Tầng công nghệ và chu kỳ phát triển kinh tế – kỹ thuật
Mọi công nghệ đều tồn tại và phát triển theo qui luật tiến hóa (chu kỳ sống): hình thành, phát triển, chín muồi và suy thoái. Các chu kỳ công nghệ phát triển nối tiếp nhau, công nghệ sau hiệu quả hơn công nghệ trước, tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều công nghệ cùng trình độ phát triển liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành tầng công nghệ. Qui luật phát triển của tầng công nghệ cũng chính là qui luật phát triển của kinh tế xã hội loài người. Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu về sự hình thành, xu thế phát triển và vai trò của tầng công nghệ.
1. Đặt vấn đề
Điều dễ nhận thấy là ở bất kỳ quốc gia nào, khoa học và công nghệ đều được xem là lĩnh vực tối quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Nhưng vấn đề cơ bản và luôn làm các nhà hoạch định chính sách đau đầu là phải chọn chiến lược phát triển thế nào để cho phù hợp? Làm sao vừa hiệu quả, khả thi mà lại phát huy tốt nhất nguồn lực có giới hạn của quốc gia mình? Có hai chiến lược cần lựa chọn. Một, phát triển đồng đều, đầu tư mỗi ngành một ít – ngành nào cũng quan trọng như nhau. Hai, phát triển trọng tâm, lựa chọn công nghệ đột phá để đầu tư. Làm theo cách thứ nhất, cách mà chúng ta đang làm, có cái lợi là không mất lòng ai, ít mạo hiểm đối với nhà hoạch định chính sách. Còn làm theo cách thứ hai, thì hiện chúng ta chưa biết dựa vào cơ sở nào để xác định công nghệ mũi nhọn để đầu tư? Chúng ta biết công nghệ có chu kỳ sống, có nghĩa bất kỳ một công nghệ nào cũng phát triển theo qui luật tiến hóa. Nhiều công nghệ cùng trình độ liên kết với nhau tạo thành tầng công nghệ và chính sự chuyển dịch của các tầng công nghệ này quyết định sự phát triển kinh tế xã hội. Sẽ vô cùng hoang phí nếu chúng ta chia đều hay tập trung nguồn lực đầu tư vào tầng công nghệ đang ở kỳ suy thoái. Vấn đề là nhận và lựa chọn tầng công nghệ mới này thế nào? Trong bài viết này, tác giả thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên thông qua việc đi sâu phân tích lịch sử hình thành các học thuyết về chu kỳ kinh tế, nền tảng để hình thành lý thuyết về tầng công nghệ, giới thiệu các tầng công nghệ cơ bản trong lịch sử phát triển khoa học kỹ thuật, đồng thời đưa ra các dự báo về tầng công nghệ của tương lai cùng với các khuyến nghị bước đầu giúp chúng ta có cách nhìn và định hướng phát triển đúng đắn.
2. Đôi điều về lịch sử
Vào những năm đầu thế kỷ 20, nhà kinh tế học người Mỹ J. Kitchin là người đầu tiên đưa ra khái niệm về những chu kỳ kinh tế ngắn với độ dài trung bình 3 – 5 năm và đã minh chứng sự tồn tại của chúng trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Cũng vào thời điểm này, tại nước Nga – Xô Viết, nhà kinh tế học lỗi lạc Kondratieff, bằng phương pháp thực chứng, đã chứng minh được sự tồn tại của các chu kỳ kinh tế lớn. Kondratieff đã dùng các công cụ thống kê để nghiên cứu chỉ số kinh tế vĩ mô của 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới lúc đó là: Mỹ, Anh, Pháp và Đức trong khoảng thời gian 1,5 thế kỷ (tính từ khi cuộc cách mạng công nghiệp Anh bùng nổ đến đầu thế kỷ 20). Kết quả, ông đã tìm thấy 3 chu kỳ thay đổi lớn – hai chu kỳ hoàn chỉnh và một chu kỳ đang tiếp diễn:
– chu kỳ thứ nhất – từ cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19;
– chu kỳ thứ hai – từ giữa đến cuối thế kỷ 19;
– chu kỳ thứ ba – từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Trên cơ sở phân tích này, Kondratieff đã đưa ra dự báo về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào những năm 1930. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Theo Kondratieff, nguyên nhân chính tạo nên các chu kỳ kinh tế là do nhu cầu cập nhật nguồn vốn tư bản với khoảng cách trung bình 55 năm một lần1.
