Telegram chống Facebook thế nào? (Kỳ 1)
Có hàng trăm triệu người dùng. Không thuật toán. Không quảng cáo. Dũng cảm đối mặt với quyền lực. Tin được không? Hãy cẩn thận với điều ước của bạn.
Telegram, một ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội với hàng trăm triệu người dùng toàn cầu. Nguồn: Forbes.
Vào ngày 6/1/2021 khi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump bắt đầu tụ tập biểu tình gần tượng đài Washington thì Elies Campo ngồi buồn bã cả buổi chiều ở nhà của bố mẹ tại Tortosa, Tây Ban Nha. Ngày 6 tháng Giêng cũng là ngày lễ Hiển linh, hay Ngày Ba Vua – là lúc cao điểm của mùa lễ khi họ hàng thường đến thăm nhau và trẻ em thì mở quà của mình. Campo là một kỹ sư người Tây Ban Nha 38 tuổi sống ở Thung lũng Silicon nhưng hầu như bị chôn chân ở nhà kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus. Khi đi lại trong nhà, bao quanh anh là cô bác và các anh chị em họ và lần đầu tiên anh được bế những đứa trẻ của họ. Nước Mỹ đã rời khỏi tâm trí anh xa nhất có thể.
Điều đó bỗng thay đổi vào khoảng 8 giờ tối, khi một người bạn ở Mỹ gọi điện hỏi Campo đã xem tin tức ở thủ đô Washington chưa. Sau đó thì tràn ngập những tin nhắn tương tự về đám đông vừa xông vào tòa nhà Capitol. Khi Campo xem những cảnh bạo lực vẫn đang trên điện thoại, một câu hỏi bắt đầu gặm nhấm suy nghĩ của anh: điều đó sẽ ảnh hưởng đến công ty của anh như thế nào?
Campo khi đó làm việc cho Telegram, một ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội với hàng trăm triệu người dùng toàn cầu. Khi anh nhìn sang một loạt nền tảng mạng xã hội khác, anh ấy nhận thấy, trên những trang đó, các nhân vật cực hữu đang đăng đường link dẫn tới các kênh Telegram công khai của họ và kêu gọi những người theo dõi họ tham gia ứng dụng.
Đầu óc quay cuồng, Campo cáo lui lên phòng trên lầu và tiếp tục theo dõi các mạng xã hội trên máy tính xách tay và điện thoại. Trong vòng sáu giờ, cả Facebook và Twitter đều chặn các bài đăng của Trump, và Campo chứng kiến ngày càng nhiều các nhân vật ủng hộ Trump, vì lo sợ rằng họ cũng sẽ bị khóa tài khoản, tràn lên Telegram, cùng lúc lôi kéo theo độc giả của họ. “Déu meu”, anh tự lẩm bẩm một mình bằng tiếng Catalan – Chúa ơi.
Trong thế giới của các mạng xã hội thì Telegram là một sự khác biệt kỳ lạ. Nó nằm trong danh sách 10 mạng xã hội lớn nhất thế giới nhưng chỉ có khoảng 30 nhân viên cốt lõi, không có nguồn doanh thu liên tục cho đến rất gần đây. Và trong thời đại mà các công ty công nghệ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc loại bỏ những phát ngôn thù ghét và thông tin sai lệch thì Telegram hầu như không kiểm soát nội dung, ngoại trừ gỡ bỏ những nội dung khiêu dâm bất hợp pháp và kích động bạo lực. Tại Telegram, đó là một tôn chỉ và cũng là một chiêu marketing, đó là nền tảng này sẽ luôn mở cho tất cả mọi người, bất kể quan điểm chính trị hay hệ tư tưởng. “Đối với chúng tôi, Telegram bắt nguồn từ ý tưởng tất cả mọi người trên hành tinh này đều có quyền được tự do”, Pavel Durov, một người Nga sáng lập Telegram đã nói.
