Sông Cửu Long: Ô nhiễm vi nhựa chủ yếu từ nước thải sinh hoạt
Một nhóm các nhà khoa học ở ĐH Hull, Newcastle, Loughborough (Anh), Viện Khoa học thủy lợi miền nam (Việt Nam) và Viện Công nghệ Campuchia đã phát hiện ra chủ yếu ô nhiễm vi nhựa trên sông Cửu Long là từ nước thải sinh hoạt và càng đi về hạ nguồn, mật độ vi nhựa càng tăng
Mặc dù nhựa và vi nhựa được phát hiện là có nhiều trên các dòng chảy trên toàn cầu nhưng cho đến nay vẫn còn khoảng trống chưa rõ về thông lượng vi nhựa và hành xử của nó khi được vận chuyển trên sông suối ra đến đại dương. Phần lớn ô nhiễm nhựa đều xuất phát từ việc quản lý không đúng quy trình khiến các chất thải nhựa bị phong hóa, phân rã thành vi nhựa cũng như từ các nhà máy xử lý nước và ngành công nghiệp. Việc vi nhựa ra đến các dòng chảy là do những đặc tính của hạt (bao gồm độ nổi, kích thước và hình dạng), thủy động lực học (như vận tốc, độ mặn, cuộn xoáy). Mặc dù phần lớn các vi nhựa được biết theo thời gian sẽ đi vào trầm tích nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ trong cơ chế này trong khi ngày một có bằng chứng về việc ô nhiễm nhựa có thể gây hại cho hệ sinh thái và có tiềm năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội khác nhau đánh bắt thủy hải sản, du lịch, vận tải.
Sông Cửu Long được nhận diện là một trong những nguồn đóng góp vào ô nhiễm nhựa biển, ước tính tải lượng 37.000 tấn/năm. Hệ quả của ô nhiễm nhựa trên sông Cửu Long có thể sẽ nghiêm trọng do ảnh hưởng đến hệ sinh thái ĐBSL và sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên từ trước đến nay, có rất ít nghiên cứu về mức độ vi nhựa ở sông Cửu Long ở phần chảy qua Campuchia và Việt Nam. Do đó, nhóm tác giả cho rằng cần phải có những quan sát về vận chuyển vi nhựa trên sông, chủ yếu trả lời hai câu hỏi: i) nồng độ vi nhựa cao nhất ở nơi nào? ii) đâu là điểm đại diện trong cột nước được lấy mẫu; cách tiếp cận lấy mẫu bề mặt có thể áp dụng cho các hệ thống sông lớn không?
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả lấy mẫu 8 địa điểm từ Campuchia đến Việt Nam vào tháng 7/2019, bao gồm phần chảy qua thị trấn Kratie, thủ đô Phnom Penh, sông Tonle Sap, sông Ba Sặc, Cần Thơ.
Kết quả phân tích cho thấy, tất cả các mẫu đều chứa vi nhựa và có sự khác biệt đáng kể về nồng độ vi nhựa giữa các địa điểm, trong đó thấp nhất là Kampi, Kratie và cao nhất là Phnom Penh (40 vi nhựa/m3) và Cần Thơ (64 vi nhựa/m3). Nồng độ trung bình ở các địa điểm là 24 vi nhựa/m3. Các mức vi nhựa trên sông Cửu Long cũng tương tự như nhiều con sông lớn khác trên thế giới như sông Bắc Saskatchewan (Canada), sông Hằng (Ấn Độ), sông Amazon (Brazil) và thấp hơn so với nhiều con sông khác ở Việt Nam, đăc biệt là sông Tô Lịch (2.522 vi nhựa/m3).
Các nhà nghiên cứu cho biết, cần phải xác định được các nguồn chính của ô nhiễm vi nhựa để lấy đó làm cơ sở cho các quyết định quản lý và ngăn chặn chúng xâm nhập vào môi trường. Ngoài ra, họ cũng mong muốn xác định xem các nguồn này có nhất quán trên các khu vực địa lý khác nhau hay không. Khi nhìn vào các mẫu thu thập được, họ nhận thấy phần lớn vi nhựa đều ở dạng sợi (53%), tiếp theo là mảnh (44%) và màng mỏng (3%), tương tự như kết quả ở sông Amazon và các nhánh của nó. Sợi cũng là loại phổ biến nhất được tìm thấy ở các con sông trên toàn thế giới, cùng với các khu vực phía bắc của ĐBSCL.
