Rừng ngập mặn: Trước sự mất mát và xé lẻ
Báu vật của những vùng đất ngập nước, của những mênh mông giao hòa giữa biển và đất liền, đang ngày một bị mất mát hoặc suy thoái. Các cánh rừng ngập mặn, giờ đây, phải vật lộn để tồn tại, trước những tác động của cả con người lẫn tự nhiên.
Trên con đường từ Cồn Vành, một khu du lịch mới nổi ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), tới cửa Ba Lạt, ngọn hải đăng Ba Lạt cao 38 mét sừng sững phơi mình giữa những cơn gió biển ào ạt và cái nắng vàng ươm đầu đông, dẫu không còn gay gắt như giữa hè nhưng đủ sức nhắc nhở người ta nhớ đến cái khắc nghiệt của khí hậu vùng ven biển. Xung quanh con mắt biển này, những dải cao vút xanh xám phi lao ven bờ cát xen kẽ những cụm lúp xúp xanh mướt cây bần, sú và nhiều loài cây đặc hữu của rừng ngập mặn, và cả những mặt đầm nuôi tôm lấp lánh ánh bạc. “Gần ba mươi năm trước, tất cả chỗ này đều là rừng ngập mặn, toàn bần, sú, vẹt…”, ông Minh (tên của nhân vật đã được thay đổi), chủ một đầm tôm sinh thái từ Nam Định khăn gói tới Tiền Hải thuê đất nuôi tôm từ đầu những năm 1990, đầu trần khoát cánh tay bắt nắng đen nhẻm chỉ cả một vùng rộng lớn quanh Cồn Vành. Những cụm rừng ngập mặn hoang vu ấy giờ đã là đất vàng – những mặt nước nuôi tôm, từ tôm thẻ chân trắng đến tôm sú, áp dụng theo phương pháp bán tự nhiên như ông Minh cho đến công nghệ cao che bạt, quạt nước, sục oxy… của một số ông chủ vốn lớn. Đây là một phần không nhỏ trong tổng số trên 5.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của Tiền Hải như lời ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, được báo Thái Bình dẫn vào tháng 3/2023.
Bên cửa sông Ba Lạt, những con thuyền buông neo dập dềnh theo sóng nước, nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi đánh bắt được toàn cua rèm tươi rói, mỡ màng vào đêm qua. Có phải những con sóng của biển đã từng chứng kiến Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, khẩn hoang, lập các lý, trại, ấp, giáp vào những năm 1820. Hai trăm năm sau, những con sóng ở điểm cực Nam của Thái Bình này lại chứng kiến sự mất mát, suy thoái của rừng ngập mặn, không chỉ bởi sự tai ác ngày một gia tăng của khí hậu, sự thay đổi của chế độ thủy văn mà còn cả tác động con người theo nhiều cách khác nhau. Cánh rừng phi lao phòng hộ ven Cồn Vành nhiều đoạn xơ xác, cây chết đứng trơ cành đen đúa, cây sống co cụm, ngả nghiêng bởi gió giật, sóng đánh.
Mất sự bảo bọc chở che, những công trình kiên cố sát mép biển cũng không thể chống đỡ nổi quá trình xâm thực hung bạo của nước mặn và sóng dữ. Bãi biển Cồn Vành mới được khai thác mà có chỗ phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, trụ sở Công an Cồn Vành sụt xuống, sập đổ cả cổng, hàng rào, con đường bê tông dẫn vào đó cũng bị biến dạng lởm chởm, khó tìm nổi chỗ bằng phẳng đặt chân… Như lời chia sẻ của ông Minh, diễn biến mới chỉ gói gọn trong vài năm mà đã tả tơi như trải qua cả thập kỷ.
Những điều diễn ra ở Tiền Hải chỉ là một phần rất nhỏ của hệ quả mất mát và suy thoái rừng ngập mặn ở Việt Nam. Dẫu vậy, ở khía cạnh nào đó thì nó cũng có ích bởi khiến người ta đột nhiên nhận thấy một thứ mà bấy lâu nay không nhận được quan tâm đầy đủ: những cánh rừng ngập mặn ven biển, những vùng đầm phá, bãi triều nơi cửa sông, cửa biển tưởng chừng chỉ là chốn sình lầy hoang hóa, cây dại mọc lại um tùm lại ẩn chứa những giá trị quý báu với cuộc sống. Và thứ giá trị này không dễ quy đổi thành tiền.