Pavel Durov, nhà sáng lập và CEO của Telegram’s. Ảnh: Wire
Campo chia sẻ niềm tin đó nhưng với tư cách là người đứng đầu bộ phận tăng trưởng, kinh doanh và quan hệ đối tác thì anh ấy cũng phải gánh chịu những hệ quả phức tạp của nó. Vào giữa những năm 2010, khi các phương tiện truyền thông bắt đầu cho rằng Telegram là “ứng dụng được lựa chọn” bởi các đội quân thánh chiến thì Campo là người băn khoăn nhất về việc ISIS sử dụng nền tảng này. Campo nói anh thấy mình giống như một người mẹ lo xa khi nhắn tin cho Durov – “Tôi như một kẻ khó ưa” – Campo nói. Điều khiến anh lo lắng là anh sẽ phải đối mặt với làn sóng người Mỹ hùa theo những kẻ nổi loạn chống chính quyền xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và thao túng các đối tác kinh doanh như thế nào.
Và rồi anh viết một tin nhắn dài cho Durov. “Chào buổi tối Pavel,” Campo nhớ lại mở đầu của nó. “Anh đã xem những gì đang xảy ra ở Mỹ chưa? Anh đã thấy các mạng xã hội khác chặn tài khoản của Trump chưa?” Campo cảnh báo rằng việc phe cực hữu ở Mỹ đón nhận Telegram không phải là chuyện vui vì nền tảng có nhiều người dùng hơn mà có thể là một điều tồi tệ.
Cũng trong tuần đó thì đối thủ lớn hơn nhiều của Telegram, WhatsApp, đã cập nhật lại các điều khoản cá nhân và điều khoản sử dụng. Nhưng những ngôn từ mù mờ lại khiến cho người dùng lầm tưởng rằng họ sẽ phải chia sẻ nhiều thông tin cá nhân hơn cho Facebook – công ty mẹ của WhatsApp vốn đang bị mất lòng tin từ người dùng. Các điều khoản mới thực chất không hề yêu cầu người dùng chia sẻ gì nhiều hơn những gì họ đã chia sẻ từ trước (như số điện thoại, tên, một số thông tin nhất định). Nhưng đã có nhiều triệu trong số hơn 2 tỷ người dùng WhatsApp lo sợ và rời bỏ ứng dụng này, rất nhiều người trong số họ chạy thẳng qua Telegram.
Campo kể, Durov đã dội một gáo nước lạnh vào những lo ngại của anh về những người ủng hộ Trump. “So với sự tăng trưởng người dùng mà chúng ta có được từ sự thay đổi điều khoản dịch vụ của WhatsApp thì điều này là không đáng kể và chỉ xảy ra trong phạm vi Hoa Kỳ mà thôi.” Campo nhớ lại câu trả lời của Durov. Nếu cần thiết, người CEO này nói có thể sẽ đăng nội dung gì đó trên kênh công khai của riêng mình trên Telegram. Những lo lắng không giải tỏa được làm cho Campo thức đến đầu giờ sáng để nhìn chằm chằm vào màn hình của mình.
Dĩ nhiên, vào những ngày sau đó, Campo nhận được rất nhiều câu hỏi từ các nhà báo về việc hàng loạt người Mỹ theo cánh hữu chuyển sang dùng Telegram. Anh chuyển những câu hỏi này cho Durov và khuyên anh ta nên chia sẻ với giới truyền thông. Và ngày 8/1, Durov đã đăng trên kênh công khai của mình – nhưng anh ta chỉ ca ngợi về sự phát triển vượt bậc của Telegram trên toàn cầu và còn chê bai Facebook lập ra cả một nhóm để tìm hiểu “tại sao Telegram lại tăng trưởng như vậy”. Vào ngày 12/1, Durov đã đăng một lần nữa để chào mừng sự xuất hiện của 25 triệu người dùng mới chỉ trong 72 giờ trước đó. Anh ta nói Telegram hiện có dân số hơn nửa tỷ người. “Trước đây chúng tôi đã có lượng tải ứng dụng tăng vọt nhưng lần này thì rất khác.” Hai ngày sau, anh ta tuyên bố, “Chúng ta có thể đang chứng kiến cuộc di cư kỹ thuật số lớn nhất trong lịch sử loài người”.
Và khi Durov ca ngợi các số liệu thống kê trên toàn cầu – 38% trong số người dùng mới đến từ châu Á, 27% đến từ châu Âu, 21% từ châu Mỹ Latinh và 8% từ Trung Đông – anh ta không đề cập đến bất kỳ sự tăng trưởng nào ở Bắc Mỹ. Cho đến ngày 18 tháng 1, Durov mới đăng rằng nhóm của anh đã “theo dõi chặt chẽ tình hình” ở Mỹ và bộ phận kiểm duyệt của Telegram đã chặn hàng trăm cuộc gọi công khai về bạo lực. Nhưng anh ta đã xoa dịu rằng số người dùng Telegram ở Mỹ chỉ chiếm chưa đến 2%.
