Số phận kỳ lạ của một mẫu bụi Mặt trăng

Mẫu bụi Mặt trăng do phi hành gia Neil Armstrong mang về vào năm 1969 mới đây đã được mang ra đấu giá tại New York. Bất chấp nỗ lực của NASA nhằm ngăn chặn “quốc bảo” rơi vào tay tư nhân, những mẫu bụi này cuối cùng đã thuộc về một chủ sở hữu mới với giá 500.000 USD. Sự cố hi hữu này đã mở ra rất nhiều cuộc thảo luận, đồng thời nêu bật lên một câu hỏi lớn: Liệu đây có phải là bước khởi đầu cho tiến trình thương mại hóa tài nguyên thiên nhiên ngoài không gian?

Edwin “Buzz” Aldrin, nhà phi hành của NASA di chuyển đến vị trí hai hợp phần của Gói thực nghiệm khoa học Apollo trên bề mặt mặt trăng trong Sứ mệnh Apollo 11 vào năm 1969. Một mẩu nhỏ của các mẫu đầu tiên của bụi Mặt trăng được phi hành đoàn Apollo 11 thu thập đã bị đưa ra bán đấu giá. Nguồn: NASA

Trước khi đặt những bước chân đầu tiên của loài người lên Mặt trăng, Neil Armstrong đã đứng trên bậc thang của mô-đun Mặt trăng và mô tả kết cấu đặc biệt của mặt đất. “Nó gần giống như một cục bột”, ông báo cáo với Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh Apollo ở Houston, Texas.

Mười phút sau, ông thu thập được một vài muỗng bụi Mặt trăng – mẫu bụi đầu tiên mà con người lấy về từ bề mặt của một hành tinh khác. Giờ đây, hơn 50 năm sau, một phần bụi trong số đó sẽ đến tay chủ sở hữu mới: một người mua ẩn danh đã trả hơn 500.000 USD tại phiên đấu giá để sở hữu hiện vật lịch sử này.

Từ lâu, NASA đã luôn khẳng định chắc nịch rằng đá và bụi Mặt trăng được thu thập trong các Sứ mệnh Apollo là tài sản của chính phủ chứ không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ cá nhân nào. Cơ quan vũ trụ đã bỏ nhiều công sức và thời gian để thu hồi những vật liệu Mặt trăng bị thất lạc, bao gồm cả một vụ “bẫy” tội phạm trong nhà hàng Denny’s vào năm 2011 hòng giành lại một viên đá Mặt trăng chỉ to bằng hạt gạo từ tay một người phụ nữ 74 tuổi.

Phần bụi Mặt trăng được đem ra đấu giá mới đây là một ngoại lệ hiếm hoi, một nỗi ê chề của NASA khi đã không bảo vệ được chứng tích lịch sử khỏi mưu đồ đánh cắp của một giám đốc bảo tàng cùng hàng loạt tranh chấp pháp lý. “Đây là một tình huống độc nhất vô nhị”, Adam Stackhouse, một chuyên gia tại nhà đấu giá của nhà Bonhams, cho biết.

Các nhà khoa học bày tỏ những ý kiến khác nhau về buổi đấu giá. Dù NASA đã từng phân tích qua những mẫu bụi này và họ cũng còn nhiều các mẫu bụi khác để tiến hành nghiên cứu, song theo Sara Mazrouei, một nhà khoa học hành tinh và là nhà phát triển giáo dục tại Đại học Ryerson ở Ontario, “các mẫu vật lấy từ Mặt trăng rất quý giá” và còn nhiều tiềm năng để khám phá thêm.

Trên Mặt trăng không có không khí, gió mặt trời liên tục thổi trên bề mặt, truyền tĩnh điện cho hạt bụi mịn – còn được gọi là regolith (lớp đất mặt). Hạt bụi mịn tích điện sẽ dính vào mọi thứ — ủng, găng tay, bộ quần áo, dây, dụng cụ và nhiều vật dụng khác của phi hành gia.

