Sơn đỏ đầu tiên làm từ thực vật
Những người săn bắt và hái lượm đã tạo ra màu nhuộm quyến rũ này ở Đông Địa Trung Hải khoảng 15.000 năm trước.
Ánh sáng đỏ rực đã thu hút sự chú ý của nhà khảo cổ Laurent Davin ở Đại học Hebrew. Ông đang quan sát các hạt vỏ sò 15.000 năm tuổi và các hiện vật khác, được trưng bày trong tủ kính tại bảo tàng Khảo cổ học Rockefeller ở Jerusalem từ trước Thế chiến thứ hai. Nhiều người đã nhìn ngắm chúng, nhưng Davin thấy ấn tượng với chi tiết này: “Khi nhìn vào, bạn sẽ thấy nó có màu đỏ rực rỡ như máu, khiến tôi thắc mắc màu đó là gì?”
Vô số hiện vật thời tiền sử có màu đỏ nhờ hoàng thổ (ochre), một khoáng vật được dùng để tạo ra sơn đỏ đầu tiên trên thế giới, nhưng có gì đó khiến màu sắc này trông rất khác – và Davin quyết định tìm hiểu xem nó là gì.
Các nhà khoa học đã phân tích bằng kỹ thuật quang phổ công nghệ cao và phát hiện ra một chất nhuộm màu đỏ mới. Những hạt vỏ sò này được tìm thấy ở hang Kebara, trên núi Carmel (Israel), là ví dụ lâu đời nhất cho thấy con người đã sử dụng các loại thực vật để tạo ra chất nhuộm màu đỏ. Theo nghiên cứu mới công bố trên PLOS One, màu đỏ tươi tô điểm cho vỏ sò này được tạo ra từ rễ của các loài thực vật họ Rubiaceae, thường được gọi là họ Thiên thảo (madder).
Những người tạo ra loại sơn 15.000 năm tuổi này thuộc nền văn hóa Natufian. Họ là những người săn bắt hái lượm đầu tiên định cư trên khắp vùng Levant, ngày nay là Israel, Jordan, Lebanon, Syria và Palestine. Họ không chỉ dùng thực vật hoang dã làm thực phẩm mà còn xử lý chúng để tạo ra màu nhuộm. Việc sử dụng các loại màu nhuộm hữu cơ này cho các đồ trang trí có thể là một ví dụ cho thấy nhu cầu thể hiện ngày càng tăng khi xã hội loài người dần thay đổi qua nhiều thế kỷ.
Những mẫu vật sớm nhất về chất màu đỏ có nguồn gốc từ thực vật đã xuất hiện khoảng 6.000 năm trước. Từ lâu, con người đã thể hiện bản thân bằng màu đỏ, dường như màu sắc này có thể tác động đến tâm trí con người. Tổ tiên của chúng ta đã tạo ra chất màu đỏ từ các loại đá và khoáng chất như oxit sắt (có trong hoàng thổ đỏ) và sử dụng chúng để nhuộm màu cho mọi thứ, từ đá, xương cho đến tường hang động – điều này đã diễn ra ở châu Phi cách đây 500.000 năm. Đồ trang trí bằng vỏ sò và xương trong hang Kebara cũng được nhuộm màu bằng hoàng thổ, cho thấy loại màu đỏ cũ hơn này vẫn được sử dụng rất phổ biến.
Những người thuộc nền văn hóa Natufian có lẽ đã sử dụng màu đỏ mới có nguồn gốc từ thực vật để thu hút sự chú ý. Những thông điệp hoặc ý nghĩa được truyền tải thông qua việc sử dụng chất màu đỏ tươi để trang trí có thể đã bị mai một theo thời gian. Theo Davin, cách thể hiện bản thân đầy sáng tạo của người Natufian cho thấy sự thay đổi rõ rệt với các nền văn hóa lâu đời hơn trong khu vực. Những nơi khác chỉ có khoảng vài trăm hạt trang trí, nhưng người ta lại tìm thấy hàng nghìn hạt ở các địa điểm thuộc nền văn hóa Natufian, với nhiều loại vật liệu khác nhau – xương, răng, vỏ sò, đất sét và lông vũ. “Điều đó có nghĩa là nhu cầu thể hiện bản sắc của họ thực sự khác so với các thời kỳ trước,” ông nói. “Có lẽ họ muốn thêm thứ gì đó nữa, một thông điệp khác, một ý nghĩa khác, và có lẽ việc sử dụng màu nhuộm đỏ là một phần trong đó.”