Chiến binh của cả hệ sinh thái
“Những vùng ven miền duyên hải mà tôi tới luôn luôn thay đổi; cát, thủy triều thường xuyên xoay vần hết thứ này đến thứ khác quanh những bộ rễ cây trong rừng ngập mặn. Một thế giới dường như không thực sự là tự nhiên. Đó là những phần không phải đất liền cũng không phải là biển, tất cả cứ chuyển động quanh nhau, mang trên mình những sinh vật chuyển tiếp kỳ lạ mà sự sống chấp nhận một cách không dễ dàng. Một vài loài cá sẽ ngẩng lên hít thở không khí và vươn cổ nhìn bạn, thực vật ăn côn trùng, động vật lại nhảy xuống nước như cá, cua cáy bò leo trên cây. Không có gì chịu ở lại nơi nó bắt đầu khởi sinh bởi vì mọi thứ đều liên tục leo lên, vượt thoát khỏi môi trường luôn biến động của nó”. Những dòng miêu tả của Loren Eiseley, nhà nhân học và triết học Mỹ, trong cuốn The Night Country được xuất bản năm 1971, dường như đã phản ánh những gì diễn ra trong những khu rừng ngập mặn nhiệt đới, nơi hệ sinh thái mang những nét hoàn toàn khác biệt.
Đó là nơi chuyển tiếp giữa biển và đất liền, chứng kiến sự giao hòa giữa nước ngọt từ đất liền chảy ra và nước biển chảy vào để hình thành một môi trường sống vô cùng khắc nghiệt cho bất cứ loài thực vật nào: đất ít ô xy, nồng độ muối cao, nồng độ sulfide ở mức độc hại (sulfide được coi là một bazơ mạnh có tính ăn mòn). Ở môi trường thù địch này, sự bốc hơi nước từ đất bùn lầy khiến nồng độ muối về mùa khô bao giờ cũng rất cao so với mùa mưa.
Hầu hết các loài thực vật trên Trái đất đều không được sinh ra để sống trong môi trường như vậy. Tuy nhiên, tất cả các loại cây tồn tại trong rừng ngập mặn – chi Đước phân bố chủ yếu ở vùng ĐBSCL, chi Trang ở vùng Đông Bắc và Đồng bằng Sông hồng (ĐBSH) hay chi Mắm, chi Bần có mặt ở hầu hết các vùng ven biển Việt Nam – đều là những chiến binh dũng cảm. Không dễ dàng sinh tồn ở nơi này, nếu không có sự đặc biệt được thiết kế riêng từ tế bào chất. Những cụm sú, vẹt lúp xúp trên những bãi triều thoạt trông có vẻ tầm thường, không bắt mắt như những người họ hàng xa của chúng trên đất liền nhưng các tế bào của chúng đều duy trì được một áp suất thẩm thấu rất cao để có thể hấp thụ bất kỳ lượng nước ngọt nào từ nước mặn, nghĩa là nồng độ muối bên trong tế bào của chúng cao hơn nồng độ muối trong nước biển. Cơ chế lọc siêu phức tạp ở các bộ rễ, thách thức cả các công nghệ lọc tiên tiến nhất, cho phép các cây này khuếch tán nước tới nơi có nồng độ muối cao hơn trong tế bào nhưng ngăn cản việc hấp thụ muối.
Sau hàng nghìn năm tiến hóa, các cây đước, trang, bần, sú, vẹt… đều chịu đựng được nguồn nước chứa lượng muối và clorua bằng một nửa nước biển. Ilka Feller, nhà sinh thái học rừng ngập mặn của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Smithsonian, cho rằng “Có một số loài cây ngập mặn có thể sống ở những nơi có độ mặn lên tới 90 phần nghìn, độ mặn gần gấp ba lần nước biển”. Và “thêm vào đó, phần lớn trong số chúng đều có xu hướng tránh được stress mặn thông qua việc thải các tinh thể muối khỏi rễ, lá như mắm, sú. Các cơ chế khác để tránh sự độc hại của muối là tạo độ mọng nước, pha loãng muối qua các mô chứa nước”, Mildred E. Mathias, nhà thực vật học người Mỹ, nhận xét trong tác phẩm kinh điển của mình, “World Vegetation”.
