Sai lầm trong giả định cách tính chiều dài của chân

Trong bài Một quyết định thiếu tính khoa học và nhân bản, tôi đã chỉ ra rằng không có bất cứ một cơ sở khoa học nào để cho rằng những người có chiều cao thấp hơn 145 cm có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao hay thấp hơn người có chiều cao trên 145 cm. Bài viết này bàn đến chuyện chiều dài của chân- một tiêu chuẩn làm cơ sở để Bộ Y tế ban hành quyết định này.

Trong tài liệu “Một số nội dung về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, Bộ Y tế viết rõ:

Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học là: Theo thông số kỹ thuật của một số xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ trên 50 cm3 đến dưới 175cm3 , thì chiều cao yên xe trung bình từ 74 cm đến 76cm. Để đảm bảo an toàn giao thông, người điều khiển xe mô tô 2 bánh phải có chiều dài của chân tối thiểu là 75cm. Mà để có chiều dài của chân từ 75cm trở lên thì người đó phải có chiều cao đứng trên 1m45.”

Lí giải trên đây cho thấy thông số chính để quyết định cấp giấy phép lái xe gắn máy là chiều dài của chân, chứ không phải chiều cao. Cần nhắc lại rằng chiều cao khi đứng (standing height, hay gọi tắt là chiều cao) bằng chiều cao khi ngồi (sitting height) cộng với chiều dài của chân (leg length). Trong 3 chỉ số chiều cao trên, chiều cao khi đứng và chiều cao khi ngồi dễ đo nhất, nhưng trong thực tế có đến 5 phương pháp khác nhau để đo chiều cao khi ngồi, và chưa có phương pháp nào có thể cho là chuẩn cả. Cố nhiên, khi biết chiều cao đứng và chiều cao ngồi, thì chiều dài của chân có thể xác định.

Bộ Y tế lí giải rằng bởi vì chiều cao trung bình của yên xe là 75 cm, cho nên người lái xe cần phải có chiều dài của chân tối thiểu là 75 cm để đảm bảo an toàn khi lái xe. (Có người nói xe đạp cũng có chiều cao yên xe 75 cm trở lên, vậy có cấm lái xe đạp không?)

Nhưng từ đó, Bộ Y tế đã làm một suy luận khá táo bạo: họ giả định rằng một người phải có chiều cao đứng là 145 cm thì mới có chiều dài chân bằng 75 cm. Nói cách khác, giả định đằng sau phát biểu này là chiều dài của chân bằng 51,7% chiều cao (lấy 75 cm chia cho 145 cm).

Tôi có lí do để cho rằng giả định này không đúng với thực tế. Tôi và đồng nghiệp trong nước đã thực hiện một nghiên cứu trên khoảng 300 phụ nữ tuổi 16 trở lên. Những người này không có vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến thể trạng, và họ được chọn ngẫu nhiên từ các quận ở Hà Nội. Chúng tôi đo lường chiều cao, chiều cao ngồi, và từ đó xác định chiều dài của chân. Kết quả (xem Biểu đồ) cho thấy tính trung bình chiều dài của chân bằng 46% chiều cao, với độ lệch chuẩn là 1,4%. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu ở người Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan: tức đúng 46%.


Biểu đồ 1
— mối tương quan giữa chiều dài của chân (trục tung) và chiều cao (trục hoành) ở 327 phụ nữ trên 16 tuổi. Những điểm chấm màu đỏ là những người có chiều dài chân dưới 75 cm (chiếm khoảng 95% tổng số). Nói cách khác, chỉ có 5% nữ có chiều dài của chân trên 75 cm, tức [theo Bộ Y tế] hội đủ điều kiện lái xe gắn máy trên 50 cc.

Nói cách khác, giả định của Bộ Y tế (51,7%) không đúng với thực tế. Vấn đề giả định sai có ảnh hưởng lớn đến qui định tiêu chuẩn. Cần nhắc lại để nhấn mạnh rằng thông số chính để làm tiêu chuẩn cấp bằng lái xe gắn máy là chiều dài của chân, chứ không phải chiều cao. Bộ Y tế đòi hỏi chiều dài của chân phải trên 75 cm mới được cấp giấy phép lái xe gắn máy trên 50 cc.

Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người Việt có chiều dài chân trên 75 cm? Bởi vì chiều dài của chân bằng 46% chiều cao cơ thể, cho nên một người phải có chiều cao tối thiểu là 163 cm mới có chiều dài của chân bằng 75 cm. Chiều cao trung bình của người nam (trong độ tuổi 16-65) là 163,3 cm và nữ là 153,4 cm. Do đó, số người có chiều cao dưới 163 cm là khoảng 50% nam và 95% nữ. Biểu đồ trên cũng cho thấy ở nữ, chỉ có 5% người có chiều dài của chân trên 75 cm. Nói cách khác, nếu căn cứ vào chiều dài của chân trên 75 cm thì chỉ có khoảng 50% nam và 5% phụ nữ Việt Nam được phép lái xe gắn máy trên 50 cc!

