Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt nỗ lực quốc tế hóa

Những năm gần đây, quốc tế hóa các tạp chí trong nước hầu như chỉ là “cuộc đua” của những tạp chí thuộc các cơ sở nghiên cứu mạnh, nhiều tiềm lực tài chính. Từ rất sớm, tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt đã nỗ lực quốc tế hóa bằng việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế mặc dù tiềm lực tài chính hạn chế.


Đại học Đà Lạt.

Từ hội nhập khu vực tới quốc tế: Một chiến lược rõ ràng

Theo nhiều nhà khoa học, thì việc theo đuổi mục tiêu quốc tế hóa các tạp chí trong nước không phải là khó, mà là… rất khó, bởi nhìn vào tất cả các yếu tố để đạt chuẩn quốc tế, sẽ thấy dường như đều… chỉ dành cho những đơn vị mạnh và có uy tín quốc tế từ lâu (mà thậm chí nhiều cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học lớn ở Việt Nam chưa chắc đã thực hiện được). Ý thức rõ ràng về điều đó, Tạp chí Khoa học Đại học (KH ĐH) Đà Lạt đã đặt ra chiến lược rõ ràng, bền bỉ, kiên trì trong việc theo đuổi, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế cũng như xây dựng uy tín “từng bước một”. PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt, Tổng biên tập Tạp chí KH ĐH Đà Lạt cho biết: “Sau khi được chỉ mục vào ASEAN Citation Index (ACI)1, trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu được chấp thuận vào Thư mục các tạp chí truy cập mở (Directory of Open Access Journals – DOAJ)2”. Hiện nay Tạp chí KH ĐH Đà Lạt đã đạt được phần lớn các tiêu chí của DOAJ đưa ra, chỉ còn một số tiêu chuẩn rất đặc thù tạp chí đang nỗ lực đạt tới, gồm: chính sách và quy trình phát hiện và xử lý đạo văn; phải có mã số định danh cho các công trình công bố; là thành viên của Ủy ban đạo đức xuất bản quốc tế (COPE). Cụ thể, để đưa ra quy trình xử lý đạo văn, Tạp chí KH ĐH Đà Lạt đã vạch rõ các tiêu chí cụ thể về nguyên tắc minh bạch trong xuất bản, nguyên tắc đạo đức dành cho các thành viên ban biên tập tạp chí để được chấp nhận là thành viên của COPE, đồng thời mua phần mềm phát hiện đạo văn iThenticate để sàng lọc mức độ trùng lặp của các bản thảo (chỉ những bản thảo có tỉ lệ trùng lặp nội dung thấp hơn 30% mới được xem xét đưa vào quy trình bình duyệt của tạp chí).

Và việc lọt vào ACI hay tới đây là DOAJ chưa phải là mục tiêu cuối cùng của Tạp chí KH ĐH Đà Lạt, mà chỉ là những bước đi đầu tiên cho một chiến lược nâng cấp tạp chí đạt chuẩn của SCOPUS dựa trên một lộ trình bốn bước, theo chu trình PDCA: Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động để cải tiến liên tục. (Xem hình 1).

Hình 1: Lộ trình quốc tế hóa của Tạp chí KH ĐH Đà Lạt. Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn.

Những nỗ lực trên không chỉ đáp ứng việc gây dựng, bồi đắp uy tín, “chỗ đứng” cho tạp chí mà còn là một phần trong chiến lược khẳng định vị thế của nhà trường. “Đại học là phải truyền bá tri thức thông qua các ấn phẩm xuất bản, các hội thảo, mà việc xuất bản đó phải được công nhận đạt chuẩn quốc tế chứ không thể ‘con hát mẹ khen hay’, chỉ đăng các bài của ‘người nhà’ được. Tới đây, việc nâng cấp tạp chí tiếp cận chuẩn Scopus không chỉ phù hợp với xu thế hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam, mà còn góp phần đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong giai đoạn phát triển, quốc tế hóa trường Đại học Đà Lạt, trở thành một trường đại học mang tầm khu vực Đông Nam Á”, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa nói.

Chạy bộ hay đi xe máy?

