Sạt lở đất: Nguy cơ không giống nhau giữa các nhóm xã hội 

Những hiện tượng tự nhiên như sạt lở đất hóa ra không chỉ là thiên tai mà còn là một lát cắt phản ánh sự chênh lệch về kinh tế xã hội.

Trong trận sạt lở kinh hoàng ở Freetown khiến 1100 người thiệt mạng, 65% dân cư ở các khu định cư không chính thức đều nằm trên sườn dốc 10° hoặc dốc hơn. Ảnh: Getty.

Cho đến nay thảm họa sạt lở đất gây ra 17% số ca tử vong do mối nguy hiểm tự nhiên,  theo Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Thiên tai (CRED) của Đại học Louvain, Bỉ. Đại học Sheffield, Anh cũng đã tính toán, từ năm 2004 đến năm 2010, lở đất cướp đi 32.322 sinh mạng – tương đương với hơn 4.600 sinh mạng mỗi năm. Để so sánh, ước tính, lũ lụt, nguy cơ được đánh giá là phổ biến và thường xuyên nhất cũng cướp đi trung bình khoảng 7.000 sinh mạng mỗi năm trong khoảng thời gian từ 1975 đến 2000. 

Điểm gì chung giữa các nhóm chịu nhiều rủi ro?

Nhưng nguy cơ mà sạt lở gây ra chưa bao giờ giống nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa các vùng giàu và nghèo, giữa các nhóm cư trú ổn định và không ổn định. Giống như nhiều thảm họa thiên nhiên khác, ảnh hưởng của lở đất rất nghiêm trọng ở các nước đang phát triển. Từ năm 1950 đến năm 2011, những dòng bùn đá sạt lở đã giết chết trung bình 23 người mỗi vụ ở các nước đang phát triển, so với 6 trường hợp tử vong mỗi vụ ở các nước có nền kinh tế phát triển.

Sự khác biệt này có thể phản ánh nhiều yếu tố, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cơ bản và các dịch vụ  cứu trợ khẩn cấp; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để điều trị cho những người bị thương hoặc bị mất nhà cửa; và cả các mô hình phát triển quyết định nơi con người sinh sống. Điều kiện kinh tế luôn là yếu tố ảnh hưởng, cải thiện hạ tầng cơ bản cũng như việc đánh giá nguy cơ, các tiêu chuẩn xây dựng ở những khu vực có nguy cơ cao có thể giúp giảm thiểu thiệt hại do lở đất cũng như do động đất, bão nhiệt đới và các thảm họa thiên nhiên khác. Các hệ thống cảnh báo sớm có thể cứu sống nhiều sinh mạng, nhưng cần có dữ liệu, mô hình – vốn là những thứ đòi hỏi rất nhiều tiền bạc đầu tư – điều này cũng liên quan đến điều kiện kinh tế.

Thật không may, dù có đổ bao nhiêu nguồn lực tiền bạc và công sức, đến giờ vẫn không thể mua được những dự đoán chính xác và chi tiết về sạt lở đất cho từng địa điểm cụ thể có nguy cơ – nhất là ở những vùng xa xôi trên thế giới.

Sạt lở đất giết chết khoảng 4.600 người và gây thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm nhưng những ai thường gánh chịu nhiều nhất? Đã có nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy, thường những người có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển,  ở vùng nhiệt đới và các khu định cư không chính thức nằm trên vùng sườn đồi dốc phải đối mặt với hậu quả thảm khốc hơn. Thực tế cho thấy, thảm họa lở đất đã xảy ra với mức độ thường xuyên hơn gấp 10 lần trong vòng 50 năm qua, với 80% các vụ lở đất gây tử vong xảy ra ở vùng nhiệt đới. Biến đổi khí hậu, với lượng mưa rất lớn tập trung trong thời gian ngắn khiến đất càng dễ bị sạt trượt. 

Để đo lường mối đe dọa ngày càng tăng, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình mới để định lượng sự mối tương quan giữa biến đổi khí hậu và đô thị hóa và nhận thấy cư dân ở các khu định cư không chính thức có nguy cơ bị lở đất cao hơn. Trong một bài công bố đăng trên Nature vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã phân tích nguy cơ của năm thành phố ở vùng nhiệt đới, kết quả cho thấy, ở tất cả các địa điểm được nghiên cứu, các khu định cư không chính thức có nhiều khả năng nằm ở các khu vực sườn dốc hơn có nhiều nguy cơ hơn. Ở cả năm thành phố, các khu dân cư định cư không chính thức có nguy cơ bị lở đất cao hơn khoảng 20 – 500% so với các khu vực định cư chính thức, ổn định. Chẳng hạn, đơn cử ở Freetown, Sierra Leone – nơi hứng chịu trận lở đất kinh hoàng vào năm 2017 cướp đi sinh mạng 1.100 người thì 65% dân cư ở các khu định cư không chính thức đều nằm trên sườn dốc 10° hoặc dốc hơn. Điều gì đã gây ra một đợt sạt lở, bùn đất dâng cao chôn vùi hàng trăm ngôi nhà và càn quét thành dòng đất đá suốt 6 km dọc theo con suối? Tiếp theo, các nhà nghiên cứu khám phá tác động của lượng mưa: Các sườn dốc ở các nơi đã xây dựng nhà cửa có khả năng trượt sạt cao gấp 5 lần so với các sườn dốc tự nhiên được thảm thực vật che phủ, và rồi biến đổi khí hậu tiếp tục làm tăng nguy cơ thêm 50%. 

