Techmart Hòa Bình 2006:
Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) với chủ đề "Liên kết cùng phát triển" do Bộ KH&CN, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hà Nội tổ chức đã diễn ra từ 18- 20/5 tại tỉnh Hòa Bình. Đây là Techmart đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc và được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành thị trường KH&CN ở khu vực này.
“Đến tận TP Hồ Chí Minh để dự Techmart lần trước, chủ một doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Hòa Bình mới ngạc nhiên khi thấy công nghệ mà ông ta đang tìm kiếm hóa ra lại có cơ sở ở ngay gần tỉnh mình” – Ông Nguyễn Hữu Duyệt, phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo Techmart Hòa Bình 2006 kể. Thiếu công nghệ và thiếu cả thông tin về công nghệ, đó là tình trạng không chỉ riêng của tỉnh Hòa Bình mà còn của nhiều tỉnh miền núi khác. Vì thế, bên cạnh những mục đích “thường kì” như gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất; thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kĩ thuật vào đời sống; tôn vinh năng lực KH&CN nghệ “nội”, thì một nội dung rất quan trọng nữa của Techmart Hòa Bình là “xúc tiến hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tạo lập và phát triển thị trường KH&CN ở khu vực miền núi phía Bắc”.
Gian hàng vắng vẻ của Sở KH&CN Hà Nội |
Dù gần Hà Nội, nhưng trình độ tiếp nhận khoa học của tỉnh Hòa Bình vẫn yếu, vì thế ngoài chức năng như một “chợ phiên”, có thể nói Techmart Hòa Bình còn là một cuộc triển lãm công nghệ và thiết bị cho người dân toàn tỉnh. Trước ngày tổ chức Techmart, ban chỉ đạo Chợ công nghệ của tỉnh đã tuyên truyền khá rầm rộ, hỗ trợ mỗi huyện 15 triệu đồng và gửi công văn tới từng xã để các các cấp dưới cử người đến “xem Techmart”, mục đích là thu hút càng nhiều người trong tỉnh biết đến công nghệ càng tốt. Ông Duyệt cho biết: “Người miền núi rất khó thay đổi tập quán sản xuất, chỉ khi tận mắt thấy một cách làm tốt như thế, một thiết bị có lợi như thế, họ mới có thể thay đổi”.
So với gần 600 gian hàng của 470 đơn vị của Techmart tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh lần trước thì Techmart Hòa Bình lần này có quy mô khiêm tốn hơn hẳn: chỉ có 225 gian hàng của hơn 140 đơn vị. Tuy nhiên các đơn vị tham gia cũng đã chú trọng chào bán những công nghệ dễ triển khai, dễ tiếp nhận đối với các tỉnh miền núi. Điều này có thể thấy qua tỉ lệ công nghệ – thiết bị thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và chế biến nông – lâm sản chiếm tới gần 30%, trong khi ở lĩnh vực “công nghệ cao” như điện tử – viễn thông chỉ chiếm hơn 8%. Những công nghệ tạo ra sản phẩm dễ tiêu thụ được đặc biệt hoan nghênh. Tỉnh Hòa Bình còn tự làm “khách hàng” mua công nghệ, như công nghệ lò gạch liên tục kiểu đứng của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, quy trình sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng của công ty Giống cây trồng Quảng Ninh… Đây là một cách chuyển giao công nghệ khá hiệu quả khi năng lực sản xuất của các cơ sở tư nhân ở các tỉnh miền núi đang còn thấp.
Một vòng quanh “Chợ”
Các gian hàng nằm chật kín trong và ngoài 100 m2 sân Cung văn hóa tỉnh Hòa Bình, dầu vậy vẫn có cảm giác không có tới 225 gian hàng như ban tổ chức thông báo. Đẹp và thu hút nhiều người xem nhất có lẽ là gian hàng công nghệ trồng rau an toàn không dùng đất của tiến sĩ Hồ Hữu An thuộc Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Đó là một “vườn treo” thu nhỏ với đủ loại cà chua, dưa chuột, xà-lách… Cây được trồng trên giá thể có sẵn nước, hệ thống tưới nhỏ giọt theo thời gian và lưu lượng cung cấp đủ loại phân bón khiến cây lớn nhanh mà không sợ bị sâu bệnh phá hại. TS An cho biết, không một Techmart nào mà ông không tham gia; và ngay trong ngày đầu tiên của Techmart này, ông đã kí được ba bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ trị giá 5,5 tỷ đồng.
Chúng tôi để ý tới một gian hàng giản dị trong sân Cung văn hóa: không màn hình lớn, không projector, thậm chí không có cả tờ rơi giới thiệu sản phẩm như hầu hết các gian hàng khác. Tuy nhiên hàng chồng dưa hấu lạ mắt xếp ngay ngắn trên quầy lại hấp dẫn khá nhiều người xem. Đó là gian hàng của Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn. Anh Lê Văn Thế, người đang “đứng quầy” cho biết: loại dưa hấu lạ mắt đó là dưa hấu Thailand “Hắc mỹ nhân” mới được Sở KH&CN Bắc Kạn trồng thử nghiệm thành công. Song do có giá khá đắt, đến dưa còn không bán được, chưa nói đến chuyển giao công nghệ trồng. “Lần đầu tiên tham gia Techmart, bán được là thành công, nhưng không bán được cũng là kinh nghiệm.” – Anh Thế nói.
Có lẽ vì là “chủ nhà” của Techmart tiếp theo nên Sở KH&CN Hà Nội được “ưu ái” một gian hàng khá rộng, song đây lại là gian hàng hút ít người xem nhất. Trên quầy hàng chỉ có lèo tèo vài sản phẩm đóng hộp, những tấm biển giới thiệu đặt xa tới mức người xem phải căng mắt ra cũng… chưa chắc nhìn thấy. Đáng tiếc khi gian hàng của một đơn vị khoa học lớn của Thủ đô lại “kém thân thiện” với cả người mua lẫn người xem đến vậy.
Một điều đáng nói là chất lượng các gian hàng. Mặc dù các nhà tổ chức đã đề ra tiêu chí “công nghệ/thiết bị đã hoàn thiện, tiên tiến, đã được kiểm nghiệm thực tế, sẵn sàng chuyển giao” và “công nghệ/thiết bị chất lượng cao, giá thành thấp hơn nhập ngoại”, song có những gian hàng gần như chỉ bày bán ti-vi và máy tính. Một tiến sĩ sinh học đến “xem chợ” đã rất ngạc nhiên khi thấy có công ty chào bán công nghệ nuôi yến trong nhà “một năm cho thu lãi từ 50.000 đến 100.000 USD”, vì theo bà biết, công nghệ này ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dầu sao, đây mới là lần đầu tiên một tỉnh miền núi đứng ra “làm” Techmart, và kết quả của Chợ công nghệ cũng đã nói lên cố gắng của những nhà tổ chức.