RoboCup 2006

Đến năm 2050, để thực sự khẳng định được ngôi vị của mình thì có lẽ đội vô địch World Cup còn cần phải vượt qua một đối thủ đặc biệt nữa - một đội bóng gồm toàn robot, ít ra thì đó cũng là lời dự đoán đầy hào hứng của Liên đoàn RoboCup. Đây là liên đoàn được thành lập để chuyên tổ chức những giải vô địch thế giới dành cho các cỗ máy.

Trong năm 2006 này, giải RoboCup cũng đã được tổ chức tại Bremen, Đức, song song với World Cup. Đây là thứ 10 một cuộc tranh tài dành cho các robot được tổ chức, lần đầu tiên là vào năm 1997 ở Nagoya, Nhật Bản, sau đó giải vô địch lần lượt được tổ chức ở các nước Ý, Hàn Quốc và Bồ Đào Nha.    
“Sau 50 năm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, người ta đã thấy rằng bóng đá là một môi trường thử nghiệm còn tốt hơn cả đấu cờ. Chúng tôi đã đạt được một sự tiến bộ đáng tự hào với RoboCup lần thứ 10 này”, Hans-Dieter Burkhard, phó chủ tịch liên đoàn RoboCup nói.
 

Kể từ giải RoboCup đầu tiên, các đề án giáo dục và nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng như tự động hóa đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Cuộc thi năm nay được tổ chức từ 14 đến 20 tháng 6, đã thu hút hơn 440 đội với 2500 người tham gia đến từ 40 nước. Trong đó chỉ có 33 đội được lọt vào vòng trong. Các nội dung thi đấu bao gồm các cuộc thi Robot giải cứu, RoboCup thiếu niên, thi đấu bóng đá mô phỏng, với sự tham gia của các robot cỡ nhỏ, cỡ vừa, robot bốn chân, robot dạng người, robot cứu hộ.
Đồng trưởng ban tổ chức Ubbo Visser ở Đại học Bremen nói rằng họ đã chuẩn bị cho sự kiện này từ năm 2003: “Đây là một sự kiện vui vẻ, mọi thứ đã diễn ra rất trơn tru và đâu vào đấy”.
Tuy nhiên, theo Visser thì cũng đã có những trục trặc kỹ thuật làm một số đội phải điên đầu, “chỉ cần một module bị trục trặc thì cả con robot sẽ không thể hoạt động được, vì thế một trong những nỗi lo lớn nhất của các nhà khoa học là một bộ phận nào đó bị hỏng”. Ông cũng nói thêm rằng: “trong suốt giải đấu, các đội đã không ngừng phát triển và cải thiện những phần mềm điều khiển của mình”.
Nhưng thách thức lớn nhất chính là làm thế nào để các robot có thể tự xoay sở được trong môi trường thi đấu thực sự. Tiến sỹ Peter Stone ở Đại học Texas nói rằng những thách thức mới về điều kiện môi trường đã buộc các đội phải nỗ lực cải tiến công nghệ, chẳng hạn như tìm ra các giải pháp xử lý hình ảnh để sao cho các robot có thể sử dụng được cả những quả bóng đen trắng hoặc được chiếu sáng tự nhiên chứ không phải chỉ những quả bóng màu da cam.

Stone cũng là một người quản trị của RoboCup, đồng thời là người sáng lập và trưởng nhóm của đội bóng robot Austin Villa. Theo như Stone thì nội dung thi đấu bóng đá dành cho các robot 4 chân của Sony năm nay đã có những thay đổi tích cực: sân bóng lớn hơn, nhiều robot hơn và có các tường chắn để bóng bật lại. “Nên có những trận đấu được điều khiển nhiều hơn… và cần khuyến khích các đội có nhiều đổi mới hơn”, ông nói. “Giải vô địch này cũng đem lại cho chúng ta một cách tiếp cận tốt để tìm hiểu về chiến thuật trong bóng đá”, Stone cũng nhấn mạnh rằng, chính bóng đá đã giúp các nhà khoa học thử nghiệm những robot của mình, “có những con người sáng tạo nhất đang tham gia cuộc thi này, họ đang cực kỳ khát khao chiến thắng”.
“Giải thi đấu này vui vẻ nhiều hơn là căng thẳng”, Stone cũng nói thêm, “chưa có lúc nào mà giới trí thức khoa học lại có thể nhảy nhót và hò hét cuồng nhiệt như lúc này. Có rất nhiều sự hào hứng và những mối quan hệ cởi mở, thân thiết, sự kiện này đã góp phần xây dựng nên một cộng đồng mới, mở ra một tương lai mới của khoa học”.
Sau năm ngày tưng bừng với những trò chơi bóng đá, giải cứu và nhảy múa, RoboCup 2006 đã bế mạc ở trung tâm triển lãm Bremen. Những đội của Đức đã đạt được kết quả mỹ mãn với giải nhất toàn đoàn: 11 trong số 33 chiếc huy chương vàng quý giá đã ở lại Đức. Đứng ở vị trí thứ hai là Trung Quốc với 9 huy chương vàng, vị trí thứ ba là Nhật Bản với 6 huy chương, Iran xếp vị trí thứ tư vì giành được 5 huy chương. Vị trí thứ nhất và thứ hai của Giải Bốn Chân – giải rất được công chúng ưa thích đều thuộc về các đội đến từ Australia. Robot dạng người xuất sắc nhất chính là Robot Trẻ em nói tiếng Nhật đến từ Osaka.

 RoboCup 2007 sẽ được tổ chức ở Atlanta (Mỹ) từ ngày 1/7 đến 10/7, trưởng ban tổ chức sẽ là Phó giáo sư Tucker Balch ở trường Georgia Tech, ông có những nghiên cứu về các robot tự động, các robot động vật có tính tổ chức xã hội và những nhóm nhiều robot. Balch nói: “Điều thú vị nhất là bạn quan sát những con robot và bạn cảm thấy dường như chúng đang sống thực sự. Chúng tôi đang tập trung phát triển những phần mềm trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất, các robot sẽ là tự động và có khả năng nhận thức môi trường của chúng tốt hơn. Một nhóm robot sẽ phức tạp hơn là một robot riêng lẻ, những con robot trong một nhóm sẽ có những khả năng giao tiếp với nhau bằng việc sử dụng các tín hiệu số được truyền không dây”.
Trần Trung tổng hợp

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)