Nguồn lực cho dự báo? 

Hiện nay các dự đoán ở quy mô thành phố hoặc quy mô rộng hơn thường dựa trên dữ liệu lịch sử – người ta dự báo, ở một khu vực trước đây càng xảy ra nhiều vụ lở đất thì sau này lại càng có nguy cơ xảy ra thảm họa như trước đó. Tuy nhiên, các nước có thu nhập thấp và trung bình thường không đủ dữ liệu. Chưa kể những thay đổi về môi trường ngày càng khắc nghiệt, khó lường có thể làm giảm giá trị của các dữ liệu lịch sử cho các dự báo dài hạn. 

Bản đồ vùng sạt lở trên toàn cầu, trong một bài báo trên Nature vào năm 2012 cho thấy các khu vực nhiều nguy cơ nhất (vùng có chi chít các chấm màu trắng) thường là ở các nước đang phát triển, nhiệt đới. Nguồn ảnh: Nature (6)

Nhưng rất khó để dự đoán và giảm thiểu rủi ro lở đất một cách hiệu quả và chính xác cho các địa điểm cụ thể. Ngay cả ở các nước tiên tiến và có điều kiện thiên nhiên ít rủi ro sạt lở như ở Australia – lục địa phẳng nhất thế giới – các hợp đồng bảo hiểm cũng không có xu hướng bảo hiểm rủi ro sạt lở đất vì một lý do đơn giản: rủi ro này rất khó dự báo và ước tính. Về nguyên lý, nơi nào càng có độ dốc lớn và mưa nhiều càng có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhưng có quá nhiều biến số cần đánh giá, và biến số nào cũng có độ co giãn rất lớn. 

Chẳng hạn, để đánh giá chính xác độ ổn định của mái dốc nơi có thể xảy ra thảm họa sạt lở, cần có bản đồ ba chiều cũng như đánh giá kết cấu của đất. Nhưng chưa có cảm biến nào có thể cung cấp thông tin chi tiết này, vì vậy các nhà địa chất và kỹ sư phải xử lý một phần thông tin thu được tại một số vị trí đã chọn và ngoại suy dữ liệu cho phần còn lại của độ dốc. Chưa kể, các đánh giá hầu hết ở bên ngoài mà chưa đánh giá được các vết nứt địa chất đã có sẵn trong lòng đất. Cho đến giờ cũng rất khó để đánh giá quy mô chính xác của một vụ lở đất, khiến cho việc dự đoán về khoảng cách và khoanh vùng an toàn trở nên không chắc chắn. 

Phân tích cơ học cho phép các nhà khoa học ước tính mức độ dễ bị sạt trong một kịch bản cụ thể, như tính đến cường độ động đất và lượng nước trong đất. Nhưng việc dự đoán liệu và khi nào những yếu tố kích hoạt này sẽ xảy ra cũng “bất định” như dự báo thời tiết và hay các cơn địa chấn – đến giờ vẫn là một nhiệm vụ rất khó khăn. Câu hỏi “khi nào sẽ xảy ra lở đất” càng không trả lời được. Thật không may, dù có đổ bao nhiêu nguồn lực tiền bạc và công sức, đến giờ vẫn không thể mua được những dự đoán chính xác và chi tiết về sạt lở đất cho từng địa điểm cụ thể có nguy cơ – nhất là ở những vùng xa xôi trên thế giới.

Để có các ứng phó hiệu quả, vấn đề không chỉ là đo lường, xem xét các tương tác trong môi trường tự nhiên như địa hình, độ dốc, lượng mưa… mà còn phải tính đến các biến số mang tính xã hội.

