Thăm các công ty công nghệ cao tại thung lũng Silicon
Giống như mọi năm, nhân dịp đầu năm 2006, các trường đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh hàng đầu đều tổ chức các chuyến thực địa đến thăm các công ty lớn của Mỹ để sinh viên có điều kiện học hỏi, trao đổi, giao lưu, và tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm. Dưới đây là một vài cảm nhận sau chuyến đi đầu năm của chúng tôi
Có thể thấy tình hình kinh doanh và tài chính của các công ty này phản ánh rất rõ xu thế phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao tại nước Mỹ nói riêng và có thể coi là trên thế giới nói chung.
Công ty đầu tiên là Ofoto thuộc Kokak. Vốn từ một hãng hàng đầu trên thế giới về máy ảnh và phim ảnh, do không kịp chuyển từ kỹ thuật analog sang kỹ thuật số, thị trường của Kodak sụt giảm mạnh khi các hãng như Canon, Olympus… tung ra thị trường những loại máy ảnh và máy quay phim ngày càng hiện đại gọn nhẹ. Kodak đang phải tìm hướng đi mới bằng cách tập trung vào dịch vụ.
Ofoto là công ty con phụ trách mảng dịch vụ mạng, cung cấp các giải pháp để các cá nhân và tổ chức tải ảnh lên mạng và chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của Kodak (KodakEasyShare Gallery) Hiện nay với sự phát triển phổ biến của máy ảnh và máy quay kỹ thuật số, số lượng ảnh chụp và phim quay của mỗi người ngày càng tăng, nhu cầu lưu trữ và chia sẻ với người khác cũng tăng lên. Nắm bắt hiện tượng này, Ofoto tiếp cận khách hàng bằng cách trước tiên cho dùng miễn phí dịch vụ tải ảnh cơ bản nhất, sau đó thuyết phục khách hàng chuyển sang đăng ký sử dụng dịch vụ ở cấp độ cao hơn với nhiều dịnh vụ tiện lợi khác như khả năng kết nối và in ảnh tại các điểm in ảnh của Kodak, hoặc dung lượng lưu trữ cao hơn… Theo ý kiến của ban quản lý, công ty hiện rất cần những ý tưởng sáng tạo mới có thể giúp duy trì vị trí của công ty trên thị trường cạnh tranh ngày càng trở nên khắc nghiệt, đặc biệt trong mảng dịch vụ rất dễ bắt chước này.
Công ty thứ hai chúng tôi có dịp tới thăm là Cisco Systems. Là một công trẻ hơn rất nhiều so với Kodak, (Cisco thành lập năm 1984, tới nay được 22 năm, còn Kodak thành lập từ 1888, tới nay đã được 118 năm), Cisco nhanh chóng trở thành công ty lớn nhất thế giới về công nghệ mạng. Hãng tự hào giới thiệu “nói đến Internet là nói đến Cisco. Đi đầu trong kết nối mạng cả về phần cứng lẫn phần mềm, Cisco đã trở thành một trong những công ty giàu có nhất của Mỹ với trụ sở ở 152 nước trên thế giới. Trụ sở chính của hãng nằm tại đường Cisco (Cisco Way), thành phố San Jose, gồm hơn hai chục tòa nhà sáu bảy tầng, mỗi tòa nhà có diện tích rộng còn hơn Nhà hát Lớn ở Hà Nội, mỗi tòa nhà đều được trang bị các hệ thống camera an ninh dày đặc.
Anh 2: Hàng ngàn công ty công nghệ cao hiện đang hoạt động tại thung lũng Silicon |
Nhờ lãi cao và cũng một phần lớn để quảng cáo cho công nghệ và sản phẩm mạng, hãng đã xây dựng một môi trường làm việc tiên tiến nhất thế giới được gọi là Cisco Connected Workplace (Môi trường làm việc kết nối toàn diện của Cisco). Trong môi trường này, các máy tính, điện thoại, máy in… đều kết nối mạng không dây với nhau. Nhân viên có thể tùy ý chọn chỗ ngồi của mình và tùy ý đăng ký các phòng họp có thiết bị hội thảo camera để tiến hành các cuộc họp với đồng nghiệp ở nửa bên kia của quả đất. Tính linh hoạt của môi trường làm việc cho phép nhân viên thấy thoải mái hơn, bàn ghế và các vách ngăn cũng được thiết kế hết sức linh hoạt có thể nâng cao, hạ thấp, di chuyển dễ dàng. Thậm chí nêu ai đó hơi mệt có thể di chuyển các vách ngăn để tạo thành một buồng ngủ riêng mà không sợ gì cấp trên hay đồng nghiệp nhòm ngó. Theo lời ông Llewellyn G. Thorne, phụ trách các dự án toàn cầu (Global Project Manager, Cisco on Cisco), môi trường làm việc như vậy không chỉ giúp các nhân viên tiết kiệm được thời gian, tăng hiệu suất lao động, mà còn tạo cơ hội gặp mặt các đồng nghiệp khác ngoài nhóm, hoặc các khách hàng nội bộ của mình, tăng cường hiểu biết về công việc và tính liên kết của các hoạt động trong nội bộ công ty.
Công ty tiếp theo là Guidant, nổi tiếng với các sản phẩm phục vụ y khoa và dược phẩm. Tuy đang trong quá trình chuyển giao chuẩn bị quyết định sát nhập với một trong hai tập đoàn lớn nhất nước Mỹ (Johnson & Johnson hoặc Boston Scientific), Guidant vẫn tổ chức các hoạt động để tuyển chọn các sinh viên MBA vào thực tập và làm việc hết sức quy củ. Các giám đốc phụ trách Marketing, Tài chính, Nhân lực và Chiến lược của công ty đều đến tham dự, trình bày về tình hình công ty và những thành tựu cũng như những thách thức trước mắt, đồng thời trả lời chi tiết các câu hỏi của sinh viên.
