Sinh thái học tư duy

Các nguyên tắc của “tư duy sinh thái” đã vượt ra ngoài các vấn đề môi trường khi áp dụng cho xã hội và văn hóa. Nghĩa thông thường của cách nói “sinh thái học văn hóa” được dùng trong các bài viết và bài nói của viện sĩ Dmitry Likhachev, nhà thơ Andrei Voznesensky và các tác giả nổi tiếng đáng kính khác là sự bảo tồn những sách vở, tranh tượng, nhà cửa và các công trình kiến trúc khác của quá khứ.

Tuy nhiên, văn hóa không chỉ có sách vở đã viết ra và các tượng đài cổ xưa mà việc bảo tồn chúng hẳn nhiên là trách nhiệm của chúng ta. Mà còn có văn hóa của tư duy, của hoạt động trí tuệ. Đã đến lúc mở rộng các nguyên tắc của “tư duy sinh thái” sang lĩnh vực của chính tư duy chưa? Thế giới chúng ta đang sống không chỉ có môi trường sống mà còn có môi trường tư duy. Tuy nhiên, trí quyển[1] (không gian lý trí) đang bị ô nhiễm bởi rác thải của sự sản xuất trí tuệ và hoạt động tư tưởng y như sinh quyển bị ô nhiễm bởi rác thải công nghiệp vậy. Khi đó sinh thái học tư duy là gì?

Cách tiếp cận sinh thái đối lập với cách tiếp cận phương tiện, với sự thờ ơ của nó trước số phận của đối tượng và ý muốn hy sinh đối tượng nhân danh các mục đích thực lợi bên ngoài. Hàng thế kỷ nay tự nhiên chỉ được coi là phương tiện để phát triển công nghiệp, để làm giàu xã hội và để tự đề cao con người. Nhưng như chúng ta có thể thấy hiện nay, chính các mục đích đó đã được ghi vào trong tự nhiên và không thể đạt được bằng cách phá hủy nó, điều này hầu như sẽ tự động dẫn đến sự tự hủy hoại cuộc sống con người trên Trái đất. Tương tự, chúng ta đã quen cách đánh giá các quá trình trí tuệ gắn với mục đích và kết quả thực tế của chúng. “Cái này dẫn đến đâu?”, “Chúng ta sẽ đi đến kết luận gì?”, “Từ đây chúng ta sẽ đi đến đâu?”. Đấy là những tiêu chí được chấp nhận chung để đánh giá tư duy. Tư duy không được coi là có giá trị tự thân mà là như một hình thức hành động phụ trợ, cần phải được so sánh với cái gì đó có ích bắt nguồn từ bên ngoài. Từ đây có thói quen đi đến “những kết luận”, dẫn tới “những suy ra” và “những khái quát hóa” đóng đinh dưới dạng sản phẩm cuối cùng, tách khỏi bản thân quá trình tư duy.

Bên trong các hệ thống tư duy, nguyên tắc đồng nhất tính là nguyên tắc thống trị tối cao. Vô số các hiện tượng khác nhau đều được suy ra từ một định đề đơn nhất, từ ưu thế hàng đầu của “tư tưởng” hay “vấn đề”, từ “ý nghĩa” hay “lý do”, “ý muốn” hay “tri thức”, “cá nhân” hay “tập thể”. Trong các yếu tố đó, một cái luôn đóng vai trò chủ chốt như là ‘cơ sở”, “nguyên nhân đầu tiên”, còn những cái khác bị phụ thuộc, bị tán phá, bị thiếu thốn nghĩa và biến thành “thượng tầng cấu trúc” hoặc cột dựa, không có vị trí độc lập trong vũ trụ được dựng nên. Tư duy bị xem là phương tiện, và khi biến thành “các tư tưởng”, nó trở thành công cụ để nô dịch và điều khiển. Có lẽ thế kỷ 20 sẽ được nhớ đến như là thế kỷ của các “tư tưởng” bởi vì cái logic không lay chuyển của chúng đã thống trị trong tất cả các lĩnh vực đời sống, ăn vào các quan hệ nhân quả và được kiểm định bằng dây xích thép của các giả thuyết và kết luận. Các tư tưởng và con người trở thành công cụ của chúng phải chịu trách nhiệm về những bi kịch lớn lao của thế kỷ 20: các cuộc chiến tranh thế giới và nội chiến, các trại tập trung, các vụ nổ bom nguyên tử, các thảm họa sinh thái, sự khủng bố chính trị. Đấy là nguyên tắc bắt mặt này của tồn tại phụ thuộc vào mặt kia hay hủy diệt mặt này bằng mặt kia.