Dù có ý tưởng, có quy trình, nhưng tạp chí vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là gây dựng uy tín quốc tế và kêu gọi được nhiều nhà khoa học tham gia viết bài cho tạp chí. “Thông thường các nhà khoa học lớn sẽ chọn tạp chí top đầu để đăng các bài tốt nhất của họ, mà ít khi chú ý đến các tạp chí chưa có tên tuổi. Mà một khi chưa có bài tốt để đăng thì tạp chí khó có uy tín, vòng luẩn quẩn sẽ lại tiếp diễn”, TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét.

Trong bối cảnh đó, trước hết, tạp chí “tận dụng” các hội thảo quốc tế do trường Đại học Đà Lạt phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức, để tuyển chọn các báo cáo có chất lượng từ trong hội thảo và tiếp tục mời các nhà khoa học đã tham gia hội thảo đó tiếp tục viết bài cho tạp chí. Đây cũng là cách làm thông thường của nhiều đại học ở nước ngoài, tức là, sau khi tổ chức hội thảo quốc tế, đơn vị tổ chức hội thảo có thể sẽ công bố các bài viết trên tạp chí của đơn vị đó hoặc xuất bản một cuốn sách, in ở một nhà xuất bản uy tín, theo GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Thông qua nhiều hội thảo, cũng như mối quan hệ quen biết này, tạp chí và nhà trường sẽ gây dựng được mạng lưới quốc tế dày dặn, quảng bá được hình ảnh của mình tốt hơn. Đầu năm 2018, Tạp chí KH ĐH Đà Lạt đã xuất bản được số Kinh tế và quản lý bằng tiếng Anh vào quý I, với sự hỗ trợ của hai biên tập viên khách mời đến từ Seattle University và Colorado State University, Hoa Kỳ.

Công việc tiếp theo, “nâng chuẩn hội đồng của tạp chí”, mà theo tiêu chí của Scopus “Hội đồng biên tập phải là các nhà khoa học có uy tín quốc tế và thẩm quyền học thuật quốc tế” cũng không dễ dàng. Đến nay, Tạp chí KH ĐH Đà Lạt có bảy thành viên là nhà khoa học Hội đồng Khoa học ngành/liên ngành của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted và năm nhà Khoa học nước ngoài tham gia vào hội đồng biên tập của các chuyên san. Các thành viên Hội đồng biên tập của Tạp chí tham gia vào quy trình thẩm định và bình duyệt bài cho tạp chí một cách thực chất chứ không chỉ là “góp mặt đặt tên”. Nhưng mở rộng hội đồng này là không dễ dàng, nên TS. Nguyễn Văn Tuấn, phụ trách văn phòng tạp chí đã đi gặp những nhà khoa học trẻ có nhiều công bố trên các tạp chí hàng đầu và có mối quan hệ quốc tế như TS. Nguyễn Việt Cường, TS. Trần Quang Tuyến, (ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) ở phía Bắc hoặc TS. Võ Xuân Vinh, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tham gia biên tập, phản biện, từ đó tạo mạng lưới, mời các nhà khoa học nước ngoài có uy tín cùng viết bài hoặc phản biện cho chuyên san Kinh tế và Quản lý (Chuyên san này cùng với Chuyên san Khoa học Tự nhiên và Công nghệ được Tạp chí “nhắm” đưa vào Scopus trước, vì không thể phân tán nguồn lực đưa cả ba chuyên san “cùng tiến”, mà chỉ có thể tập trung vào hai chuyên san đang có thế mạnh).

“Những gì chúng tôi đang nỗ lực, giống như chạy bộ trên quãng đường marathon vậy”, TS. Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận về quá trình xây dựng tạp chí định hướng chuẩn quốc tế. Quả thật, Tạp chí KH ĐH Đà Lạt dám bước chân vào “cuộc chơi” quốc tế hóa bằng “chân đất” bởi nguồn tài chính của Nhà trường rất hạn chế. Nguồn nhân lực của Văn phòng tạp chí chỉ vỏn vẹn có hai giảng viên kiêm nhiệm và phòng làm việc được bố trí từ năm 2017. Trong năm 2018, Nhà trường đã cố gắng thu xếp để cấp kinh phí mua phần mềm iThenticate cho Tạp chí, nhưng cũng là “gói” nhỏ nhất, kiểm tra được chưa đầy 200 bài báo.