Khi kiểm tra sự biến thiên của vi nhựa giữa các địa điểm lấy mẫu, nhóm nghiên cứu nhận thấy dạng sợi chiếm phần lớn nồng độ tổng thể tại Kampi, Kratie, sông Bassac (sông Hậu), trong khi dạng sợi và dạng mảnh phổ biến tại sông Tonle Sap Phnom Penh, sông Cần Thơ, sông Hậu… Bên cạnh đó, về thành phần vi nhựa thì hầu hết đều là nhựa PET 35%, hoặc các loại nhựa khác chiếm 34%, bao gồm polyacrylonitrile (PAN) hoặc polyacrylate. Nhựa PET thường được sử dụng trong bao bì đựng thực phẩm, bao bì đựng đồ uống và có thể phân hủy thành các mảnh trong khi sợi PET hoặc polyester, PAN và polyacrylate thường được sử dụng trong quần áo và hàng dệt may.
Sự biến thiên của các dạng nhựa cho thấy những con đường khác nhau của ô nhiễm nhựa trên dòng Cửu Long và sự cần thiết phải giảm bớt các nguồn phát. Nước thải đô thị, bao gồm cả nước từ các nhà máy xử lý nước và nước mưa, cũng được coi là con đường chính đưa vi nhựa vào hệ thủy sinh; thêm vào đó là nước tưới tiêu nông nghiệp, với chủ yếu là vi nhựa dạng sợi và mảnh. Nước thải sinh hoạt thường chứa vi nhựa dạng sợi tổng hợp như polyester từ giặt quần áo, tuy nhiên các nhà máy nước hiện nay chủ yếu chưa đủ khả năng lọc vi nhựa. Sự lấn át của vi nhựa dạng sợi khắp các điểm lấy mẫu cho thấy cần cải thiện các nhà máy xử lý chất thải của vùng cũng như cải thiện năng lực quản lý chất thải để giảm vi nhựa dạng mảnh.
Dữ liệu cũng cho thấy có sự thay đổi về lượng vi nhựa theo độ sâu tại mỗi vị trí. Việc định lượng chính xác số lượng vi nhựa trong các con sông là một thách thức do động lực phức tạp của các hệ thống sông. Trong các cột nước, vi nhựa không di chuyển đồng đều hoặc phân bố không đều và có thể lắng đọng, đi vào trầm tích hoặc tiếp tục di chuyển. Trung bình, 86% vi nhựa được tìm thấy ở dưới phần nước mặt nhưng không cho thấy sự lấn át của vi nhựa dạng nào. Các nhà khoa học cho rằng, có thể điều này là do quá trình trộn lẫn và bám bẩn sinh học ảnh hưởng lên vận tốc lắng của các hạt trong cột nước thẳng đứng.
Về sự ảnh hưởng của mùa, họ cho biết tổng lượng vi nhựa suy giảm từ tháng 7 đến tháng 9, do mùa mưa đạt đỉnh vào tháng 8 và 9 dẫn đến hiện tượng pha loãng nồng độ vi nhựa. Các nhà nghiên cứu lưu ý, khi dòng chảy lớn cũng có khả năng đưa vi nhựa vào trầm tích ở các vùng lặng hơn, dẫn đến chôn vùi lâu dài. Hơn nữa, nồng độ vi nhựa trên sông Cửu Long thay đổi theo thủy động lực học của dòng chảy và không phù hợp với các quy luật vận chuyển trầm tích lơ lửng. Lũ lụt có thể cuốn trôi các vi nhựa về phía đại dương, với nồng độ vi nhựa cao hơn trước khi lưu lượng nước trên sông đạt đỉnh.
Kết quả được trình bày trong bài báo “The transport and vertical distribution of microplastics in the Mekong River, SE Asia”, xuất bản trên Journal of Hazardous Materials.
Thanh Hương
Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0304389424033430