Những chiến binh quả cảm ở tiền đồn của đất liền từ lâu đã được ghi nhận ở khả năng chống lại mực nước biển dâng và xói mòn bờ biển. Có được điều đó cũng là nhờ những bộ rễ neo đâm sâu vào lớp trầm tích mềm cũng như những cái rễ trên không, hay còn gọi là rễ khí sinh, giúp cây thêm vững vàng trước một môi trường mà mọi thứ luôn chuyển động, mặt khác giúp chúng hấp thụ oxy ngay từ không khí. Nếu bước vào rừng ngập mặn, chúng ta sẽ thấy trùng trùng những mạng lưới cấu trúc rễ chống giống như cây bút chì ở cây thuộc chi Mắm, giống đầu gối gập lại của con người ở chi Vẹt hoặc giống cây cà kheo ở chi Đước. “Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển, rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người… Cũng mùa này, bắt đầu con nước ròng, cây đước nhón cái rễ như cái nơm cao lên đến nửa thân cây, những cái rễ mới thò xuống từ trong tán lá rừng xanh biếc”. (Nguyễn Ngọc Tư, Đất Mũi mù xa).
Cũng giống như những rạn san hô ở thềm lục địa, những khu rừng ngập mặn khả năng bền bỉ giúp chống chịu và bảo vệ đất liền khỏi sóng táp, thủy triều, biển xâm thực… Các mạng lưới rễ phức tạp của chúng là các rào cản tự nhiên chống lại nước dâng và làm giảm đáng kể nguy cơ xói mòn. Chúng cũng giúp ổn định đường bờ biển và tạo đất bằng cách giữ lại các trầm tích bị cuốn trôi từ sông hoặc bị xói mòn từ các bãi biển. Cơn bão Damrey vào năm 2005 đã cho thấy vai trò này của rừng ngập mặn khi giúp bảo vệ các đê kè biển ở Kiến Thụy, Hải Phòng qua việc làm giảm chiều cao sóng từ 4 mét xuống 0,5 mét. Những khu vực khác không có rừng ngập mặn bảo vệ như xã Giao Hải và Giao Long ở huyện Giao Thủy, Nam Định đều bị tàn phá nghiêm trọng và chi phí để phục hồi cơ sở hạ tầng tới hơn 25,4 tỉ đồng.
Giải thích về hiện tượng này, các nhà nghiên cứu Hà Lan, Đan Mạch và Việt Nam từ năm 2005, nhân trường hợp về rừng ngập mặn vùng duyên hải ĐBSH cho rằng, “lực cản từ mạng lưới dày đặc của thân, cành và bộ rễ rừng ngập mặn. Tại mức nước cao hơn, cây cối ngập nước sâu hơn và hệ số lực cản gia tăng. Hệ số cản liên quan đến khu vực ngập nước nhưng cũng có thể do sự thay đổi của cấu trúc cây. Những loài khác nhau có kích thước thân, kiểu cành, lá khác nhau tạo ra một bề mặt nhám hay trơn trượt”. Năm 2011, PGS.TS. Trần Quang Bảo, Đại học Lâm nghiệp, trên tạp chí Oceanologia vào năm 2011, cho rằng “Sự tiêu tán năng lượng của sóng bên trong rừng ngập mặn là nhờ những tương tác giữa sóng- thân cây và sự phá vỡ sóng. Chiều cao của sóng giảm dần theo cấp số nhân là do mật độ mạng lưới thân, cành và rễ của các cây trong rừng ngập mặn làm gia tăng độ nhám nền, qua đó dẫn đến tăng thêm ma sát và tiêu tán năng lượng sóng”.
