Tạo giống lúa cho tương lai

Bộ KH&CN vừa ký biên bản ghi nhớ với Hội đồng nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học của Anh (BBSRC ) về hợp tác giải mã gene của 30 giống lúa, trong đó, BBSRC sẽ đầu tư 250.000 bảng Anh, phía Việt Nam là 100.000 bảng Anh. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp – một trong những viện nghiên cứu của Việt Nam được lựa chọn để triển khai dự án này.

Xin ông cho biết mục tiêu của dự án hợp tác này là gì?

Lúa là cây lương thực số một ở Việt Nam. Lúa đóng góp tới trên 90% sản lượng lương thực của cả nước. Vì vậy chúng ta phải hiểu biết rất tường tận về bộ máy di truyền của cây lúa, trước hết là về các gene chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường. Các hiểu biết này cho phép chúng ta khai thác có hiệu quả tài nguyên di truyền cây lúa cho các mục đích nghiên cứu và chọn tạo giống. Mục tiêu ngắn hạn của hợp tác này là trên cơ sở các thông tin về genome (hệ gene) xây dựng nên các dấu chuẩn phân tử dựa trên đa hình đơn nucleotid sử dụng cho chọn tạo các giống lúa kháng rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, bạc lá, chịu ngập, chịu mặn… Mục tiêu dài hạn của dự án là tiếp thu công nghệ, đào tạo cán bộ cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của các giống lúa bản địa để phục vụ cho nghiên cứu và chọn giống của cả nước.  

Đối với Viện Di truyền nông nghiệp, dự án hợp tác với Anh này có ý nghĩa như thế nào?

Hiện nay chúng ta chưa có năng lực tự phát triển các công cụ genome cho chọn tạo giống cây trồng. Dự án này là dự án đầu tiên ở Việt Nam cho phép chúng ta tiếp cận từng bước với các công cụ genome học và tin sinh học, sử dụng cho chọn tạo giống cây trồng. Thông qua hợp tác với bạn, chúng ta tiếp cận với công nghệ, đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực này và sẽ từng bước phát triển lĩnh vực genome học trong nước, không chỉ với cây lúa mà với các cây trồng quan trọng của Việt Nam. Biến genome học thành công cụ hiệu quả cho nghiên cứu và chọn tạo các giống cây trồng mới có các đặc tính cần thiết giúp chúng ta ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đảm bảo an ninh lương thực bền vững cho đất nước. Dự án là một bước phát triển rất quan trọng của Viện trên con đường làm chủ các công cụ hiện đại phục vụ cho mục đích nghiên cứu và ứng dụng của mình.
 
Theo ông với trình độ KH&CN và ngân sách dành cho nghiên cứu của Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu các giống lúa mới thích ứng với những thay đổi của môi trường, khí hậu cần được tổ chức như thế nào?

Đây là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay hằng năm chúng ta chọn tạo ra nhiều giống lúa mới, giống sau tốt hơn giống trước, nhưng chúng ta vẫn thiếu các giống lúa đỉnh cao. Đó là các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu với các tác nhân gây hại chính như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu ngập, chịu mặn. Do vậy, trong điều kiện cho phép của các công cụ công nghệ sinh học mới như hiện nay, cần điều chỉnh lại chiến lược chọn tạo giống. Trước hết mỗi vùng cần xác định một số giống lúa có các đặc điểm năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng tốt với vùng sản xuất, được nông dân và người tiêu dùng chấp nhận. Trên cơ sở các nền di truyền này, liên tục cải tạo làm cho các giống này chống chịu hơn với các tác nhân bất lợi như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, mặn, lạnh…đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng và năng suất. Công nghệ mới hiện nay cho phép trong khoảng 2 năm có thể chuyển 1 gene mới vào cây lúa đồng thời giữ nguyên các đặc tính tốt khác của giống. Như vậy trong một thời gian chúng ta sẽ có siêu lúa có năng suất cao, chất lượng tốt lại chống chịu với phần lớn các điều kiện bất lợi của môi trường. Các giống lúa này khi đưa vào sản xuất dễ được nông dân và người tiêu dùng chấp nhận hơn do đã quen với giống. Đây là cách đi của nhiều nước.
 
Ông có thể cho biết các quốc gia lân cận đang nỗ lực nghiên cứu các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào không?

Chúng ta tiếp cận với chọn tạo giống ứng phó với biến đổi khí hậu muộn hơn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… Tại các nước này, giống lúa chịu mặn để ứng phó với nước biển dâng, giống lúa chịu ngập để trồng trong vùng hay xảy ra lũ lụt đã được tạo ra và đưa vào sản xuất từ những năm trước. Thậm chí Indonesia đã tạo giống lúa siêu ngắn ngày (80-85 ngày) để có thể sản xuất 4 vụ/năm nhằm ứng phó với việc mất đất trồng lúa do phát triển đô thị và nước biển dâng. Thái Lan đã có những giống siêu lúa, chịu được phần lớn các tác nhân bất lợi của môi trường. Việt Nam mới bắt đầu từ năm 2010.

Biến đổi khí hậu làm tăng hiện tượng cực đoan của thời tiết, như quá nóng, quá lạnh, lũ, hạn, nước biển dâng gây nhiễm mặn, các bệnh mới xuất hiện, như virus, rầy….biến đổi khí hậu cũng tăng mức độ thiệt hại do các bệnh cũ gây ra. Vì vậy, cần chọn tạo giống cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu thành chiến lược lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngọc Tú thực hiện 

Tác giả