Tăng tuổi hưu phải gắn với thị trường lao động
Tăng tuổi hưu không chỉ để cân đối quỹ hưu trí mà còn liên quan đến điều tiết thị trường lao động. Mặc dù vậy, tới nay các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cho những vấn đề then chốt liên quan đến thị trường lao động.
Cần có sự điều chỉnh cơ cấu lao động giữa lao động lớn tuổi và trẻ. Nguồn: laodong.vn
Với việc già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, Việt Nam không chỉ đứng trước áp lực chuẩn bị đầy đủ cho nhu cầu của xã hội “già” mà còn phải tìm cách tiếp tục phát triển kinh tế sau khi không còn lợi thế “cơ cấu dân số vàng”. Theo dự kiến, tỷ lệ lao động lớn tuổi/tổng lực lượng lao động tăng tới gần 10% vào năm 2050 và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm mỗi năm. Trong trường hợp này, việc tăng tuổi hưu là tất yếu để có thể đảm bảo năng suất lao động, giải quyết tình trạng xói mòn lực lượng lao động và duy trì đà phát triển kinh tế – bởi nếu lực lượng lao động của Việt Nam tăng thêm 1% sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,5% (theo nghiên cứu của UNFPA – Quỹ dân số Liên Hợp Quốc).
Rõ ràng, việc tăng tuổi hưu là cần thiết nhưng việc tăng bao nhiêu và tăng như thế nào vẫn đang là một vấn đề gây tranh luận. Theo PGS.TS Giang Thanh Long (Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): “Hiện nay việc điều chỉnh lương hưu vẫn được làm “rất cơ học”, cứ bảo nâng là nâng, chỉ ước lượng mà chưa trả lời các câu hỏi quan trọng liên quan đến thị trường lao động.”
Các phương án tăng tuổi hưu vẫn chỉ… áng chừng
Trong khi những lợi ích về mặt kinh tế của tăng tuổi hưu đã được thống kê như cứ tăng 1% dân số trên 60 tuổi có việc làm sẽ giúp GDP tăng tương ứng 0,32%1, những tác động về xã hội của lao động cao tuổi lại chưa thực sự được quan tâm. Khi tiếp tục làm việc, người cao tuổi không chỉ có thêm thu nhập mà còn giảm bớt được nhiều bệnh tật – cả về thể chất và tâm thần nhờ thường xuyên vận động, giúp xã hội giảm gánh nặng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó, dù thu nhập ít nhưng tạo cảm giác cho người cao tuổi là họ sống độc lập, khiến họ tự tin trước cộng đồng, gia đình, năng động và cống hiến nhiều hơn. “Đây là những lợi ích quan trọng mà không phải ai cũng nhìn thấy, và vẫn chưa được lượng hóa” – PGS. Long chia sẻ.
Tăng tuổi hưu có nhiều lợi ích, tuy nhiên việc điều chỉnh này không phải không tốn chi phí. Tăng tuổi hưu đồng nghĩa là chúng ta sử dụng những người đang ở bên kia sườn núi của sức khỏe – nhiều người không đủ sức khỏe để tiếp tục các công việc đang làm với cường độ làm việc như lúc còn trẻ, điều đó đòi hỏi xã hội phải điều chỉnh môi trường làm việc “thân thiện hơn” với lao động lớn tuổi và tổ chức đào tạo lại với những người chuyển sang các công việc khác phù hợp với tình trạng sức khỏe tuổi già. Những chi phí này cũng cần được phân tích, tính toán cụ thể, bởi nếu chi phí này vượt quá lợi ích nhận lại, xã hội không còn được hưởng lợi từ việc sử dụng người cao tuổi.