Đó là lý do trong những năm gần đây, các chuyên gia ngành thủy lợi đã bàn đến nhiều việc kết hợp giữa các giải pháp cứng – các công trình đê điều kiên cố, và giải pháp xanh –các khu rừng ngập mặn ven sông ven biển, để giảm thiệt hại do lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nhưng thật không dễ để kết hợp điều đó, vì các công trình xây mới đều ít gần các cánh rừng ngập mặn? hay các cánh rừng ngập mặn ngày một hao hụt, suy thoái và xé lẻ vì tác động của con người? Đó là một cách tiếp cận mang tính tổng thể và đòi hỏi thời gian tối ưu…
Nhưng đúng là cách tiếp cận này cũng gặp khó bởi những cánh rừng ngập mặn dường như đang phải oằn mình chịu một tác động mà giờ đây chúng ta đã thấy: bị xé lẻ.
Những chiến binh bị tước vũ khí
“Tôi nuôi theo phương pháp bán hoang dã, hằng năm đến mùa xuống giống tôm sú mua ở các trại tôm giống và mở cổng đón tôm rảo ở ngoài cửa sông. Còn lại, để chúng tự sinh sôi nảy nở, không thả thêm thức ăn như người khác”, ông Minh ở Tiền Hải tự hào nói về đầm tôm của mình. Tuy nhiên, điều ông ngạc nhiên sau mấy chục năm quan sát là bất kể để những cụm sú, vẹt và bần tồn tại tự do trong đầm nhưng chúng cứ chết dần chết mòn. Chỉ còn lại một ít lơ thơ giữa đầm tôm, những cụm sú vẹt cô đơn ấy là nơi bầy cò và một số loại chim nước chiều về liệng cánh trong chốc lát để rồi chập tối bay sang Vườn quốc gia Xuân Thủy ở phía bên kia, ông chỉ. “Có lẽ, sú vẹt không chịu được môi trường nhân tạo, chúng thích được tự do ở ngoài kia hơn” – lý giải của ông Minh, còn theo phát hiện của các nhà khoa học quốc tế từ cuối những năm 1990, sự phá vỡ chế độ thủy văn của một khu rừng đã đủ sức giết nó.
Trên các đầm tôm ở khu vực Cồn Vành và cửa sông Ba Lạt, bất kể còn khai thác hay không, đều không còn bóng dáng của cây ngập mặn. Dẫu là những chiến binh quả cảm của vùng tiếp giáp nhưng chúng không thể tồn tại ở những khu vực nhân tạo như đầm tôm. Hẳn là những người nuôi tôm quảng canh đã chặt bỏ những cái cây “vô duyên” làm giảm diện tích mặt nước nuôi tôm? Đây không phải là câu chuyện riêng của Tiền Hải hay khu vực có rừng ngập mặn nào của Việt Nam mà là câu chuyện chung của phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản ở bất cứ mọi nơi.
Các nhà nghiên cứu quốc tế, khi kiểm kê và tính toán lại diện tích rừng ngập mặn trên thế giới, sản phẩm riêng có của vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã đưa ra nhận định: mức độ bao phủ toàn cầu của rừng ngập mặn đã suy giảm 35% vào cuối những năm 1990. Những cải thiện trong kỹ thuật viễn thám để giám sát diện tích rừng đã thêm vào hơn 2,1% nữa, theo phát hiện vào năm 2022 của Valerie Hagger, trường Các khoa học sinh học, ĐH Queensland, và cộng sự. Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện trạng mất mát và suy thoái rừng ngập mặn nhưng họ đồng ý với nhau, có một mẫu số chung là chuyển đổi rừng sang nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp, mà phần lớn là nuôi tôm. Năm quốc gia có lượng tôm xuất khẩu hàng đầu thế giới là Ecuador, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia đều có những diện tích rừng đáng kể chuyển đổi thành các trang trại nuôi tôm.
Rõ ràng, sự xuất hiện của các đầm tôm khiến các cánh rừng ngập mặn trở nên rời rạc. Sức mạnh quần tụ dường như đã bị tháo rời. Điều này khiến người ta chợt nhớ lại câu chuyện với rừng tràm cách đây cả chục năm. Vào mùa khô, rừng tràm dễ bị bén lửa, nhất là khi người dân thu hoạch ong bằng phương pháp cổ điển là hun khói. Lúc đó, có một đề xuất là nên khơi dòng nước quanh các hàng tràm để chia khoảnh, khu trú và ngăn lửa lan rộng. Nhưng rừng có những quy luật của riêng nó khiến bất cứ sự can thiệp từ bên ngoài nào cũng phải rất thận trọng. Việc đánh luống khơi dòng quanh gốc tràm đã ảnh hưởng đến sức sống của nó và ý tưởng này đành phải thoái lui.