Còn với Campo thì những bài đăng này được viết một cách khó hiểu. Durov dường như đã phớt lờ lời khuyên của anh và từ chối đăng tải bất kỳ tuyên bố công khai của Campo. Hơn nữa, mặc dù là người đứng đầu bộ phận tăng trưởng của Telegram – một vai trò quan trọng của các công ty truyền thông xã hội – Campo chỉ mới biết các số liệu thống kê này từ kênh công khai của Durov giống như bất kỳ người dùng nào khác.
Đây là một điều hết sức bất thường nữa của Telegram: Campo không bao giờ xem trực tiếp dữ liệu người dùng dạng thô. “Tôi không thể thấy bất kỳ trang tổng quan nội bộ nào có tất cả các con số,” anh ấy nói với tôi vào tháng 5 năm ngoái. Điều này hoàn toàn trái ngược với quy trình hoạt động chuẩn tại nơi làm việc trước của Campo: WhatsApp.
Trở lại năm 2014 sau khi Facebook mua lại WhatsApp, Campo đã nghỉ việc để phản đối các thuật toán “gây nghiện” của gã khổng lồ truyền thông xã hội và “tác động của chúng đối với nhân loại”. Tuy nhiên tại WhatsApp, mọi nhân viên đều có quyền truy cập vào dữ liệu về số lượng người dùng ở các thị trường khác nhau, Campo nói. Tại Telegram, nếu Campo muốn có số liệu thống kê, anh ta sẽ phải giải thích lý do với sếp của mình. Campo nói rằng Durov “rất, rất, rất chặt chẽ”. “Mọi thứ đều phải thông qua anh ấy”.
“Nếu CEO nói rằng những hành vi của nhóm cực hữu ở Mỹ chỉ là một đốm lửa nhỏ, thì, dĩ nhiên Campo phải tin theo.” Và tại Telegram thì đó còn xa mới là điều duy nhất mọi người phải tuân theo lời Pavel Durov.
II
Những năm qua, thế giới đang phải lo lắng về sự thống trị dường như không thể thay đổi của Facebook – nay đổi tên thành Meta: như cách họ không ngừng vô hiệu hóa của các đối thủ cạnh tranh bằng mua lại hoặc loại bỏ; nó kiểm soát về chính trị, văn hóa và mọi khía cạnh của cuộc sống riêng tư của chúng ta để ưu tiên cho thuật toán được viết ra nhằm bán quảng cáo; các vụ bê bối quyền riêng tư không ngừng tăng lên liên tiếp; cho đến kỷ lục về những lời xin lỗi giả hiệu khi bị phát giác. Nhưng trong khoảng hơn một năm trở lại đây, đế chế của Mark Zuckerberg đã bắt đầu có vẻ ít bất khả xâm phạm hơn một chút. Các nhà lập pháp đã ngày càng tỏ ra chống lại nó hơn, và trong những thời điểm ngắn như “cuộc di cư hàng loạt vào tháng 1/2021 khỏi WhatsApp” hay khi Facebook bị sập vào tháng 10 – thì những hiệu ứng mạnh mẽ của mạng mạng xã hội, cái đã mang lại quyền lực tối cao cho Meta, dường như có lúc đã quay lại hạ bệ nó. Bằng cách nào đó Telegram, với một đội ngũ nhân viên nhỏ bé đã trở thành một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ những vấp ngã đó.
Liệu đây có phải là điều tốt cho thế giới hay không lại là một câu hỏi khác, người ta bối rối bởi Telegram lại ít được biết đến đặc biệt là ở Mỹ. Phần lớn các nhà báo vẫn gọi nó là một “ứng dụng nhắn tin được mã hóa”. Mô tả này khiến nhiều chuyên gia bảo mật ngạc nhiên, họ cảnh báo rằng không giống như Signal hoặc WhatsApp, Telegram không được mã hóa end-to-end (một dạng mã hóa chỉ người gửi và người nhận mới hiểu được thông tin) một cách mặc định; người dùng cần phải bật chức năng “trò chuyện bí mật” mới đảm bảo điều này (mà thực sự là rất ít người làm thế); và cũng chỉ có thể bảo mật end-to-end các cuộc trò chuyện cá nhân chứ không thể làm được với các cuộc trò chuyện nhóm. Các chuyên gia nói rằng đối với hàng triệu người sử dụng Telegram ở các chế độ toàn trị thì việc nhầm lẫn này có thể phải trả giá đắt.