Ba chuyên san của Tạp chí KH ĐH Đà Lạt.

Đích đến trên con đường chạy marathon này sẽ được kéo lại gần hơn nếu có phương tiện – mà TS. Tuấn ví như có thêm xe máy – tức là kết nối và hợp tác được với những nhà xuất bản có uy tín như Wiley, Elsevier, hoặc Spinger, từ đó được phía đối tác hỗ trợ công đoạn biên tập và xuất bản trên các cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế như sciencedirect. “Cách làm này sẽ rút ngắn thời gian vào Scopus. Nhưng chúng tôi không có khả năng tài chính, mà chỉ có hai cách: một là xây dựng đề án xin ngân sách, hai là kêu gọi xã hội hóa. Chúng tôi cũng đang nỗ lực kêu gọi. Nhưng dù có đi bộ hay được sử dụng phương tiện xe máy thì chúng tôi vẫn sẽ đi và tới đích. Vấn đề là nhanh hay chậm mà thôi”, TS. Nguyễn Văn Tuấn nói.

Những quy định “cào bằng”

Quốc tế hóa không phải chỉ là nỗ lực đơn lẻ của Tạp chí KH ĐH Đà Lạt, hiện nay Bộ GD&ĐT và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã có định hướng về mặt quản lý. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã kết luận tại Kỳ họp thứ V HĐCDGSNN, “cần tiếp tục chú ý việc nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học để có nhiều tạp chí khoa học của Việt Nam có tên trong các hệ thống ISI, Scopus, ACI”. Nhưng các quy định hiện hành trong việc đánh giá, tính điểm các tạp chí vẫn còn ở tình trạng “cào bằng” chứ chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích “cạnh tranh”. Cụ thể, theo các quy định về tính điểm công trình khoa học quy đổi hiện hành và kể cả dự thảo mới nhất về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, những bài báo được đăng trên các tạp chí chỉ mục trong Hệ thống ISI được tính từ 2,0 đến 3,0 điểm; chỉ mục trong Scopus được tính từ 1,0 đến 2,0 điểm, các tạp chí còn lại được tính tối đa 1,0 điểm. Quy định này, vô hình trung, đã đánh đồng tất cả các tạp chí còn lại và triệt tiêu động lực của các tạp chí khoa học Việt Nam trong việc đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng theo hướng tiệm cận các chuẩn mực của hệ thống trích dẫn khu vực (như ACI) và quốc tế (như DOAJ hay IEExplore…), trước khi hội đủ các tiêu chuẩn lọt vào ISI và Scopus.

Do vậy, có giải pháp nào có thể hỗ trợ các tạp chí một cách thiết thực? “Để khuyến khích các tạp chí Việt Nam phấn đấu từng bước nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế, thiết nghĩ cũng cần có sự phân biệt rõ ràng về hệ số điểm quy đổi cho các bài báo công bố trên các tạp chí được chỉ mục trong các hệ thống trích dẫn khoa học uy tín khác ngoài ISI và Scopus, như ACI, DOAJ hay Hệ thống VCI (Vietnam Citation Index) mà Việt Nam đang xây dựng”, TS. Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị.

Chú thích:
1 ACI là một cơ sở dữ liệu các tạp chí khoa học cho toàn bộ khu vực ASEAN, làm cầu nối giữa các trung tâm trích dẫn quốc gia của các nước thành viên ASEAN với các hệ thống trích dẫn khoa học quốc tế như ISI hay SCOPUS. ACI có chức năng lưu trữ, tìm kiếm bài báo và trích dẫn, giúp phân loại và đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của các nước ASEAN. Để được chấp thuận chỉ mục trong cơ sở dữ liệu này, các tạp chí khoa học cần phải đạt được bốn tiêu chuẩn sơ loại và mười tiêu chuẩn xét duyệt, tiệm cận với các tiêu chuẩn của hệ thống Scopus.
2 DOAJ được thành lập vào năm 2003 với khoảng 10.000 tạp chí (truy cập mở) có uy tín trên thế giới, thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nghiên và công nghệ, y học, khoa học xã hội và nhân văn. DOAJ có các yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình nhận bài, bình duyệt, biên tập, xuất bản, và vấn đề đạo đức trong xuất bản các công trình khoa học.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)