Techmart 2005: Lượng và chất đều tăng

Cũng có những giao dịch được xác lập ngay tại hội chợ. Chiều ngày 13.10, sau khi ký hợp đồng trị giá 100 triệu đồng để chuyển giao dây chuyền sản xuất chất bột nền trong xây dựng, đại diện công ty Hồng Lĩnh (Hà Nội) và nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông Lâm cho biết, nhờ có chợ công nghệ như thế này mà họ có thể gặp được nhau. Giữa hàng trăm gian hàng trưng bày vài trăm sản phẩm, thiết bị, công nghệ chào bán, từng dòng người hết xuôi, lại ngược tham quan, thu lượm thông tin. Chưa có thống kê về doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hội chợ, nhưng quan sát kỹ, có thể thấy khá nhiều. Tham quan các gian hàng chế biến thực phẩm một hồi, ông bà Hạnh (Công ty Hồng Đức, Q.6) dừng khá lâu tại gian trưng bày của công ty Anh Dũng (TP Hồ Chí Minh). Xem dây chuyền chiết rót tự động của công ty này hoạt động, ông bà Đức lại đưa ra yêu cầu dùng nó cho nước tương. Sau một hồi giải thích, kỹ sư Trần Ban, người phụ trách gian hàng, liền mời ông bà Đức về xưởng của công ty để xem xét và có thể trình bày kỹ hơn về tính năng, thông tin kỹ thuật.  

Nếu không có thị trường công nghệ trong nước thì đơn vị chúng tôi đã chết đói từ lâu” – Tiến sĩ Lê Thượng Mãn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ mới (ALFA) cười nói. Minh chứng cho phát biểu của mình, ông Mãn giới thiệu một loạt công trình do đơn vị ông thiết kế, thi công. “Chúng tôi còn xuất khẩu dây chuyền sang Campuchia” – ông nói thêm. Tham gia Chợ côngnghệ và thiết bị 2005, gian hàng của ALFA được xếp vào khu trưng bày của các đơn vị tham gia chương trình 04: hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ bằng kinh phí thấp

Từ 1.000 tỷ

Tổng trị giá hợp đồng ký tại Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart 2003) lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội là 1.000 tỷ đồng. Hai năm sau, 160 hợp đồng ký tại chợ có giá trị
lên tới 1.600 tỷ đồng. Xét về số lượng, con số này cho thấy giá trị chuyển giao công nghệ đang có xu hướng tăng dần. Những gương mặt lúc đặt bút ký cả bên mua, lẫn bên bán đều nở nụ cười tươi. Người mua tìm được công nghệ hay thiết bị đang cần, còn người bán đã tìm được lối ra cho sản phẩm nghiên cứu.
Trong số những người tham gia mua, bán tại đây, có những mối quan hệ được xác lập trước, thông qua sự giới thiệu của người trong ngành, thông qua các cuộc hội thảo khoa học hay qua chợ ảo www.techmart.com.vn. 
 Bà Đức cho biết, trong hai năm qua, cơ sở của vợ chồng bà phải nhập một máy vô nhãn của Trung Quốc. “Chúng tôi cũng có nghe trong nước sản xuất được. Nhưng không biết tìm đâu” – bà nói. Mà nhu cầu sản xuất không cho phép chờ đợi, nên đành mua của nước ngoài. Theo ông bà Đức, dây chuyền của Việt Nam có giá thấp hơn, chất lượng tương đối được và việc bảo hành thuận tiện hơn. Không nói nhiều đến nhược điểm, nhưng bà Đức nhận xét qua, mẫu mã không bắt mắt.

 Chiếc áo may vụng

Bên cạnh số sản phẩm, thiết bị giới thiệu được làm khá tinh xảo, một số có vỏ kim loại được sơn thô ráp. Có cảm giác như công nghệ, thiết bị trong nước như một người được khoác trên mình chiếc áo được may vụng về, theo kiểu con nhà nghèo. Do thiếu kinh phí, nên các  cơ sở không thể đầu tư quá nhiều cho sản phẩm trưng bày. Qua lời giới thiệu của kỹ sư Trần Ban (Công ty Anh Dũng), hệ thống chiết rót trưng bày tại đây vốn từ thời chợ công nghệ lần trước. Một số linh kiện inox đã được lắp ráp cho một dây chuyền khác, nên khi tham dự chợ lần này, đơn vị mới đầu tư làm mới.
 
 Nguyên nhân sâu xa là mối quan hệ giữa đơn vị nghiên cứu và chuyển giao vẫn chưa được hình thành. Nghiên cứu xong, nếu có kinh phí thì sản xuất thử, làm sản phẩm demo, không thì đút hộc bàn. Các mẫu trưng bày đẹp, có tính thẩm mỹ cao thường xuất hiện ở các trung tâm nghiên cứu có kết hợp được với doanh nghiệp chuyển giao. Tuy khoác chiếc áo vụng về ấy, nhưng công nghệ trong nước đang có bước chuyển tốt, theo đánh giá của các đơn vị tổ chức. Tiến sĩ Tạ Bá Hưng, giám đốc trung tâm thông tin khoa học công nghệ quốc gia cho biết, so với chợ lần trước, chợ lần này có quy mô hơn, số công nghệ, dây chuyền chào bán nhiều hơn. “ Các đơn vị cũng đã có ý thức hơn về việc đưa sản phẩm ra giới thiệu” – ông nhận xét.

Bao giờ chất đổi

Đằng sau con số 1.000 tỷ đồng của chợ công nghệ 2003 là  một thực tế khác. Chỉ có 1/3 số hợp đồng được thực hiện. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chung quy là thiếu kinh phí. Đơn vị nghiên cứu thiếu vốn để sản xuất thiết bị, dây chuyền. Bên mua, nếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng không dồi dào kinh phí để ứng trước.
 
Có trường hợp, người bán phải lấy linh kiện, thiết bị trong sản phẩm mẫu để lắp vào dây chuyền giao cho khách. Bài toán khó này sẽ được giải trong tương lai, theo tiến sĩ Tạ Bá Hưng. Cơ sở của nó, ông Hưng giải thích là việc hình thành liên kết giữa nghiên cứu và sản xuất chuyển giao qua các mô hình doanh nghiệp spin-off. “Mạnh thì cơ sở nghiên cứu tự hình thành doanh nghiệp trực thuộc. Nếu không thì kết hợp với doanh nghiệp khác để chuyển giao công nghệ” – ông Hưng nói. Ông Hưng cũng xem mô hình vườn ươm doanh nghiệp là một cách hay để giải bài toán trên. Theo ông Hưng, đã vào vườn ươm thì phải ươm cho công nghệ cứng, nghĩa là phải có công nghệ hoàn chỉnh và cũng phải ươm về kỹ năng quản lý, tiếp thị. Có vườn ươm, có giống cây, thì cũng phải có chợ cho thị trường vận hành. Ông Hưng cho biết, trong tương lai sẽ có hai chợ công nghệ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Đúng nghĩa là chợ Đồng Xuân – Bắc Qua và chợ Bến Thành dành cho công nghệ” – ông Hưng ví von.                  

Hải Đăng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)