Richard Feymann: Những suy ngẫm về khoa học

Trong phần phỏng vấn tiếp theo của chương trình Horizon - đài BBC (thực hiện vào năm 1981), nhà vật lý Richard Feymann chia sẻ những điều ông cảm nhận và rút ra sau những sự kiện mà mình can dự, đó là tham gia dự án phát triển vũ khí hạt nhân Manhattan, nhận giải thưởng Nobel... Qua câu chuyện của Feymann, người ta nhận thấy nỗi dằn vặt của một nhà khoa học đích thực vì sự trớ trêu của bối cảnh chính trị xã hội mà sa chân vào vấn đề liên quan đến đạo đức khoa học; sự thờ ơ trước cái hấp dẫn của vinh danh… để cuối đời nhận ra “tôi cũng chưa làm được gì quan trọng và cũng sẽ không bao giờ làm cái gì đó quan trọng. Tôi chỉ thích Vật lý và Toán”.


 Nhà vật lý Richard Feymann năm 1974. Ảnh: Los Angeles Times

Huân chương và Giáo hoàng

 

Bố tôi đã dạy một điều ngoài Vật lý (cười lớn) mà tôi thấy tâm đắc: đó là không phải cái gì nhiều người ngưỡng mộ thì mình cũng theo,  dù đúng hay không. Ví dụ như hồi nhỏ tôi có xem trên tờ “Thời báo New York” một bài có hình Giáo hoàng đứng và nhiều người đang cúi chào phía trước. Bố tôi nói, “Con nhìn xem, có một người đứng đây và tất cả những người khác cúi xuống. Có gì khác biệt? vì người kia là Giáo hoàng.” Ông ấy không thích Giáo hoàng lắm và nói – “Cái khác biệt là danh hiệu, hay đúng hơn là cái bề ngoài.” Nếu mà không phải Giáo hoàng mà là một vị tướng chẳng hạn, với một bộ quân phục hoành tráng thì cũng tương tự vậy à. “Nhưng những vị này cũng là người thôi mà, cũng ăn tối như chúng ta, cũng đi tắm, và cũng có đủ hết mọi rắc rối trong cuộc sống thường ngày như ai, con người mà. Vậy thì tại sao mọi người cúi đầu trước ông ấy? Có phải là vì chức tước, hay vị trí, hay bộ quân phục hơn là những gì ông ấy làm được.” Bố tôi khi đó đi làm doanh nghiệp và cũng hay mặc những bộ công sở oách lắm, nhưng ông ấy luôn nói rằng mỗi con người, dù mặc trang phục nào đi nữa, cũng chỉ là một người mà thôi.

Tôi nghĩ bố tôi khá tự hào về tôi. Lúc mà tôi học MIT được vài năm, ông có nói – “Giờ thì con đã học cao rồi, con thử trả lời cho bố một câu hỏi này nhé?” Tôi hỏi lại “Câu gì ạ?” Ông ấy nói ông biết rằng khi một nguyên tử chuyển từ một trạng thái này qua một trạng thái khác thì nó phát ra một “hạt” ánh sáng gọi là “photon”. Tôi trả lời “Dạ đúng”. Ông nói tiếp “Vậy hỏi con là liệu cái hạt photon kia có tồn tại trong nguyên tử từ trước không? Tôi trả lời “Dạ không có, chỉ đúng vào lúc nguyên tử chuyển trạng thái thì photon mới xuất hiện”. Bố tôi liền hỏi – “Vậy thì photon kia từ đâu đến, nó xuất hiện thế nào?” Đến đây thì tôi không thể nói kiểu sách vở như “Theo lý thuyết thì số hạt photon không bảo toàn, và chúng được tạo ra từ những chuyển động của electron.” Tôi cũng không thể giải thích kiểu dân dã như: cái âm thanh mà con nói ra thực ra không nằm trong người con. Hay là giống như khi tôi đang nói đến một từ “mèo” thì ngừng lại vì cái giỏ từ trong tôi đã hết sạch từ “mèo” (cười lớn). Tức là không hề có một cái giỏ từ nào trong bất cứ ai trong chúng ta, khi nói là bạn tạo ra nó tự nhiên mà thôi. Tương tự vậy, không hề có một giỏ photon trong nguyên tử để từ đó mà photon được phát ra. Tôi không thể giải thích được hơn thế và dĩ nhiên là bố tôi không hài lòng. Ông bảo “tao không hiểu mới cho mày đi học đại học, tưởng thế nào mày về giảng lại cũng chả hơn gì” (cười lớn).

Được mời làm bom nguyên tử

 

(Cuối thời gian làm luận văn tiến sỹ, Feynman đã được mời tham gia dự án làm bom nguyên tử Mahattan do J. Robert Oppenheimer ở Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Los Alamos dẫn dắt. Sau nhiều suy nghĩ, vào đầu năm 1943, Feynman chính thức tham gia dự án).

