Tạo chủng muỗi mang gene chống ký sinh trùng sốt rét

Các nhà khoa học tại ĐH California ở Irvine vừa tạo ra một chủng muỗi mang các gene có thể ngăn chặn việc lây truyền bệnh sốt rét. Không những thế, chủng muỗi này còn có thể truyền lại gene đó cho các thế hệ sau trong môi trường tự nhiên – điều mà các nghiên cứu trước đây chưa làm được.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene trên Anopheles stephensi, chủng muỗi lây truyền bệnh sốt rét ở các khu vực thành thị Ấn Độ. Theo đó, họ đưa DNA vào tế bào gốc của chủng muỗi này, biến chúng trở thành loài muỗi mang các gene có thể ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt rét bằng cách tạo ra các loại kháng sinh chống sốt rét. Tỉ lệ truyền lại các gene này cho thế hệ sau lên tới 99,5% qua 10 thế hệ.
Như vậy, các nhà khoa học đã đạt được mục tiêu là tạo ra được chủng muỗi biến đổi gene có thể giao phối với muỗi trong tự nhiên, qua đó truyền lại các gene chống sốt rét vào đàn muỗi, làm giảm khả năng lây truyền ký sinh trùng sốt rét sang người.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Anthony James, sử dụng muỗi biến đổi gene không phải là chiến lược duy nhất để loại bỏ bệnh sốt rét, nhưng nếu kết hợp với việc điều trị và các loại thuốc phòng ngừa, các loại vaccine trong tương lai, màn chống muỗi, diệt muỗi… thì cuộc chiến chống sốt rét sẽ trở nên toàn diện và hiệu quả hơn nhiều.

Trang Bùi dịch

Nguồn:
http://www.nature.com/news/gene-drive-mosquitoes-engineered-to-fight-malaria-1.18858

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)