Sinh ra cùng Viện Toán

Hôm nay tôi thật bất ngờ và thú vị khi được biết mình hóa ra có cùng tuổi với Viện Toán, tuổi “Tuất” (sinh năm 1970). Một số bạn bè đồng nghiệp  cũng cùng tuổi đó, như là GS. Vũ Hà Văn và GS. Phùng Hồ Hải. Tuổi Tuất đó có thể vất vả, bươn trải, nhưng giàu tinh thần, nghị lực, cũng như Viện Toán vậy.


Các giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Paul Embrechts, Ngô Việt Trung, Nguyễn Việt Dũng ở Viện Toán cuối năm 2011. Nguồn: NVCC

Các nhà toán học thường ít giàu về vật chất nhưng giàu về tinh thần. Đặc biệt là ở Viện Toán, có rất nhiều người uyên bác, sắc sảo, không chỉ về  toán học, mà còn về các mặt của xã hội, dám nói, dám làm, vì thế tôi rất kính trọng.

“Duyên nợ” của tôi với Viện Toán thì vô cùng nhiều. Các thành viên của Viện Toán, từ cố GS. Hoàng Tụy, đến GS. Hoàng Xuân Phú, GS. Ngô Việt Trung, PGS. Phan Hà Dương, và rất nhiều người khác, đối với tôi đều là những người thầy, người anh, người bạn thân thiết.  

Trong suốt bốn năm làm việc tại Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) và Viện Nghiên cứu cao cấp quốc tế (SISSA-ISAS) ở Trieste (Italia) vào đầu thập kỷ 1990, tôi may mắn liên tục được gặp nhiều người từ Viện Toán (và Viện Vật lý) sang đó, như là GS. Hà Huy Vui, GS. Nguyễn Tự Cường, GS. Nguyễn Đông Yên, GS. Lê Tuấn Hoa,  PGS. Trương Xuân Đức Hà, v.v., và nhà tôi nhiều khi trở thành “bản doanh” của giới khoa học Toán – Lý người Việt thời đó. Nhiều người tôi quen từ thời còn là sinh viên ở Nga, như GS. Đỗ Ngọc Diệp, PGS. Nguyễn Việt Dũng, GS. Nguyễn Đình Công, GS. Đinh Nho Hào, GS. Nguyễn Minh Trí v.v. cũng là cán bộ của Viện Toán. Ngay từ thời còn là học sinh phổ thông ở Hà Nội, tôi cũng đã may mắn được PGS. Phan Huy Khải của Viện Toán kèm cặp. 

Sau này, lần nào về Việt Nam, tôi cũng có dịp ghé qua Viện Toán, có khi chỉ là để thăm hỏi, nhưng nhiều lần cũng là để hợp tác, báo cáo khoa học, tổ chức hội nghị hay trường hè, tham dự ngày hội toán học cho các học sinh, v.v. Tủ sách Sputnik do tôi thành lập cùng một số đồng nghiệp, trong đó có GS. Hà Huy Khoái, cựu Viện trưởng Viện Toán, nhằm mục đích quảng bá kiến thức khoa học một cách gợi mở, khai phóng, cũng vinh dự được Viện Toán quan tâm và giúp phổ biến đi các nơi. Mỗi lần đi đến các trường phổ thông, GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán, vẫn thường mang theo các cuốn trong Tủ sách Sputnik như một “món quà” toán học cho các em học sinh. 

Những hoạt động đồng tổ chức với Viện Toán bao giờ cũng để lại ấn tượng khó quên với tôi, dù ở bất kỳ quy mô nào. Trong số đó, trường hè về toán tài chính vào năm 2011, do CNRS đồng tài trợ, kéo dài ba tuần với hơn 100 người tham dự. Không chỉ là trường hè lớn nhất mà tôi tổ chức cùng với Viện Toán, kỳ đó còn mời được cả những át chủ bài trong ngành như GS. Paul Embrechts, cố vấn của nhiều ngân hàng trung ương quốc tế, giảng bài về quản lý rủi ro tài chính. Trường hè đó hơi “đi trước thời đại” vì ở Việt Nam lúc đó, ngay các ngân hàng cũng còn rất ít quan tâm tới quản lý rủi ro tài chính định lượng. Gần chục năm sau, nhiều ngân hàng đã nhận thức rõ hơn về giá trị của toán học hiện đại trong quản lý tài chính. 

Trong nhiều năm, tôi có tham gia phụ trách chương trình hợp tác toán học Pháp-Việt, và qua đó giúp sinh viên cao học quốc tế của Viện Toán và của trường ĐH Sư phạm Hà Nội sang Toulouse học tiếp cao học và tiến sĩ. Trong số đó có nhiều sinh viên nay đã trở thành các nhà khoa học xuất sắc, ví dụ như TS. Lữ Hoàng Chinh đã trở thành giảng viên tại ĐH Paris Sud, là trung tâm toán học xếp hạng nhất thế giới; hay như TS. Phạm Việt Hùng và TS. Lê Hải Yến có kết quả nghiên cứu rất tốt, có thể tìm được việc tốt ở Pháp nhưng đã chọn về Việt Nam làm việc tại Viện Toán. Một số bạn trẻ khác, cũng xuất phát từ cao học của Viện Toán, nay lại có duyên cơ làm việc tại một công ty về trí tuệ nhân tạo mang tên “Torus Actions” ở Pháp do tôi thành lập. 

Nghề làm khoa học chân chính nói chung, và nghiên cứu toán học nói riêng, là một nghề khá vất vả, đặc biệt trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của Việt Nam. Có một lần, GS. Nguyễn Xuân Tấn của Viện Toán kể cho tôi nghe câu chuyện sau về một nhà toán học Việt Nam. Thời kỳ bao cấp đói kém, nhà toán học đó vẫn miệt mài làm toán ở nhà, vẽ vẽ ghi ghi trên giấy nháp, không kiếm được tiền như ông thợ hàng xóm. Bà vợ một hôm tức giận giật giấy trên tay, hỏi “mấy cái định lý của anh có ra tiền không”. Sau đó, nhà toán học này nhận được học bổng Humboldt sang Đức mấy năm, trở nên khá giả so với người Việt Nam thời đó, và bà vợ hài lòng công nhận “mấy cái định lý của anh ra tiền thật”.

Làm toán lý thuyết để mà “ra tiền” thật là khó. Kể cả có được “đi Tây” thì thời nay cũng không phải là giàu, trong khi nhiều ngành khác với trình độ tương đương người ta kiếm tiền “như nước”. Tuy nhiên, tôi tin rằng Viện Toán sẽ không chỉ giàu có về tinh thần mà  cũng sẽ rất giàu có về mặt vật chất một cách chính đáng, trong thời đại của trí tuệ nhân tạo ngày nay. Bởi lẽ, trí tuệ nhân tạo chính là toán học chứ không là gì khác: toán hiện đại, cao cấp, áp dụng vào việc xử lý thông tin đưa ra quyết định. Vốn giàu có về toán học của Viện Toán cũng chính là vốn giàu có tiềm năng rất lớn, có thể chuyển hóa thành những trí tuệ có tầm ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đến hàng triệu người … □

 

Tác giả

(Visited 118 times, 1 visits today)