Tạo cơ chế gắn giáo dục đại học với nghiên cứu khoa học

Năm nay chắc không ít các nhà khoa học Việt Nam đã không khỏi bàng hoàng khi đọc về 10 sự kiện khoa học (KH) nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2007 theo bình chọn của giới báo chí (1) Theo danh sách này thì ngoài việc triển khai nghiên cứu tế bào gốc, các sự kiện nối bật nhất khác của KH nước ta trong năm vừa qua thực tế lại liên quan rất ít tới KH.

Thí dụ như 3 sự kiện quan trọng nhất là việc luật hiến ghép mô tạng bắt đầu có hiệu lực, việc phát hiện thực phẩm và mỹ phẩm có chứa chất nhuộm Sudan và dự án thành phố Sông Hồng được công bố rộng rãi; tiếp đó là vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sự bùng nổ blog Việt… Nếu như 10 sự kiện quan trọng nhất của KH thế giới thực sự là những thành tựu nghiên cứu quan trọng có tính đột phá của KH quốc tế (2), thì 10 sự kiện được bình chọn là nối bật nhất của KH Việt Nam (mong rằng chưa hẳn đã chính xác) đang một lần nữa rung hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng buồn của phát triển KH nước nhà. Đây là việc cũng đã được bàn đến rất nhiều trong diễn đàn gần đây của tạp chí Tia Sáng về thực trạng và giải pháp cho nghiên cứu KH ở Việt Nam. Điều đáng lo là những hồi chuông cảnh báo tương tự đã được nhiều nhà KH có tâm huyết rung mạnh từ nhiều năm nay, hiện trạng nghiên cứu KH không hiệu quả vẫn tiếp diễn năm này sang năm khác trong một cơ chế quản lý đầy bất cập, mặc dù đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu KH vẫn tăng đều cùng với sự tăng trưởng GDP của đất nước. Khác với ngành giáo dục và đào tạo với những bất cập thường xuyên được đưa công khai chỉ trích trên báo chí và truyền thanh, xã hội ta còn tương đối “khoan dung” với cộng đồng KH nước nhà (và thật sự là khá thờ ơ như bà Phạm Chi Lan đã nhận xét chính xác trong bài phỏng vấn gần đây của bà với tạp chí Tia Sáng) nên đã “chấp nhận” hiện trạng yếu kém của nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ (KHCN) trong một giai đoạn dài như vậy.
Nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân của hiện trạng ỳ trệ của KH nước nhà cũng như nhiều giải pháp cấp bách đã được các nhà KH đề nghị trên diễn đàn của Tia Sáng trong những tháng cuối năm 2007. Vì vậy tôi chỉ muốn chia sẻ thêm với các đồng nghiệp suy nghĩ của mình về sự gắn kết hữu cơ giữa giáo dục đại học và nghiên cứu triển khai KHCN. Tuy là hai lĩnh vực hoạt động xã hội do hai Bộ khác nhau quản lý, nhưng sự thành công trong các hoạt động nghiên cứu KH lại phụ thuộc rất nhiều vào sự thành công trong việc nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) của đất nước. Nền GDĐH nước ta hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đặc biệt là chất lượng nghiên cứu KH trong các cơ sở GDĐH. Với một đội ngũ giáo viên đã nhiều năm chỉ cặm cụi dạy “chay”, nay yêu cầu phải có nghiên cứu KH đẳng cấp cao (với công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế) để hướng nghề được những tài năng trẻ của nước nhà vào công cuộc phát triển KHCN là một việc thực sự là quá khó nếu không là bất khả thi trên một hạ tầng cơ sở KH vô cùng nghèo nàn (phòng thí nghiệm, thư viện KH, cơ sở tính toán…) của đa số những trường ĐH trong nước. Rõ ràng đây là một vấn đề không dễ giải quyết được, ngay cả khi nhà nước sẵn sang chi ngay nhiều trăm tỷ đồng để rót vào các cơ sở GDĐH yếu kém.
Khác với phát triển trong sản xuất kinh doanh khi mà một doanh nghiệp có thể khởi sắc nhanh chóng nếu như có nguồn vốn dồi dào và kinh doanh hợp lý, việc nâng cấp GDĐH là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều vì đó là việc xây dựng và phát triển tri thức và trí tuệ (hay như ta thường nói là nguyên khí quốc gia) và chỉ có thể thành công với sự tham gia tích cực nhất của cộng đồng KH nước nhà cùng sự giúp đỡ, hợp tác đến từ các quốc gia phát triển. Trong khung cảnh hiện tại, các cơ sở nghiên cứu KHCN trong nước (như các Viện và trung tâm thuộc Bộ KHCN hay Viện KHCN Việt Nam) và các trường ĐH vẫn đang vận hành trong hai cơ chế khá riêng biệt, thiếu sự hợp tác đồng bộ và tích cực của hai phía trong các dự án nghiên cứu KHCN lớn của đất nước. Nếu như ở Viện nghiên cứu vẫn có thể gặp những nhà KH thế hệ 5X cặm cụi làm nghiên cứu một mình hoặc với một vài đồng nghiệp cùng tuổi, thiếu các học trò trẻ, thì ở các trường ĐH các em sinh viên giỏi thường chỉ tham gia nghiên cứu “đơn giản” với các thày ở trường và sau khi tốt nghiệp những tài năng trẻ đó cũng mau chóng bị “hấp thụ” bởi nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước. Các hội thảo, seminar KH tổ chức tại các Viện nghiên cứu KH thường rất ít có sự tham gia của các GS, sinh viên từ các trường ĐH và ngược lại. Với một cách làm việc manh mún như vậy, lại thiếu một hạ tầng cơ sở cần thiết về nhân lực, điều kiện và thiết bị nghiên cứu, hiện trạng yếu kém trong nghiên cứu KH cũng như đẳng cấp thấp kém của GDĐH Việt Nam là những hậu quả tất yếu.
Cùng với sự hợp tác hài hòa như vậy, việc quản lý vĩ mô từ phia nhà nước cũng thường tập trung thống nhất trong một bộ máy, thí dụ như trong những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ Nghiên Cứu và Công Nghệ của CHLB Đức (viết tắt là BMFT) đã được cơ cấu lại sau khi thống nhất nước Đức thành Bộ Giáo Dục và Nghiên Cứu (viết tắt là BMBF) để đảm bảo quá trình phát triển tối ưu và duy trì GDĐH và KHCN của Đức trong tầm cao nhất của thế giới. Nhìn sang Nhật Bản thì ta thấy nước bạn đã hợp nhất quản lý giáo dục, khoa học, văn hóa và thể thao trong một Bộ duy nhất từ nhiều năm nay. Phải chăng đã đến lúc Việt Nam nên hội nhập và xây dựng một bộ máy quản lý GDĐH và KHCN tối ưu hơn cho quốc gia (Bộ Đại Học và Khoa Học Công Nghệ ?). GDĐH và KHCN có vai trò tương hỗ vô cùng quan trọng như hai cánh tay của một cơ thể trong sự nghiệp phát triển khoa học và tri thức quốc gia. Tiếp tục để hai cánh tay đó bị điều khiển bởi hai “bộ não” khác nhau thì sự nghiệp xây dựng nguyên khí quốc gia khó tránh khỏi những bất cập và yếu kém mà sẽ rất khó khắc phục trong điều kiện phát triển hiện nay của đất nước.    