Sự xuất hiện của thuyết “Chu kỳ lớn” đã tạo động lực thúc đẩy việc nghiên cứu quá trình đổi mới (công nghệ) và xác định vị trí của nó trong sự phát triển của kinh tế quốc gia. Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nhà kinh tế học người Áo Schumpeter, dựa trên nền tảng thuyết “Chu kỳ lớn”, đã khẳng định động lực chính tạo ra các dao động kinh tế chính là quá trình đổi mới. Việc ra đời các công nghệ mới được J. Schumpeter mô tả như là xung lực cơ bản tạo nên sóng đổi mới (xem Hình 1).2
Hình 1. Chu kỳ đổi mới của Schumpeter |
Có thể thấy các làn sóng đổi mới của Schumpeter dao động trong khoảng 30-60 năm. Mỗi làn sóng như vậy đều xuất phát trên một nền tảng công nghệ mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử kinh tế nhân loại và tuân thủ theo qui luật tiến hóa: hình thành – tăng trưởng – chín muồi và suy thoái. Cứ sau một làn sóng như thế – nền kinh tế sẽ được nâng lên một tầm phát triển mới: năng động và giàu có hơn. Cụ thể, ta thấy, làn sóng đổi mới thứ nhất gắn liền với sự xuất hiện máy móc dựa vào sức nước và sự phát triển các ngành công nghiệp dệt, luyện kim, kéo dài từ năm 1780 đến 1840. Làn sóng thứ hai, liên quan tới sự xuất hiện máy hơi nước, sự phát triển của đường sắt và công nghiệp cán thép, kéo dài trong 50 năm, kết thúc vào năm 1900. Làn sóng thứ ba, kéo dài gần 50 năm và liên quan đến sự phát triển của điện năng và động cơ đốt trong. Làn sóng thứ tư, bắt đầu vào đầu những năm 1950 và kết thúc vào năm 1980, kéo dài trong gần 35 năm. Động lực cơ bản quyết định làn sóng phát triển này là các thành tựu của công nghiệp hóa học, điện tử và công nghiệp vũ trụ. Làn sóng thứ năm, bắt đầu từ những năm 1990, gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của mạng máy tính, Internet, công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn (multimedia) và phương tiện truyền thông. Làn sóng này vẫn tiếp tục phát triển tại thời điểm hiện nay, kéo dài trong vòng 25-30 năm và dự báo sẽ kết thúc vào năm 2020.
Tuy nhiên, suốt 30 năm sau kể từ khi xuất hiện, học lý thuyết của Kondratieff và Schumpeterdường như bị lãng quên. Nó chỉ thực sự được nhớ đến vào năm 1970, khi kinh tế thế giới bước vào một chu kỳ suy thoái mới. Lúc này, nhiều nhà khoa học từ các quốc gia khác nhau đã tập trung nghiên cứu làm phong phú, hoàn thiện thêm hai lý thuyết trên. Có thể liệt kê ra đây một vài tên tuổi nổi danh: G. Mensh (Đức), J. Kitchin (Mỹ), C.Juglar (Pháp), S.Kuznets). Kết quả, ngày hôm nay ta có lý thuyết về bốn chu kỳ kinh tế cơ bản: (Mỹ
– chu kỳ lớn của D. Kondratieff (kéo dài 50-60 năm) gắn liền với sự xuất hiện các ngành và công nghệ mới;
– chu kỳ nhỡ của S. Kuznets (18-25 năm) gắn liền với qui luật xây dựng cơ bản hay chu kỳ phát triển dân số;
– chu kỳ nhỡ C.Juglar (kéo dài 7-11 năm) gắn liền với sự đầu tư vào máy móc, thiết bị;
– chu kỳ nhỏ J. Kitchin (40 tháng) gắn liền với những dao động ngắn hạn của thị trường.
