Rất khó thu hút nhà khoa học trẻ xuất sắc
Viện trưởng Viện Địa chất (Viện KH&CN Việt Nam) Trần Trọng Huệ (TTH) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tia Sáng xung quanh những nghiên cứu của các nhà khoa học địa chất và công việc của người quản lý.
TTH: (Cười). Còn hơn thế nhiều. Chúng tôi nghiên cứu cơ bản về những vấn đề quan trọng trong khoa học địa chất như các dạng tai biến địa chất để xây dựng giải pháp phòng tránh, nghiên cứu tài nguyên địa chất cho quy hoạch kinh tế xã hội, và cả những vấn đề môi trường cấp bách…
Nghiên cứu cơ bản đóng một vai trò thiết yếu trong khoa học địa chất hiện đại. Ở lĩnh vực này, chúng tôi đã nghiên cứu các cấu trúc sâu thạch quyển Việt Nam và các vùng kế cận, làm sáng tỏ lịch sử địa động lực lãnh thổ và xác lập các tiền đề đánh giá triển vọng khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản quý hiếm (kim loại nhóm platin, vàng, đá quý). Viện Địa chất là đơn vị đầu tiên tiến hành nghiên cứu đánh giá triển vọng tìm kiếm kim cương Tây Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Ngoài ra chúng tôi đã nghiên cứu quá trình hình thành và tiến hóa các bồn trầm tích Mesozoi, Kainozoi phục vụ minh giải kiến tạo khu vực, tìm kiếm khoáng sản ngoại sinh và sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Được biết dù chủ yếu nghiên cứu cơ bản, các nhà nghiên cứu của Viện Địa chất vẫn thực hiện những đề tài ứng dụng?
Ở hướng nghiên cứu này, chúng tôi thực hiện từ những đề tài lớn như đánh giá triển vọng một số khoáng sản quan trọng ở Việt Nam (sắt, măng gan, chì, đồng, thiếc, vàng, thuỷ ngân…) tới những đề tài nhỏ như chế tạo «đất nặn» cho trẻ chơi. Một số nghiên cứu được chuyển giao rất thành công như quy trình sản xuất gạch không nung, gạch tự chèn, làm bê tông rải đường… Các nghiên cứu về cảnh quan địa chất, địa mạo vùng hang động karst cũng rất có ích cho việc phát triển du lịch địa-sinh thái ở Hà Giang, Sơn La, Ninh Bình…
Gần đây báo chí nói rất nhiều về vụ sụt đất, sạt lở… Liệu các nhà địa chất có thể dự đoán được những tai họa như vậy?
Từ gần 20 năm nay, chúng tôi nghiên cứu sâu về các dạng tai biến địa chất điển hình phổ biến ở Việt Nam như: nứt đất, sụt đất, trượt-lở, lũ quét-lũ bùn đá, xói mòn đất, bồi tụ và xói lở bờ sông-bờ biển, núi lửa trẻ… và đã có những kết luận về nguyên nhân cơ chế hình thành, đồng thời đề xuất các giải pháp thích ứng. Trước các tai biến địa chất gần đây ở một số tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam… chúng tôi đã hợp tác với từng địa phương để tìm cách đối phó. Chúng tôi cũng đã lập một số bản đồ dự báo nguy cơ từng dạng tai biến địa chất hoặc tai biến địa chất tổng hợp. Các nghiên cứu chi tiết về tai biến địa chất đối với một số tỉnh, các công trình dân sinh- kinh tế quan trọng (đường Hồ Chí Minh, hồ thủy điện Hòa Bình, Ya Ly…) đã được phân tích dự báo trên các bản đồ ở tỷ lệ 1: 50.000 và lớn hơn.
Báo chí cũng khá ồn ỹ quanh chuyện “tia đất”, nói rộng ra là chuyện ảnh hưởng của địa chất tới sức khỏe. Đó có là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu địa chất?
Xin nói chuyện “tia đất” của ông Vũ Văn Bằng trong một dịp khác. Còn nếu trong một vùng dân cư, nếu có tỷ lệ bệnh tật cao bất thường thì phải nghĩ ngay đến môi trường, có thể bị ô nhiễm asen, kim loại nặng, ô nhiễm xạ, các chất có hại khác… Chúng tôi đo mức độ ô nhiễm và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, khắc phục cho cộng đồng dân cư một số khu vực của một số tỉnh như Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Cạn, Hà Giang, Nam Định… Trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm nhiều năm, Viện đã hoàn thiện công nghệ chế tạo KIT kiểm tra môi trường nước rất hiệu quả.
Viện Địa chất làm gì để thu hút những người nghiên cứu trẻ có năng lực?
Quả thực đây là vấn đề rất khó khăn. Những người xuất sắc không về Viện vì lương quá thấp. Những ai có khả năng mà còn ở lại với công việc này thì chủ yếu do lòng yêu nghề. Biện pháp “ưu đãi” các nhà nghiên cứu trẻ của chúng tôi hiện nay chủ yếu là tạo điều kiện cho đi học nước ngoài. Viện cũng tận dụng mọi mối hợp tác quốc tế, như quan hệ với Phân viện Siberi thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, các cơ sở nghiên cứu của Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản… để cử cán bộ trẻ làm việc trong các chương trình hợp tác.
Như vậy vẫn còn thiếu một cơ chế đãi ngộ xác đáng để “phân biệt” những người thật sự có năng lực và người “ăn không ngồi rồi”? Theo ông, thực hiện quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 có giải quyết được vấn đề này?
Viện Địa chất đã hoàn thành đề án chuyển đổi theo Nghị định 115 và Viện KH&CN Việt Nam đang thẩm định. Theo tôi, Nhà nước phải chấp nhận giai đoạn chuyển đổi. Ví như Trung Quốc, họ chấp nhận trả không 5 năm lương cho những cán bộ nghiên cứu đã “lỗi thời” gần đến tuổi hưu. Khi đó hình thức quản lý hiệu quả cho nhiều viện nghiên cứu sẽ là khoán chi. Ví dụ với Viện Địa chất, vì có kinh nghiệm về xói lở, Nhà nước có thể giao đề tài nghiên cứu chống xói lở, giả sử cấp cho Viện số tiền là 10 tỷ, thực hiện trong 5 năm, “ông” Viện trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Nhà nước. Khi đó thủ trưởng mới có quyền quyết định chọn ai làm, lương bao nhiêu. Còn hiện nay, không nghiên cứu ở đâu như ở Việt Nam, nhận lương không gắn với nhiệm vụ. Nhiều người không làm gì nhưng không đuổi việc được, vì đuổi việc chỉ với người vi phạm khuyết điểm chứ không phải với người không làm được việc. Chủ trương của Nghị định 115, theo tôi là rất đúng đắn, nhưng sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại, cần phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn.
Trong những cuộc trò chuyện trước đây với một số nhà khoa học và nhà quản lý, có người đánh giá nếu thực hiện triệt để Nghị định 115 thì viện của họ chỉ còn khoảng 70%, thậm chí 50% làm được việc. Theo ông, con số này ở Viện Địa chất là bao nhiêu?
Với hoàn cảnh hiện nay thì việc đánh giá ai làm việc hiệu quả hơn ai thật là khó. Có thể có nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng “gàn” nên không có đề tài nghiên cứu; cũng có những người không giỏi chuyên môn, nhưng để họ phục vụ công việc nghiên cứu thì lại tốt. Tình trạng này không chỉ có ở cơ quan nghiên cứu mà ở bất kỳ tổ chức nào cũng vậy. Cần nhất là cơ chế để có thể đặt từng người vào đúng vị trí của mình.
Xin cảm ơn ông.