Trong khi lợi ích và chi phí của tăng tuổi hưu vẫn chưa được thống kê đầy đủ, thì việc nâng tuổi hưu đến mức nào đang là vấn đề gây tranh cãi. Hiện nay về mức tăng tuổi hưu có nhiều phương án khác nhau, tuy nhiên các con số đưa ra như 58-62, 65-65, 62-65,… đều chỉ là mức áng chừng dựa trên tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam, nhưng chưa có nghiên cứu đến độ tuổi 62 hay 65 thì đa số người dân còn đủ sức để lao động hay không? Sai lầm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới là sử dụng tuổi thọ trung bình để tính tuổi nghỉ hưu. Chính phủ Anh đã bị chỉ trích khi quyết định nâng tuổi hưu lên mức 68 tuổi, mà không tính đến là đến năm 68 tuổi, 60% người dân Anh mất khả năng lao động. Việt Nam rất có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” này khi chúng ta mới chỉ quan tâm đến tuổi thọ trung bình, ngay cả chỉ số “tuổi thọ khỏe mạnh” – do WHO xây dựng, đo lường quãng thời gian con người sống khỏe mạnh, không bệnh tật – cũng còn khá xa lạ ở Việt Nam. Theo dữ liệu của WHO, đến năm 2015, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là khoảng 76 tuổi nhưng “tuổi thọ khỏe mạnh” chỉ là 66,7 tuổi2. Với tuổi nghỉ hưu hiện nay thì người cao tuổi có trung bình 7 đến 12 năm để tận hưởng tuổi già trước khi sức khỏe bị suy giảm, đây là con số vừa phải hiện nay (so với Nhật có 9 năm, Pháp 11 năm, riêng Mỹ 5 năm). Nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu mà không tính đến những thông số này, thì sẽ là bất công đối với người cao tuổi bởi thời gian lao động quá dài mà thời gian hưởng thụ quá ngắn. Nhìn chung, để xác định được tuổi hưu phù hợp nhất, “sẽ cần những nghiên cứu liên ngành giữa y tế, kinh tế, nhân khẩu học,… Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu như vậy.” – PGS. Long nhận xét.
Tìm điểm cân bằng của thị trường lao động
Đặc thù của lao động lớn tuổi là năng suất lao động giảm, nếu vẫn giữ nguyên mức lương như thời kỳ họ còn sung mãn thì xã hội sẽ chịu thiệt. PGS Giang Thanh Long nhận xét: “Năng suất lao động mà không bằng tiền lương thì xã hội bị thiệt, doanh nghiệp bị thiệt. Như vậy thì doanh nghiệp không bao giờ chấp nhận giữ người cao tuổi lại làm việc.” Giải pháp ở đây là đảm bảo sự cân bằng giữa tiền lương và năng suất lao động, thông qua chuyển sang tính lương dựa trên năng suất lao động, trả lương theo hiệu quả công việc thay vì tính trên thâm niên công tác (khu vực công) như hiện nay. Sự chuyển đổi này không chỉ đảm bảo không thất thoát nguồn lực xã hội mà còn tạo ra sự công bằng giữa mọi người.
Việc điều chỉnh lương theo năng suất lao động chỉ có thể có hiệu quả nếu như có sự chuyển đổi song hành của hệ thống lương hưu. Bởi kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy nếu lương hưu được tính căn cứ vào mức tiền lương trước khi nghỉ, người lao động sẽ có xu hướng nghỉ sớm vào thời điểm năng suất lao động đang cao – để được tính lương hưu cao hơn3. Trùng hợp là Việt Nam đang thay đổi cách tính lương hưu phù hợp với xu thế tính lương hưu trên tổng quá trình đóng bảo hiểm xã hội – thay vì chỉ dựa vào những năm cuối cho những người tham gia thị trường lao động từ năm 2025 trở đi. Đây sẽ là một khởi đầu tốt để chuyển đổi sang cơ chế tính lương theo hiệu quả công việc, tuy nhiên vẫn cần thực hiện thêm các nghiên cứu về năng suất lao động của các nhóm tuổi lao động khác nhau, trong đó có lao động lớn tuổi.