Đây là một điều cực kỳ đặc biệt. Tôi đã phải dừng hướng nghiên cứu của mình để chuyển sang làm một cái mà tôi nghĩ rằng cần thiết để bảo vệ nhân loại. Được chứ? Tôi đã phải đấu tranh với chính mình. Thoạt đầu, tôi không muốn dừng công việc hiện tại để làm cái quái quỷ này, nhưng sau đó tôi đã suy nghĩ nhiều về đạo đức trong chiến tranh. Tôi cảm thấy sợ khi nghĩ đến những gì trái bom có thể gây ra, nhưng rút cục nó đã thực sự xảy ra ở Hirosima và Nagasaki. Tuy nhiên lúc chúng tôi thực hiện dự án Mahattan, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy là đối phương sẽ không làm được. Và do vậy tôi nghĩ cần phải tham gia.

Tôi có vài điều muốn nói về những vấn đề đạo đức. Đầu tiên khi bắt đầu chế tạo bom, người ta nói rằng người Đức đang là một mối nguy hiểm, và cần phải có trái bom này. Do vậy mọi nỗ lực đều hướng tới chế tạo trái bom kinh khủng nhất. Chúng tôi đã làm việc rất cật lực, cộng tác hết sức cho dự án này bởi nó bắt buộc phải thành công. Nhưng tôi cho rằng tôi đã sai bởi khi đó, Đức đã bị đánh bại. Lẽ ra thì tôi phải xem lại vì sao tôi tiếp tục tham gia, vậy mà tôi đã không nghĩ ra, vậy đó.

 

Thành công và chịu đựng

 

(Vào ngày 6/8/1945 khi trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima) 

Phản ứng duy nhất mà tôi còn nhớ khi đó là chúng tôi như bất động – rồi một cảm giác rất kích động và bùng cháy, không thể làm chủ được. Có nhiều bữa tiệc, nhiều người uống say, thật là tương phản vô cùng với những gì đang diễn ra ở Hiroshima. Nơi tôi ở, mọi người phấn khích, nhiều người uống và say, ngồi trên những chiếc xe Jeep đánh trống và chạy khắp Los Alamos. Trong khi đó, bao người đang chết và khắc khoải ở Hiroshima.

Phản ứng của tôi rất bản năng. Do trái bom đã phát nổ, giống như những cú sốc tâm lý cực mạnh khác, ví dụ như mất đi một người thân chẳng hạn. Khi đó, tôi đang ngồi cùng mẹ tôi trong một nhà hàng ở New York. Khi điều đó xảy ra ở Hiroshima, tôi biết được trái bom đó có sức tác động như thế nào. Tôi ước tính giờ chúng tôi ở đường số 59, thì tức là nếu bom nổ ở đường số 34, mọi thứ từ đó đến chỗ này sẽ bị san phẳng, tất cả sẽ chết. Và sẽ không chỉ có một quả bởi người ta có thể dễ dàng làm ra những quả bom khác. Điều đó đã thay đổi một cách căn bản cách con người hành xử với nhau.

Tôi biết rằng con người sẽ khó thay đổi, và rồi có thể người ta sẽ lại sử dụng nó. Tôi cảm thấy phiền muộn mỗi khi nhìn mọi người xây dựng nên một cái gì đó, ví dụ ngay cả một cây cầu cũng vậy. Tôi vẫn thường nói “các anh không hiểu hết [hậu quả của nó] đâu”, bởi lẽ rồi trong nháy mắt, mọi thứ lại trở thành vô nghĩa và có thể bị phá hủy rất nhanh chóng. Nhưng rút cục không ai hiểu cả. Đó là một cảm giác rất thất vọng.

 

“Tôi không cần phải tốt bởi vì mọi người nghĩ rằng tôi sẽ tốt”

 

(Sau chiến tranh Feynman gia nhập nhóm nghiên cứu của Hans Bethe1 ở Đại học Cornell. Ông đã từ chối công việc ở Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton)


Nhà vật lý Richard Feymann trong lễ trao giải Nobel năm 1965. Nguồn: PrincetonGrad.

Mọi người đã nghĩ tôi sẽ rất hài lòng khi được mời vào một vị trí ở đó (Princeton), thực sự thì tôi không có hứng thú. Tôi đã nhận ra một nguyên tắc là tôi không cần phải có trách nhiệm với những gì người khác nghĩ tôi có thể làm; Tôi cũng không cần phải trở thành một người tốt theo cách người ta nghĩ là tốt [cho tôi]. Tôi cần phải cảm thấy thoải mái, nghĩ về bản thân, tôi cũng chưa làm được gì quan trọng và cũng sẽ không bao giờ làm cái gì đó quan trọng. Tôi chỉ thích Vật lý, Toán và tôi đã tập trung vào công việc đó thôi, những cái sau này giúp tôi nhận giải Nobel 2.