Như vậy, rõ ràng thuyết “Chu kỳ lớn” của Kondratieff là nền tảng làm xuất hiện nhiều lý thuyết khác về các chu kỳ và qui luật kinh tế trong thế kỷ 20, với đại diện chính là các lý thuyết sau:
– lý thuyết đổi mới, với quan điểm cho rằng chính đổi mới công nghệ là động lực để tạo nên các chu kỳ kinh tế. Đại diện tiêu biểu: J.Schumpeter, S.Kuznets, G. Mensh;
– lý thuyết về sự dư thừa vốn tích lũy (mô hình chuyển động hệ thống của J. Forrester);
– lý thuyết về dư thừa sức lao động K. Fridman;
– lý thuyết về giá của Y. Rostow và R.Berry;
– khuynh hướng trọng tiền D. Delbeck, P. Karpinen, R. Batra, К.Fridman;
– lý thuyết về các chu kỳ chiến tranh của J. Goldstien;
– lý thuyết về tầng công nghệ của S. Glaziev;
– lý thuyết về kinh tế học tiến hóa của R. Nelson và G. Winter, Maevski.3
Tất cả các lý thuyết này hiện đang là cội rễ nuôi dưỡng kinh tế học hiện đại và là chiếc chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa đầy bí ẩn của thế kỷ 21. Nổi bật trong đó là Lý thuyết về tầng công nghệ của nhà kinh tế học Nga S. Glaziev, ra đời vào những năm 1993 [5].
3. Tầng công nghệ là gì?
Tầng công nghệ được hiểu là tập hợp các công nghệ và phương thức sản xuất có cùng trình độ. Mỗi tầng công nghệ được chia làm hai phần: hạt nhân và vỏ bọc. Hạt nhân bao gồm những công nghệ cốt lõi – quyết định sự tồn tại và phát triển của tầng công nghệ đó. Vỏ bọc là các công nghệ phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ lõi. Điều đáng lưu ý là S. Glaziev, tác giả của học thuyết này, bằng phương pháp thực chứng đã chứng minh được – tầng công nghệ chính là động lực cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế xã hội, tạo nên các chu kỳ kinh tế lớn. Hay nói cách khác, quá trình phát triển kinh tế xã hội loài người chính là quá trình phát triển nối tiếp nhau liên tục của các tầng công nghệ. Chúng ta chứng kiến loài người đã trải qua 3 phương thức sản xuất cơ bản: nông nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp (thông tin). Trong đó có thể thấy phương thức sản xuất công nghiệp được hình thành và phát triển bởi các tầng công nghệ cơ bản nối tiếp nhau: công nghệ máy móc thô sơ – công nghệ máy hơi nước – công nghệ dựa trên năng lượng điện – công nghệ dựa trên năng lượng điện hạt nhân. Như vậy, rõ ràng biên độ dao động của tầng công nghệ sẽ quyết định mức thăng trầm của nền kinh tế. Mà tầng công nghệ là tập hợp của nhiều công nghệ, nên tầng công nghệ cũng phát triển theo chu kỳ: hình thành – tăng trưởng – chín muồi và suy thoái (xem Hình 2).4 Do đó, nếu ta dự đoán được chu kỳ phát triển của các tầng công nghệ – thì ta hoàn toàn có thể dự đoán được tình trạng phát triển kinh tế xã hội trong tương lai (Hình 3)5. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên giá trị khoa học và sức hấp dẫn thực tiễn của học thuyết này. Tất nhiên, khi đi vào ứng dụng cụ thể các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Điều này phụ thuộc vào tiêu chí cũng như bối cảnh kinh tế của quốc gia mà họ lựa chọn để phân tích.
Hình 2. Sự phát triển giữa hai tầng công nghệ |
Hình 3. Sự phát triển của nhiều tầng công nghệ thay thế nhau |
Hiện tại, các nhà khoa học nhìn chung đều thống nhất với quan điểm cho rằng kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp Anh bùng nổ cho tới nay, kinh tế thế giới đã trải qua trọn vẹn 5 tầng công nghệ, tầng công nghệ thứ 6 đang được hình thành và phát triển những pha đầu tiên tại các nước phát triển. Tóm tắt về lộ trình phát triển của 6 tầng công nghệ này được mô tả trong Bảng 1.
