THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI VỀ MÔI TRƯỜNG KHI GIA NHẬP WTO

Trong các hoạt động liên quan đến các vấn đề môi trường, nhiệm vụ duy nhất của WTO là nghiên cứu các vấn đề xuất hiện khi các chính sách môi trường có tác động đáng kể đến thương mại. Các thành viên của WTO cho rằng WTO không phải là cơ quan môi trường, vì vậy không muốn can thiệp vào các chính sách môi trường quốc gia hoặc quốc tế, hoặc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, có một số các thỏa thuận của WTO bao gồm các điều khoản liên quan đến môi trường, ví dụ như:

· Điều XX của Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) (và cũng là Điều 14 của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ – GATS): các chính sách ảnh hưởng đến thương mại hàng hoá nhằm bảo vệ đời sống và sức khoẻ của con người, động vật, thực vật được miễn trừ khỏi các quy tắc thông thường của GATT trong những điều kiện nhất định.
· WTO cho phép đề xuất và áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (tức là các tiêu chuẩn sản phẩm và công nghiệp), trong đó có các biện pháp an toàn và vệ sinh thực phẩm nhằm mục đích bảo vệ môi trường;
· Về hoạt động thương mại trong nông nghiệp, WTO cho phép các chương trình môi trường được miễn trừ khỏi việc cắt giảm chính sách trợ giá của Chính phủ;
· Về chính sách trợ giá và bù thuế, WTO cho phép trợ giá đến 20% giá thành cố định khi áp dụng các luật môi trường mới;
· Về chính sách sở hữu trí tuệ, WTO cho phép các chính phủ có thể từ chối cấp bằng cho các phát minh đe dọa cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật, hoặc gây rủi ro thiệt hại nghiêm trọng tới môi trường (Điều 27 của Hiệp định về Sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại – TRIPS).
Như vậy, việc gắn kết các quy định về môi trường trong các công ước quốc tế về môi trường hoặc các hiệp định môi trường đa phương (Multilateral Environmental Agreements-MEAs) với các hoạt động thương mại quốc tế được thể hiện và thực hiện thông qua các hiệp định thương mại đa phương của WTO.

Các thách thức về môi trường khi gia nhập WTO
Các biện pháp quản lý thương mại có liên quan tới môi trường ngày càng được các nước sử dụng như những biện pháp quan trọng của hệ thống hàng rào kỹ thuật. Những biện pháp này, thường được gọi là các “hàng rào xanh”, và được các nước phát triển và đang phát triển ở trình độ cao sử dụng tương đối phổ biến và hiệu quả trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến môi trường và bảo vệ các ngành sản xuất có liên quan trong nước.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, một số “hàng rào xanh” do các nước phát triển đưa ra chính là các thách thức về môi trường trong hoạt thương mại quốc tế khi gia nhập WTO.
Có 2 loại “hàng rào xanh” thường được áp dụng, đó là:
1. Áp dụng đánh thuế tài nguyên: các nước phát triển xây dựng các tiêu chuẩn hàng hoá trong đó quy định nghiêm ngặt hàm lượng tài nguyên thô như là một biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, hàng hoá của các nước đang phát triển muốn nhập khẩu vào các nước này sẽ phải chịu thuế nhiều hơn vì hàm lượng tài nguyên thô lớn, điều đó hạn chế lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển trong sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên;
2. Sử dụng các tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh an toàn, dán nhãn sinh thái như rào cản bảo hộ sản phẩm sản xuất trong nước, chống lại các sản phẩm và công nghệ nhập khẩu với lý do các sản phẩm và công nghệ này không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước sở tại.
Trong lịch sử hoạt động của mình, WTO và trước đó là GATT đã phải xem xét nhiều vụ việc tranh chấp của các nước thành viên liên quan đến việc áp dụng “hàng rào xanh”. Ở đây đưa ra 2 vụ việc điển hình được nhắc đến nhiều trong thương mại quốc tế:
·  Vụ kiện “cá ngừ-cá heo” do Mexico và một số nước khác kiện Hoa Kỳ trong khuôn khổ GATT vào năm 1991: Tại vùng biển nhiệt đới phía Tây Thái Bình Dương, cá ngừ vàng thường bơi thành đàn phía dưới đàn cá heo. Khi đánh bắt cá ngừ bằng lưới, thường cá heo cũng bị mắc lưới, sau đó dù có được gỡ ra khỏi lưới và thả lại vào biển, cá heo vẫn bị chết. Chính vì vậy Hoa Kỳ đã ban hành tiêu chuẩn bảo vệ cá heo đối với các tàu đánh bắt cá ngừ trong vùng biển này. Nếu 1 nước xuất khẩu cá ngừ vào Hoa Kỳ không chứng tỏ được với các cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ về việc tuân thủ tiêu chuẩn này thì Hoa Kỳ sẽ cấm nhập khẩu cá từ nước đó. Đây chính là lý do Hoa Kỳ cấm nhập khẩu cá ngừ từ Mexico.
Tuy nhiên, GATT đã không chấp thuận vụ kiện này vì cho rằng Hoa Kỳ không vi phạm các quy định của GATT. Sau đó vào năm 2002, Hoa Kỳ và Mexico đã hoà giải vụ việc “ngoài khuôn khổ pháp luật”.
· Vụ kiện của Canada chống Cộng đồng Châu Âu thực hiện cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang: Ngày 28/ 5 1998, Canada đã yêu cầu Cộng đồng Châu Âu tổ chức hội đàm về các biện pháp do Pháp áp đặt nhằm cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang, dựa trên các quy định của Nghị định của Chính phủ Pháp ngày 24/11/1996. Sau đó ngày 8/10/1998, Canada yêu cầu thành lập Bồi thẩm đoàn của WTO để giải quyết.
Ngày 18/10/2000 và sau đó ngày 12/3/2001 Bồi thẩm đoàn và Ban kháng cáo của WTO đã lần lượt từ chối không can thiệp vào lệnh của Pháp cấm nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang vì cho rằng các hiệp định của WTO ủng hộ các nước thành viên bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người theo mức độ mà các nước này thấy phù hợp.

