“Rồng nhỏ” – Pico Dragon

Hoàn toàn tương phản với VINASAT - 1, chiếc "vệ tinh đầu tiên của Việt Nam", vừa rất lớn, rất hiện đại và vừa… cực kỳ đắt dự kiến phóng lên quỹ đạo vào 19/4 tới. "Vệ tinh đầu tiên chế tạo tại Việt Nam" Pico-Dragon (Rồng nhỏ) dự kiến phóng vào khoảng năm 2009 – 2010 có kích thước vô cùng "khiêm tốn": 10x10x10cm, nặng không đầy 1kg. Đó là một sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Viện Công nghệ Vũ trụ (Space Technology Institute – STI) thực hiện.


“Made in Vietnam”

TS.Phạm Anh Tuấn

TS Phạm Anh Tuấn, Viện phó STI cho biết, hiện nhóm nghiên cứu của Viện đang tiến hành thiết kế các module cho vệ tinh, gồm các module cấu trúc, module máy tính và điện tử, module điều khiển tư thế bay, module camera, module truyền thông và module năng lượng. 

“Với dự án này, Viện STI sẽ thực hiện từ đầu đến cuối tất cả các khâu từ thiết kế (bao gồm thiết kế cơ khí, điện tử), lập trình phần mềm điều khiển, mô phỏng, chế tạo, thử nghiệm hoạt động với sự tư vấn và hợp tác kỹ thuật với Cơ quan vũ trụ Nhật Bản – JAXA” – TS Tuấn nói. 

Trong quá trình nghiên cứu chế tạo, nhóm nghiên cứu phải giải quyết hàng loạt các bài toán kỹ thuật đảm bảo vệ tinh đạt được các yêu cầu: cấu trúc chịu được những dao động rung lắc trong quá trình phóng và không bị biến dạng trong quá trình hoạt động; khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi nhiệt độ (từ khoảng -40oC đến 85oC); tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa; giảm thiểu tác động của các bức xạ vũ trụ… Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc ổn định hoạt động và kéo dài thời gian sử dụng của vệ tinh. 

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành và tích hợp các module này thành mô hình kỹ thuật của vệ tinh hoàn chỉnh để đưa vào thử nghiệm. Song song với quá trình thử nghiệm phần cứng, phần mềm điều khiển sẽ được lập trình, đồng thời việc mô phỏng quá trình phóng hoạt động trên quỹ đạo cũng sẽ được thực hiện. 

“Với kích thước nhỏ như vậy, Pico-Dragon sẽ được phóng kèm với vệ tinh lớn tương tự như VINASAT – 1. Chính vì phải “đi nhờ” như vậy nên thời gian phóng chưa đựơc xác định cụ thể, nhưng dự kiến vào khoảng 2009 – 2010″ – TS Tuấn cho biết. 

“Mốc chủ quyền” trong không gian

Việc chế tạo vệ tinh Pico-Dragon xuất phát từ nhận thức xu thế phát triển của công nghệ vũ trụ (CNVT) và tiếp thu bài học kinh nghiệm của các nước đi trước. Công nghệ vệ tinh nhỏ được nhiều nước trên thế giới quan tâm do giá thành thấp mà vẫn đảm bảo các tính năng cần thiết. Làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ là một trong những con đường đi vào CNVT có tính khả thi và phù hợp với các nước đang phát triển. Từ năm 2006, Chính phủ đã đầu tư và chỉ đạo STI hoàn thành mục tiêu Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám cỡ nhỏ lên vũ trụ vào năm 2010. Nếu như vệ tinh viễn thông hỗ trợ đắc lực cho hoạt động truyền thông thì vệ tinh viễn thám sẽ phục vụ đắc lực cho các công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, giám sát tài nguyên thiên nhiên, thiên tai, cháy rừng, an ninh quốc phòng… Đó là những lợi ích không đo đếm được bằng tiền. 

 

Nhóm các bạn trẻ tham gia dự án Pico

Thực ra, nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích CNVT của các nhà khoa học Việt Nam không phải chỉ bắt đầu từ mấy năm gần đây. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, trạm APT do Liên Xô trang bị lắp đặt tại Tổng cục Khí tượng – Thủy văn đã thu ảnh mây từ các vệ tinh METEOR, TIROS, NOAA… hàng ngày đã cung cấp các ảnh chụp đen trắng phục vụ việc theo dõi trường mây, sự chuyển động của các mắt bão. Ảnh chụp các phần lãnh thổ Việt Nam thu được từ các vệ tinh viễn thám của nước ngoài được sử dụng trong ngành lâm nghiệp, địa chất, khai thác nông nghiệp, giám sát môi trường và thiên tai, quy hoạch lãnh thổ… Chúng ta cũng đã tiến hành những một số đề tài nghiên cứu về vật lý vũ trụ và CNVT trong Chương trình khoa học của chuyến bay phối hợp giữa Liên Xô – Việt Nam, thực hiện trong các năm 1981 – 1982, và trong Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước 48.07 “Ứng dụng thành tựu nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ”, thực hiện trong giai đoạn 1981 – 1985.

Tuy nhiên đó mới chỉ có những ứng dụng được chuyển giao từ nước ngoài hay những hoạt động nghiên cứu khoa học còn rất ít và mang nặng tính lý thuyết. “Để thực sự “chinh phục vũ trụ”, và được bình đẳng trên sân chơi quốc tế, chúng ta còn nhiều việc cần phải làm.” – TS Tuấn nói.


 
 

5h15’ (giờ VN) sáng 19/4, Ariane 5 dời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Guyane (Pháp). Vệ tinh trị giá hơn 200 triệu USD, nặng 2,6 tấn thuộc “cấu hình” A2100A này, được ông trùm công nghệ không gian Lockheed Martin sản xuất với dung lượng 20 bộ phát đáp (12 bộ phát đáp ở băng tần Ku, 8 bộ ở băng tần C) sẽ cung cấp dung lượng truyền dẫn tương đương với 10000 kênh điện thoại, internet, truyền số liệu hay 120 kênh truyền hình. Với tuổi thọ là 15 năm nhưng các chuyên gia hy vọng Vinasat 1 có thể kéo dài thời gian khai thác tới 22 năm. Khi Vinasat 1 được chính thức bàn giao khai thác từ 8/5 sẽ đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, và bước đầu tiên chấm dứt cảnh chúng ta là người “đi thuê” của nước ngoài.

 

Tuấn Linh

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)