Nhưng tỉ lệ 46% (chiều dài của chân trên chiều cao) chỉ là tỉ lệ trung bình, và tỉ lệ này dao động giữa các cá nhân trong một quần thể, chứ không phải bất biến. Thật vậy, Biểu đồ 1 trên đây cho thấy mối liên hệ giữa chiều cao và chiều dài chân không phải là một mối liên hệ xác định tuyệt đối, tức không phải lúc nào chiều dài của chân bằng chiều cao nhân cho 0,46. Hai người có cùng chiều cao (chẳng hạn như 150 cm), nhưng một người có thể có chiều dài của chân là 65 cm và người kia là 75 cm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tế: không thể căn cứ vào chiều cao mà xác định chiều dài của chân cho một cá nhân.

Ấy thế mà Bộ Y tế căn cứ vào chiều cao để suy luận cho chiều dài của chân cho mỗi cá nhân! Đây là một sự hiểu lầm cơ bản, bởi vì con số trung bình chỉ áp dụng cho một quần thể, chứ không phải cho mỗi cá nhân. Áp dụng một chỉ số trung bình để quyết định cho một cá nhân dễ dẫn đến những quyết định không công bằng cho thành viên trong xã hội.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn qui định rằng người có vòng ngực dưới 72 cm cũng không được cấp giấy phép lái xe gắn máy trên 50 cc. Qui định này chẳng những thiếu cơ sở khoa học mà còn khó thực hiện. Lí do đơn giản là vòng ngực có mối tương quan với chiều cao: người càng cao vòng ngực càng lớn (và ngược lại). Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi vòng ngực cũng có tương quan với độ tuổi, nhưng hàm số tương quan phức tạp hơn là mối tương quan giữa vòng ngực và chiều cao. Do đó, khó mà dựa vào một giá trị tham chiếu bất biến (như 72 cm) là không hợp lí và thiếu tính khách quan.

Tuy nhiên, Biểu đồ 2 dưới đây cho thấy số phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi qui định về vòng ngực không nhiều như chiều dài của chân. Tính trung bình, khoảng 4% nữ trong độ tuổi 16-65 có vòng ngực ngắn hơn 72 cm. Vì không có số liệu cho nam nên tôi không ước tính được có bao nhiêu nam sẽ bị ảnh hưởng bởi qui định của Bộ Y tế.


Biểu đồ 2
— mối tương quan giữa vòng ngực (trục tung) và chiều cao (trục hoành) ở 327 phụ nữ trên 16 tuổi. Những điểm chấm màu đỏ là những người có vòng ngực 72 cm (chiếm khoảng 4% tổng số). Nói cách khác, có 4% nữ [theo Bộ Y tế] không hội đủ điều kiện lái xe gắn máy trên 50 cc vì vòng ngực “lép”.

Những bàn luận trên đây cho thấy rõ ràng Bộ Y tế đã sai lầm trong giả định về cách tính chiều dài của chân. Sai lầm này dẫn đến sai lầm về qui định chiều cao. Nhưng vấn đề cơ bản hơn là tiền đề của việc dựa vào chiều cao. Câu hỏi đặt ra là: chiều cao có phải là yếu tố liên quan đến tai nạn giao thông?

Ở nước ta, nghiên cứu của Trường Đại học Giao thông vận tải (công bố trong Hội nghị về giao thông ở vùng Đông Á vào năm 2005) cho thấy những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là: lái xe quá tốc độ chiếm 34% tổng số tai nạn, vượt tuyến ẩu và bất cẩn (22%), say xỉn (11%). Nghiên cứu này còn cho biết 50% tai nạn giao thông xảy ra trên các quốc lộ, 31% trên các đường trong các thành phố, và chỉ 12% ở tỉnh lẻ. Cũng cần nói thêm rằng ở nước ta, 81% tai nạn giao thông là do nam giới gây ra.

Nghiên cứu ở Thái Lan (một nước có nhiều đặc điểm giao thông gần ta nhất) cho thấy các yếu tố nhân trắc có liên quan đến tai nạn giao thông là trong độ tuổi 15-19, độc thân, làm nghề buôn bán, lái xe gắn máy, và đặc biệt là nam giới. Thật vậy, công trình nghiên cứu này một lần nữa cho thấy nam giới có xác suất gây tai nạn giao thông cao gấp 2 lần so với nữ giới.

Thật ra, không một nghiên cứu nào cho thấy chiều cao, trọng lượng, hay vòng ngực là yếu tố liên quan đến tai nạn giao thông. Và, cũng chẳng có nước nào trên thế giới qui định cấp bằng lái xe dựa vào các chỉ số thể trạng này.

Do đó, nhân danh an toàn giao thông bằng cách hạn chế cấp giấy phép lái xe gắn máy dựa vào các chỉ số thể trạng này là không phù hợp với bằng chứng khoa học và gây ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội. Mọi người trong xã hội, kể cả người khuyết tật hay có chiều cao thấp hay cân nặng thấp hay vòng ngực ngắn, đều có quyền bình đẳng tham gia giao thông. Nhà nước cần phải đảm bảo sự bình đẳng cho mọi người chứ không gây thêm bất công trong việc tham gia giao thông.

Tìm đâu ngực nở, chân dài

Để cho xe máy có ngày thăng hoa

Tác giả

(Visited 108 times, 1 visits today)