Thành phố kỳ bí tiền Inca lộ diện tại Peru

Các nhà khoa học làm việc tại miền bắc Peru đã phát hiện ra một khu mộ hoành tráng khoảng 1.000 năm tuổi nằm trong thành phố Sican nổi tiếng thời tiền Inca.

Nền văn hoá Sican hưng thịnh vào khoảng năm 800-1300, là một trong số ít xã hội chế tạo kim loại. Sau này nó đã bị diệt vong bởi hạn hán và các cuộc xâm lược. Những phát hiện mới sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về nền văn hoá này.
“Đó là một thành phố tôn giáo, một nơi ngự trị linh thiêng của các nghĩa trang thần bí”, Izumi Shimada tại Đại học Southern Illinois, Mỹ cho biết. “Điều này cho thấy Sican là một xã hội rất có tổ chức”.
Khu vực chôn cất nằm ở bờ biển phía bắc của Peru, gần thị trấn Ferrenafe. Nó chứa ít nhất 20 ngôi mộ. Trong số những phát hiện có 12 con dao tumi – vật trang trí dùng trong nghi lễ làm từ hợp chất vàng, bạc, đồng, cùng các đồ gốm, mặt nạ, giáp che ngực.
Được chôn trong một kim tự tháp dài 30 m, các nhà khảo cổ còn tìm thấy bộ xương của một người phụ nữ ngoài 20 tuổi, được vây quanh bởi các bức tượng nhỏ hình chúa Sican, đồ gốm và các vật thể bằng đồng và vàng.
Một bộ xương của một người có vị thế được tìm thấy trong tư thế ngồi, đi kèm theo một vương miện bằng kim loại, một con hàu có nhiều gai và một chiếc lọ bằng gốm.
Những con dao tumi là một phát hiện quý giá, bởi đến nay các nhà khoa học mới chỉ biết đến tumi qua những kẻ cướp mộ. Việc phát hiện ra những con dao này trong mộ sẽ giúp họ hiểu hơn về vai trò của tumi trong văn hoá Sican.
Một trong các tumi có hình tượng trưng của Naylamp, người sáng lập ra nền văn hóa Sican mà theo truyền thuyết xuất hiện từ biển và biến thành một vị thần.
Người Sican được biết đến với khả năng sản xuất ra vàng, bạc và đồng với số lượng có giá trị trong giai đoạn đó. Họ buôn bán các vỏ sò và đá quý với các xã hội khác mà nay là Ecuador, Chile và Colombia. Nền văn hoá Sican đã suy yếu khi mà nền văn hoá mạnh mẽ nhất Peru là Inca trỗi dậy vào khoảng năm 1200.

M.T. (theo BBC)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)