Cùng với việc tăng tuổi hưu, Chính phủ cũng phải có những kế hoạch cụ thể để tăng quy mô nền kinh tế, nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn. Bởi nếu không có sự tăng trưởng, với số lượng việc làm hạn hữu, thêm một lao động cao tuổi nghĩa là giảm đi một vị trí việc làm cho lao động trẻ, điều này không chỉ tạo ra mâu thuẫn giữa hai nhóm lao động mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế. PGS Long khẳng định việc có hay không mâu thuẫn giữa công việc cho người cao tuổi và lao động trẻ phụ thuộc vào khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Trong trường hợp tăng trưởng tốt, sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, không chỉ giúp giảm thất nghiệp như hiện nay mà doanh nghiệp còn muốn lôi kéo những người cao tuổi tiếp tục đóng góp vì lúc này họ đang thiếu người. Ngược lại, nếu nền kinh tế trì trệ, không đủ sức tạo việc làm, thì dù không tăng tuổi hưu, tình trạng thất nghiệp của thanh niên vẫn diễn ra.
Hiệu quả truyền thông còn yếu
PGS. Giang Thanh Long nhận xét: “Tôi nghĩ về mặt quan điểm thì những đề xuất tăng tuổi hưu đến giờ là đúng thời điểm – Việt Nam không thể trì hoãn thêm nữa. Thứ hai là mình đề xuất lộ trình rất phù hợp – khi bước vào cao điểm của già hóa thì mình đã chuyển đổi xong tuổi hưu.” Có thể thấy rằng, Chính phủ Việt Nam nhận thức được tình trạng già hóa dân số và những ảnh hưởng của nó đối với phát triển, đồng thời đã lên kế hoạch để đối phó, trong đó có tăng tuổi hưu.
Vậy vì sao một chính sách tốt, cần thiết như tăng tuổi hưu lại ít được cộng đồng hoan nghênh? Dự thảo kể từ khi được ban hành đến nay đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trên 5000 lao động, 90% phản đối tăng tuổi hưu vì muốn được nghỉ đúng tuổi hoặc sớm hơn và cho rằng mình không đủ sức khỏe. Nhiều người cho rằng tăng tuổi hưu có nghĩa là họ bị bắt buộc phải làm thêm đến 62, 65 tuổi, dù sức khỏe không cho phép. Tuy nhiên điều này là không đúng, luật hiện nay phân chia khá rõ ràng các nhóm đối tượng, ứng với các quy định nghỉ hưu khác nhau. Những người làm trong môi trường độc hại, có ảnh hưởng đến sức khỏe thì luật quy định cụ thể rằng không cần chờ đến 62 tuổi mới nghỉ hưu, thậm chí 58 tuổi cũng có thể nghỉ. Vấn đề là công tác truyền thông quá yếu, khiến người dân hiểu lầm về chính sách tăng tuổi hưu. Ví dụ, “Sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông rất quan trọng, chẳng hạn như nâng tuổi hưu mục đích không phải chỉ để cân đối quỹ mà còn liên quan đến điều tiết thị trường lao động. Không phải ai cũng hiểu hết hệ thống hưu trí Việt Nam, về mặt tài chính, thiết kế, xu hướng nhân khẩu học nên nếu phát ngôn không đúng sẽ làm lệch lạc hoàn toàn nhận thức của xã hội” PGS. Long nhận xét.
Chính sách chỉ có thể “sống” nếu có sự phối hợp từ cả hai phía – người dân và Chính phủ. Vì thế, Chính phủ cần có chiến lược truyền thông cụ thể, hiệu quả, để người dân hiểu đúng về tăng tuổi hưu và những lợi ích mà họ nhận được, thì người dân mới có thể đón nhận và tích cực thực hiện. Quan trọng hơn, từ bây giờ, chúng ta đã phải nghĩ đến và thiết kế một xã hội với lao động lớn tuổi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, và chuẩn bị sẵn sàng cho một xã hội như vậy.
——-
Chú thích:
1UNFPA(2011), Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách
2www.who.int/gho/mortality_burden_disease/life_tables/hale/en/
3OECD Economic Outlook;Dec2002, Vol. 2002