Tại sao tim phụ nữ “dễ vỡ” hơn đàn ông?

Bệnh tim và hiện tượng đau tim tấn công đàn ông nhiều hơn và sớm hơn phụ nữ, nhưng vỡ tim lại là một hội chứng mà tỷ lệ phụ nữ mắc phải cao hơn đàn ông đến bảy lần.

Trong một nghiên cứu có quy mô quốc gia đầu tiên về vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Arkansas đã xem xét tỷ lệ của “hội chứng vỡ tim” (“broken heart syndrome”) và thấy rằng nó ảnh hưởng nhiều nhất tới phụ nữ. Hội chứng này xảy ra khi có một cú “sốc” bất ngờ hoặc căng thẳng kéo dài dẫn đến các triệu chứng giống như đau tim hay suy tim.

Theo dữ liệu được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim nước Mỹ diễn ra tại Orlando hôm 16/11, phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng này cao gấp bảy lần đàn ông và phụ nữ tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc hội chứng này.

“Đó là hội chứng về tim duy nhất mà phụ nữ có tỷ lệ vượt trội” – Tiến sĩ Abhiram Prasad, bác sĩ chuyên khoa tim của Mayo Clinic – người không tham gia vào nghiên cứu này – chia sẻ với AP. Tất nhiên là bệnh tim và hiện tượng đau tim tấn công đàn ông nhiều hơn và sớm hơn phụ nữ.

Hội chứng “vỡ tim” có thể xảy ra khi một người gặp phải những sự việc gây sốc hoặc gây cảm xúc bất ngờ – bao gồm cả những sự việc tích cực như trúng xổ số hay những sự việc tiêu cực như tai nạn xe hơi hay có người thân ra đi đột ngột. Việc có nhiều hoóc-môn căng thẳng hay hoóc-môn adrenaline có thể khiến một phần não mở rộng ra tạm thời và gây ra những triệu chứng giống như một cơn đau tim, gồm các triệu chứng như: đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều. Sự khác biệt giữa hai hiện tượng này là hội chứng “vỡ tim” không có biểu hiện tắc động mạch.

Hầu hết những người mắc phải hội chứng này sẽ phục hồi trong khoảng 1, 2 tuần, nhưng trong một số trường hợp hi hữu, có khoảng 1% tử vong.

Từ lâu các bác sĩ đã biết về hội chứng “vỡ tim”. Lần đầu tiên nó được nói đến là từ cách đây hai thập kỉ bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản và có vẻ như nó xảy ra chủ yếu ở phụ nữ. Vì thế, Tiến sĩ Abhishek Deshmukh, một chuyên gia tim mạch của ĐH Arkansas – người đã điều trị cho những phụ nữ mắc hội chứng “vỡ tim” – đã rất tò mò về việc hội chứng này ảnh hưởng khác nhau theo giới tính như thế nào.

Bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu liên bang từ khoảng 1.000 bệnh viện, ông Deshmukh đã phát hiện ra có 6.229 trường hợp mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” vào năm 2007. Trong số này, chỉ có 671 trường hợp – chiếm chưa đến 1% – là đàn ông. Ông cũng phát hiện ra rằng phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng này cao gấp 7,5 lần đàn ông. Với đối tượng dưới 55 tuổi, phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn 9,5 lần đàn ông. Phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn 3 lần so với phụ nữ trẻ.

Các nhà nghiên cứu không biết điều gì đã gây ra sự chênh lệch giới tính này, tuy nhiên họ đã đưa ra một số giả thuyết.

Giả thuyết đầu tiên cho rằng hoóc-môn đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra sự chênh lệch giới tính ở hội chứng này. Một giả thuyết khác thì cho rằng đàn ông có nhiều thụ thể hoóc-môn adrenaline ở các tế bào tim hơn phụ nữ, “vì thế có thể đàn ông có khả năng xử lý căng thẳng tốt hơn”, trong đó vai trò của hóa chất là giúp giải tỏa căng thẳng – Tiến sĩ Deshmukh cho hay khi trả lời phỏng vấn từ AP.

Khoảng 10% người mắc hội chứng này sau khi bộc phát lần đầu sẽ mắc lại ở một thời điểm khác, tuy nhiên hầu hết đều trở lại chức năng đầy đủ của tim mà không có những tổn thương vĩnh viễn hoặc cần điều trị tiếp. Vì thế, có vẻ như cách để hàn gắn một trái tim tan vỡ là điều mà các bà mẹ vẫn thường nói: hãy cho nó thời gian.

Nguyễn Thảo dịch theo:

http://healthland.time.com/2011/11/17/study-women-are-more-vulnerable-to-broken-hearts/

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)