Sách vở bớt dùng từ biểu cảm

Trong thế kỉ vừa qua, người ta dần bớt dùng từ ngữ chứa đựng cảm xúc để viết sách. Kết quả rút từ cuộc nghiên cứu mới đây của các trường Đại học Bristol, Sheffield và Durham.

Nghiên cứu, được công bố trên tờ PLOS ONE, cũng phát hiện ra tình trạng phân ra hai hướng khác nhau giữa tiếng Anh của người Mỹ và của tiếng Anh của người Anh, khi mà người Mỹ dùng nhiều từ ‘cảm xúc’ hơn người Anh.

Các nhà nghiên cứu để ý đến chuyện những từ ngữ chỉ tâm trạng được sử dụng thường xuyên ra sao trong suốt một thời gian, bằng cách xem xét kho dữ liệu hơn năm triệu cuốn sách được số hóa của Google. Danh sách từ ngữ được chia ra làm sáu loại (giận dữ, kinh tởm, sợ hãi, vui mừng, buồn bã, ngạc nhiên) mà trước đây TS Vasileios, một trong số các nhà nghiên cứu, đã từng dùng để phát hiện sự thay đổi tâm trạng trong xã hội đương đại bằng cách thu thập những chia sẻ đăng trên Twitter ở Anh quốc suốt hơn hai năm.

TS Alberto Acerbi, thuộc khoa Khảo cổ học và Nhân học tại ĐH Bristol và là tác giả chính của nghiên cứu, đã cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thật đáng lưu tâm khi áp dụng cùng một phương pháp luận cho các phương tiện truyền thông khác và đặc biệt dựa trên một khoảng thời gian dài hơn. Ban đầu chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những giai đoạn diễn ra tâm trạng tích cực và tiêu cực có mối tương quan sâu sắc với các sự kiện lịch sử. Chẳng hạn như thời Chiến tranh thế giới Thứ hai đánh dấu bằng việc người ta dùng nhiều hơn hẳn các từ ngữ chỉ nỗi buồn và tương ứng với đó là việc các từ chỉ niềm vui được dùng ít hơn.”

Bằng cách áp dụng kĩ thuật này, các nhà nghiên cứu đã có một số khám phá đáng chú ý về sự tiến hóa của cách dùng từ trong những cuốn sách Anh ngữ trong suốt thế kỉ qua. Đầu tiên, trong những cuốn sách Anh ngữ được xuất bản, việc dùng các từ ngữ cảm xúc giảm xuống đều đặn, ngoại trừ các từ liên quan đến nỗi sợ hãi, một dạng cảm xúc tái xuất hiện trong vài thập niên qua.

Họ cũng phát hiện tiếng Anh của người Mỹ và tiếng Anh của người Anh đang trải qua quá trình phân nhánh rõ rệt về văn phong kể từ thập niên 1960. Tiếng Anh người Mỹ đang trở nên nhiều ‘cảm xúc’ hơn so với tiếng Anh của người Anh trong nửa cuối thế kỉ qua.
Sự phân nhánh tương tự cũng được người ta phát hiện trong cách dùng những hư từ, những từ gần như không chứa đựng ý nghĩa về mặt từ vựng, như các liên từ (‘and’, ‘but’) hay các mạo từ (‘the’).

TS Acerbi nói: “Điều này đặc biệt thú vị bởi gần đây người ta đã chứng tỏ rằng sự khác biệt trong cách dùng các hư từ là dấu ấn cho những giai đoạn hành văn khác nhau trong lịch sử văn chương Tây phương.”

Điều này cho thấy sự phân nhánh về nội dung chứa cảm xúc giữa hai hình thức Anh ngữ đi đôi với sự phân nhánh tổng quát hơn về văn phong.

GS Alex Bentley, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra hồi thập niên sáu mươi, nhưng kết quả chứng tỏ đây là thời điểm chính xác xảy ra phân nhánh giữa tiếng Anh văn chương của người Mỹ và của người Anh. Ví dụ, ta chỉ có thể phỏng đoán liệu chuyện này có liên hệ gì đến sự tăng vọt tỉ lệ sinh sản hoặc đến sự trỗi dậy của phong trào phản văn hóa.

“Ở Mỹ, sự tăng vọt tỉ lệ sinh sản diễn ra vào giai đoạn kinh tế thịnh vượng nhất trong thế kỉ, trong khi đó sự tăng vọt sinh sản ở Anh quốc diễn ra vào giai đoạn hồi phục thời hậu chiến, do vậy có lẽ ‘đa cảm’ là thứ xa xỉ đối với sự phát triển kinh tế.”

Trong khi khuynh hướng được phát hiện ở nghiên cứu này hiện ra rất rõ ràng, thì phần lí giải tại sao vẫn còn để ngỏ. Theo các nhà nghiên cứu, một vấn đề còn tồn đọng là liệu cách dùng từ có bày tỏ được hành vi thực của dân chúng hay không, hoặc có thể cho biết sự thiếu vắng của hành vi đó, vốn được khai thác ngày càng nhiều thông qua các tác phẩm hư cấu văn chương. Sách vở có thể không phản ánh dân chúng ngoài đời thực cũng giống như các cô người mẫu thời trang không phản ánh được thể trạng cơ thể trung bình của xã hội.

TS Acerbi kết luận: “Ngày nay ta có được nhiều công cụ có thể làm cuộc cách mạng giúp thông hiểu văn hóa nhân loại và hiểu được văn hóa thay đổi qua thời gian ra làm sao. Những nghiên cứu liên ngành như thế này có thể phát hiện ra những mẫu hình rõ ràng bằng cách nhìn vào lượng dữ liệu trước đây chưa ai từng xem xét, như Twitter, tiện ích Google Trends, blog hoặc trong trường hợp của chúng tôi là những cuốn sách được số hóa, vốn là những thứ miễn phí mà bất kì ai có hứng thú đều có thể dùng tới”.

Đoàn Khương Duy dịch (theo Science Daily)

Nguồn: “Fear Factor Increases, Emotions Decrease in Books Written in Last 50 Years.” Science Daily, 3/2013: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/03/130320212822.htm

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)