Ruồi giấm phát phì khi bị “cách ly xã hội”
Khó ngủ, phát phì đó là hệ quả không mong muốn khi bị cách ly quá lâu. Sự cô đơn có thể là nguyên nhân cho hai hiện tượng trên. Các thí nghiệm với ruồi giấm đã chứng minh điều này.
Ruồi giấm, một “cộng sự” đắc lực trong nghiên cứu về hành vi.
Ruồi giấm là sinh vật xã hội, chúng có những điểm chung với con người. Các loài côn trùng sống trong cộng đồng không chỉ cảm thấy hòa đồng với nhau mà chúng còn tán tỉnh và chơi đùa với nhau. Chúng cần nhau, ví dụ khi tìm kiếm thức ăn hoặc bảo vệ con non. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rockefeller ở New York sử dụng những điểm tương đồng này để tìm hiểu thêm về con người.
Đại dịch tác động vào tâm trí của nhiều người. Rối loạn giấc ngủ thường là những biểu hiện ban đầu cho những căn bệnh nghiêm trọng. Người mất ngủ thường bẳn gắt, khó chịu. Ai cả tuần, cả tháng không được bình yên có thể bị trầm cảm. Do đó, các nhà khoa học muốn tìm hiểu chính xác tình trạng bị cô lập với xã hội ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào và điều gì xảy ra trong não khi con người phải sống cô đơn.
Ruồi giấm thích ngủ và ngủ kéo dài. Chúng ngủ nghỉ tới 16 giờ trong ngày là bình thường. Ban đầu, các nhà nghiên cứu đặt côn trùng thành từng nhóm 100 con, số lượng sau đó giảm dần. Chúng vẫn không có sự thay đổi về hành vi khi ngủ ở nhóm 25 con và sau đó là 5 con. Ngay cả khi chỉ có hai con ruồi sống cùng nhau, hồ sơ giấc ngủ không có sự sai lệch lớn so với trạng thái bình thường. Tình hình thực sự thay đổi khi ruồi bị phải sống cô lập hoàn toàn.
Khi sống cô độc một mình ruồi bị “mất ngủ rõ rệt”, khi ruồi phải sống hoàn toàn biệt lập ba ngày liền. Ngoài ra chúng tỏ ra rất phàm ăn. Triệu chứng được công bố trên tạp chí Nature. Trong đại dịch nhiều người cũng bị tăng cân trong một thời gian cách ly rất ngắn, người ta đặt tên trạng thái này là “Hyperphagie”, một dạng “đói ăn”.
Do đó, các nhà nghiên cứu giả định rằng không chỉ có mối liên hệ giữa sự cô đơn và chất lượng giấc ngủ, mà còn giữa sự cô lập xã hội và hành vi ăn uống. Nguyên nhân hiện tượng này là do gene. Nghiên cứu về cấu trúc thần kinh cho thấy một số tế bào não phản ứng với sự cô lập, điều này cũng liên quan đến giấc ngủ và ăn uống. Có thể những loài sinh vật có lối sống theo xã hội coi sự sống cô đơn kéo dài như tín hiệu báo trước về một tai họa sắp xẩy ra buộc nó phải tỉnh táo để đề phòng. Ăn nhiều cũng là biểu hiện của phòng khi cơ nhỡ – một kiểu “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”.
Xuân Hoài dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.spiegel.de/consent-a-?targetUrl=https%3A%2F%2Fwww.spiegel.de%2Fwissenschaft%2Feinsamkeit-was-man-von-taufliegen-ueber-die-auswirkungen-der-corona-pandemie-lernen-kann-a-44be5fce-8f04-4cd6-a5e6-90e4eee08ec6