Tâm lý sống còn của đội bóng Thái Lan

“Nếu bạn thức dậy vào ngày thứ tư trong chuỗi ngày sinh tồn mà vẫn còn sống, bạn đã đạt được một cột mốc quan trọng về mặt tâm lí”.


Các thành viên đội bóng bày tỏ thương tiếc với người thợ lặn hi sinh trong cuộc giải cứu. Ảnh: bbc.com

Sinh tồn là một chuỗi các thành công nhỏ

Vào ngày 23 tháng 6, 12 cậu bé và huấn luyện viên bóng đá của họ bước vào một hang động sau khi kết thúc việc tập luyện bóng đá ở miền Bắc Thái Lan. Những cậu bé đã bị mắc kẹt khi mưa lớn tràn ngập hang Tham Luang và cắt đứt lối thoát. Sau nỗ lực giải cứu kéo dài hàng tuần liền, tất cả 12 cậu bé và huấn luyện viên của họ đã được giải phóng khỏi hang động.

Bị kẹt dưới lòng đất trong mười một ngày, không biết liệu có bị chết đói hay chết đuối ngày hôm sau không… Đó chính là hoàn cảnh của đội bóng trẻ của Thái Lan mắc kẹt trong hệ thống hang động như một mê cung ở miền Bắc nước này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận họ gặp may mắn ở một điểm: đó là các thành viên đã được tổ chức sẵn thành một khối thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau. Sự sống còn của nhóm trong môi trường khắc nghiệt đòi hỏi sự lãnh đạo, tinh thần đồng đội và phân chia công việc, đó đều là những yêu cầu đương nhiên với một đội bóng đá, chưa kể đến sự hiện diện của một huấn luyện viên 25 tuổi.

Giống như các thợ mỏ Chile bị kẹt trong một mỏ đồng đúng mười tuần vào năm 2010, các cậu bé ở Thái Lan đã từng làm việc cùng nhau trong một thời gian dài và có một hệ thống phân cấp vai trò cho phép phân công và chia sẻ các nhiệm vụ trong cuộc chiến sinh tồn. “Sinh tồn chỉ là chuyện đưa ra một loạt các mục tiêu nhỏ, một loạt các nhiệm vụ có thể đạt được, bởi vậy chúng phải khả thi, phải hỗ trợ việc sinh tồn và phải được sắp xếp theo một trình tự đúng đắn”, nhà sinh lý học sinh tồn Mike Tipton, hiện đang nghiên cứu tại Khoa Thể dục Thể thao tại Đại học Portsmouth cho biết.

“Bạn được phép nghĩ rằng, Nếu tôi vẫn ở đây trong hai tuần thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi vẫn còn ở đây trong hai tháng?” Bạn cần phải nghĩ rằng, “Một giờ nữa, tôi cần phải làm điều này”. “Rồi cứ thể đưa ra nhiều mục tiêu ngắn hạn mà bạn có thể thực hiện thành công. Vấn đề mà rất nhiều người sống sót sau thảm kịch hoặc đã bỏ mạng từng phải đối mặt, đó là họ cảm thấy bị choáng ngợp bởi việc phải tiếp tục tồn tại, nên họ không bao giờ bắt đầu với bất cứ mục tiêu gì. Họ bỏ cuộc”.

Chìa khóa cho sự sống sót của thợ mỏ Chile chính là việc ngay lập tức quyết định sẽ tiếp tục hoạt động, tự nghĩ ra một loạt các hoạt động hằng ngày để biến sự chờ đợi vô tận trở thành một loạt các nhiệm vụ. Nói cách khác, họ tạo ra một ý thức trách nhiệm và cùng nhau chia sẻ số phận cũng như các khó khăn phải đương đầu trước mắt. “Có ba cách để phản ứng trong tình huống này”, Tipton, người đã trải qua nhiều thập kỷ điều tra sự sống còn trong môi trường khắc nghiệt cho biết, “Bạn có thể đóng băng và không làm gì cả, hoặc bạn có thể hoạt động rất năng nổ rồi làm hỏng bét hết cả, nhưng bạn cũng có thể trở nên năng động và làm những điều đúng đắn”. Và rõ ràng điều chúng ta cần làm chính là hướng thứ ba.

Đội bóng Thái Lan đã vượt qua thử thách khó khăn đầu tiên trong bất cứ một cuộc chiến sinh tồn nào: ba ngày đầu tiên, khoảng thời gian mà nhiều nạn nhân đã đầu hàng. “Nếu bạn thức dậy vào ngày thứ tư trong chuỗi ngày sinh tồn mà vẫn còn sống, bạn đã đạt được một cột mốc quan trọng về mặt tâm lí” – John Leach, một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Portsmouth nói. “Nhưng sau khoảng ba tuần, nhiều người sẽ có xu hướng sụp đổ. Họ đột nhiên cảm thấy chán nản, họ muốn bỏ cuộc.”