1. Theo Vnn ( http://www2.vietnamnet.vn/khoahoc/2008/01/762066/)
2. Theo Tia Sáng số 1/2008 ( http://www.tiasang.com.vn/news?id=2322)

Đến nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế nào để đảm bảo cho sinh viên các trường ĐH được tiếp xúc và tham gia nghiên cứu KH tại các cơ sở KHCN quốc gia cũng như để các nhà KH đầu ngành ở các cơ sở KHCN tham gia trực tiếp vào công việc đào tạo và nghiên cứu tại các trường ĐH. Trong khi đó, trên thế giới, ngay các cơ sở GDĐH ở các nước phát triển thường gắn với những phòng thí nghiệm tầm cỡ lớn, nơi mà các sinh viên phải bắt buộc tham gia các hoạt động nghiên cứu KH từ năm thứ 3 và dần tiếp tục làm luận văn tốt nghiệp, luận án Thạc Sỹ, Tiến Sỹ tại đó (sự gắn kết giữa Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge và Trường ĐHTH Tennessee, hay việc tồn tại trung tâm gia tốc hạt nhân quốc gia NSCL ngay trong khuôn viên của Trường ĐHTH quốc gia Michigan là những thí dụ điển hình trong lĩnh vực khoa học hạt nhân của Hoa Kỳ). Các nhà KH đầu ngành ở các phòng thí nghiệm quốc gia, viện nghiên cứu lớn cũng thường là các GS kiêm chủ nhiệm bộ môn, tham gia tích cực vào giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH và ngược lại các GS có trình độ cao từ các trường ĐH cũng luôn là những đối tác quan trọng  của các cơ sở nghiên cứu (một việc hiển nhiên nhưng vẫn chưa làm được ở Việt Nam).
————-

Đào Tiến Khoa

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)