Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Khơi thông hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn

Các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng và bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Bên trong một nhà máy sản xuất tôn thép ở Việt Nam. Ảnh: Hoa Sen Group

Những băn khoăn, lo ngại liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN) của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây có lẽ là một ví dụ tiêu biểu cho những vướng mắc liên quan đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay. Theo quy chuẩn này, thép không gỉ được đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (nhóm tiềm ẩn khả năng gây hại) và phải được kiểm tra nhà nước. Tuy nhiên, từ góc nhìn của 27 doanh nghiệp thép không gỉ, theo phản ánh của báo Tuổi trẻ vào tháng tám, quy chuẩn kỹ thuật này không đưa tiêu chuẩn cơ sở  vào danh mục dẫn chiếu nên các sản phẩm này hoàn toàn bị loại khỏi thị trường và bị xem là sản phẩm kém chất lượng. Do đó, nhiều nhà sản xuất thép không gỉ và sử dụng nguyên liệu này không thể nhập khẩu, không có nguyên liệu sản xuất, gia công nên bị cắt giảm doanh thu, cắt giảm lao động và đối diện nguy cơ phá sản.

Vậy việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay đang có những vướng mắc gì?

Thiếu cụ thể và trái với thực tiễn

Theo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, một số quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố TCVN, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp với thực tiễn như: chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng Thông tư ban hành QCVN) và quy trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật khiến các bộ, ngành, ủy ban nhân dân gặp khó khăn, bất cập khi xây dựng QCVN, quy chuẩn địa phương (QCĐP) (phải thực hiện hai quy trình khác nhau). Bên cạnh đó, chưa có quy định về đánh giá tác động khi xây dựng QCVN khiến một số QCVN sau khi ban hành không phù hợp trong thực tiễn áp dụng; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh.

Đối với vấn đề về tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, TCCS được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố TCCS, nên không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn “quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố TCCS (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, theo phân tích trong tờ trình.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng TCCS lại mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất chất lượng. “Quy định, cơ chế quản lý TCCS hiện nay rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về TCCS; gây khó khăn, hạn chế trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới TCCS, ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng”, theo đánh giá trong tờ trình dự án.

Một vấn đề khác là hiện nay, các bộ, ngành xây dựng TCVN dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, theo quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, các bộ trưởng là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các TCVN, do đó, các bộ hoàn toàn có quyền trực tiếp xuất bản, phát hành các TCVN do các bộ trực tiếp xây dựng bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc xuất bản, phát hành các TCVN hiện nay của các bộ, ngành còn gặp vướng mắc khi phải thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ (quy định tại Điều 21 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật). Tình trạng này tạo ra khó khăn trong việc áp dụng và phổ biến các TCVN của các bộ, ngành. “Có thể thay đổi theo hướng Bộ KH&CN là trục dọc trong toàn bộ quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn còn các bộ, ngành là các nhánh để xây dựng các kế hoạch trung hạn và dài hạn trong 5-10 năm, trên cơ sở đó Bộ KH&CN duyệt một cách tổng thể. Hằng năm, nếu có điều chỉnh, phát sinh gì thì các bộ có thể trao đổi với Bộ KH&CN để đưa vào, như vậy sẽ chủ động được vấn đề về mặt kinh phí, tiến độ”, đại diện Bộ Công thương đề xuất.

Tháo gỡ vướng mắc

Trước những vấn đề này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa ra nguyên tắc “khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” để phù hợp với các quy định của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nguyên tắc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn của các Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO, IEC, ITU), theo đó, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia đóng góp ý kiến vào hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định “thực hiện đánh giá tác động một cách toàn diện, đảm bảo không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại”.

Cụ thể, với việc xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn, một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo là quy định thành viên ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức khác có liên quan, người tiêu dùng và các chuyên gia trong nước và nước ngoài để đảm bảo phù hợp nguyên tắc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn của các Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO, IEC, ITU), cam kết trong FTA thế hệ mới. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến việc xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở. Theo đó, các tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, công bố, thông báo tiêu chuẩn cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm đảm bảo các cơ quan nhà nước có đầy đủ cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp, phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra khi cần thiết của cơ quan nhà nước. “Đây là biện pháp không phát sinh thủ tục hành chính, tuy nhiên, quy định này sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Quy định này cũng đã được một số quốc gia áp dụng, chẳng hạn như Trung Quốc đã triển khai hệ thống thông tin để doanh nghiệp thông báo bằng phương thức điện tử tiêu chuẩn của doanh nghiệp tới cơ quan nhà nước”, theo phân tích trong tờ trình. Góp ý về nội dung này, đại diện Bộ Công thương đề xuất, “Bộ KH&CN nên có một nội dung cứng về yêu cầu công bố các chỉ tiêu chất lượng trong đấy như thế nào, việc trình bày một tiêu chuẩn cơ sở ra sao, còn như bây giờ các doanh nghiệp không biết phải theo mẫu nào. Cần phải có một mẫu chuẩn để doanh nghiệp triển khai từ quá trình xây dựng, giải thích thuật ngữ, định nghĩa, các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp đánh giá, ghi nhãn, từ đó đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và không trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trên cơ sở đấy, chúng ta có thể xây dựng được một cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn cơ sở và từ đó hoàn toàn có thể nghiên cứu, chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia”.

Đối với quy chuẩn, một trong những nội dung được sửa đổi là việc thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo đó, bổ sung nội dung thẩm định về sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật, cam kết quốc tế về đo lường, chất lượng (trước đây, chỉ quy định “tiêu chuẩn”) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hạ tầng chất lượng quốc gia. “Luật hiện nay đã có quy định là việc xây dựng quy chuẩn thì có sự tham gia của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của chúng tôi thì thấy rằng việc này còn rất hạn chế. Chúng tôi mong muốn rằng dự thảo mới sẽ có những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng quy chuẩn thì cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp chịu tác động của quy chuẩn này”, ông Nguyễn Văn Khoa – đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) chia sẻ tại hội thảo góp ý hồ sơ xây dựng dự thảo Luật do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 26/10. Ông cho biết thêm, những hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia như CPTPP cũng đã nêu những yêu cầu như vậy. 

Mỹ Hạnh

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)