Dưới đây, chúng tôi xin mô tả ngắn gọn đặc trưng chính của mỗi tầng công nghệ để bạn đọc tiện theo dõi.
Tầng công nghệ thứ 1. Công nghệ dệt đóng vai trò cơ bản. Sự ra đời của máy dệt, máy cuốn sợi đã tạo ra cuộc cách mạng cơ giới hóa công nghiệp dệt thủ công. Động lực này đã thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo máy. Ngành luyện thép cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Tầng công nghệ thứ nhất hình thành và phát triển trước tại Anh, sau đó lan tỏa sang các nước châu Âu: Nga, Pháp, Đức. Và từ năm 1790 quá trình này đã sang đến Mỹ. Ở những nước trên, tầng công nghệ này tồn tại trong vòng 30-50 năm.
Tầng công thứ Khoảng từ năm 1820, tầng công nghệ thứ 2 bắt đầu được hình thành. 20 năm sau đó (1845-1850) tầng công nghệ này đã thống lĩnh nền sản xuất ở các nước phát triển. Đặc điểm nổi bật của tầng công nghệ này là quá trình cơ giới hóa sản xuất phát triển tới đỉnh điểm, đặc biệt là công nghệ sản xuất máy cái. Thời kỳ này, giao thương quốc tế bắt đầu phát triển mạnh và một trong những trở lực lớn nhất chính là giao thông. Chính vì vậy công nghiệp đường sắt và công nghệ chế tạo phương tiện vận tải trở thành một trong những tâm điểm của tầng công nghệ thứ 2. Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 1850-1860, nền sản xuất và phương tiện giao thông dựa trên máy hơi nước đã bắt đầu bộc lộ yếu kém – năng lực không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, nên đây cũng chính là giai đoạn manh nha ra đời một tầng công nghệ mới với trình độ cao hơn. nghệ 2.
Tầng công nghệ thứ 3. Đặc điểm cơ bản của tầng công nghệ thứ 3 là việc ứng dụng rộng rãi động cơ và thiết bị điện. Với sự xuất hiện của dòng điện xoay chiều và các nhà máy phát điện công suất lớn – trình độ phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề năng suất, thực sự được nâng lên một bước. Nguồn nhiên liệu để sản xuất điện năng chính trong giai đoạn này là than đá. Dầu mỏ cũng đã bắt đầu được chú ý, nhưng phải đợi đến tầng công nghệ thứ 4, người ta mới thấy hết giá trị của thứ vàng đen quí hiếm này. Ngành công nghiệp hóa học thời kỳ này cũng gặt hái được nhiều thành công với sự ra đời của nhiều công nghệ ứng dụng như: CN điều chế natri cacbonat bằng phương pháp amoniac, điều chế axit sulphuric bằng phương pháp tiếp xúc, CN điện hóa.
Tầng công nghệ thứ 4. Đến thời điểm những năm 1940, tầng công nghệ thứ 3 có dấu hiệu phát triển tới điểm giới hạn trên về năng lực. Sự phát triển của động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu dầu thực sự tạo được sự chuyển dịch công nghệ mới. Công nghiệp ô-tô phát triển mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến đường bộ xuyên lục địa, mạng lưới thông tin liên lạc rộng khắp, CN tìm kiếm và khai thác dầu cũng như CN luyện kim màu…tất cả đã tạo nên cốt lõi của tầng công nghệ thứ 4. Bốn ngành công nghiệp chính phát triển mạnh mẽ nhất thời kỳ này là: CN ô-tô, CN hóa học, CN quốc phòng. Năng lượng điện vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt nhưng nguồn nhiên liệu chính đã thay đổi – lúc này là dầu mỏ. Dầu mỏ cũng trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa dầu phát triển. Trên nền tảng tầng công nghệ thứ 4 bắt đầu hình thành thông tin liên lạc dựa bằng điện thoại và sóng radio.
