Sẽ mất 300 năm nữa để loại bỏ tình trạng tảo hôn

Cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc cho biết số lượng cô dâu vị thành niên đã giảm, nhưng họ vẫn ghi nhận có 12 triệu trẻ em gái kết hôn mỗi năm.


Trong báo cáo “Is an End to Child Marriage within Reach?” được công bố vào tháng trước, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết tình trạng tảo hôn đang giảm trên toàn thế giới nhưng với tốc độ quá chậm để có thể hy vọng xóa bỏ hủ tục này trong thế kỷ 21.

Một cô dâu trẻ tuổi thuộc bộ lạc trong lễ cưới ở Dembel Jumpora, Guinea-Bissau. Ảnh: Ami Vitale/Alamy

“Tin tốt là tình trạng tảo hôn đang giảm trên toàn thế giới”, Claudia Cappa, tác giả chính của báo cáo hoan nghênh. “Trong 10 năm qua, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 23% xuống 19% [trong tổng số các cuộc hôn nhân]. Tuy nhiên, tốc độ này không đủ nhanh để đạt được mục tiêu xóa bỏ tảo hôn vào năm 2030, với hơn 12 triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi vẫn kết hôn hằng năm. Vì vậy, nếu mọi thứ không thay đổi, chúng ta sẽ cần khoảng 300 năm nữa để loại bỏ hoàn toàn nạn tảo hôn”.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng ngày nay trên thế giới có 640 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã kết hôn trước 18 tuổi. “Tùy từng nơi, nạn tảo hôn diễn ra với nguyên nhân khác nhau; nhưng thường đó đều là những nơi có có tỷ lệ nghèo đói cao và cơ hội phát triển cho trẻ em gái hạn chế”, Cappa nhận định. “Bất bình đẳng giới, định kiến, luật pháp yếu kém và nỗi sợ mang thai ngoài hôn nhân cũng góp phần dẫn đến tình trạng này”.

Báo cáo cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng khí hậu có thể khiến các gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gả con gái của mình. “Khủng hoảng sức khỏe, xung đột và thiên tai làm tăng rủi ro tảo hôn cho các bé gái khi việc học của các em bị gián đoạn, và các hộ gia đình càng thêm khó khăn về mặt tái chính”, ông lý giải. Trước tình thế này, một số gia đình lầm tưởng rằng hôn nhân là một phương thức để đổi đời. Ngoài ra, đó cũng là một cách để bớt đi một miệng ăn.

Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng dự đoán được những khủng hoảng khí hậu có thể diễn ra, nhưng chúng ta có thể nhìn nhận để hiểu chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em gái.

Không chỉ biến đổi khí hậu, UNICEF cũng lo ngại rằng sự hội tụ của đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột toàn cầu có thể đảo ngược những thành quả khó đạt được. Chỉ riêng COVID-19 thôi cũng có thể làm nảy sinh 10 triệu cuộc hôn nhân ở tuổi vị thành niên từ năm 2020 đến năm 2030. “Thế giới đang chìm trong khủng hoảng chồng lên khủng hoảng, chúng dập tắt hy vọng và ước mơ của những đứa trẻ dễ bị tổn thương, đặc biệt là những bé gái lẽ ra phải là học sinh chứ không phải cô dâu,” Giám đốc UNICEF Catherine Russell cho biết trong một tuyên bố.

Về mặt địa lý, Nam Á là động lực giúp tỷ lệ kết hôn của trẻ em gái giảm sút. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chiếm khoảng 45% trong số 640 triệu phụ nữ đã kết hôn khi còn nhỏ. Riêng Ấn Độ chiếm 1/3.

UNICEF đặc biệt quan tâm đến tình hình ở châu Phi cận Sahara, nơi dường như đang đi ngược lại xu hướng này. “Các bé gái ở đó hiện có nguy cơ tảo hôn cao nhất thế giới, với 1/3 số bé gái kết hôn trước 18 tuổi,” báo cáo cho biết. Dự kiến ​​số lượng cô dâu trẻ em ở đó sẽ tăng 10% vào năm 2030.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết chúng ta vẫn có thể đạt được tiến bộ ở châu Phi, nhất là khi Rwanda và Ethiopia đã cải thiện được tỷ lệ tảo hôn của mình. “Chấm dứt tảo hôn là điều có thể thực hiện được bằng các biện pháp can thiệp về kinh tế và thu nhập”, Cappa khẳng định.

Tảo hôn và quan hệ tình dục khi còn quá trẻ gây ra vô số vấn đề về sức khỏe, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong khi sinh con và các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Bên cạnh đó, kết hôn sớm khiến các em gái phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi các em chưa đủ tuổi trưởng thành. Chính điều này làm hạn chế khả năng ra quyết định và hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống.□

Hà Trang tổng hợp 

Nguồn: https://www.theguardian.com/global-development/2023/may/05/child-marriage-in-decline-but-will-take-300-years-to-eliminate

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)