Số người chết vì sóng nhiệt sẽ tăng đến năm 2080

Theo một kết quả nghiên cứu mới do Đại học Monash chủ trì được công bố trên tạp chí PLOS Medicine ngày 31/7 vừa qua, nếu con người không thích nghi với nhiệt độ khí hậu trong tương lai, tỉ lệ tử vong do những cơn sóng nhiệt khắc nghiệt sẽ gia tăng nhanh chóng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới; sau đó tới Úc, châu Âu và Hoa Kì.

Sóng nhiệt hoành hành ở Ấn Độ. Nguồn: The Hindu

Đây là nghiên cứu có quy mô toàn cầu đầu tiên dự báo tỉ lệ tử vong do sóng nhiệt trong tương lai. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, họ đã phát triển một mô hình tính toán số ca tử vong do sóng nhiệt ở 412 nhóm dân số trên 20 quốc gia trong giai đoạn từ năm 2031 – 2080. Nghiên cứu dự đoán tỉ lệ tử vong do sóng nhiệt trong tương lai theo những kịch bản khác nhau về mức độ khí thải nhà kính, công tác chuẩn bị, chiến lược thích ứng và mật độ dân số trên các khu vực này.

Phó giáo sư Yuming Guo, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Monash cho biết thông tin về tình trạng tử vong do sóng nhiệt trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã làm nổi bật tầm quan trọng của nghiên cứu sóng nhiệt. Ông cũng đưa ra nhận định: “Đặc biệt, trong tương lai sóng nhiệt sẽ kéo dài thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn. Nếu không tìm cách giảm thiểu biến đổi khí hậu (giảm số ngày nắng nóng) và giúp người dân thích nghi với sóng nhiệt, tỉ lệ tử vong sẽ gia tăng đột biến, nhất là ở những nước nghèo gần xích đạo.

Nghiên cứu cũng đưa ra một dự đoán nghiêm trọng: tỉ lệ tử vong do sóng nhiệt ở 3 thành phố của Úc (Brisbane, Sydney and Melbourne) có thể sẽ tăng 471% so với giai đoạn 1971 – 2010. PGS Guo nhấn mạnh: “Số lượng người chết vì sóng nhiệt trong tương lai có thể sẽ nhiều hơn nếu chính phủ Úc không nỗ lực giảm thiểu tác động của sóng nhiệt”.

Nghiên cứu này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi sóng nhiệt, khiến hàng ngàn người chết và hàng chục nghìn người bị các bệnh do sốc nhiệt. Tổng số người chết ở Ấn Độ, Hy Lạp, Nhật Bản và Canada tiếp tục gia tăng khi tình trạng nắng nóng tiếp diễn với độ ẩm, nhiệt độ và cháy rừng đạt mức kỉ lục. Phó giáo sư Antonio Gasparrini ở Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết gần 20 năm trước, sóng nhiệt được cho là nguyên nhân gây ra hàng chục nghìn ca tử vong ở châu Âu và Nga. Ông khẳng định: “Thật đáng lo ngại, nghiên cứu cho thấy sóng nhiệt có nguy cơ gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng về tác động của sóng nhiệt tới tỉ lệ tử vong toàn cầu”.

PGS Gasparrini nhận xét: “Là nghiên cứu dịch tễ học lớn nhất từ trước đến nay về dự đoán tác động của sóng nhiệt trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, công trình này cho thấy, sóng nhiệt có thể làm gia tăng tỉ lệ tử vong, đặc biệt là ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên tác động này sẽ giảm bớt nếu chúng ta hạn chế phát thải khí nhà kính theo những kịch bản từ Thỏa thuận Paris”.

Ông cũng hy vọng, các dự đoán của nghiên cứu này sẽ hỗ trợ các nhà quản lý trong việc đưa ra các chiến lược thích ứng và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Để ngăn chặn tình trạng tử vong do sóng nhiệt ngày càng trở nên nghiêm trọng, nghiên cứu đề xuất sáu biện pháp thích ứng, đặc biệt cần thiết với các nước đang phát triển, các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó quan trọng là cung cấp và chia sẻ thông tin về sóng nhiệt và biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển các nhóm người dễ bị tổn thương; thiết lập các phương thức sinh kế; cải thiện các dịch vụ y tế; giảm nghèo; phân phối lại tài nguyên; giáo dục; thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sóng nhiệt..

Thanh An dịch

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2018-07-heatwave-deaths-steadily-globe.html

 

 

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)