 

Giải Nobel có ý nghĩa gì?

 

(Feynman được trao giải Nobel Vật lý cho những công trình về điện động lực học lượng tử)

Công trình của tôi, cùng do hai nhà khoa học khác là Sinitiro Tomanaga ở Nhật và Julian Schwinger nghiên cứu độc lập, là tìm ra cách để điều khiển, phân tích và thảo luận một lý thuyết đã được tìm ra trước đó năm 1928 là lý thuyết lượng tử về điện và từ trường; làm sao lý giải nó để tránh những trường hợp có giá trị vô cùng; đưa ra tính toán để có được kết quả có thể kiểm chứng một cách chính xác bằng thực nghiệm. Và cuối cùng là lý thuyết điện động lực học lượng tử đã được hoàn thiện và kiểm chứng tốt với thực nghiệm đến từng chi tiết – nhưng không liên quan đến lực hạt nhân đâu. Đó là công việc chính tôi làm năm 1947 đã dẫn tới giải Nobel Vật lý.

[BBC: Công trình đó liệu có xứng đáng giải Nobel, theo ông?]

À (cười lớn) … Tôi không biết gì về giải Nobel cả. Tôi không biết nó có ý nghĩa gì và giá trị bao nhiêu. Chỉ là người ta ở trong Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển quyết định trao cho ông X, Y hay Z giải Nobel thì ông đó được thôi. Tôi không liên quan gì cả… đó thực sự là nỗi đau … (?). Tôi không thích những giải thưởng đâu. Tôi tôn trọng nó vì những công trình tôi đã làm, vì mọi người tôn trọng những công trình của tôi, và tôi biết là nhiều nhà vật lý dùng lý thuyết của tôi, thế thôi, không cần gì khác. Tôi không thấy có gì hơn khi mọi người trong Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhận ra những công trình đó xứng đáng được nhận giải – tôi đã có những phần thưởng đó rồi. Phần thưởng là niềm vui khi tìm ra những điều mới, khi dấn thân vào khám phá và nghiên cứu, và khi nhìn mọi người dùng các khám phá của mình – đó mới là những cái thực, còn sự vinh danh thì không thực đâu. Tôi không tin vào sự vinh danh, nó làm phiền tôi, vinh danh thực sự làm phiền. Nó chỉ là tấm huân chương, là bộ trang phục mà thôi. Như bố tôi đã chỉ ra cho tôi điều đó mà. Tôi không thích, thực sự không thích (sự vinh danh).


Rốt cuộc với Feymann, niềm vui lớn nhất là được làm khoa học chứ không phải phần thưởng. 

Khi tôi còn học trung học, một trong những phần thưởng đầu tiên tôi nhận được là được vào nhóm “Arista”, đó là một nhóm những học sinh được điểm cao. Và, dĩ nhiên, đứa nào chả muốn vào nhóm “Arista”. Và rồi khi ở trong nhóm tôi nhận ra rằng trong những buổi họp nhóm, chỉ có một việc duy nhất để làm là ngồi túm lại và bàn tán xem ai sẽ là người kế tiếp xứng đáng được gia nhập nhóm tinh tú của chúng ta. Và rồi cứ ngồi và suy nghĩ có đúng việc đó thôi. Những thứ kiểu này làm tôi bực bội và ức chế đến mức không hiểu nổi mình. Và từ ngày đó tôi rất dị ứng với những giải thưởng hay vinh danh. Khi tôi được trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, tôi xin rút ngay bởi vì nó y chang như vậy. Một tổ chức chỉ để tụ họp lại và bàn xem ai sẽ là người xứng đáng được gia nhập tổ chức trọng vọng của chúng ta. Có những chuyện kiểu như những nhà Vật lý chúng ta cần phải đoàn kết lại bởi họ đang có một ứng viên ngành Hóa khá tốt, nếu để hắn vào thì bên này không còn nữa, v.v.. Hóa thì sao nào? Tất cả chỉ để quyết định xem ai được vào nhóm tinh tú – thật là vô nghĩa, đúng không? Tôi không thích danh hiệu chút nào.

 

Nguyễn Quang dịch

1. (Sinh năm 1906-) Nhận giải Nobel Vật lý năm 1967 cho các công trình về lý thuyết phản ứng hạt nhân, đặc biệt là những khám phá về năng lượng sản sinh trong những ngôi sao.

2 Năm 1965, giải Nobel Vật lý được trao cho Richard Feynman, Julian Schwinger và Sin-Itiro Tômnaga cho các công trình cơ bản về điện động lực học lượng tử và những hệ quả quan trọng của nó trong vật lý hạt cơ bản.

Tác giả

(Visited 43 times, 1 visits today)