Davin và các đồng nghiệp tiến hành một số phân tích để tìm ra nguồn gốc của màu đỏ này. Công nghệ quét nâng cao cho thấy ngoại trừ màu nhuộm đỏ từ thổ hoàng, chất màu đỏ còn lại không chứa sắt, nhưng có hàm lượng carbon cao thể hiện nguồn gốc hữu cơ. Để xác định cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp quang phổ Raman, một kỹ thuật phân tích hóa học sử dụng sự tương tác giữa vật chất với ánh sáng để tìm hiểu cấu tạo phân tử của vật chất đó. Kết quả phân tích cả mười hạt đều giống nhau, và trùng khớp với các dấu hiệu của các hợp chất phân lập từ rễ cây thuộc họ Rubiaceae – thông qua phân tích phấn hoa thời tiền sử sinh trưởng ở núi Carmel vào cuối thế Pleistocene.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết công thức chính xác để sản xuất màu nhuộm của người Natufian. Davin và các cộng sự hy vọng có thể tái tạo các chất màu tương tự bằng kỹ thuật cổ xưa. Họ đưa ra giả thuyết rằng người Natufian đào cây, rửa sạch và phơi khô rễ, nghiền nát rồi đun sôi trong nước để hòa tan màu nhuộm, sau đó để lên men.
Sự chuyển đổi từ lối sống săn bắt hái lượm sang nền nông nghiệp định cư không hề đột ngột mà là một quá trình lâu dài bắt đầu bằng việc tăng cường thu hái thực vật thâm canh từ 23.000 năm trước. Con người cũng khai thác và trồng thực vật hoang dã hàng nghìn năm trước khi thuần hóa chúng hoàn toàn. Việc chế tạo thuốc nhuộm là một ví dụ khác về sự thay đổi và gắn bó hơn trong mối quan hệ giữa con người và thực vật ở thời kỳ đó.
“Con người không chỉ săn bắt động vật và ăn thịt sống. Họ thực sự biết rõ khả năng ứng dụng của các loại thực vật”, Tobias Richter, nhà khảo cổ tại Đại học Copenhagen, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết. Ông cho rằng chúng ta đã đánh giá thấp kiến thức về cách sử dụng thực vật của con người ở thời đại đồ đá. “Tôi nghĩ họ là những chuyên gia về việc này”.
Hàng trăm hiện vật từ hang Kebara, bao gồm mặt dây chuyền bằng xương, răng, hạt và nhiều thứ khác, đã được gửi đến các bảo tàng trên khắp Vương quốc Anh và Bắc Mỹ. Giống như các hiện vật từ nhiều nơi khác, hầu hết các hiện vật này chưa bao giờ được phân tích để tìm hiểu loại màu nhuộm trên đó là gì, bắt nguồn từ thực vật hay loài động vật nào. Việc nghiên cứu sâu nguồn gốc của chúng có thể tiết lộ nhiều hơn về mối liên quan giữa con người và các loài khác từ thuở xa xưa.
Davin cũng hy vọng rằng các nghiên cứu trong tương lai sẽ làm sáng tỏ thêm về việc thuần hóa thực vật. Những hiện vật từ hang Kebara có thể chứa tàn dư của những loài thực vật đã được sử dụng, và đây có thể là nguồn cung cấp vật liệu di truyền. Nếu có đủ mẫu, các nhà khoa học có thể phân tích bộ gene cổ đại và so sánh với các loài thực vật hiện đại để theo dõi lịch sử thuần hóa cây thiên thảo.
Theo Richter, các chất màu từ thực vật là một ví dụ rõ ràng khác cho thấy con người đã sử dụng trí tưởng tượng để khám phá và sử dụng một cách sáng tạo những nguồn tài nguyên sẵn có để tạo ra các đồ trang trí và nghi lễ riêng.
“Chúng ta thường hình dung thời đại đồ đá đầy ảm đạm, khắc nghiệt và khó sinh tồn”, ông nói. “Thực ra, nó cũng đầy màu sắc và đa dạng hơn nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ”.
Ngọc Mai lược dịch
Nguồn: smithsonianmag.com
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)