Tế bào từ mắt người chết có thể mang lại ánh sáng cho người mù

Các nhà nghiên cứu Anh Quốc mới đây nói có khả năng khôi phục thị lực cho người mù bằng cách sử dụng tế bào lấy từ mắt người đã chết hiến tặng.

Tạp chí Y học chuyển hóa tế bào gốc (Stem Cells Translational Medicine) số ra gần đây đưa tin các thí nghiệm thực hiện trên loài chuột chứng tỏ có thể sử dụng tế bào của con người để phục hồi một phần thị lực của những con chuột bị mù 100%.

Theo nhóm nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu nhãn khoa (Institute for Ophthalmology) thuộc Học viện Đại học London (University College London – UCL), kết quả tương tự tiến hành trên cơ thể người sẽ có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của những người mù, tuy rằng chưa đủ để giúp họ phục hồi năng lực đọc chữ viết.

Từ lâu ngành y nhiều nước đã sử dụng giác mạc mắt hiến tặng để cải thiện thị lực cho một số người mù. Nhưng để thực hiện cùng mục đích đó, Viện Nghiên cứu nhãn khoa không dùng giác mạc mà chỉ dùng một loại tế bào đặc biệt chiết xuất từ phần sau của mắt người đã chết hiến tặng. Tế bào chất keo Muller (Muller glia cells) này là một loại tế bào gốc của người đã trưởng thành, có thể dùng để chữa trị một loạt bệnh có trở ngại về thị lực.

Trong phòng thí nghiệm, dưới tác động kích thích của hóa chất, những tế bào chất keo sẽ chuyển hóa thành tế bào thị lực dạng que (rod cells) tạo ra cảm giác ánh sáng trên võng mạc. Các nhà nghiên cứu tiêm hàng chục nghìn tế bào đó vào phía sau mắt những con chuột thí nghiệm mù 100%; kết quả đã phục hồi được một phần thị lực của một số chuột. Nhưng hiệu quả của công nghệ mới này chưa cao: trong số hơn 200 nghìn tế bào gốc đã tiêm chỉ có khoảng 1.000 tế bào kết hợp được với kết cấu của mắt. Ảnh chụp scan não các trường hợp này cho thấy 50% tín hiệu điện giữa mắt và não đã được phục hồi sau khi điều trị theo cách nói trên.

Một trong số các nhà nghiên cứu là GS Astrid Limb nói với hãng tin BBC rằng sự biến đổi đó có thể có ý nghĩa đối với những người mù được điều trị theo biện pháp tương tự, đem lại kết quả cải thiện thị lực ở mức độ nhất định. “Có lẽ họ chưa đọc được sách báo nhưng có thể đi vòng tránh cái bàn trong phòng. Họ có thể nhận ra bình nước và tách chén để pha trà. Chất lượng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn trước nhiều, cho dù chưa đọc được sách báo và chưa xem được truyền hình,” ông nói.

Tế bào gốc còn có thể giúp cho việc điều trị những người mắc các bệnh như thoái hóa điểm vàng (macular degeneration) hoặc biến tính sắc tố thị võng mạc (retinitis pigmentosa). Thí nghiệm tế bào gốc nói trên sử dụng vật liệu lấy từ bào thai, nhưng đòi hỏi thời gian vài tháng để chuẩn bị nguyên liệu, trong khi các tế bào Muller có thể chuẩn bị xong trong vòng một tuần.

GS Limb bình luận: “Nguồn vật liệu ấy dễ kiếm hơn và rất dễ xử lý trong phòng thí nghiệm, vì thế chúng có triển vọng hơn, nhưng chúng cũng thể hiện các kháng nguyên có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch.”

Nghĩa là tế bào được hiến tặng có thể bị đào thải như khi cấy ghép nội tạng.

Nhóm nghiên cứu tin rằng các thí nghiệm lâm sàng liên quan có thể bắt đầu trong vòng ba năm tới.

Ngay từ giữa năm 2013, các nhà khoa học Anh đã cho biết liệu pháp tế bào gốc sẽ giúp cho việc phục hồi thị lực của người mù có tiến triển lớn. Kết luận này được đưa ra sau khi Bệnh viện nhãn khoa Moorfields và UCL đã tiến hành thí nghiệm trên động vật trong thời gian 5 năm. Các chuyên gia đánh giá đây là một đột phá quan trọng, bước tiến lớn có ý nghĩa hiện thực trong lĩnh vực nghiên cứu thực tế việc khôi phục thị lực cho người khiếm thị.

Nguyễn Hải Hoành dịch theo BBC

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)