Tuy nhiên, khi thế kỷ đi dần về cuối, quyền lực của các “tư tưởng” ngày càng suy giảm. Loài người đang đi tới nhận thức rằng có những giá trị thậm chí còn quan trọng hơn sự bảo tồn và phát triển của loài người: đó là tình yêu, cuộc sống, tự nhiên, sự hấp dẫn của cái riêng biệt, cái không lặp lại. Các đặc tính (Idio-syncrasy) thay cho các hệ tư tưởng (Ideo-logy). Một lĩnh vực tinh thần mới hình thành, lĩnh vực của minh triết và tình yêu, của sự hiểu biết và hài hòa giữa tất cả các sinh vật trên Trái đất: đó là lĩnh vực của Tâm Linh Trắng (White Spirituality), nó tinh khiết nhưng bao trùm tất cả các sắc màu của quang phổ (Sophiosphere – Minh quyển)[2]

Các “tư tưởng” vậy là phải quay lại vị trí của tư duy tự nhiên và hòa tan vào thể hữu cơ của nó. Kiểu tư duy chúng tôi gọi là “tư duy essay” (essayism) xác nhận lại giá trị của nó ở đây. Về mặt ý hệ, nó “vô nhiễm” và “sạch rác” bởi vì nó không theo đuổi những mục đích nào ngoài chính nó. Có kiểu tư duy giống như đầu máy xe lửa hay người đi cắm cúi hướng tới một cái đích nhất định. Kiểu tư duy đó cứ cẫn mẫn nhằm tới kết luận, và “kết quả” là mục đích tối hậu của nó. Nhưng “mục đích” (“цель”) chỉ là một kiểu thoái hóa của “chỉnh thể” (“целое”), khi một mặt tách riêng của nó giữ lấy sự điều khiển tất cả các mặt khác. Tư duy tiểu luận là vô mục đích, nó không nhằm đến một cái đích nào cả, nó là chính thể luận (holistic).

Tư duy tiểu luận có thể so với việc thở: tư duy là thở Cái Tôi ra thế giới và thở thế giới vào Cái Tôi. Cái này hiển lộ trong cái kia chứ không phải suy ra từ cái kia như trong quan hệ nhân quả. Mỗi hiện tượng đều có tính tự trị và ý nghĩa của riêng nó, đồng thời nó lại là hình ảnh hay sự thể hiện của một hiện tượng khác. Không có quan hệ điều khiển được xác lập giữa chúng, mà là quan hệ tương ứng và phù hợp lẫn nhau. Tiểu luận cho thấy đối tượng tồn tại trong thế giới thế nào và thế giới tồn tại trong đối tượng thế nào. Phẩm chất thuận nghịch và hai chiều vốn có đối với việc thở đã được ghi ngay trong chính danh từ “tiểu luận”: nó là một từ mà trong tiếng Nga (эссе) đọc ngược đọc xuôi đều được.

