Sandra Díaz: Bảo vệ đa dạng sinh học
Nhà sinh thái học Sandra Díaz và những người đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu về các hệ sinh thái của trái đất và kêu gọi phải có những hành động quyết liệt.
Tổ chức IPBES đã đưa ra danh sách một triệu loài đang dần tuyệt chủng bởi các hoạt động của con người
Vào ngày 4/5/2019, Sandra Díaz và 144 nhà nghiên cứu khác đã gửi đến thế giới một thông điệp nhuốm màu sắc ảm đạm. Họ vừa hoàn thành xong một nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay về sự đa dạng sinh học của trái đất, đồng thời cũng đem đến thông tin tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà hầu hết các nhà khoa học đã từng tưởng tượng: có một triệu loài đang dần tuyệt chủng bởi các hoạt động của con người và chúng ta cần phải hành động thật hiệu quả để có thể ngăn chặn điều đó. “Tốc độ tuyệt chủng của các loài đã nhanh hơn ít nhất hàng chục đến hàng trăm lần so với tốc độ trung bình trong vòng mười triệu năm qua”, bà Díaz nói. “Mạng lưới an toàn của chúng ta đã bị kéo gần đến điểm tới hạn rồi”.
Những phát hiện đáng báo động này xuất phát từ tổ chức IPBES (Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái). Díaz, nhà sinh thái học làm việc tại trường đại học quốc gia Córdoba, Argentina, là một trong ba đồng chủ tịch. Trong hầu hết ba năm trước đó, bà và những người đồng nghiệp của mình – nhà nhân chủng học Eduardo Brondízio tại Đại học Indiana Bloomington và nhà sinh thái học Josef Settele tại Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz ở Halle, Đức – đã điều phối hoạt động của các chuyên gia đến từ 51 quốc gia khác nhau, tổ chức các buổi hội thảo và các nhóm làm việc trực tuyến cũng như nghiên cứu hơn 15.000 nguồn thông tin.
Và báo cáo cuối cùng của họ dài tới 1.500 trang đã chỉ ra: các quốc gia sẽ không thể đạt được hầu hết các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học và phát triển bền vững trừ khi họ thực hiện được những thay đổi lớn, ví dụ như từ bỏ suy nghĩ là các nền kinh tế phải liên tục tăng trưởng. “Chúng ta không thể sống một cuộc sống trọn vẹn mà không có thiên nhiên”, bà Díaz nói. Và nếu các nền kinh tế vẫn tiếp tục vận hành theo cách phá hoại như thế này thì “một mô hình kinh tế mới là điều cần thiết cho con người và thiên nhiên”, bà nhận định.
Đây là một thông điệp thẳng thắn và quyết liệt, tuy nhiên Díaz không hề ngần ngại cất lên tiếng nói của mình về những vấn đề quan trọng trong khoa học và chính sách. Bà đã thách thức điều từng là một trong những nguyên lý chính về hệ sinh thái ở thế kỷ XX: đó là các hệ sinh thái và ích lợi của chúng đối với con người, ví dụ như cung cấp thức ăn hay điều hòa khí hậu, phụ thuộc rất nhiều vào việc có số lượng các loài lớn. Shahid Naeem, một nhà nghiên cứu về tác động của sự mất đa dạng sinh học tại đại học Columbia, New York, đánh giá Díaz là người đi đầu trong việc làm nổi bật giá trị của những loài thực vật.
Để có được cái nhìn sâu sắc như vậy, Díaz đã dành nhiều năm chu du qua các cánh đồng ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latin, nhặt nhạnh lá cây, đo độ dẻo dai của chúng và đánh giá các đặc tính của đất. Thói quen này đã hình thành trong quãng thời gian bà lớn lên ở miền trung Argentina, trong khi những người khác đang nghỉ trưa thì bà sẽ đi khám phá các đồng cỏ Nam Mỹ. “Tôi thường trốn giờ ngủ trưa để đi ngắm nhìn cây cối và động vật. Và từ khi còn đang học đại học, tôi đã biết rằng mình muốn trở thành một nhà nghiên cứu”.
Ngoài lĩnh vực khoa học bảo tồn, hiện công việc thứ hai của Díaz là tác động chính sách thông qua những hoạt động của bà ở IPBES. Díaz tin vào cách mà báo cáo của tổ chức được nhiều phong trào môi trường và xã hội đón nhận, bao gồm cả Extinction Rebellion (Đấu tranh chống tuyệt chủng) – phong trào đang giúp thúc đẩy việc phải có hành động hiệu quả và cấp thiết hơn cho môi trường.
“Chúng tôi đã ngạc nhiên trước khả năng tiếp cận của báo cáo”, bà Díaz chia sẻ và đánh giá, “nó đã xuất hiện vào đúng thời điểm”. Và mặc dù dự đoán của báo cáo khá u ám, bà vẫn không hề bi quan về khả năng xoay chuyển tình thế của con người. “Tôi cần phải lạc quan”, bà nói, “vì chúng ta không có phương án B dự phòng nào cả”.
Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://www.nature.com/immersive/d41586-019-03749-0/index.html