Nhưng bản thân thuật ngữ “ứng dụng nhắn tin” có thể khiến nhiều người đánh giá thấp Telegram. Thực tế là trong những năm qua Telegram đã trở thành sự kết hợp có chủ ý giữa dịch vụ nhắn tin và nền tảng truyền thông xã hội — đối thủ không chỉ của WhatsApp, Signal mà càng ngày càng trở thành đối thủ của chính Facebook. Người dùng có thể tham gia các kênh công khai hoặc riêng tư với số lượng người theo dõi không giới hạn, nơi ai cũng có thể thích, chia sẻ hoặc bình luận. Họ cũng có thể tham gia các nhóm riêng tư với tối đa 200.000 thành viên — một quy mô vượt quá giới hạn 256 thành viên của WhatsApp. Nhưng không giống như Facebook, tại Telegram không có quảng cáo hướng đích và không có thuật toán điều khiển những gì người dùng nhìn thấy.
Mặc dù Telegram có nhiều kênh và nhóm dành riêng cho các chủ đề phi chính trị như phim Bollywood và bối cảnh công nghệ của Miami nhưng nó đã được chứng minh là rất phù hợp cho những nhà hoạt động xã hội. Sự pha trộn giữa nhắn tin riêng tư và các kênh công khai làm cho nó trở thành một công cụ hoàn hảo để tổ chức: lý tưởng để truyền bá nơi công cộng và sau đó mưu đồ một cách bí mật. Megan Squire, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Elon ở Bắc Carolina, người nghiên cứu Telegram cho biết: “Tôi gọi đó là cú đấm có một không hai. Bạn có thể thực hiện cả tuyên truyền và lập kế hoạch trên cùng một ứng dụng”.
Nó rất quan trọng cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ từ Belarus đến Hồng Kông, nhưng những nhóm cực tả toàn cầu có vẻ mới là tín đồ của Telegram. Ở Đức, một phong trào chống lại các quy định giãn cách để phòng chống dịch Covid đã sử dụng ứng dụng này để tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở trung tâm Berlin vào năm 2020, dẫn đến một đám đông cực đoan tràn vào bậc thềm của tòa nhà Quốc hội, như là một điềm báo ma quỷ cho ngày 6/ 1. (Mục đích mà một số người biểu tình nêu ra là để cho Tổng thống Trump thấy rằng họ đã sẵn sàng cùng ông giải phóng nước Đức khỏi một âm mưu thâm độc của một tổ chức ngầm). Tại Brazil, Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro cũng đón nhận Telegram, vốn đã được cài trên hơn một nửa số lượng điện thoại di động của nước này. Các nhà phân tích thông tin sai lệch đã cảnh báo sự nguy hiểm của việc này đối với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới năm 2022 mà ông Bolsonaro đã đe dọa sẽ phản đối kết quả.
Pavel Durov khiến người ta liên tưởng đến nhân vật Neo trong phim “Ma trận” (The Matrix). Nguồn: Moscow Times.
Tại Hoa Kỳ các ứng dụng nội địa như Parler và Gab cũng thu hút người dùng cực hữu sau ngày 6/1, nhưng cả hai đều nhanh chóng tàn lụi bởi gặp phải các vụ hack thảm khốc. Trong trường hợp của Parler là mất đi cả dữ liệu của dịch vụ lưu trữ trên đám mây của Amazon. Không ứng dụng nào có quyền lực lâu dài của Telegram. Ngay sau đó Donald Trump Jr. (con) đã dùng Telegram để ‘nắn gân’ người tổng thống thân thiện mới nhậm chức. “Sự kiểm duyệt của những gã Big Tech ngày càng trở nên tồi tệ và nếu những tên bạo chúa này cấm cha tôi, Tổng thống Hoa Kỳ, thì còn ai mà họ không thể cấm?” – anh này tweet. Phong trào ủng hộ Trump cần một nơi “tôn trọng” quyền tự do ngôn luận, ông nói: “Đó là lý do tại sao tôi tham gia Telegram”.