Sau đó là phần trình bày sản phẩm do chính các nhân viên phụ trách Marketing và bán hàng trước kia đã từng là sinh viên MBA thực hiện. Các sản phẩm đều được trình bày hết sức thực tế và sinh động như trình bày cho các khách hàng. Sở dĩ các hãng Johnson & Johnson hay Boston Scientific muốn mua bằng được Guidant là vì Guidant có các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ví dụ như sản phẩm phục vụ các thao tác mổ tim, mổ não, với những thiết bị tinh vi và nhỏ xíu có thể làm giảm thời gian mổ, thời gian hồi phục tới ba phần tư so với các thiết bị tương tự của các hãng khác.
Phương thức tiếp thị của hãng cũng rất linh hoạt và đặc thù cho ngành y tế của Mỹ, với hệ thống bảo hiểm y tế đa phần do nhà nước và các tập đoàn lớn thanh toán, người lao động là người hưởng lợi, còn người dùng thực tế là các bác sỹ, phẫu thuật gia, y tá, kỹ thuật viên. Tùy từng loại sản phẩm, các phưong pháp tiếp cận thị trường sẽ khác nhau; ví dụ sản phẩm sử dụng để mổ lấy mạch máu trên chân hoặc tay của bệnh nhân dùng thay cho mạch máu gần tim, bệnh nhân có thể trực tiếp thấy được sự khác biệt của các sản phẩm, Guidant sẽ phải tiếp thị khác với sản phẩm dùng để phá khối mỡ và tế bào mang bệnh trong tim, vì khi đó bệnh nhân không thấy rõ được công dụng sản phẩm.
Công ty cuối cùng là Hewlett Packard (HP). Tự hào là một trong những hãng có công nghệ tiên tiến nhất thế giới về máy in, máy photo copy, máy tính… (khẩu hiệu đi liền với tên gọi HP là Invent, có nghĩa là phát minh), hiện nay HP cũng đang gặp phải thách thức lớn là liên tục giữ đà đổi mới và phát triển đó để theo kịp với thị trường và các đối thủ cạnh tranh. Cũng như các hãng công nghệ cao khác, HP dành nhiều tiền đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ và thành lập một số phòng nghiên cứu thí nghiệm (HP lab) chính trên thế giới tại những trung tâm công nghệ cao lớn nhất của thế giới: Palo Alto- Mỹ, Tokyo – Nhật, Bristol – Anh, Bangalore – Ấn Độ, Haifa-Israel.
Tại HP lab ở Palo Alto-Mỹ, người phụ trách các chuyến thăm quan lab giới thiệu về công nghệ streaming (truyền) hình ảnh trên Internet, công nghệ nano, công nghệ sử dụng nhiều máy ảnh cao cấp để khôi phục các đường nét của một cổ vật hoặc các vết hằn trên các trang nhật ký, mới được thử nghiệm tại các bảo tàng tại một số nước trên thế giới và phòng nghiên cứu tội phạm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, công nghệ điều hòa nhiệt trên các con chip vi tính và sử dụng máy điều khiển và cảm ứng nhiệt tự động cho các phòng máy tính chủ và mạng có công suất lớn… Một thách thức đối với các nhà khoa học tại phòng lab là làm thế nào để cho ra đời những công nghệ có tính ứng dụng cao, có thể thương mại hóa đem lại lợi nhuận cho công ty. Khi được hỏi về điều này, bà Rachel Vaughan, người phụ trách các chương trình thăm quan của HP lab cho biết, để bảo mật bà không thể cung cấp con số chính xác về tỷ lệ thành công cũng như phương pháp đo lường hiệu quả đầu tư lại các phòng thí nghiệm này, và mỗi một sản phẩm đều khác nhau. Chẳng hạn hiện nay họ hoàn toàn có thể cho ra đời loại sách điện tử mỏng cỡ một cuốn tạp chí dày nửa centimét, với dung lượng cỡ khoảng 250 quyển sách bình thường, nhưng cũng chưa rõ vì lý do gì mà vẫn chưa đưa ra thị trường.
Có thể thấy dù khác nhau về sản phẩm và xu thế phát triển của thị trường, mỗi một công ty nói trên đều hết sức chú trọng vào việc tuyển và sử dụng những người giỏi nhất họ có thể tìm được, dù là các kỹ thuật viên trong các công nghệ mũi nhọn trọng yếu hay các nhà quản lý được đào tạo từ các trường quản lý hàng đầu, hay chính các nhân viên phụ trách quan hệ đối ngoại với các trường cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty. Việc tạo điều kiện cho các sinh viên chưa ra trường học hỏi và tìm hiểu về các chuyên ngành, các bộ phận trong công ty cũng như môi trường làm việc, tình hình thị trường, đối tượng khách hàng của công ty… là công tác được đặt lên tầm quan trọng ngang hàng với việc phục vụ tốt khác hàng. Nước Mỹ hàng năm thu hút hàng sinh viên theo học các bậc học thạc sỹ và tiến sỹ từ khắp nơi trên thế giới, từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, cho tới Iran, Irắc, Êtiopia, Nicaragoa… và cho phép những ai có sức cạnh tranh trong các ngành công nghệ mũi nhọn có thể tìm và làm việc cho các công ty Mỹ. Nhờ thế, các hãng công nghệ cao của Mỹ vẫn luôn đứng đầu trên thế giới và liên tục phát triển tạo ra những sản phẩm mới làm thay đổi thế giới.