Chưa kể, để đưa ra được các dự báo hay các chính sách giảm thiểu tác động, cần đến sự phối hợp liên ngành thay vì từng nỗ lực phân mảnh trong phạm vi từng ngành. Trong khi các nhà kỹ thuật thường có xu hướng tập trung vào việc đánh giá tính ổn định sườn dốc tại các địa điểm cụ thể, các nhà quy hoạch tập trung vào việc thực thi các quy định nhằm ngăn chặn việc xây dựng ở những khu vực dễ bị lở đất và các nhà khoa học xã hội tập trung vào việc nghiên cứu nhận thức, hành vi của người dân trước nguy cơ rủi ro. 

Có những ước tính vào năm 2020, có khoảng 220 triệu người sống trong phạm vi 100 mét ở nơi có độ dốc từ 10° trở lên, làm tăng rủi ro hứng chịu sạt lở đất. Theo nguyên lý chung, trượt lở đất thường xảy ra trên các sườn đồi dốc hơn 10° và khả năng xảy ra tăng lên khi độ dốc tăng lên. Nhưng điều gì khiến các nhóm đã dễ bị tổn thương lại chấp nhận ở những khu vực có nhiều rủi ro, khu vực núi cao vách dốc? Nguyên nhân gốc rễ và động cơ đẩy những người dễ bị tổn thương nhất vào những khu vực dễ bị nguy hiểm là gì?

Rủi ro ngày càng tăng không chỉ đến từ tự nhiên, từ việc những khối lượng đất đá có độ dốc lớn, làm cho khối lượng đất đá lớn dễ bị sạt trượt hay lượng mưa lớn thấm vào lòng đất trong thời gian dài làm tăng áp lực, làm nhão đất hay do nền đất ẩn chứa những đứt gãy sẵn có và thiếu ổn định mà còn đến từ những nguyên nhân kinh tế xã hội. Do đó, để có các ứng phó hiệu quả, vấn đề không chỉ là ở đo lường, xem xét các tương tác trong môi trường tự nhiên như địa hình, độ dốc, lượng mưa… mà còn phải tính đến các biến số mang tính xã hội bao gồm những nguyên nhân bất bình đẳng về kinh tế xã hội, ít nguồn lực, ít khả năng lựa chọn nơi định cư an toàn, cho đến khả năng phục hồi sau thảm họa… Nhìn chung, tỷ lệ tử vong hằng năm do lở đất liên quan đến các hoạt động của con người đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2004. Những tình trạng dễ bị tổn thương như vậy rất phổ biến ở các khu nhà ở không chính thức – hiện vẫn là nơi cư trú của một tỷ người trên khắp thế giới. Mối liên hệ giữa đô thị hóa và nguy cơ lở đất đã được biết đến nhưng chưa được lượng hóa. Chẳng hạn, có những thành phố như Caracas ở Venezuela hay Taiz ở Yemen đều có hơn 1,6 triệu người sống trên khu vực đất dốc hơn 15°. Số lượng những người sống trên vùng đất bằng phẳng hơn nhưng có nguy cơ phải hứng chịu các dòng chảy cũng ngày càng tăng. 

Những người đến thành phố sau này, nhất là các nhóm di cư nghèo, thường phải ở những khu xập xệ, hoặc không chính thức trên các khu vực đồi hoặc vùng ngập nước ở rìa thành phố. Và những cộng đồng như vậy bị ảnh hưởng nặng nề trước thảm họa. Ví dụ, ở châu Mỹ Latinh, thống kê từ năm 2004 cho thấy, 81% số người thiệt mạng do lở đất sống ở các khu định cư nghèo hoặc không chính thức, mặc dù những khu định cư đó chỉ hứng chịu ​​41% số vụ lở đất gây thiệt hại về người.

Dù cho ngày càng có nhiều công nghệ, công cụ, mô hình mới giúp dự báo, nghiên cứu tốt hơn, nhưng vẫn có rất nhiều biến số bất định ảnh hưởng tới dự báo, can thiệp giảm thiểu rủi ro và những vấn đề gốc rễ từ điều kiện kinh tế xã hội khiến những nhóm nghèo thường phải ở nơi có nhiều rủi ro sạt lở nhất. Chừng nào còn như vậy thì các con số thiệt hại do sạt lở vẫn rơi vào các khu vực vốn yếm thế từ trước. □

Bảo Như tổng hợp 

Tài liệu tham khảo

1. https://theconversation.com/what-causes-landslides-can-we-predict-them-to-save-lives-230968

2. https://theconversation.com/global-toll-from-landslides-is-heaviest-in-developing-countries-90086 

3. https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-540-69970-5_30

4. https://www.preventionweb.net/news/protecting-poor-neighborhoods-landslide-risk

5.https://www.nature.com/articles/d41586-022-02141-9 

6. https://www.nature.com/articles/nature.2012.11140 

Bài đăng Tia Sáng số 15/2024

Tác giả

(Visited 86 times, 1 visits today)