Tháng sau, kênh công khai của Donald Trump Jr. đạt một triệu người đăng ký. Một kênh có tên @ real_DonaldJTrump – “Dành riêng cho Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ” và xuất bản “Các bài đăng không kiểm duyệt từ Văn phòng Donald J. Trump” cũng nhanh chóng nhận được sự chú ý. Nó nhanh chóng nhận được hơn một triệu người theo dõi. Các đồng minh nổi tiếng khác của Trump đã làm theo và các kênh của họ tăng trưởng nhanh chóng, trong khi các nhóm cực đoan Proud Boys, Boogaloo Boys và QAnon cũng phát triển mạnh mẽ. Theo Squire, người đã theo dõi hoạt động cực hữu trên Telegram kể từ năm 2019, số lượng người dùng cực hữu Mỹ trên nền tảng này dễ là vào khoảng 10 triệu, đó cũng chính là tổng số người dùng Hoa Kỳ trên ứng dụng mà Durov cho biết. Tuy nhiên, Squire thừa nhận rằng sự thiếu minh bạch về số lượng người dùng của nền tảng khiến rất khó để biết chắc chắn con số thống kê này.
Campo dường như rất đau buồn về Telegram. Anh ấy vẫn cảm thấy một sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Durov và coi sự gia tăng của người dùng mới là minh chứng cho việc từ bỏ công việc cũ của mình tại WhatsApp là đúng đắn. Nhưng anh bắt đầu băn khoăn về sự thiếu minh bạch và văn hóa cô lập xung quanh người sếp của mình – một người mà những ý tưởng bất chợt có thể ngày càng ảnh hưởng đến số phận của nền dân chủ trên toàn thế giới.
Durov, 37 tuổi, đã trở thành một trong những ông trùm công nghệ quyền lực và bí ẩn nhất thế giới. Sau nhiều năm sống du mục, ông và Telegram hiện có trụ sở chính thức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Một bài đăng trên Instagram gần đây cho thấy Durov đang ngồi vắt chéo chân, cởi trần với gương mặt nhẵn nhụi trên sân thượng nhìn ra đường chân trời của Dubai. Khi không khoe thân hình ấn tượng của mình thì Durov luôn mặc đồ đen, điều mà báo chí hiếm khi không so sánh với nhân vật Neo trong phim Ma trận. Anh này tương tác với công chúng gần như hoàn toàn thông qua kênh Telegram của mình, nơi anh ấy đóng vai một nhà tư tưởng và CEO trong các vấn đề tự do ngôn luận, kiến trúc hệ thống và phẩm hạnh của chế độ ăn kiêng chỉ toàn cá, không uống rượu và ngủ một mình. Bên trong Telegram, Campo nói, vòng trong của công ty chủ yếu là các lập trình viên người Nga ngưỡng mộ lãnh đạo của họ “gần giống như một nhân vật thần thánh”, xưng hô với sếp của họ bằng “người anh em” một cách trang trọng và không bao giờ mâu thuẫn với ông ấy. Theo lời của một cựu nhân viên tên là Anton Rozenberg: “Đó như là một giáo phái”.
Trong khi các giáo phái trên nó phát triển thì Telegram là một tổ chức đóng một cách ngạc nhiên. Bất chấp những khuyến nghị của Campo, Durov đã không phỏng vấn hay nói chuyện trước công chúng trong nhiều năm và các nhân viên cũng vô cùng bí mật. Tôi đã liên hệ với hơn 40 người gần gũi với công ty về câu chuyện này và cuối cùng đã có thể nói chuyện với 9 cộng sự cũ và 3 cộng sự hiện tại của Durov. Để hiểu được tác động tiềm tàng ứng dụng của anh ấy khi nó nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng lớn nhất thế giới, bạn phải hiểu một thứ thậm chí còn mờ mịt hơn cả thuật toán của Facebook: thế giới bên trong Telegram.□
Nguyễn Quang dịch
Nguồn: https://www.wired.com/story/how-telegram-became-anti-facebook/