Tầng công nghệ thứ 5. Đến những năm 1980, tại các nước phát triển, tầng công nghệ thứ 4 đã bắt đầu có dấu hiệu phát triển đến tới hạn. Tầng công nghệ mới bắt đầu phát triển lấy công nghệ thông tin và truyền thông làm cơ sở dựa vào sự phát triển vượt bậc của vi mạch điện tử và phần mềm ứng dụng. Hai ngành phát triển mạnh mẽ nhất của tầng công nghệ thứ 5 là tự động hóa và bưu chính viễn thông. Cần phải nhấn mạnh rằng hầu hết các hạt nhân của một tầng công nghệ mới đều xuất hiện dưới thời tầng công nghệ cũ, thậm chí có nhiều công nghệ hạt nhân đã xuất hiện từ rất lâu. Ví dụ, 80% hạt nhân của tầng công nghệ số 5 được hình thành từ trước năm 1984. Transistor ra đời năm 1947. Máy tính điện tử đầu tiên xuất hiện năm 1949, chất bán dẫn – 1950, hệ điều hành – năm 1954. Sự xuất hiện của bộ vi xử lý vào năm 1971 được xem là xung động chính hình thành tầng công nghệ thứ 5. Kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các công nghệ cốt lõi: kỹ thuật số, công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin, công nghệ gene. Đặc biệt với sự xuất hiện của mạng toàn cầu đã thúc đẩy một loạt các ngành công nghệ khác phát triển: CN hệ thống thông tin toàn cầu, CN vận chuyển đa phương tiện, CN tự động hóa sản xuất, CN sản xuất sạch.
Tầng công nghệ thứ 6. Vào đầu những năm 1990, bắt đầu xuất hiện một số khuynh hướng hình thành tầng công nghệ tiếp theo. Công nghệ cốt lõi của tầng thứ 6 bao gồm: CN sinh học, CN trí tuệ nhân tạo, CN mạng thông tin toàn cầu, phương thức vận tải tích hợp đa chức năng, công nghệ nano, CN sản xuất tự động linh hoạt, CN vũ trụ, điện nguyên tử, CN nhiên liệu mới.
4. Tầng công nghệ và cơ hội phát triển
Nếu có điều kiện phân tích sâu hơn về tính chất, đặc điểm của tầng công nghệ, chúng ta sẽ có thêm nhiều kết luận thú vị. Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy chu kỳ phát triển của các tầng công nghệ đang ngày một rút ngắn, từ 45-50 năm thời kỳ đầu xuống chỉ còn 25-30 năm ở thời hiện tại. Tiếp đến, điều thú vị nhất nằm chính ở giai đoạn giao thời giữa hai tầng công nghệ. Vấn đề này chúng tôi đã có dịp bàn đến trong một số bài viết gần đây7. Ở đây, chỉ xin lưu ý thêm một điểm quan trọng, đó là vào lúc giao thời giữa hai tầng công nghệ thường xảy ra một số hiện tượng đặc trưng. Trước hết, tổng giá trị sản lượng sản xuất theo công nghệ cũ sẽ đột ngột giảm, kéo theo sự thuyên giảm lợi nhuận. Một lượng vốn tự do lớn được giải phóng mà chưa biết đầu tư vào đâu (vì đầu tư vào sản xuất ở tầng công nghệ cũ không còn hiệu quả nữa). Lúc này, tốc độ phát triển nhìn chung sẽ chững lại và xuất hiện nhu cầu khách quan đòi hỏi phải tái cấu trúc lại nền kinh tế sao cho phù hợp với tầng công nghệ mới. Nền kinh tế thừa vốn tự do, sản xuất – về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của tầng công nghệ cũ – không còn hiệu quả, tầng công nghệ mới đang hình thành, kinh tế tăng trưởng chậm, lợi nhuận thấp, thị trường đầu tư hỗn loạn, đầu cơ tài chính gia tăng… Có thể thấy đây chính là tiền đề của một cuộc khủng hoảng. Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới ta thấy, quá trình chuyển giao giữa các tầng công nghệ đều được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Gần đây nhất là vào những năm 30 và 70 của thế kỷ 20 và những cuộc khủng hoảng này đều bắt đầu với sự đột biến của giá nhiên liệu, như là tín hiệu thông báo về sự bất ổn trong cấu trúc của nền kinh tế.