Mặt khác, các chuyên gia về luật không gian lại tỏ ra hào hứng với vụ mua bán này bởi nó sẽ là tiền đề cho các hoạt động kinh doanh vật liệu ngoài Trái đất trong tương lai, chẳng hạn như kim loại được khai thác từ các tiểu hành tinh. “Chúng ta đang tiến thêm một bước tới việc thương mại hóa tài nguyên thiên nhiên ngoài không gian”, Mark Sundahl, một chuyên gia về luật không gian quốc tế tại Đại học Luật Cleveland-Marshall ở Ohio, tỏ ra hào hứng.

Bụi “dính”

Bụi Mặt trăng trong phiên đấu giá lần này đã cập bến Trái đất nhờ một đặc tính: Nó “dính”.

Trên Mặt trăng không có không khí, gió mặt trời liên tục thổi trên bề mặt, truyền tĩnh điện cho hạt bụi mịn – còn được gọi là regolith (lớp đất mặt). Hạt bụi mịn tích điện sẽ dính vào mọi thứ — ủng, găng tay, bộ quần áo, dây, dụng cụ và nhiều vật dụng khác của phi hành gia.

“Ngay lập tức, các phi hành gia nhận ra đặc tính dính của lớp bụi”, Nicolle Zellner, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Albion, cho biết. Bụi bám lởm chởm và rất nhám, nó nhanh chóng gây rắc rối cho các sứ mệnh của Apollo như làm tắc nghẽn thiết bị, mài mòn quần áo và vấy bẩn tàu đổ bộ. Các phi hành gia đã đập ủng của mình vào bậc thang ở lối vào mô-đun Mặt trăng nhằm loại bỏ càng nhiều bụi càng tốt sau chuyến khảo sát bề mặt Mặt trăng.

Khi Armstrong gom mẫu bụi đầu tiên vào trong túi Teflon, các hạt bụi mịn đã bám dính thành một lớp phủ bên ngoài túi. Để chuyển về Trái đất, các phi hành gia đã đặt toàn bộ túi mẫu vào bên trong một túi kéo khóa, phía trên có dòng chữ “Lunar Sample Return” (Trả lại mẫu vật Mặt trăng) bằng chữ in hoa vuông vức.

Nhìn lại chiếc túi chứa bụi, “bạn sẽ cảm thấy như mình đang ở rất gần thời khắc ấy”, Stackhouse thốt lên. “Nó hệt như một cỗ máy thời gian”.

Năm ống mẫu bằng nhôm được gắn một dây carbon dính một chút bụi được trích xuất từ mẫu đầu tiên từng được thu thập trên Mặt trăng. Ảnh: Bonhams

Hành trình của chiếc túi “Lunar Sample Return”

Con đường của mẫu bụi từ Mặt trăng đến buổi đấu giá rất lòng vòng. Cách đây vài thập kỷ, NASA đã cho bảo tàng bảo tàng vũ trụ Cosmosphere ở Hutchinson, Kansas mượn chiếc túi kéo khóa “Lunar Sample Return” rỗng cùng với các hiện vật khác. Không biết từ lúc nào, chiếc túi đã biến mất.

Sau khi giám đốc bảo tàng, Max Ary, nghỉ việc vào năm 2002, các nhà quản lý bắt đầu tiến hành điều tra một số hiện vật mất tích. Họ phát hiện ra rằng ông Ary đã bán hiện vật bảo tàng và bỏ túi số tiền bất chính. Ông ta bị kết án ba năm tù giam và phải nộp phạt 132.000 USD cho các tội danh lừa đảo, trộm cắp và rửa tiền.

Cảnh sát đã tìm ra một số hiện vật khi khám xét tài sản của ông Ary. Trong số đó có chiếc túi in dòng chữ “Lunar Sample Return”, nhưng do một số xáo trộn, các nhà quản lý lúc bấy giờ đã không nhận ra ý nghĩa của chiếc túi. Cảnh sát tư pháp Hoa Kỳ đã bán nó trong buổi đấu giá trực tuyến bộ sưu tập vũ trụ bị tịch thu của Ary để giúp ông ta trả khoản tiền phạt.