Khiếu hài hước là chìa khóa giúp cho các chàng trai của đội bóng đoàn kết và vững tâm, Leach, người làm việc rất nhiều với những người sống sót, bao gồm cả con tin, tù nhân và nạn nhân bắt cóc cho biết: “Sự hài hước là một hành vi đặc trưng mang tính quyết định đối với sự sống còn. Và trong khi con người đang chiến đấu với sự sống còn, đó là thứ đầu tiên bị ảnh hưởng: nếu có ai đó “thất bại trong việc phản ứng với sự hài hước”, có nghĩa là họ đang có vấn đề không hề nhỏ về mặt tâm lý. Khiếu hài hước là thứ đầu tiên bỏ chúng ta mà đi, và nó cũng là điều cuối cùng quay trở lại.

Chữa lành tâm lý sau khủng hoảng

Trước đó, khi mà các nhân viên y tế và thợ lặn cứu hộ vạch ra kế hoạch đưa các chàng trai qua lòng hang bị ngập lụt, các nhà tâm lý học và các chuyên gia về trẻ em đã tiến hành xem xét các cách phục hồi chấn thương tâm lý sau sự việc này. Mặc dù phần khó khăn nhất trong thử thách đã được hoàn thành với việc cả đội bóng được đưa khỏi hang nguyên vẹn, việc xử lý các chấn thương tấm lý là điều không hề dễ dàng. Peter Levine, tác giả của “Waking the Tiger, Healing Trauma” (Đánh thức hổ, lành vết thương tâm lý”) cho biết: “Đôi khi việc điều trị có thể tồi tệ hơn là không điều trị”. “Đôi khi việc điều trị khiến người bệnh sống lại sự đau đớn, trầm cảm và tuyệt vọng. Điều đó không hiệu quả. Những gì bạn cần làm là giúp cơ thể họ hồi phục như trước và hòa nhập vào cuộc sống thực tại. Đôi khi bạn gợi lại những kỉ niệm. Nhưng nếu chỉ khiến các kí ức sống lại thì thậm chí còn gây tác hai lớn hơn. Một số biện pháp có thể có ích, nhưng rất hạn chế sử dụng biện pháp “nói chuyện”, hoặc biện pháp “tiếp xúc”, bởi có thể khiến nạn nhân tái hiện lại sự khủng hoảng tâm lý của họ. “

Tipton cũng cảnh báo rằng một số người có thể tử vong trong vài giờ ngay sau khi giải cứu. “Chúng tôi biết rằng có một tình huống đã từng xảy ra như sau: tình trạng của người đang mắc kẹt xấu đi đến mức họ chết ngay trước khi được giải cứu. Bao giờ cũng có hai mặt của đồng xu. Từ tình huống đang phải tranh giành sự sống, rồi khi nhìn thấy chiếc thuyền cứu hộ tới, họ thả lỏng và thư giãn tới mức sụp đổ… và tình trạng của họ suy giảm nghiêm trọng. Một vài trường hợp đã được ghi lại từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai”.
Leach nói rằng các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý sau chấn thương thường quá đơn giản và bị hiểu lầm. “Những ngày này, người ta nói rất nhiều về một thứ gọi là khả năng hồi phục của con người sau chấn thương”, Leach cho biết. “Tôi nghĩ rằng nếu bạn đã trải qua cuộc chiến giành giật sự sống, như là tù binh chiến tranh, bắt làm con tin, hoặc lênh đênh hàng tuần liền trên biển…, bạn sẽ không còn như trước. Bạn không còn là con người đó, bạn đã thay đổi. Khi bạn trở lại, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh thay đổi. Điều nguy hiểm ở chỗ nhiều người kì vọng thế giới vẫn vậy sau khi họ trở về, và họ sẽ quay lại là con người cũ trước khi thảm họa xảy ra”.

Trở về với cuộc sống trên mặt đất sau mười tuần, một trong những thợ mỏ Chile nhớ lại cảm giác khi nhìn vào mình trong gương. “Khi tôi nhìn vào gương”, Samuel Avalos nói, “đôi mắt đang nhìn lại không phải là đôi mắt của tôi.”

Hạnh Duyên dịch

Nguồn: http://www.wired.co.uk/article/thai-cave-rescue-psychology
Tít bài là do tòa soạn đặt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)