Robot gây tai nạn chết người

Theo bản tin ngày 1/7/2015 của Thời báo Tài chính (Financial Times), vừa qua tại một nhà máy của Volkswagen ở gần thành phố Kassel (Đức) đã xảy ra tai nạn một cán bộ kỹ thuật bị robot giết chết.

Nạn nhân 21 tuổi khi đang cùng một đồng nghiệp làm việc trên robot thì bị nó đánh vào ngực rồi ép mạnh vào một tấm thép. Sau đó người này đã chết vì vết thương.

Cơ quan Kiểm sát đã mở cuộc điều tra vụ tai nạn.

Trong các nhà máy sản xuất ở phương Tây nói chung hiếm xảy ra án mạng có liên quan tới robot, vì các robot loại nặng đều được đặt trong lồng bảo vệ an toàn nhằm tránh ngẫu nhiên tiếp xúc với con người. Trong trường hợp này, nhân viên-nạn nhân nói trên lúc đó đang đứng bên trong lồng để làm việc. Đồng nghiệp của anh đứng bên ngoài lồng và không bị hề hấn gì.

Người phát ngôn của công ty Volkswagen cho biết robot gây tai nạn không thuộc vào thế hệ robot cộng tác loại nhẹ (lightweight collaborative robot), là loại được phép làm việc sát cánh với công nhân trên dây chuyền sản xuất và không cần đặt trong lồng an toàn. Chiếc robot này cũng chưa lần nào xảy ra trục trặc về kỹ thuật.

Hàng chục năm trước từng xảy ra những vụ thiết bị tự động gây ra tai nạn chết người, bắt đầu bằng vụ tai nạn trên dây chuyền lắp ráp ô tô hồi những năm 1970.

Sau khi xảy ra tai nạn chết người ở Volkswagen, nhiều người bắt đầu nghi ngờ về khả năng an toàn của robot. Viện Tương lai sự sống (Future of Life Institute) đã sử dụng số tiền 7 triệu USD do Elon Musk, Giám đốc Công ty ô tô điện Tesla, quyên góp để tiến hành nhiều dự án nghiên cứu nhằm tăng cường khả năng khống chế các thiết bị trí tuệ nhân tạo.

Nhân vụ robot gây án mạng, nhiều người đã đưa ra các kịch bản đen tối về tương lai của robot. Những người như Elon Musk, Bill Gates thì tỏ ý lo ngại về công nghệ robot, họ cho rằng robot có thể bị mất kiểm soát, dẫn đến hậu quả tiêu diệt loài người.

Tuy nhiên, nhờ trình độ tự động hóa được nâng cao mà tỷ lệ tai nạn chết người trong công nghiệp chế tạo ở châu Âu hoặc ở Mỹ đều thấp hơn so với các ngành khác.

Nói riêng ngành chế tạo ở Mỹ năm 2013, trong mỗi 100.000 nhân viên làm việc toàn thời gian có 2,1 người chết vì tai nạn lao động, giảm so với năm 2006 (2,7). Theo số liệu của chính phủ Mỹ, tỷ lệ tử vong trong công nghiệp thiết bị vận tải chỉ là 0,9 trên 100.000 nhân viên. Mức độ nguy hiểm khi làm việc trong các quán bar ở Mỹ cao gấp tám lần so với lĩnh vực công nghiệp chế tạo: tỷ lệ tử vong lên tới 16,4 ca trên 100.000 nhân viên.

 

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)