Nancy Lee Carlson ở Inverness, Illinois, đã giành được chiếc túi trắng – và bụi lẫn trong các sợi vải của nó – chỉ với 995 USD. Cô quyết định gửi chiếc túi đến Trung tâm Không gian Johnson thuộc NASA để nhờ xác minh xem liệu đây có phải hàng thật hay không, cô ngay lập tức choáng váng với câu trả lời của họ: Không chỉ chiếc túi là hàng thật mà lớp bụi bên trong cũng khớp với đặc điểm và thành phần của mẫu Mặt trăng đầu tiên do phi hành đoàn Apollo 11 mang về.

Trớ trêu thay, NASA sau đó từ chối trả lại chiếc túi, họ cho rằng đây là bảo vật quốc gia. “Hiện vật này không bao giờ thuộc quyền sở hữu của một cá nhân”, người phát ngôn của NASA, William Jeffs, cho biết trong một thông cáo vào năm 2017. Nó không chỉ mang giá trị khoa học mà còn “đại diện cho đỉnh cao của một nỗ lực mang tầm quốc gia và của cả một thế hệ người Mỹ”.

Ôm nỗi thất vọng, Carlson đã kiện cơ quan này để đòi lại chiếc túi, và cô ấy đã thắng. Sau đó, vào năm 2017, cô đã bán chiếc túi với giá 1,8 triệu USD trong một cuộc đấu giá của nhà Sotheby’s. NASA đã không đưa ra lời bình luận về sự kiện này.

Hai năm sau, Carlson lại một lần nữa kiện NASA, lần này vì họ đã làm hỏng chiếc túi trong quá trình kiểm tra và lấy đi phần bụi bám bên trong túi. Các nhà khoa học NASA đã sử dụng một mảnh băng dính carbon nhỏ để thu thập dấu vết của bụi Mặt trăng từ túi, sau đó dính băng vào một loạt đĩa nhôm nhỏ, và họ quyết định giữ lại chúng. Theo Carlson, điều này khiến cô không thể bán chiếc túi với đúng giá trị ước lượng ban đầu.

NASA cuối cùng đã thương lượng với Carlson, trả lại cho cô năm trong sáu đĩa nhôm chứa bụi Mặt trăng. Và đó chính là những mẫu bụi vừa được bán tại buổi đấu giá vừa rồi của nhà Bonhams.

Những vấn đề lớn hơn

Cuộc chiến kịch tính về mặt pháp lý trên liệu có ảnh hưởng nhiều đến nền khoa học? “Về lý thuyết, mọi mẫu vật đều quan trọng và có thể cung cấp điều gì đó mới mẻ”, Peter James, nhà địa vật lý hành tinh tại Đại học Baylor ở Texas, phân tích. Nhưng nhìn rộng ra, các mẫu được đấu giá chỉ là một phần nhỏ trong số 842 pound vật liệu Mặt trăng mà các phi hành gia đã mang về Trái đất sau sáu sứ mệnh của Apollo từ năm 1969 đến năm 1972. NASA đã phân tích rất kĩ phần bụi được thu thập cùng đợt với mẫu này. Xét về giá trị trong nghiên cứu, James không xem vụ mua bán lần này là một tổn thất lớn đối với các nhà khoa học.

Hai hạt bụi Mặt trăng được kính hiển vi điện tử quét phóng đại hàng nghìn lần. Ảnh: Bonhams

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, đã 50 năm kể từ lần cuối các phi hành gia mang về một mảnh vật liệu Mặt trăng mới, và mỗi mẫu bụi được phân tích đều cung cấp thêm thông tin về lịch sử hình thành và đặc điểm địa chất của Mặt trăng. Quá trình phân tích các loại đá, bụi trên Mặt trăng đã giúp các nhà khoa học đề xuất một giả thuyết về nguồn gốc của Mặt trăng: một vật thể có kích cỡ sao Hỏa va vào Trái đất, tạo ra hàng tỷ tấn vật chất nóng trong vũ trụ, sau đó chúng nguội đi và hình thành nên Mặt trăng có quỹ đạo quay quanh Trái đất.