Tình hình gần đây cho thấy, ngày hôm nay, rõ ràng nền kinh tế thế giới đang đứng trước bậc thềm của một chu kỳ chuyển giao tầng công nghệ mới – từ thứ 5 sang thứ 6. Tốc độ phát triển kinh tế ở các nước tiên tiến đang chững lại, giá dầu mỏ biến động thất thường, lợi nhuận trong sản xuất cũng như trong đầu tư liên tục giảm, trong khi nguồn vốn tự do ngày càng tăng, vì đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thống không còn hiệu quả… Có vẻ như không cần phải đợi đến năm 2020, tầng công nghệ thứ 6 đã bắt đầu đi vào hoạt động ngay bây giờ. Và nếu quả thật như vậy thì đây là thời cơ vàng cho những quyết định đầu tư đúng đắn. Lúc này, nước nào đầu tư đúng, tiến tới làm chủ được tầng công nghệ mới, nước đó sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh toàn cầu. Lịch sử cũng đã chứng minh, vào những lúc giao thời như thế, thường xảy ra sự thay đổi vị trí trong nền kinh tế thế giới. Các nước dẫn đầu về tổng thu nhập GDP sẽ gặp phải những khó khăn lớn gắn liền với sự mất giá tài sản cũng như khả năng khó phát triển sản xuất trên cơ sở tầng công nghệ cũ. Và ngược lại, các nước kém phát triển hơn, nhưng không phải chịu gánh nặng của tầng công cũ, biết nắm bắt thời cơ, đầu tư đúng vào trọng tâm phát triển của tầng công nghệ, sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế thế giới. Điều này cũng giải thích cho “điều kỳ diệu” của kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh và sự hình thành các con Rồng công nghiệp trẻ châu Á vào những năm cuối của thế kỷ 20. Họ đã đầu tư đúng hướng vào trọng tâm của tầng công nghệ thứ 5 là CN thông tin. Còn chúng ta? Chúng ta sẽ lựa chọn và đầu tư mũi nhọn vào công nghệ nào của tầng công nghệ thứ 6 – tầng công nghệ của tương lai, hay vẫn chia đều và chờ đợi như mọi khi? nghệ mới
***
Rõ ràng, câu hỏi đặt ra lúc này là phải làm sao để xác định được chính xác trong số các công nghệ cốt lõi của tầng công nghệ 6 (công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng thông tin toàn cầu, công nghệ giao thông vận tải siêu tốc toàn cầu, công nghệ siêu nhỏ; công nghệ sản xuất tự động linh hoạt, công nghệ vũ trụ, điện nguyên tử, nhiên liệu mới…), công nghệ nào phù hợp với năng lực và trình độ phát triển của nước ta, công nghệ nào xứng đáng để đầu tư?
Hơn ai hết Bộ Khoa học và Công nghệ nên chủ động tổ chức, tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này càng sớm càng tốt đừng để cơ hội vàng đi qua?
———
[1] Kondratieff N. (1935). The Long Waves in Economic Life. // Review of Economic Statistics, 1935, 17, pp 105-115.
2 Schumpeter J.A (1939). Business Cycles. – N.Y., 1939.; Глазьев С.Ю (1993). “Теория долгосрочного технико-экономического развития”. М.:ВлаДар, 1993 г.
3 Xem thêm: Nguyễn Văn Minh (2008). Kinh tế học tiến hóa: chìa khóa để dự báo sự phát triển kinh tế – kỹ thuật. TẠP CHÍ Phát triển kinh tế, SỐ 205, THÁNG 11.2007. TR. 20-21.
4 Nguyễn Văn Minh (2008). Chu kỳ sống của công nghệ. TẠP CHÍ PTKT, SỐ 209, THÁNG 03.2008.
5 Глазьев С.Ю. (2004).Обучение рынку/Под ред. С.Ю. Глазьева. М.: Экономика, 2004 – c. 50.
6 Глазьев С.Ю (1993). “Теория долгосрочного технико-экономического развития”. М.:ВлаДар, 1993 г.
7 Nguyễn Văn Minh (2007). Tầng công nghệ và chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam. Tia Sáng số 1 ngày 05.01.2007, tr. 40-42.
Tài liệu tham khảo
Mensh G., Cohtino C., Kaasch K. (1981). Changing capital values and the propensity to innavative. // Futures, 1981, vol.13, №4 67.