Sự sống trên Trái Đất có nguồn gốc từ Sao Hỏa
Ngày càng có nhiều chứng cớ cho thấy sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ Sao Hỏa. Nguyên do ở chỗ: chỉ trên hành tinh Đỏ mới có một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc khởi đầu sự sống; Trái Đất thuở xưa không có yếu tố này.
Cuối tháng 8 vừa qua, nhà hóa học địa cầu Steven Benner [1] chính thức công bố giả thuyết khoa học: đầu tiên “hạt giống” của sự sống thì ở trong đất đá trên Sao Hỏa; sau đó do bị ngoại lực tác động hoặc do núi lửa phun trào mà đất đá ấy biến thành thiên thạch rời khỏi Sao Hỏa rồi rơi xuống Trái Đất [2]. Chỉ trên Sao Hỏa mới có chất ôxyt Môlipđen [3], một vật chất được coi là chất xúc tác có thể giúp các phân tử hữu cơ phát triển trở thành hình thức ban đầu của sự sống.
Tại Hội thảo Hóa học địa cầu Goldschmidt 2013 [4], Giáo sư Benner nói: “Chỉ khi nào nguyên tố Môlipđen được ôxy hóa ở mức độ cao thì nó mới ảnh hưởng tới việc hình thành sự sống thời kỳ đầu.”
“Khi sự sống bắt đầu hình thành, trên Trái Đất không tồn tại Môlipđen ở dạng ôxyt như vậy, bởi lẽ cách đây 3 tỷ năm bề mặt Trái Đất có rất ít khí ôxy, nhưng trên Sao Hỏa lại có ôxy. Đây là một chứng cớ chứng minh khi các thiên thạch rơi từ Sao Hỏa xuống Trái Đất, chúng mang theo mầm mống của sự sống, chứ không phải sự sống bắt nguồn trên Trái Đất.”
GS Benner nói, tất cả mọi sinh vật đều cấu tạo bởi các chất hữu cơ, nhưng nếu chỉ dựa vào cách bổ sung thêm năng lượng (như nhiệt năng hoặc quang năng) cho các phân tử hữu cơ thì chưa đủ để chúng tạo ra sự sống. Ngược lại, các phân tử hữu cơ tự nó sẽ biến ra thành những thứ như hắc ín (tar) hoặc nhựa đường (asphalt).
Ông nói: “Một số nguyên tố dường như có thể khống chế chất hữu cơ biến thành hắc ín, đặc biệt là nguyên tố Boron [5] và Môlipđen; vì thế chúng tôi cho rằng khoáng chất chứa hai loại nguyên tố này là cơ sở để hình thành trạng thái sơ khai của sự sống.”
“Mới đây, một kết quả phân tích thiên thạch Sao Hỏa cho thấy trên Sao Hỏa có Bo. Hiện nay chúng tôi tin rằng trên Sao Hỏa cũng tồn tại hình thức ôxyt Môlipđen.” — ông nói.
GS Benner cho biết, có một lý do khác khiến cho sự sống rất khó có thể ra đời trên Trái Đất thời kỳ sơ khai; đó là do thời ấy toàn bộ bề mặt Trái Đất rất có thể hoàn toàn bị ngập trong nước. Nước ngăn cản sự hình thành chất Bo nồng độ cao và nước có tính xâm thực RNA — tức Ribonucleic acid, một chất được coi là anh em họ của DNA, là phân tử gene xuất hiện sớm nhất.
Ông cho rằng Sao Hỏa thời kỳ đầu cũng có tồn tại nước, nhưng nước chỉ phủ trên một phần cực nhỏ bề mặt hành tinh này.
GS Benner nói: “Chứng cớ dường như cho thấy thực ra tất cả chúng ta đều là người Sao Hỏa. Nghĩa là sự sống bắt đầu trên Sao Hỏa rồi đi trên một tảng đá mà đến Trái Đất.”
“Dù thế nào đi nữa, các thiên thạch đó rơi xuống đây là điều rất may mắn cho chúng ta. Hiển nhiên, trong hai hành tinh này thì nơi có điều kiện tốt hơn để duy trì sự sống là Trái Đất chứ không phải Sao Hỏa. Giả thử tổ tiên Sao Hỏa mà chúng ta phỏng đoán hãy còn ở trên hành tinh đỏ thì có lẽ chúng ta chẳng có chuyện gì để nói.”
Nguyễn Hải Hoành lược thuật
Ghi chú của người dịch:
[1] Steven A.Benner là giáo sư Khoa Hóa, đồng thời là thành viên Khoa Sinh học tế bào phân tử Đại học Florida, làm việc ở Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Westheimer (Mỹ).
[2] Hiện nay có khoảng 1 tỷ tấn nham thạch tồn tại giữa Sao Hỏa với Trái Đất; khi bị các tiểu hành tinh va chạm, chúng sẽ vỡ thành các tảng thiên thạch và rơi xuống Trái Đất.
[3] Molybdenum là nguyên tố hóa học ký hiệu Mo, số nguyên tử 42, tiếng Việt gọi là Mô-lip-đen, được phát hiện năm 1778.
[4] Hội thảo Hóa học địa cầu Goldschmidt 2013 do European Association of Geochemistry and the Geochemical Society tổ chức tại Florence, Italy, từ 25 đến 30/8. Goldschmidt là tên nhà khoáng vật học Victor Goldschmidt (1888-1947), người sáng lập ngành hóa học địa cầu và hóa học tinh thể hiện đại.
[5] Boron là nguyên tố hóa học ký hiệu B, số nguyên tử 5, tiếng Việt gọi là Bo, được phát hiện năm 1808.