Robot và AI tạo ra nhiều việc làm ở châu Á hơn là “cướp việc

Phân tích các nền kinh tế châu Á giai đoạn 2005 – 2015, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)* nhận ra rằng, việc áp dụng robot và những hệ thống kết nối khác đã kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế, tạo ra 134 triệu việc làm mới trong khi chỉ làm mất đi 101 triệu việc làm.

Robot trong một triển lãm về trí tuệ nhân tạo tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn: China daily

Lạc quan vào khả năng tạo công việc mới

Hãy nhìn vào ngành ngân hàng, có thể thấy công nghệ mới chỉ hỗ trợ một vài công đoạn chứ không thể thay thế toàn bộ công việc, ví dụ máy rút tiền ATM không thể thay thế toàn bộ công việc của nhân viên giao dịch mà chỉ giúp họ quản lý mối quan hệ khách hàng được tốt lên. Trong khi đó, robot, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật đã tạo ra nhiều công ty mới, nhiều ngành sản xuất mới và dĩ nhiên là công việc mới, do đó đã tạo ra nhiều cuộc giao dịch qua ngân hàng hơn.

Cũng phải nói thêm rằng, công nghệ hiện đại trong ngành sinh học, y tế, dược phẩm… đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành nghề chăm sóc và điều trị sức khỏe cho con người theo cách mới – cá thể hóa dựa trên những kết quả phân tích về hệ gene mà cách đây nhiều năm chúng ta còn chưa thể hình dung, ví dụ như y học cá thể hóa, y học chính xác, y dược hệ gene… Yêu cầu về những ngành nghề mới này đòi hỏi ngành giáo dục phải kịp thời có được những chương trình, những khóa đào tạo mới để có được nguồn nhân lực kịp thời. Tạo ra những nghề nghiệp mới, bản thân công nghệ sẽ là giải pháp để giải quyết vấn đề thay thế con người trong công việc.

“Những loại công việc mới đã hình thành nhằm tiếp thu và điều hành các thiết bị công nghệ mới”, báo cáo của ADB chỉ ra. “Một phân tích chi tiết về chức danh nghề nghiệp ở Ấn Độ, Malaysia, và Philippines cho thấy 43 đến 57% công việc mới xuất hiện trong vòng 10 năm qua, chỉ tính riêng ngành công nghệ thông tin và truyền thông… Những xu hướng như vậy sẽ tiếp tục nở rộ”, báo cáo nhận xét.

Đan xen lạc quan và âu lo

Người ta vẫn thường nói đến sự thay thế con người của máy móc với các loại công việc đơn giản, ít cần kỹ năng phức tạp như dệt may, lắp ráp. Đó là việc có thể nhưng không phải bây giờ. Những số liệu của ADB cho thấy, ngay với điện tử và sản xuất ô tô là hai ngành công nghiệp sử dụng nhiều robot nhất với tỷ lệ 39%, thì số robot này cũng chỉ chiếm 13,4% tổng số lao động trong hai ngành này.

Ngược lại, tỷ lệ robot có mặt trong dây chuyền sản xuất của các nhà sản xuất hàng dệt may, thực phẩm và đồ uống cũng chỉ đạt 1,4%. ADB giải thích: “Điều đó phản ánh tính khả thi về mặt công nghệ và tiềm lực kinh tế. Vẫn cần phải tối ưu hơn nữa để gia tăng độ khéo léo của robot để chúng có thể khâu vải hoặc xử lý những chất liệu kim loại lớn”. Và có một nguyên nhân khác: mức lương thấp trong ngành dệt may và giày dép khiến các doanh nghiệp ít có động cơ sử dụng robot trong các dây chuyền sản xuất, trong khi các mặt hàng cao cấp lại đòi hỏi nhân công phải làm bằng tay nhiều.

Tuy nhiên về lâu dài, những người làm các công việc đơn giản và ít kỹ năng vẫn cần trang bị cho mình những kỹ năng làm việc tốt hơn hoặc chuyên sâu hơn, kể cả khi robot chưa thắng thế và thay thế công việc của họ bởi tiền lương từ những việc làm thông thường sẽ ngày càng thấp hơn và cũng bấp bênh hơn trong khi những việc làm mới đòi hỏi những kỹ năng mới, đồng thời có sự tham gia của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong một số công đoạn của công việc cũng đòi hỏi người làm phải tự thích ứng với tình hình mới, phát triển những kỹ năng mới.

Để “chiến thắng” công nghệ?

Về cơ bản, công nhân với kỹ năng làm việc yếu có thể sẽ đứng trước nguy cơ mất việc. Theo báo cáo của ADB, “nếu không phát triển được những kỹ năng tương ứng với yêu cầu công việc mới hoặc không được đào tạo lại, họ thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thích nghi với công việc mà công nghệ mới tạo ra”.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước sự “tấn công” của các loại hình công nghệ mới và giảm bớt bất bình đẳng xã hội, các chính phủ cần phải sẵn sàng đối mặt với các thách thức này bằng việc tạo điều kiện cho họ có được những kỹ năng làm việc mới, đủ khả năng khai thác những ưu điểm của công nghệ.

ADB khuyến cáo, điều này chỉ có thể thực hiện được bằng những chương trình hành động phối hợp sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ, nhiều tổ chức nghề nghiệp, trường đại học… để có thể phát triển kỹ năng, tăng cường các quy định làm việc, bảo trợ xã hội và phân phối thu nhập xã hội. Chính phủ cần áp dụng những công nghệ mới vào giáo dục cũng như mở ra nhiều dịch vụ công như các chương trình bảo trợ xã hội, hỗ trợ việc làm, hướng dẫn kỹ năng làm việc cho người lao động ở nhiều độ tuổi và nhiều ngành nghề dễ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Bên cạnh đó, với sự tư vấn của các chuyên gia KH&CN, chính phủ chỉ nên ủng hộ phát triển những công nghệ mới có khả năng đem lại lợi ích cho con người, bảo vệ quyền lợi chính đáng và quyền riêng tư của họ.

Và rõ ràng, không chỉ ở châu Á mà các chính phủ khác trên thế giới cũng cần thiết phải cải cách chương trình giáo dục, thiết kế chương trình học mới ở các cấp để tăng cường kiến thức và kỹ năng mới cho học viên, không chỉ ở lứa tuổi đi học mà còn ở lứa tuổi trưởng thành – theo nghĩa này là một chương trình học tập suốt đời để có thể trao cho con người những cơ hội tốt nhất, những điều kiện tốt nhất để có thể chiến thắng các cỗ máy thông minh.

—-

* Báo cáo: “Triển vọng phát triển châu Á: Công nghệ ảnh hưởng đến nghề nghiệp như thế nào”.

Nguồn: Báo KH&PT

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)