Khi bị xé lẻ, quần xã thực vật ngập mặn không chỉ thuần túy bị mất đi sức mạnh của mình mà còn dẫn đến một hệ quả lớn hơn: ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái dưới mái rừng. Bởi nói đến rừng ngập mặn, không hẳn để trỏ đám bần, sú, vẹt, trang, đước, mắm… dễ đập vào mắt, đó là cả một vũ trụ nhộn nhịp và náo nhiệt trong cả sinh quyển rộng lớn hơn. Vũ trụ ấy được phân bố hợp lý theo không gian với hàng trăm loài khác nhau, từ các loài chim nước, bò sát, chân đốt, chân bụng, giáp xác, nhuyễn thể, tuyến trùng và các loại sinh vật đáy khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các loài cá và động vật có vỏ ở biển đều trải qua một phần vòng đời của chúng ở trong hoặc gần rừng ngập mặn.
“Nếu múc chỉ một thìa bùn từ rừng ngập mặn rồi đưa nó vào dưới một kính hiển vi ‘xịn xò’, bạn sẽ thấy nó chứa hơn 10 tỉ vi khuẩn, nếu đó là bùn ở Bắc Queensland”, các nhà nghiên cứu ở Viện Sinh vật biển Australia tự hào nói. Từ trong đám bùn lầy, các con vi khuẩn cần mẫn phá hủy từng chiếc lá và các mảnh vụn tự nhiên. Chúng nói với các nhà sinh học rằng các khu rừng ngập mặn tạo ra nhiều lá và các nguồn dưỡng chất khác cho cả thực vật lẫn động vật, khiến các khu rừng này là nơi dành cho sự sống vùng duyên hải. Cạnh đó, những con ốc, sò, vẹm, chem chép, đồn đột… là những nhà sinh thái lý tưởng: những bộ lọc sống ấy cần mẫn, hút vào bùn sệt, nước ô nhiễm rồi thải ra ngoài nước sạch sau khi đã giữ lại trong cơ thể một số làm dưỡng chất. Chúng cũng là một mắt xích khác của tự nhiên trong chuỗi thức ăn tuần hoàn. Điều đó góp phần tạo dựng sự sống cho chốn này.
Do vậy, sự mất mát, xé lẻ hay suy thoái rừng ngập mặn, dù do tự nhiên hay con người, sẽ làm thui chột cả cái xã hội hoang dã đầy tận tụy ấy. Những cánh rừng bị rút cạn sinh lực không còn sức chống chịu được trước sự tấn công của tự nhiên, vốn ngày một tai ác hơn với các trận bão hoặc hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, sự hiện diện của đầm tôm và nơi nuôi trồng thủy sản khác càng thúc đẩy quá trình này. Và hệ quả là tình trạng xâm nhập mặn trong đất liền ngày một trầm trọng hơn. Trong một phóng sự của hãng thông tấn DW, Đức, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức GIZ, Joachim Hofer cho biết “Việt Nam và Bangladesh là những quốc gia Đông Nam Á và Nam Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Đây là nơi nhiều đất đai bị trôi ra biển nhiều nhất và chúng ta có thể thấy đất nông nghiệp ngày càng bị nhiễm mặn, nhiều chỗ lúa không thể trồng được nữa, dù cách bờ biển 30-40km”.
