Sạt lở đất do biến đổi khí hậu gây ra siêu sóng thần ?
Tháng 9 /2023, các nhà khoa học trên thế giới phát hiện một tín hiệu địa chấn kéo dài liên tục trong chín ngày. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm nhà địa chấn học Alice Gabriel và Carl Ebeling của Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego đã cùng tìm hiểu bí ẩn này.
Kết quả mà họ tìm thấy – được công bố trên tạp chí Science gần đây, có thể khiến nhiều người bất ngờ. Tại một vịnh hẹp thuộc phía Đông Greenland, một đỉnh núi đã đổ sập xuống biển, kích hoạt một siêu sóng thần cao tới 200m. Con sóng khổng lồ rung chuyển qua lại bên trong vịnh hẹp trong chín ngày, tạo ra sóng địa chấn truyền qua lớp vỏ Trái đất khiến các nhà khoa học bối rối. Hiện tượng dao động nhịp nhàng này được gọi là triều giả (seiche: một dạng sóng dừng xảy ra ở một vùng nước được bao quanh kín hoặc bao quanh một phần).
May mắn không ai bị thương nhưng cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 200.000 USD ở một trạm nghiên cứu trên đảo Ella đã bị phá hủy.
Nhà địa lý học Kristian Svennevig ở Viện Nghiên cứu Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), tác giả đầu của nghiên cứu, cho biết khi bắt đầu khảo sát, không ai mảy may biết gì về nguyên nhân của địa chấn, ngoại trừ việc nó có liên quan đến sạt lở đất “Tất cả những gì chúng tôi biết chỉ là hiện tượng này có liên quan đến lở đất. Chúng ta chỉ có thể giải thích được bí ẩn này thông qua một nỗ lực hợp tác quốc tế và nghiên cứu liên ngành”.
Biến đổi khí hậu đang tạo ra cuộc sạt lở này thông qua việc làm tan chảy sông băng dưới chân núi, gây xói mòn và khiến hơn 25 triệu m3 băng đá rơi xuống biển – đây là căn nguyên sâu xa gây ra vụ sạt lở đất. Khi biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục làm tan băng ở hai cực, những vụ lở đất với quy mô và sức tàn phá lớn như này sẽ còn tiếp diễn.
Khi mạng lưới giám sát địa chấn phát hiện ra tín hiệu đầu tiên vào tháng 9/2023, có hai lý do khiến người ta khó hiểu. Trước hết, tín hiệu dường như không giống những đường cong mà động đất tạo ra trên máy đo. Thay vào đó, nó chỉ dao động trong vòng 92 giây giữa các đỉnh, quá chậm để con người có thể cảm nhận được. Thứ hai, tín hiệu vẫn mạnh trong nhiều ngày, trong khi các sự kiện địa chấn thông thường sẽ suy yếu nhanh hơn.
Để tìm ra mối liên hệ giữa hai hiện tượng, nhóm nghiên cứu do Kristian Svennevig dẫn dắt đã kết hợp các bản ghi địa chấn từ khắp nơi trên thế giới, các đo lường thực địa, hình ảnh vệ tinh và mô phỏng máy tính để tái hiện các sự kiện bất thường này.
68 nhà khoa học từ 41 viện nghiên cứu đã phân tích hình ảnh vệ tinh và mặt đất để ghi lại khối lượng khổng lồ đá và băng trong vụ sạt lở đất do sóng thần gây ra. Họ cũng phân tích sóng địa chấn để mô hình hóa động lực và quỹ đạo của trận lở đá băng khi nó rơi xuống rãnh băng và vịnh hẹp.
Thông qua việc tích hợp nguồn dữ liệu đa dạng, các nhà nghiên cứu đã xác định cơn địa chấn kéo dài chín ngày là do lở đất lớn dẫn đến hiện tượng triều giả trong vịnh hẹp Dickson thuộc Greenland.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những mối nguy hiểm phức tạp và có chiều hướng gia tăng do biến đổi khí hậu ở các vùng cực. Dù không có người ở khu vực này vào thời điểm xảy ra sạt lở và sóng thần song vịnh hẹp này lại rất gần hải trình của các tàu du lịch. Vì vậy, cần thiết giám sát các vùng cực khi biến đổi khí hậu gia tăng. Vào năm 2017, vụ sạt lở ở vịnh Karrat phía Tây Greenland cũng gây ra một cơn sóng thần dẫn đến lũ lụt tại Nuugaatsiaq, phá hủy 11 ngôi nhà và khiến 4 người thiệt mạng.
Gabriel cho rằng các kết quả có thể truyền cảm hứng để các nhà khoa học xem xét lại lịch sử địa chấn, tìm kiếm các sự kiện tương tự. Việc tăng cường tìm hiểu về triều giả ở hồ có thể giúp xác định rõ hơn những nhân tố làm gia tăng hiện tượng này.
Ebeling, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: “Điều này chứng tỏ có những thứ ngoài kia mà chúng ta vẫn chưa hiểu hay chưa từng thấy. Bản chất khoa học là cố gắng tìm kiếm lời giải cho những bài toán mà chúng ta không biết câu trả lời – đó là lý do khiến nghiên cứu này thú vị”.□
Trà Giang lược dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2024-09-climate-triggered-landslide-unleashes-foot.html
Bài đăng Tia Sáng số 18/2024