Các cơ hội về môi trường khi gia nhập WTO
Khi chính thức là thành viên WTO, Việt Nam sẽ được đối xử công bằng hơn trong thương mại quốc tế, nhất là khi các nước muốn áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với Việt Nam. Ví dụ khi muốn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kháng sinh đối với hàng nông thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam thì Hoa Kỳ phải có trách nhiệm thông báo với Việt Nam về các quy định kỹ thuật này ít nhất là trước 60 ngày theo nguyên tắc minh bạch hoá và cũng phải đảm bảo rằng các sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ cũng phải áp dụng những quy định này theo nguyên tắc đãi ngộ quốc gia. Điều này trước đây và hiện nay Việt Nam vẫn thường bị phân biệt đối xử khi xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu và Bắc Mỹ.
Hay khi chúng ta muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thực  phẩm khi nhập vào Việt Nam để ngăn ngừa dịch bệnh thì chúng ta cũng có quyền ban hành những quy định kỹ thuật cho sản phẩm này đảm bảo các biện pháp vệ sinh an toàn, miễn rằng các quy định này phải được thông báo trước với các nước thành viên, không gây những cản trở không cần thiết trong thương mại và sản phẩm trong nước cũng được áp dụng các quy định này.
Việc giải quyết các vụ kiện thương mại liên quan đến môi trường trong khuôn khổ WTO có một ví dụ rất thú vị về việc phá “hàng rào xanh” nhờ áp dụng quy tắc minh bạch và không phân biệt đối xử của WTO. Đó là vụ kiện được biết đến như “vụ kiện tôm-rùa biển” do Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Thái Lan chống lại lệnh cấm nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Đầu năm 1997 Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Thái Lan đưa ra vụ kiện chống Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm với lý do bảo vệ rùa biển. Theo Luật các giống loài quý hiếm Hoa Kỳ ban hành năm 1973, ngư dân Hoa Kỳ đánh bắt tôm cần phải sử dụng dụng cụ ngăn chặn rùa biển mắc lưới để bảo vệ loài giống đang có nguy cơ diệt chủng vì các hoạt động của con người. Năm 1989, tại điều 609 Luật Dân sự Hoa Kỳ, quy định này đã được áp dụng cả đối với các tàu đánh bắt tôm của các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Ban kháng cáo của WTO cho rằng các biện pháp của Hoa Kỳ bảo vệ rùa biển là phù hợp với Điều XX của GATT,  tuy nhiên lại không phù hợp với nguyên tắc tối huệ quốc. Lý do là đã có sự phân biệt đối xử của Hoa Kỳ đối với các thành viên khác nhau của WTO. Trước đó, tuân theo quy định của Điều 11 và Điều 12 Hiệp định TBT, Hoa Kỳ đã dành ưu đãi cho các nước vùng biển Caribbe bằng sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính và cho phép có giai đoạn chuyển đổi dài để ngư dân các nước này có thể sử dụng các dụng cụ ngăn chặn rùa biển mắc vào lưới khi đánh bắt tôm và xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Gia nhập WTO, Việt nam sẽ còn có cơ hội giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường thông qua việc áp dụng các nguyên tắc pháp lý của WTO để xây dựng và sử dụng hợp lý “hàng rào xanh” nhằm mục đích bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.
 
Các giải pháp đáp ứng

Tham gia WTO, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước để hội nhập xu thế toàn cầu hoá trong phát triển kinh tế, đảm bảo vừa bảo vệ quyền lợi của mình, vừa phù hợp với các quy định của quốc tế. Riêng trong lĩnh vực các hoạt động thương mại có liên quan đến môi trường, cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp trước mắt sau đây:
· Ban hành các quy định về cấm nhập khẩu các sản phẩm đã bị cấm ở thị trường nước ngoài, các quy định về nhãn hàng hoá thân thiện môi trường (nhãn sinh thái – ecolabel), các quy định cụ thể về thuế và phí môi trường và các quy định về cơ sở khoa học áp dụng các biện pháp “hàng rào xanh” phù hợp với quy định của WTO;
· Tích cực, chủ động tham gia vòng đàm phán Doha, mạnh dạn sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của các công ước quốc tế về môi trường hoặc các hiệp định môi trường đa phương và của WTO để giải quyết một cách bình đẳng các tranh chấp thương mại quốc tế;
· Giải quyết tốt mối quan hệ giữa các công ước môi trường mà Việt Nam đã ký kết tham gia với các hiệp định thương mại đa phương của WTO. Nghiên cứu kỹ và có giải pháp chính sách đồng bộ về quản lý thương mại các hàng hoá và dịch vụ liên quan đến môi trường;
· Chuẩn bị tốt nguồn lực để vượt qua các hàng rào kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các quy định về môi trường của quy trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, coi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường là một bộ phận cấu thành trong hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh./.

Lê Hoàng Lan

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)