Bằng chứng và phản luận (refutation) là xa lạ với tư duy essay, xem chúng là mang tính ý hướng và tư lợi về mặt trí tuệ. Nơi nào tư duy bị khai thác nhân danh “tư tưởng”, nơi nào nó sinh ra “giá trị thặng dư” dưới dạng ưu thế cứng nhắc của một quan niệm này đối với một quan niệm khác, nới đó tư duy essay vắng mặt. Giống như hơi thở, essay không thể là vô hướng. Nếu nó dừng lại khi hít vào hay thở ra với “Hoan hô…!” hay “Đả đảo…!”, cái chết sẽ đến ngay. Lão tử có nói rằng “những lời nói đúng giống với sự trái ngược của chúng”, còn Borges thì nói mọi cuốn sách hay cũng đồng thời là “phản sách”. Những nhận xét đó có thể áp dụng được cho essay, trong đó tư duy phát triển theo hướng đối lập, bao trùm toàn bộ trường những cái khả thể.

Do đó đã đến lúc phải thừa nhận rằng thái độ phương tiện đối với tư duy, cũng như đối với tự nhiên, là nguy cơ cho sự tồn tại của con người với tư cách là một hữu thể có tư duy, là homo sapiens. SINH THÁI HỌC TƯ DUY là một bộ môn nhân văn mới, sinh ra ở thời đại chín muồi của tư duy, trong đó tư duy không còn thỏa mãn với vai trò phương tiên trong sự xây dựng cuộc sống nữa mà tự biểu hiện như một chỉnh thể tự trị. Mục đích của tư duy là sự tiến triển của chính tư duy. Chỉ mới gần đây thôi, điều này nghe như là dị giáo. Nhưng bài học cay đắng của việc dùng tự nhiên “theo lối phương tiện” đã dạy cho chúng ta cách khác. Đâu là mục đích của cánh rừng này, dòng sông này, bãi cỏ này? Mục đích của nó y như của con người – nó là tận cùng trong chính nó. Bản thân tư duy tự biểu lộ như nhu cầu mang giá trị tự thân và như niềm vui thuần khiết của trí tuệ con người, bẩm sinh như hít thở vậy. Marcus Aurelius nhận xét đúng rằng: “Giống như sự hít thở của anh là hành động duy nhất hòa điệu với không khí vây quanh anh, hãy để trí óc anh bây giờ cũng hòa điệu với trí óc bao trùm vạn vật. Vì sức mạnh trí óc truyền ra khắp các hướng và lan tỏa đến mọi vật đối với kẻ muốn lôi kéo nó không kém sức mạnh không khí đối với kẻ có khả năng hô hấp nó”.

Vậy thì còn ai khác hơn chúng ta, công dân của Nhà nước ý hệ, những người đã nếm trải sức mạnh phá vỡ của những hình thức biến đổi, “bắt buộc” của ý thức, được chọn trở thành những nhà sinh thái tiên phong của trí quyển và những người bảo vệ sự tinh khiết của nó?

*Nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Nga, sống tại Mỹ

Moskva, 1982

—————————-

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh

Trong sách: Russian Postmodernism: New Perspectives on Post-Soviet Culture (Chủ nghĩa hậu hiện đại Nga: những viễn cảnh mới về văn hóa hậu Xô Viết). New York, Oxford: Berghahn Books, 1999, tr. 158-162.

 



[1] “Trí quyển” (Noosphere) là thuật ngữ do nhà tư tưởng Cơ đốc giáo Pháp Pierre Teilhard de Chardin (1881 – 1955) tạo ra và được dùng trong tư tưởng hiện đại để chỉ toàn bộ những cấu trúc và tiện nghi nhân tạo trên Trái Đất thể hiện khả năng của lý trí con người hoạt động như một yếu tố địa lý mới nhằm biến đổi hành tinh của chúng ta. Trí quyển bao gồm lý trí con người trong sự đa dạng của tất cả các chiều kích và sản phẩm vật chất và tinh thần của nó.

 

[2] Nếu “trí quyển” chỉ lý trí của Trái đất, thì “minh quyển” chỉ sự minh triết của Trái đất.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)