Việc chuyển đổi các diện tích rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản, ở Việt Nam hay ở bất kỳ quốc gia đang phát triển nào khác, có thể đem đến những nguồn lợi kinh tế nhất định trước mắt, nhưng về lâu dài, nó lại ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ carbon. Khi các phòng thí nghiệm đang chạy đua để tìm ra phương pháp lưu trữ carbon hiệu quả và an toàn thì tự nhiên đã sẵn có câu trả lời: rừng ngập mặn có thể cô lập lượng carbon gấp bốn lần so với rừng nhiệt đới. Hầu hết lượng carbon này được lưu trữ trong đất, dưới bộ rễ của mình, theo một công bố trên Nature Geoscience từ năm 2011. Mới đây, tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) trả lời Tuổi trẻ, Bộ TN&MT đang phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, trong đó tín chỉ carbon được sử dụng để giao dịch thương mại, một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
***
Nếu ngược dòng lịch sử về thời đại Đồ đá mới, khi các tổ tiên tiền sử của chúng ta chọn Hang Mòi, Vụng Thắm, nay là Ninh Bình, làm nơi cư ngụ thì rừng ngập mặn ở những “thung sụt” (doline) đã chở che, bao bọc họ. Nếu thiếu đi tuyến phòng hộ tự nhiên vững chắc, độc đáo ấy, ắt hẳn họ sẽ buộc phải đấu tranh sinh tồn theo cách khác và có thể, lịch sử sẽ được ghi bằng những dòng khác.
Giờ đây, mỗi khi tình cờ đi qua cánh rừng ngập mặn nào đó, chúng ta hiểu sự tồn tại của chúng không chỉ để cảnh sắc bớt hoang vu. Nhưng làm sao để chứng minh được những giá trị của chúng? Dẫu việc quy ra tiền, vàng, hay bất kỳ thứ vật chất ngang giá chung nào của các nền kinh tế, không thể phản ánh được hết những giá trị cần thiết nhưng nhờ có nó, chúng ta có thể dễ thuyết phục nhau hơn. Một báo cáo vào năm 2019 của Ủy ban Thích ứng khí hậu toàn cầu và Viện Nghiên cứu các nguồn lực thế giới, đã ước lượng khả năng bảo vệ mà rừng ngập mặn trước lũ lụt ven biển giúp tránh thiệt hại hơn 80 tỷ USD và giữ an toàn cho 18 triệu người mỗi năm. Chúng cũng đem lại khoảng 40 – 50 tỷ USD hằng năm cho các lợi ích gắn liền với nghề cá, lâm nghiệp và giải trí. Mỗi USD đầu tư cho bảo vệ rừng ngập mặn có thể mang lại lợi ích thích ứng với khí hậu trị giá lên tới 5 USD, bao gồm duy trì khả năng tiếp cận nguồn lương thực, đảm bảo khả năng bảo vệ khỏi những cơn bão nhiệt đới. Đó là tỷ lệ chi phí – lợi ích cao hơn so với việc cải thiện quy trình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu…
Sau chuyến đi Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình), một vài trái bần xanh bóng, tròn trịa như được tạc từ những khối ngọc bích theo chân chúng tôi trở về Hà Nội. Chúng nằm khuất nẻo và bị bỏ quên bên đống giấy tờ, sách vở cho đến khi một làn hương kỳ lạ, thơm nồng mạnh mẽ khuếch tán trong không khí, nhắc nhở về không gian sinh tồn khắc nghiệt nhưng cũng đầy sức sống của chúng. Một biến chuyển âm thầm đang diễn ra trong chính mấy khối ngọc của Mẹ Thiên nhiên, quá trình lên men với sự dẫn dắt của hai chục chủng nấm men có trong dịch quả…
Phải chăng chúng ta còn chưa hiểu mấy về những tạo vật kỳ diệu này của rừng ngập mặn? Phải chăng đâu đó bên những mất mát còn có cả hy vọng cho tương lai của cả hệ sinh thái? Ai sẽ giúp duy trì sức sống này, nếu không phải là chính chúng ta? Bởi lẽ, giúp chúng cũng là tự giúp chính mình.□
——–
Tài liệu tham khảo
Etta Kavanagh. “A World Without Mangroves?”. Science.
“Man-groves – mas-ters of sur-vival on salty ground”. https://lighthouse-foundation.org/
Trần Quang Bảo. “Effect of mangrove forest structures on wave attenuation in coastal Vietnam”. Oceanologia
S. Quartel. “Wave attenuation in coastal mangroves in the Red River Delta, Vietnam”. Journal of Asian Earth Sciences.
DC Donato. “Mangroves among the most carbon-rich forests in the tropics”. Nature Geoscience.
S O’Donnell. “Holocene development and human use of mangroves and limestone forest at an ancient hong lagoon in the Tràng An karst, Ninh Binh, Vietnam”. Quaternary Science Reviews.