Nghiên cứu các mẫu vật liệu cũng cho thấy rằng Mặt trăng chứa một lượng nước rất lớn. Các phân tích đầu tiên vào cuối những năm 1960 – đầu những năm 1970 đã bỏ qua các dấu vết lờ mờ của nước bị ‘nhốt’ trong đá. Nhưng tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo đã phát hiện ra dấu vết của nước trên Mặt trăng – nhóm nghiên cứu tại NASA sau đó đã chứng thực điều này bằng cách sử dụng các thiết bị siêu nhạy để phân tích lại các viên đá mà tàu Apollo mang về. Nguồn nước dự trữ này là chìa khóa để con người quay trở lại Mặt trăng, bởi chúng sẽ giúp những người du hành vũ trụ giảm tải vật dụng cần phải mang từ Trái đất.

Ngày nay, các nhà khoa học vẫn đang cặm cụi nghiên cứu các mẫu vật liệu mà tàu Apollo xưa kia đã mang về. Một số mẫu được đặt trong kho lưu trữ dài hạn “để các nhà khoa học trong tương lai có thể sử dụng công cụ tối tân sau này nhằm trả lời những câu hỏi hóc búa”, nhà thiên văn học NASA Jamie Elsila Cook chia sẻ với National Geographic vào năm 2019. Kho lưu trữ mới đây đã mở ra vào tháng ba nhằm chuẩn bị cho Sứ mệnh Artemis sắp tới – hòng đưa con người quay trở lại, đồng thời duy trì sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng

Mazrouei tâm sự rằng các nhà khoa học đã viết đơn đề xuất với hy vọng xin được một ít bụi Mặt trăng nhỏ từ kho lưu trữ để nghiên cứu. “Vì vậy, việc chứng kiến chúng bị đem ra bán đấu giá… quả thật có một chút khó chịu”, cô thừa nhận.

Dù vậy cô vẫn nhìn thấy một mặt tích cực của việc mua bán: nó sẽ mở ra khả năng tiếp cận các mẫu đá, bụi mặt trăng cho mục đích giáo dục. “Có thể nó sẽ giúp nhiều người có cơ hội nghiên cứu các mẫu bụi này hơn trong tương lai, chứ không chỉ gói gọn trong nhóm các nhà khoa học tại NASA”, cô chia sẻ một góc nhìn mới.

Khai thác không gian

Các chuyên gia luật không gian nhìn nhận vụ mua bán qua một lăng kính có phần khác biệt. Khi ngày càng nhiều quốc gia ấp ủ tham vọng lên Mặt trăng hay thậm chí là các hành tinh xa hơn, việc khai thác và sử dụng tài nguyên từ không gian có thể sớm trở thành hiện thực. Những hoạt động như vậy đã được đề cập đến trong Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 – nền tảng vững chắc cho tiến trình hình thành và phát triển của pháp luật về khoảng không vũ trụ

Hiệp ước đề ra một số quy định như cấm các cuộc diễn tập quân sự trong không gian và ngăn chặn bất kỳ ai đòi quyền sở hữu các không gian khác nằm ngoài Trái đất, tuy nhiên nó vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Đầu tiên, “những người soạn thảo đã không hình dung đến việc sử dụng tài nguyên không gian”, Christopher Johnson, cố vấn luật không gian tại Quỹ An ninh Thế giới và là trợ lý giáo sư tại Đại học Georgetown ở Washington, D.C, cho biết.

Trong những năm qua, một số quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã thông qua luật cho phép công dân sở hữu tài nguyên mà họ khai thác được từ các thiên thể. Ông cho biết sự kiện đấu giá mới đây đã củng cố thêm tính hợp pháp của việc sở hữu, sử dụng và mua bán các tài nguyên không gian.

Sundahl thuộc Đại học Luật Cleveland-Marshall lưu ý thêm rằng bất kỳ trường hợp nào giúp khơi mào trong công chúng những cuộc thảo luận về việc khai thác và bán các nguồn tài nguyên Mặt trăng đều hữu ích; nhiều cuộc tranh luận về việc cân bằng lợi ích công và tư liên tục diễn ra, nhất là khi chúng ta đang dần dần dấn vào công cuộc khai thác thiên thể. “Chúng ta chỉ mới đang ở điểm bắt đầu của hành trình này”, Sundahl kết luận.□

Hà Trang dịch

Nguồn: https://www.nationalgeographic.com/science/article/the-bizarre-drama-behind-a-pinch-of-moon-dust-that-just-sold-for-500000

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)