nhờ có được “tiếng nói chung” nên hiện rất thành công. Theo ông, vai trò của nhà nước trong ứng dụng công nghệ nên là hỗ trợ gián tiếp, không đầu tư theo kiểu “cho tiền”. Nếu cần vốn để triển khai công nghệ, nhà khoa học có thể viết dự án, kết hợp với doanh nghiệp để đưa dự án lên sàn chứng khoán, kêu gọi vốn. “Các nhà địa chất Việt Nam từng viết dự án cho một công ty khai thác vàng ở Australia. Họ đưa dự án đó lên sàn chứng khoán ỏ Canada, 10 năm sau, công ty đó khai thác được 10 tấn vàng” – GS Thị kể và kết luận: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm vậy với các mỏ ở Bồng Miêu, Xạ Khía.”